Thúc đẩy bình đẳng giới qua Câu lạc bộ ''Thủ lĩnh của sự thay đổi''
Mặc dù thời gian hoạt động chưa nhiều nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” do các cấp Hội Phụ nữ trong toàn tỉnh phối hợp với một số đơn vị trường thành lập trong thời gian qua đã trang bị được nhiều kiến thức, kỹ năng hữu ích cho học sinh người dân tộc thiểu số (DTTS). Từ đó, giúp các em thay đổi cách nghĩ, cách học, cách làm, góp phần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS.
Một buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” Trường Tiểu học &THCS Gia Bắc
• TUYÊN TRUYỀN VIÊN ĐẮC LỰC
Buổi ra chơi ngày học đầu tuần, học sinh Trường Tiểu học &THCS Gia Bắc (huyện Di Linh) lại được nghe tuyên truyền về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, bình đẳng giới… trên loa truyền thanh của trường. Ka Jên - Chủ nhiệm CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” Trường Tiểu học & THCS Gia Bắc đại diện cho các thành viên CLB của trường đọc nội dung tuyên truyền. "Em rất vinh dự khi được tham gia CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi”. Chúng em được học nhiều kỹ năng sống, cách làm việc nhóm chung, sinh hoạt nhóm chung, từ đó mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp, phát huy tính sáng tạo trong các hoạt động tập thể. Đặc biệt chúng em được tìm hiểu các kiến thức về phòng, chống tệ nạn xã hội, các hủ tục như tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống… Em sẽ cố gắng cùng các thành viên trong CLB tích cực tuyên truyền cho người thân và bạn bè chấp hành tốt Luật Hôn nhân và Gia đình, đặc biệt là chống tảo hôn, kết hôn cận huyết thống”, Ka Jên chia sẻ.
30 thành viên của CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” Trường Tiểu học & THCS Gia Bắc gồm các học sinh DTTS từ lớp 6 đến lớp 9. Tham gia vào CLB, học sinh được tìm hiểu về các kiến thức như quyền trẻ em, phòng, chống xâm hại tình dục, phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, phòng tránh bạo lực học đường, kỹ năng giao tiếp ứng xử trên không gian mạng thông qua các trò chơi, thảo luận nhóm, vẽ tranh, đóng kịch... “Các em là những tuyên truyền viên tích cực tuyên truyền đến học sinh toàn trường cũng như người thân và cộng đồng, qua đó tạo sự thay đổi về thái độ, nhận thức và hành vi ứng xử trong việc ngăn ngừa và ứng phó với bạo lực, xâm hại trẻ em, định kiến về giới…”, cô giáo Jơ Nơr Long Nhung - Dẫn trình viên CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” Trường Tiểu học & THCS Gia Bắc cho biết.
• THÚC ĐẨY THỰC HIỆN BÌNH ĐẲNG GIỚI
CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” Trường Tiểu học & THCS Gia Bắc là mô hình điểm được Hội LHPN tỉnh ra mắt vào cuối năm 2022, sau đó tiếp tục triển khai tại các trường học thuộc các xã đặc biệt khó khăn trên toàn tỉnh. Đây là 1 trong 4 mô hình cơ bản của Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025. Mô hình nhằm thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới, góp phần giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi. Thông qua hoạt động của mô hình nhằm hỗ trợ chính quyền và các ban, ngành địa phương, nhà trường và cha mẹ học sinh thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và giải quyết các vấn đề cấp thiết liên quan đến trẻ; đồng thời, trang bị kiến thức, kỹ năng giúp trẻ tự bảo vệ mình và thúc đẩy sự tham gia chủ động, có ý nghĩa của trẻ em vào các vấn đề liên quan đến trẻ tại địa phương. Thông qua CLB, trẻ em và thanh, thiếu niên được tạo điều kiện để trải nghiệm và phát huy các sở trường của mình cũng như tham gia các hoạt động của CLB tại trường học, tại thôn và tại xã; tạo dựng được mạng lưới có sự hỗ trợ để các bạn trẻ tiên phong trong việc xây dựng cộng đồng an toàn và không bạo lực giới.
Đến nay, các cấp Hội LHPN toàn tỉnh đã thành lập được 15 CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại các trường học thuộc các xã đặc biệt khó khăn của 7 huyện thực hiện Dự án 8 gồm: Lạc Dương, Đức Trọng, Đơn Dương, Lâm Hà, Di Linh, Đam Rông, Bảo Lâm, hoàn thành chỉ tiêu của giai đoạn I.
“CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” là một sân chơi, một diễn đàn thực sự dành cho học sinh các trường học vùng đặc biệt khó khăn. Thông qua hoạt động của CLB, các em không chỉ được nâng cao kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ bản thân, tự tin, bản lĩnh để thay đổi, mà còn là nơi để trẻ cùng nhau giao lưu, chia sẻ, nâng cao nhận thức, tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí phù hợp với lứa tuổi… Các thành viên CLB là những hạt nhân tiên phong góp phần thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu trong đời sống của đồng bào các dân tộc tại địa phương”, bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho hay.
TUẤN HƯƠNG – Báo Lâm Đồng