Giáo viên tự chủ, linh hoạt sáng tạo trong dạy học, cha mẹ học sinh đồng hành thì dạy học Tiếng Việt lớp 1 sẽ không còn khó khăn

09.10.2020 15:495394 đã xem

Năm học 2020-2021 là năm đầu tiên Bộ GDĐT thực hiện chương trình GDPT 2018, sách giáo khoa lớp 1. Qua hơn 3 tuần dạy và học, nhiều phụ huynh còn có các ý kiến khác nhau, có phụ huynh nói kiến thức nặng khiến con học hành vất vả, có phụ huynh nhận xét lúc vừa tiếp xúc SGK, cháu có vẻ chưa quen nên hơi vất vả nhưng sau đó cháu làm quen nhanh với các vần, sau này nhìn vào có thể tự ghép âm mà không cần  hướng dẫn. Trong khi đó, đa số giáo viên khi được tập huấn, bồi dưỡng chương trình và áp dụng dạy học nhận thấy phù hợp với tâm lý; trẻ tiếp thu tốt, phát triển được nhiều kĩ năng, phù hợp phương pháp học hiện đại.

Lớp 1 thực hiện dạy học 1 tháng trong bối cảnh năm học 2019-2020 trẻ mầm non 5 tuổi nghỉ kéo dài do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, năm học này học sinh tựu trường muộn hơn so với những năm trước khoảng 2 tuần, học sinh chỉ có một khoảng thời gian rất ngắn để làm quen với trường, lớp, cô giáo, bạn bè, việc chuẩn bị tâm thế và trang bị những kĩ năng cần thiết cho học sinh trước khi chính thức học chương trình lớp 1 có những khó khăn, đặc biệt ở những trường có sĩ số học sinh đông.

Để hiểu rõ nội dung chương trình lớp 1, bài viết này cung cấp cho các nhà quản lý giáo dục, giáo viên và các bậc cha mẹ học sinh tìm hiểu các nội dung Tiếng Việt lớp 1, đồng thời nêu các giải pháp nhằm giải quyết những khó khăn năm đầu tiên triển khai dạy học môn Tiếng Việt lớp 1 Chương trình GDPT 2018.

1. Tìm hiểu môn Tiếng Việt lớp 1 Chương trình GDPT 2018

- Chương trình giáo dục tiểu học giúp học sinh hình thành và phát triển những yếu tố căn bản đặt nền móng cho sự phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần, phẩm chất và năng lực; định hướng chính vào giáo dục về giá trị bản thân, gia đình, cộng đồng và những thói quen, nền nếp cần thiết trong học tập và sinh hoạt. Năm học 2020-2021 chỉ triển khai ở lớp 1 là lớp học đầu tiên, nền móng cấp tiểu học, các em được học theo định hướng phát triển cả phẩm chất và năng lực, nhằm hình thành phát triển nhân cách toàn diện ở trẻ em, học không chỉ thiên về kiến thức mà còn phát triển hài hòa cả nhân cách, trí tuệ, tâm hồn, thể chất, trong đó việc hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực của trẻ được chú trọng ngay từ lớp 1.

- Bộ GDĐT trao quyền tự chủ chuyên môn cho giáo viên khi áp dụng dạy học, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 quy định chuẩn đầu ra, thời lượng môn học, SGK là tài liệu, là phương tiện giúp giáo viên tạo đường hướng cho giáo viên để đạt chuẩn đâu ra đó. Vì vậy, giáo viên phải nắm vững chương trình môn học là yêu cầu bắt buộc khi thực hiện, các yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực, SGK để xây dựng kế hoạch dạy học làm sao cho học sinh đạt được chuẩn đầu ra. Chương trình mới nói chung và chương trình lớp 1 nói riêng được thiết kế mở. Vì thế, ngay trong quá trình thực hiện, các nhà trường, giáo viên có thể chủ động thực hiện linh hoạt, chỉ cần đảm bảo yêu cầu cần đạt của môn học.

- Chương trình mới có quy định chuẩn đầu ra và khung thời lượng năm học rất rõ ràng, với môn Tiếng Việt, chuẩn đầu ra nêu rõ 1 phút học sinh phải đọc được số từ, kết quả việc đọc viết. Để đạt chuẩn đó, học sinh sẽ học 420 tiết môn Tiếng Việt. So với chương trình lớp 1 cũ, số lượng chữ cái, âm, vần không thay đổi, không tăng thêm.

- Nội dung chương trình Tiếng Việt lớp 1 mới có phần tinh giản hơn nhưng thời lượng được kéo dài hơn, tăng từ 350 lên 420 tiết. Như vậy, về mặt khoa học, học sinh không hề phải học nặng hơn. Chương trình mới có điều chỉnh dựa trên quan điểm giúp học sinh đọc thông viết thạo sau khi học xong lớp 1 để từ đó có thể học tốt các môn khác. Do đó, dù kiến thức không cao hơn chương trình hiện hành, nhưng môn Tiếng Việt lớp 1 đã tăng thời lượng lên 420 tiết (chương trình hiện hành là 350 tiết), trong khi Toán chỉ xếp 70 tiết ở lớp 1.

2. Đối với nhà trường

- Xây dựng kế hoạch giáo dục thực hiện chương trình lớp 1 theo hướng phân bổ hợp lý về nội dung và thời lượng dạy học giữa các môn học, hoạt động giáo dục để không gây quá tải, đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện chương trình 2018 được xây dựng theo hướng mở; giúp học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập ngay tại lớp học.

- Thời khóa biểu cần bảo đảm tỷ lệ hợp lý giữa các môn học và hoạt động giáo dục, sáng không quá 4 tiết, chiều không quá 3 tiết, không quá 2 tiết/môn học/buổi, phân bổ hợp lý về thời lượng, thời điểm trong ngày học và tuần học phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi học sinh lớp 1; tổ chuyên môn khối 1 nghiên cứu các nội dung bài học đề xuất phương án tăng thời lượng tiết dạy môn Tiếng Việt báo cáo hiệu trưởng phê duyệt nếu thấy cần thiết, nhất là đối với học sinh vùng DTTS. 

- Giao cho giáo viên chủ nhiệm, giáo viên dạy buổi sáng theo dõi và cung cấp thông tin trao đổi với giáo viên buổi chiều có biện pháp giúp đỡ kịp thời đối với các em học sinh còn khó khăn trong học tập, những em chưa hoàn thành nhiệm vụ học tập trong buổi sáng.

- Tăng cường dự giờ, thăm lớp, thực hiện chuyên đề nhằm hỗ trợ thường xuyên cho giáo viên trong quá trình triên khai thực hiện chương trình; triển khai kế hoạch cho đội ngũ giáo viên cốt cán kịp thời giúp đỡ, chia sẻ khó khăn cho giáo viên lớp 1.

- Trong giai đoạn học kỳ 1, giáo viên lớp 1 cần được quan tâm về thời gian, giảm các nhiệm vụ không cần thiết để tập trung dạy học, nhà trường chỉ dự giờ góp ý, chia sẻ khó khăn, hỗ trợ tư vấn kịp thời, không giao chỉ tiêu gây áp lực, không đánh giá xếp loại giờ dạy của giáo viên.

- Trong quá trình dạy học, nhà trường giao giáo viên phải tìm hiểu kỹ đối tượng học sinh, yêu cầu cần đạt của chương trình, cách thiết kế của sách giáo khoa để xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp. Giáo viên và nhà trường được chủ động lên kế hoạch chi tiết để giúp học sinh đạt được yêu cầu chuẩn đầu ra cuối năm học mà chương trình đặt ra, nếu có hiện tượng học sinh quá tải vì học quá nhanh thì giáo viên cần điều chỉnh kế hoạch dạy học cho phù hợp với đối tượng học sinh của mình. Điều này chương trình cho phép và là nhiệm vụ của giáo viên.

3. Đối với giáo viên

- Chương trình GDPT 2018 là chương trình mở, chỉ quy định yêu cầu cần đạt vào cuối năm lớp 1 chứ không quy định yêu cầu cần đạt ở từng giai đoạn học tập. Theo đó, SGK cũng được thiết kế có tính mở, trao quyền chủ động cho GV. Vì vậy, ở mỗi hoạt động, GV có quyền linh hoạt điều chỉnh nội dung dạy học sao cho phù hợp với đối tượng HS và điều kiện thực tế của từng trường.

- Khi HS còn đang trong giai đoạn làm quen với việc học, giáo viên có thể điều chỉnh giảm yêu cầu cần đạt ở một số kĩ năng. Đối với kĩ năng đọc đoạn, những học sinh đọc chưa tốt chỉ yêu cầu các em đọc được từ ngữ có chứa âm/chữ/vần mới, tiến tới đọc câu ngắn. Những học sinh này có thể vừa đánh vần vừa đọc. Đối với các bài đọc ứng dụng.

- Giáo viên phải nghiên cứu kĩ sách giáo khoa khi tổ chức dạy học là yêu cầu bắt buộc, mỗi bài cung cấp kiến thức mới các âm vần thường được thiết kế trong 2 trang, ở trang chẵn, giáo viên cố gắng tất cả học sinh đều được đọc, được nhận diện âm, vần thông qua các hoạt động dạy học, không bỏ sót học sinh, kịp thời phát hiện giúp đỡ các em chưa hoàn thành nội dung học tập. Đối với trang chẵn là đọc ứng dụng, giáo viên linh hoạt, sáng tạo khi tổ chức cho học sinh đọc, tùy theo từng học sinh để giao nội dung đọc, có thể đọc từng từ, đọc từng câu, em tiếp thu nhanh có thể đọc ứng dụng hết cả bài, em thiếp thu còn  chậm có thể đọc câu có từ mới hoặc có thể vửa đánh vẩn vừa đọc.

- Với các dạng bài ôn tập, giáo viên linh hoạt khi tổ chức các hoạt động học trên lớp, vừa ôn luyện, vừa tổ chức trò chơi học tập hợp lý, chú ý không gây mệt mỏi cho học sinh nhất là học buổi chiều.

- Cấu trúc Tiếng Việt lớp 1 Chương trình GDPT 2018 là một bài học thống nhất trong 2 tiết, được thiết kế thành các hoạt động học tập, không gọi bằng các phân môn như Tập viết hay Luyện nói như tiếng Việt trước đây, do vậy giáo viên phải biết linh hoạt, sáng tạo trong dạy học.   

- Giáo viên được quyền xây dựng, điều chỉnh kế hoạch dạy học của mình cho phù hợp với đối tượng đảm bảo đạt yêu cầu chuẩn đầu ra vào cuối năm học cho mỗi môn học. Sách giáo khoa hiện nay được các tác giả viết theo yêu cầu chuẩn đầu ra của chương trình và được hội đồng thẩm định quốc gia thẩm định trước khi đưa vào sử dụng, vì vậy các sách giáo khoa đều đảm bảo đúng các điều kiện quy định. Tuy nhiên, mỗi sách giáo khoa có các cách tiếp cận khác nhau nên khi triển khai thực hiện, giáo viên cần nắm vững yêu cầu của chương trình, đặc điểm đối tượng học sinh, điều kiện thực hiện của nhà trường để xây dựng kế hoạch dạy học cho phù hợp (về thời lượng, tiến độ thực hiện, thời khóa biểu...) vì chương trình chỉ quy định thời lượng thực hiện cho mỗi môn học trong một năm và yêu cầu cần đạt cho từng năm học nên giáo viên được quyền xây dựng, điều chỉnh kế hoạch dạy học của mình cho phù hợp với đối tượng đảm bảo đạt yêu cầu chuẩn đầu ra vào cuối năm học cho mỗi môn học.

- Để thực hiện được chương trình theo chuẩn đầu ra quy định, cấp tiểu học được tổ chức học 2 buổi/ngày và giáo viên tổ chức các hoạt động dạy học giúp học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập ngay tại lớp. Nghiêm cấm việc giáo viên giao bài tập về nhà nhằm giúp các em có thời gian nghỉ ngơi và trải nghiệm kiến thức đã được học ở nhà trường với người thân, từ đó hình thành các năng lực, phẩm chất theo yêu cầu cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông 2018.

- Giáo viên tìm hiểu kỹ đặc điểm học sinh của lớp chủ nhiệm về tâm lý, thể chất, hoàn cảnh gia đình và việc tiếp thu mỗi ngày để thực hiện các hoạt động dạy học, giao nhiệm vụ học tập phù hợp với từng học sinh, giúp các em hoàn thành nhiệm vụ học tập một cách hứng thú, phù hợp với khả năng của mình.

- Môn Tiếng Việt lớp 1 không đặt yêu cầu quá cao về tập viết, thời gian học của học sinh chiếm thời lượng 60%, trong đó viết chỉ thực hiện khoảng 25%, thời gian còn lại dành cho các kĩ năng nghe, nói và kiểm tra đánh giá. Do vậy, trong quá trình mới bắt đầu dạy học và học sinh mới làm quen cách học tiếng Việt thì giáo viên không quá chú trọng vào viết chữ, bắt học sinh luyện viết nhiều sẽ làm cho học sinh vất vả, mệt mỏi dẫn đến không thích học.

- Đối với những lớp sĩ số đông, giáo viên chia nhỏ nhóm đối tượng học sinh để sâu sát, uốn nắn, hướng dẫn kịp thời cho các em, giai đoạn này giáo viên không phải ghi nhận xét nhiều vào vở mà trực tiếp giúp đỡ các em khi gặp khó khăn, ghi nhận tuyên dương các em với tiến bộ nhỏ nhất, giáo viên  phải chuẩn bị sẵn một số bút chì 2b, gôm, tẩy để giúp đỡ các em khi cần thiết. Giai đoạn con mới vào lớp 1 đối với môn học Tiếng Việt, điều mà cha mẹ các em quan tâm là cách đánh vần, hướng dẫn đọc viết của các con khi ở nhà. Tranh thủ thời gian khi đón con, giáo viên chủ nhiệm trao đổi, hướng dẫn các cha mẹ học sinh và giúp đỡ kịp thời. Giáo viên sử dụng tin nhắn, zalo hay các hình thức khác trao đổi với cha mẹ là cần thiết, tuy nhiên cần cân nhắc các thông tin cần gửi, tránh gạy áp lực cho cả  cha mẹ học sinh và các em.

- SGK hiện hành thiết kế mỗi bài học 2 tiết HS học 2 âm chữ hoặc vần mới. 5 quyển SGK TV lớp 1 mới mỗi nhóm tác giả có cơ sở phân chia số âm chữ hoặc vần mới thành các đơn vị bài học. Cả 5 bộ sách các âm chữ và vần đều được sắp xếp từ dễ đến khó, các vần cùng nhóm được sắp xếp dạy cùng một bài để hỗ trợ HS giảm các thao tác giống nhau, phát triển kỹ năng phân tích, tổng hợp, so sánh ở mức độ đơn giản.

- Đặc điểm học sinh tiểu học từ 6 tuổi vào lớp 1 bắt đầu học chữ, do vậy học sinh phải nhận diện được chữ cái mới học được âm vần, nhận diện được các âm vần, do đó cách hướng dẫn đánh vần của giáo viên là rất quan trọng. Trong giai đoạn này bắt buộc giáo viên phải phát âm chuẩn, tròn vành, rõ chữ, thể hiện làm mẫu đánh vần cho học sinh quan sát cách phát âm. Giáo viên linh hoạt trong kỹ thuật hướng dẫn đánh vần cho học sinh, trong đó chú ý các học sinh chưa nắm vững và không nhận diện được. Ví dụ đánh vần tiếng “bàn” có thể đánh vần: ban-huyền-bàn; bờ-an-ban-huyền-bàn; a-n-an-bờ-an-ban-huyền-bàn. Tùy theo từng em học sinh giáo viên hướng dẫn các em đánh vần miễn sao học sinh nhớ và đọc được.

- Bộ Kết nối tri thức với cuộc sống xếp 3 vần on - ôn - ơn dạy trong 1 bài, bộ Chân trời sáng tạo xếp các cặp vần như uc - ưc, oc - ôc dạy trong một bài… Cuối mỗi tuần hoặc mỗi nhóm vần đều bố trí các tiết thực hành, ôn tập hỗ trợ HS rèn luyện kỹ năng. Do mỗi học sinh có thể năng lực tiếp thu khác nhau, không thể có 100% HS có thể đọc trơn tru được các từ, câu, đoạn chứa tiếng có âm chữ hoặc vần mới học ngay sau khi học bài, đó là một thực tế, vì những âm chữ hoặc vần này các em sẽ còn gặp lại và luyện tập ở một chuỗi bài sau đó. Điều quan trọng là giáo viên nắm vững các em chưa hoàn thành các nội dung học tập để giúp đỡ thêm.

- Đối với kỹ năng viết, với những học sinh viết chưa tốt chỉ yêu cầu các em viết được chữ ghi âm mới, bước đầu hướng tới viết đúng độ cao, độ rộng, chưa đặt ra yêu cầu viết đẹp hoặc viết được các chữ ghi tiếng, ghi từ. Yêu cầu về các kỹ năng này sẽ được nâng cao dần qua từng giai đoạn học tập tiếp sau, tiến tới đạt yêu cầu cần đạt vào cuối năm học.

4. Đối với cha mẹ học sinh

- Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy “Trẻ em như búp trên cành, biết ăn biết ngủ biết học hành là ngoan”, Các bậc cha mẹ cần biết, lớp 1 là nền móng của tiểu học, khi ở cấp học mầm non hoạt động vui chơi là chủ đạo, nay bước vào lớp 1 thì hoạt động học tập là chủ đạo, do vậy các em phải làm quen từng bước nền nếp học tập, quy định của cô giáo như: Tư thế ngồi học, tư thế viết, cách cầm bút, chú ý trong học tập……rất cần sự quan tâm phối hợp của cha mẹ với giáo viên chủ nhiệm.

- Chương trình lớp 1 được thiết kế dạy học 2 buổi/ngày, sáng học 4 tiết, chiều học không quá 3 tiết, trẻ học cả ngày, các kiến thức cơ bản đã hoàn thành tại lớp, do vậy các bậc cha mẹ không nên lo lắng chuyện học thêm cho con, ngoài thời gian học tại trường, thời gian ở nhà dành cho trẻ nghỉ ngơi hợp lý nhằm phát triển trí tuệ, thể lực, sức khỏe. Thời gian tối gia đình cho con vừa ôn luyện vừa trò chuyện vừa chơi vui với con mình.

- Mục tiêu của dạy học 2 buổi/ngày là tăng cường giáo dục toàn diện, đặc biệt là tăng cường các hoạt động thực hành, rèn luyện thân thể, sinh hoạt văn hoá nghệ thuật, giáo dục kĩ năng sống cho học sinh; hạn chế tình trạng dạy thêm, học thêm, giảm áp lực học tập và góp phần giảm tải trong việc tổ chức thực hiện chương trình; đáp ứng yêu cầu quản lí và giáo dục học sinh của gia đình và xã hội; góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở cấp tiểu học.

- Định hướng đổi mới chương trình lớp 1 là hướng đến phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh. Theo đó, học sinh học tập tích cực, chủ động tham gia các hoạt động học tập; được tìm tòi, khám phá; được làm việc độc lập, hợp tác, trao đổi theo nhóm hay lớp, trong đó các em được tạo điều kiện để tự mình thực hiện nhiệm vụ học tập và trải nghiệm thực tế. Các em được tạo cơ hội bộc lộ, phát huy tiềm năng và những kiến thức, kĩ năng đã tích lũy được để phát triển. Dạy học hướng tới đáp ứng nhu cầu phát triển của từng cá nhân học sinh được chú trọng.

- Cha mẹ học sinh cần phối hợp với nhà trường trong việc giáo dục học sinh, cùng vui chơi và cùng học với bé lúc ở nhà thông qua một số hình thức học tập trải nghiệm, tạo được môi trường gia đình ấm áp, cùng với môi trường giáo dục nhà trường thân thiện và xã hội an toàn, đem đến niềm vui cho trẻ là điều nên làm. Phụ huynh cũng có thể yên tâm vì những âm chữ hoặc vần mới các em không chỉ được học ở một bài học mà liên tục được thực hành, ôn tập trong một chuỗi các bài học tiếp đó.

- Về mặt khoa học, tâm lý lứa tuổi, việc học chữ trước khi vào lớp 1 là không tốt cho chính các em học sinh. Trên thực tế, do tâm lý lo lắng nên một số phụ huynh bằng nhiều cách khác nhau cho con học chữ trước. Điều này dẫn đến việc giai đoạn đầu khi vào lớp 1, trong một lớp học có những em đã biết chữ trước và có em chưa biết, gây khó khăn trong quá trình tổ chức dạy học của giáo viên.

- Một yếu tố rất quan trọng góp phầm thành công của chương trình đó là công tác phối hợp giữa nhà trường với cha mẹ học sinh, giai đoạn trẻ mới vào lớp 1 chưa quen các hoạt động học tập, do vậy cha mẹ cần phối hợp và trao đổi thường xuyên với giáo viên chủ nhiệm để có các biện pháp giáo dục hợp lý, tất cả các thông tin phải kịp thời, thông suốt, bất kể việc gì xảy ra cần phải bình tĩnh tìm cách giải quyết, tránh nôn nóng làm ảnh hưởng tới các em.

- Các bậc cha mẹ học sinh cần phối hợp cùng nhà trường để giúp các em trải nghiệm các kiến thức đã học tại nhà một cách phù hợp, thoải mái. Ví dụ để tăng cường kỹ năng đọc cho các em bố mẹ có thể mua cho các em những cuốn truyện phù hợp với lứa tuổi để trẻ có thể rèn kỹ năng đọc qua đọc truyện và hình thành thói quen đọc sách.

- Trong quá trình các con đi học tại trường, giáo viên không chấm điểm tất cả các môn mà dành thời gian nhận xét, đánh giá và giúp đỡ kịp thời cho các em. Do đó sự kết nối giữa cha mẹ học sinh với giáo viên chủ nhiệm là rất quan trọng.

- Giai đoạn mới vào học lớp 1, nhất là học kỳ 1, giáo viên hầu như không chấm điểm và rất ít khi ghi nhận xét vào vở vì các em chưa biết đọc biết viết, giai đoạn này giáo viên chủ yếu nhận xét bằng lời và quan tâm giúp đỡ các em trực tiếp tại lớp. Do đổi mới không chấm điểm thường xuyên ở lớp, do vậy cha mẹ không thể hỏi: Hôm nay con được mấy điểm? điều cha mẹ cần quan tâm là cách học tập của con em mình, các điều kiện phục vụ học tập, động viên kịp thời các tiến bộ của con dù là nhỏ nhất, những băn khoăn của con cần giải thích của cha mẹ và cô giáo.

- Một trong những giải pháp để giúp HS không sợ học, không áp lực với việc học là không giao thêm và ép HS thực hiện quá nhiều nhiệm vụ học ở nhà. Việc giúp HS đọc thông, viết thạo cần có quá trình, không thể nóng vội, các bậc cha mẹ không quá lo lắng và cho trẻ học chữ trước vào lớp 1 để trẻ phát triển tự nhiên và tạo hứng thú khi vào lớp 1 được học cái mới. Điều này rất quan trọng trong việc hình thành nền nếp, động cơ học tập của trẻ.

Để chuẩn bị tâm thế cho trẻ lớp 1 học tốt chương trình GDPT 2018, các em học sinh cảm nhận thật sự đi học là hạnh phúc, mỗi ngày đến trường là một ngày vui” vì luôn được thầy cô bảo vệ thì các bậc cha mẹ học sinh tin tưởng ở nhà trường và thầy cô giáo, nếu các bậc cha mẹ luôn tin tưởng và đồng hành thì sẽ thành công./.

Nguyễn Duy Hải, Trưởng phòng GDTH Sở GDĐT Lâm Đồng

Tin tức khác