Tăng cường các giải pháp phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em

05.10.2018 08:124957 đã xem
Bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập, xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em (Khoản 6, Điều 4, Luật Trẻ em năm 2016).

Bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập, xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em (Khoản 6, Điều 4, Luật Trẻ em năm 2016).
Xâm hại tình dục trẻ em là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ trẻ em tham gia vào các hành vi liên quan đến tình dục, bao gồm hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô với trẻ em và sử dụng trẻ em vào mục đích mại dâm, khiêu dâm dưới mọi hình thức (khoản 8, Điều 4, Luật Trẻ em 2016).
Tại tọa đàm “Vai trò của cha mẹ trong phòng chống bạo lực và xâm hại trẻ em” do TW Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức ngày 09/7/2014 cho biết: Theo báo cáo của Bộ Công an, mỗi năm cả nước xảy ra 3.000 - 4.000 vụ bạo lực trẻ em, trong đó có khoảng 100 trẻ bị giết hại và 1.000 trẻ bị xâm hại tình dục được phát hiện. Mỗi năm trung bình có từ 1.600 - 1.800 vụ xâm hại trẻ em nghiêm trọng được phát hiện (kể cả xâm hại tình dục). Gần 24% số phụ nữ đã lập gia đình và có con dưới 15 tuổi cho biết chồng của họ đã có hành vi bạo lực đối với con cái.
Theo khảo sát của Tổng cục Thống kê với sự hỗ trợ của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), có gần 80% số trẻ em Việt Nam từ 2-14 tuổi bị cha mẹ hoặc người chăm sóc hay những người khác trong gia đình trừng phạt bằng bạo lực. 
Theo số liệu từ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, năm 2016, cả nước có 1.248 vụ xâm hại trẻ em, trong đó 1.211 trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm tỷ lệ 97% các vụ việc được thống kê và phát hiện. Tính trung bình, cứ 8 giờ trôi qua lại có một trẻ em Việt Nam bị xâm hại đây chỉ là con số của những vụ việc được báo cáo, còn rất nhiều vụ nạn nhân bị chính kẻ xâm hại dọa dẫm hoặc vì lý do nào đó đã không được thống kê. 
Trong đó riêng số vụ hiếp dâm trẻ em lên tới 80% nhưng chỉ có 40% số vụ bị xử lý hình sự, số còn lại đều bỏ trốn hoặc nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. khiến cho tình trạng này ngày càng gia tăng.
Trong những năm vừa qua, Lâm Đồng luôn là địa phương được Bộ LĐ-TB&XH xếp vào top những tỉnh thực hiện tốt quyền trẻ em. Tuy nhiên, việc chăm sóc sức khỏe và mức độ bảo vệ trẻ em tại Lâm Đồng vẫn còn những góc khuất với rất nhiều thách thức, đặc biệt là với trẻ em ở những nơi chưa phát triển. Tỷ lệ trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt vẫn còn cao; việc giảm tỷ lệ trẻ em bị bạo lực, trẻ em bị xâm hại tình dục dù đã được can thiệp và trợ giúp 100% và đã có giảm so với thời điểm 2012 tuy nhiên về mức độ lại nghiêm trọng hơn. Đặc biệt, tai nạn thương tích trẻ em (đuối nước, tai nạn giao thông) vẫn luôn là vấn đề làm đau đầu các cơ quan chức năng, song đến thời điểm hiện tại vẫn chưa tìm ra phương thức hữu hiệu để kiểm soát, ngăn ngừa, nhất là đối với trẻ em vùng sâu, vùng xa. 
Có thể rút ra một số nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng bạo lực trẻ em như sau:
Sự suy thoái về lối sống, đạo đức của người lớn, các bậc làm cha, làm mẹ, làm thầy cô... bắt nguồn từ việc, các thiết chế trong xã hội, nhất là luật pháp của chúng ta không được thực thi một cách nghiêm túc.
Trình độ nhận thức, hiểu biết về pháp luật của một bộ phận người lớn còn rất kém, nhiều người làm cha mẹ không hiểu, biết về quyền của trẻ em đã được pháp luật quy định và liên tục vi phạm. 
Hoàn cảnh gia đình, kinh tế khó khăn, mâu thuẫn gia đình, cha mẹ bị cuốn vào tệ nạn xã hội, ma túy, cờ bạc... cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến bạo hành trẻ em.
Việc tuyên truyền, giáo dục, thực thi quyền trẻ em hiện nay của chúng ta còn thụ động, thiếu tính phòng ngừa, nhiều vụ việc khi xảy ra nghiêm trọng, báo chí nêu lên, các cơ quan chức năng mới vào cuộc, lên tiếng. 
Từ thực trạng và nguyên nhân trên, để bạo lực công tác phòng chống bạo lực trẻ em trong ngành giáo dục đạt hiệu quả cần tăng cường các giải pháp sau:
Thứ nhất, xem gia đình là nền tảng: Gia đình luôn là cái nôi đầu tiên cho con cái lớn lên thành người, là nền tảng cốt lõi cho sự phát triển của những đứa trẻ sau này, nên trước hết, ông bà, cha mẹ phải mẫu mực. Nhất là những gia đình trẻ, cần hiểu nhau và hành xử văn minh để những đứa trẻ không bị ảnh hưởng bởi hành vi bạo lực. Trong gia đình, mẹ luôn là người gần gũi, dễ tâm sự với con hơn cả, nhất là vào giai đoạn những đứa trẻ bước chân vào cuộc sống, có những mối quan hệ bạn bè, xã hội. Hơn ai hết, người mẹ cần trở thành người bạn, đồng hành trong từng bước đi của con. Vì vậy, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục cha mẹ chăm sóc, giáo dục con là hết sức quan trọng để cha mẹ nhận thức được tầm quan trọng của việc phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Cha mẹ phải là người quan tâm thường xuyên và để ý đến những hành vi phi ngôn ngữ của con để nhận biết những dấu hiệu con bị bạo lực, xâm hại tình dục. Lắng nghe tâm sự, những câu chuyện của con, thuyết phục con kể tất cả những gì xảy ra với con trên đường phố giúp con tránh xa những hiểm họa bạo lực, xâm hại tình dục. Trong trường hợp con có các biểu hiện bị xâm hại tình dục như: sợ hãi, khóc lóc, hay gặp ác mộng, sống khép mình….thì cha mẹ nên dùng tình cảm, sự yêu thương của mình động viên con nói ra sự thật từ đó giải quyết mọi vấn đề một cách bình tĩnh nhất. Quan tâm đến các con nhiều hơn và chủ động trang bị cho con kiến thức tự bảo vệ để tránh khỏi nguy cơ bị bạo lực, xâm hại tình dục.
Thứ hai, nhà trường luyện kỹ năng: Sau gia đình, nhà trường là nơi nuôi dạy, giáo dục cho trẻ em có được nền tảng kiến thức cũng như kỹ năng để bước vào cuộc sống. Trước thực trạng bạo hành, xâm hại đối với trẻ em ngày càng phức tạp, khó lường, Sở GD-ĐT tổ chức nhiều hoạt động giáo dục liên quan. Việc tuyên truyền đến phụ huynh, học sinh về chăm sóc, giáo dục trẻ em, học sinh và cảnh báo những biểu hiện xâm hại cũng như hậu quả nhằm đề cao cảnh giác. Ngành giáo dục cũng quán triệt đội ngũ giáo viên, nhân viên xây dựng văn hóa trường học, nghiêm cấm các hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo, phòng chống bạo lực học đường và các tệ nạn xã hội xâm nhập vào trường học.
Thường xuyên đổi mới, nội dung, hình thức, biện pháp tuyên truyền. Đưa nội dung tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em vào chương trình chính khóa ở các trường học và sinh hoạt đoàn, đội; tổ chức hoạt động ngoại khóa tại sân trường, tổ chức các hội thi …Phối hợp với các cơ quan chức năng tuyên truyền, phổ biến các quy định về bảo vệ trẻ em trong Luật trẻ em và các văn bản pháp luật có liên quan để Luật trẻ em và các quy định được triển khai thực hiện có hiệu quả. Tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, đặc biệt về phòng ngừa xâm hại tình dục và bạo lực đối với trẻ em cho cha, mẹ, các thành viên gia đình, giáo viên, người chăm sóc trẻ, người trực tiếp làm việc với trẻ em.
Thứ ba, Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện các biện pháp bảo vệ trẻ em; xây dựng môi trường sư phạm an toàn, lành mạnh, không có bạo lực, xâm hại trẻ em; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Đặc biệt, tăng cường tuyên truyền, giáo dục kiến thức về giới và kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh tại các cơ sở giáo dục, trường học; kịp thời phát hiện các trường hợp học sinh có dấu hiệu bị bạo lực, xâm hại, thông báo, cung cấp thông tin và phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để thực hiện việc điều tra, xử lý.
Thứ tư, tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, đặc biệt về phòng, chống bạo lực, xâm hại cho cha mẹ, các thành viên gia đình, giáo viên, người chăm sóc trẻ em, người trực tiếp làm việc với trẻ em. Truyền thông về Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em để mọi trẻ em, cá nhân, cơ quan, tổ chức liên hệ miễn phí khi có nhu cầu tìm kiếm thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em. Thiết lập đầu mối tiếp nhận thông tin, thông báo, tố giác; xác lập cơ chế phối hợp phòng ngừa, xử lý vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em tại địa phương.
Kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em. Thực hiện quy trình hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị xâm hại, bạo lực trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật. Đôn đốc, kiểm tra, thanh tra giải quyết xử lý các vấn đề, vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em phức tạp được xã hội quan tâm. 
Tổ chức thực hiện tốt công tác tư vấn tâm lý học đường góp phần giải quyết những khó khăn vướng mắc của học sinh về mặt tâm lý, ngăn chặn và phòng ngừa những tệ nạn xã hội, vi phạm an toàn giao thông, bạo lực học đường. Tổ chức tập huấn kỹ năng sống, giáo dục môi trường và các vấn đề xã hội cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên làm công tác giáo dục kỹ năng sống ở các trường THCS và THPT. Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về tuyên truyền  phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em cho cán bộ đoàn, hội, đội chủ chốt ở cơ sở. Đặc biệt chú trọng xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, các đội xung kích, tình nguyện trong các tổ chức đoàn, hội, đội nhằm tuyên truyền sâu rộng  về phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em.
Thứ năm, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ ngành giáo dục đẩy mạnh việc tuyên truyền về Luật Bình đẳng giới, công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ trong tình hình mới. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình tư vấn học đường, giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng xử lý các tình huống khi bị bạo lực gia đình; đầu tư, nâng cao hiệu quả mô hình địa chỉ tin cậy trong trường học để bảo vệ, phòng, chống bạo lực gia đình. Đồng thời, xây dựng bộ tài liệu truyền thông liên quan về giáo dục phẩm chất đạo đức, giáo dục pháp luật, giáo dục làm cha mẹ, an toàn thực phẩm, phòng, chống bạo lực giới tính, bạo lực gia đình.
Chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em một cách tốt nhất, hướng các em tới một môi trường lành mạnh, cơ bản để phát triển toàn diện sẽ cần rất nhiều thời gian. Điều này không chỉ đơn thuần là gắn hai chữ trách nhiệm, mà chúng ta còn phải biết lắng nghe, tôn trọng trẻ em với tất cả tình yêu thương.

BAN VÌ SỰ TIẾN BỘ CỦA PHỤ NỮ SỞ GDĐT


 

Tin tức khác