Giữ ổn định Kỳ thi THPT quốc gia

11.10.2019 14:43649 đã xem

Giai đoạn 2021 - 2025 cơ bản giữ ổn định như Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. Ảnh: HẢI NAM

Mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì phiên họp Hội đồng Quốc gia giáo dục và Phát triển nhân lực để nghe Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) báo cáo về Dự thảo phương án tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) và tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) sau năm 2020.

 

Hướng đến giảm áp lực kỳ thi

Phương án đổi mới thi xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ từ sau năm 2020 được Bộ GD&ĐT đề xuất trên cơ sở tuân thủ ba nguyên tắc cơ bản. Thứ nhất, bảo đảm tính ổn định của lộ trình đổi mới thi/tuyển sinh; không gây xáo trộn đối với việc dạy, học của giáo viên và học sinh; không gây bức xúc xã hội; bảo đảm đúng quy định của Luật Giáo dục số 43/2019/QH14 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Thứ hai, kế thừa kết quả đã đạt được trong tổ chức kỳ thi THPT quốc gia giai đoạn 2015-2020, đáp ứng yêu cầu Nghị quyết 29-NQ/T.Ư của T.Ư Đảng, Kết luận số 51-KL/T.Ư ngày 30-5-2019 của Ban Bí thư, Nghị quyết 44/NQ-CP của Chính phủ; đồng bộ với lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới và lộ trình tăng cường tự chủ của các cơ sở GD&ĐT. Thứ ba, ứng dụng hiệu quả các thành tựu của khoa học đo lường và đánh giá trong giáo dục; áp dụng lý thuyết khảo thí hiện đại và ứng dụng tối đa thế mạnh của công nghệ thông tin trong tổ chức thi, tham khảo các mô hình tổ chức thi của các tổ chức khảo thí quốc tế hàng đầu (ACT, ETS,...), từng bước tiếp cận xu hướng thi/tuyển sinh của các nước tiên tiến trên thế giới.

Mục đích và yêu cầu của phương án là tổ chức kỳ thi gọn nhẹ, giảm áp lực, tốn kém, bảo đảm độ tin cậy; đánh giá được kết quả học tập ở bậc học THPT theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình và hướng tới đánh giá phẩm chất, năng lực của người học để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT; tác động tích cực trở lại đối với quá trình đổi mới phương pháp dạy và học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trong các nhà trường; bảo đảm có độ phân hóa phù hợp nhằm có thể phát hiện nhân tài để cung cấp dữ liệu tin cậy cho các cơ sở giáo dục ĐH và giáo dục nghề nghiệp tham khảo, sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.

Theo đó, Bộ GD&ĐT đã trình bày nội dung cơ bản của phương án thi. Đối tượng dự thi là học sinh hoàn thành chương trình lớp 12 nếu đáp ứng các quy định của Bộ GD&ĐT. Nội dung thi nằm trong chương trình THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12. Phương thức tổ chức thi: tổ chức thi trên giấy như hiện nay, đồng thời chuẩn bị các điều kiện để tổ chức thi trên máy tính theo lộ trình bảo đảm tính khả thi.

Nhận định phương án tổ chức thi sau năm 2020, GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết, cần phải xem tác động đối với xã hội, người học, tác động để có nguồn nhân lực trong tương lai ra sao và tác động đến đổi mới nói chung. Muốn hay không muốn cũng phải đưa công nghệ vào, nhưng cần quan tâm các điều kiện bảo đảm tính khả thi: Hình thức tổ chức ra sao, ngân hàng đề thế nào, hạ tầng cơ sở vật chất trang thiết bị và cuối cùng là các chế tài và lộ trình thực hiện cho phù hợp điều kiện Việt Nam.

Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội Hoàng Minh Sơn ủng hộ áp dụng công nghệ vào kỳ thi và cho rằng việc này cần làm khẩn trương nhưng có lộ trình từng bước chắc chắn.

Chỉ điều chỉnh phù hợp thực tế

Về lộ trình triển khai, giai đoạn 2021 - 2025: cơ bản giữ ổn định như Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019; thực hiện một số điều chỉnh cho phù hợp thực tế phương thức tổ chức thi và đặc biệt là phương thức tổ chức thi trên máy tính. Cụ thể, các bài thi bắt buộc Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ được giữ ổn định như năm 2019; cấu trúc lại các câu hỏi trong các bài thi tổ hợp tự chọn (khoa học tự nhiên và khoa học xã hội) theo chuẩn đầu ra của chương trình, chủ yếu là đánh giá kiến thức, kỹ năng và hướng tiếp cận đánh giá năng lực; giảm số lượng câu hỏi trong từng bài thi để trở thành bài thi tổng hợp, đồng thời từng bước hoàn thiện thành bài thi tích hợp phù hợp lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa; mỗi bài thi khi chấm chỉ cho ra một đầu điểm duy nhất, không còn bốn đầu điểm như hiện nay.

Bộ GD&ĐT chỉ đạo chung gồm: ban hành quy chế, ra đề thi, thanh, kiểm tra, giám sát, chủ trì tổ chức chấm thi bài thi trắc nghiệm. UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm tổ chức kỳ thi tại địa phương. Các cơ sở giáo dục ĐH được Bộ GD&ĐT điều động tham gia các khâu thanh tra, kiểm tra, giám sát, tổ chức chấm thi và phúc khảo bài thi.

Giai đoạn tiếp theo (sau năm 2025), tiếp tục ổn định kỳ thi cho các học sinh học chương trình GDPT mới có nhu cầu dự thi để được cấp bằng tốt nghiệp THPT. Điều chỉnh cho phù hợp điều kiện thực tế và đặc biệt là hoàn thiện phương thức thi trên máy tính để phụ huynh và học sinh chủ động trong dạy học, ôn tập và chuẩn bị tham gia kỳ thi.

BÁO THỜI NAY SỐ 1013 NGÀY 30/9/2019

Tin tức khác