Tìm hiểu về Luật Quốc phòng 2018

29.03.2019 07:522449 đã xem

Luật Quốc phòng được Quốc hội Khóa XI thông qua ngày 14/6/2005 (Luật Quốc phòng năm 2005), có hiệu lực từ ngày 01/01/2006. Sau hơn 10 năm thực hiện đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước. Tuy nhiên, nhiều chủ trương, quan điểm mới của Đảng, quy định mới của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến bảo vệ Tổ quốc, quốc phòng cần được thể chế và cụ thể hóa; một số nội dung của Luật Quốc phòng năm 2005 chưa thống nhất, đồng bộ với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) liên quan về quốc phòng; nhiều nội dung đang được điều chỉnh ở văn bản QPPL tính pháp lý chưa cao, chưa được điều chỉnh hoặc điều chỉnh chưa đầy đủ; quá trình thực hiện đã bộc lộ nhiều bất cập, vướng mắc, chưa phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình hiện nay.

Ngày 25/6/2018, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIV đã thông qua Luật Quốc phòng (Luật số 22/2018/QH14), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019,

Luật Quốc phòng năm 2018 có 7 chương, 40 điều, giảm 2 chương và 11 điều so với Luật Quốc phòng năm 2005. Đây là Luật rất quan trọng, chi phối toàn bộ hệ thống pháp luật về quốc phòng, tác động đến hệ thống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Luật Quốc phòng năm 2018 đã thể chế đầy đủ quan điểm, đường lối của Đảng về quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân, lực lượng vũ trang nhân dân, phát huy sức mạnh tổng hợp để bảo vệ Tổ quốc; đồng thời đã cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, thống nhất với hệ thống pháp luật về quốc phòng, an ninh và pháp luật liên quan. Đặc biệt, Luật có nhiều quy định mới, tạo khuôn khổ pháp lý quan trọng để tăng cường sức mạnh quốc phòng bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, hình thái chiến tranh tương lai có nhiều thay đổi, phát triển mới, cụ thể:

Chương I.  Những quy định chung

Chương này gồm 6 điều (từ Điều 1 đến Điều 6), quy định phạm vi điều chỉnh; giải thích từ ngữ; nguyên tắc hoạt động quốc phòng; chính sách của Nhà nước về quốc phòng; quyền và nghĩa vụ của công dân về quốc phòng; các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực quốc phòng.

Chương II. Hoạt động cơ bản về quốc phòng

Chương này gồm 10 điều (từ Điều 7 đến Điều 16), quy định nền quốc phòng toàn dân; phòng thủ quân khu; khu vực phòng thủ; giáo dục quốc phòng và an ninh; động viên quốc phòng; công nghiệp quốc phòng, an ninh; phòng thủ dân sự; đối ngoại quốc phòng; kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng; công tác quốc phòng ở Bộ, ngành trung ương, địa phương.

Chương III. Tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, thiết quân luật, giới nghiêm

Chương này gồm 6 điều (từ Điều 17 đến Điều 22), quy định tuyên bố, công bố, bãi bỏ tình trạng chiến tranh; ban bố, công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp về quốc phòng; tổng động viên, động viên cục bộ; quyền hạn của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng; thiết quân luật; giới nghiêm.

Chương IV. Lực lượng vũ trang nhân dân

Chương này gồm 6 điều (từ Điều 23 đến Điều 28), quy định thành phần, nhiệm vụ của lực lượng vũ trang nhân dân; nguyên tắc hoạt động và trường hợp sử dụng lực lượng vũ trang nhân dân; quân đội nhân dân; Công an nhân dân; Dân quân tự vệ; chỉ huy Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và Dân quân tự vệ.

Chương V. Bảo đảm quốc phòng

Chương này gồm 5 điều (từ Điều 29 đến Điều 33), quy định bảo đảm nguồn nhân lực; bảo đảm nguồn lực tài chính; bảo đảm tài sản phục vụ quốc phòng; bảo đảm phục vụ quốc phòng trong lĩnh vực kinh tế - xã hội và đối ngoại; bảo đảm hoạt động của lực lượng vũ trang nhân dân.

Chương VI. Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức về quốc phòng

Chương này gồm 6 điều (từ Điều 34 đến Điều 39), quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ; nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Quốc phòng; nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ, ngành trung ương; nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân các cấp; nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân các cấp; nhiệm vụ, quyền hạn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận.

Chương VII. Điều khoản thi hành

Chương này có 01 điều (Điều 40) quy định hiệu lực thi hành.

* Điểm mới Luật Quốc phòng 2018

1. Mở rộng phạm vi điều chỉnh

Tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, thiết quân luật, giới nghiêm; bảo đảm quốc phòng (Điều 1)

2. Nguyên tắc hoạt động

Khẳng định Củng cố, tăng cường quốc phòng là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyền (Điều 3)

4. Chính sách của Nhà nước về quốc phòng

- Thay đổi tiêu đề từ Chính sách quốc phòng thành Chính sách của Nhà nước về quốc phòng (Điều 4)

- Bổ sung nhiều chính sách mới:

          + Huy động nguồn lực của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng.

+ Khuyến khích, tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức, cá nhân ủng hộ vật chất, tài chính, tinh thần cho quốc phòng trên nguyên tắc tự nguyện, không trái với pháp luật Việt Nam và phù hợp với luật pháp quốc tế.

+ Phát triển khoa học và công nghệ để xây dựng nền quốc phòng toàn dân, lực lượng vũ trang nhân dân, công nghiệp quốc phòng, an ninh đáp ứng nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

+ Nhà nước có chính sách ưu đãi đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng; có chính sách đặc thù ở khu vực biên giới, hải đảo, vùng chiến lược, trọng điểm, địa bàn xung yếu về quốc phòng.

- Bổ sung về quyền và nghĩa vụ:

+ Công dân được tuyên truyền, phổ biến đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng; giáo dục quốc phòng và an ninh; trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng thủ dân sự theo quy định của pháp luật.

+ Công dân bình đẳng trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng.

- Thay đổi tiêu đề từ Chính sách quốc phòng thành Chính sách của Nhà nước về quốc phòng

5. Các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực quốc phòng

Bổ sung quy định về về nội dung này (Điều 6)

6. Quy định về nền quốc phòng toàn dân

- Đưa ra quy định thành một điều riêng

- Bổ sung Nội dung cơ bản xây dựng nền quốc phòng toàn dân:

+ Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch, biện pháp về chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng;

          + Đối ngoại quốc phòng;

          + Kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng; kết hợp quốc phòng với an ninh, đối ngoại;

          + Tuyên truyền, phổ biến đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng; thực hiện giáo dục quốc phòng và an ninh (Điều 7)

7. Phòng thủ quân khu

Quy định này được bổ sung trong Luật quốc phòng 2018 (Điều 8)

8. Khu vực phòng thủ

Được đưa ra thành một điều khoản riêng, quy định nhiêm vụ khu vực phòng thủ,Khu vực phòng thủ Thủ đô Hà Nội là bộ phận hợp thành phòng thủ đất nước (Điều 9)

9. Giáo dục quốc phòng và an ninh

Bổ sung nhiệm vụ giáo dục quốc phòng và an ninh:

- Phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho toàn dân.

          - Giáo dục quốc phòng và an ninh được thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh và quy định khác của pháp luật có liên quan. ( Điều 10)

10. Động viên quốc phòng

Là nội dung được quy định mới đưa ra nhiệm vụ cũng như khái niệm của động viên quốc phòng (Điều 11)

11. Công nghiệp quốc phòng, an ninh

Quy định:

Nguyên tắc, chính sách, nhiệm vụ, tổ chức hoạt động, quy hoạch, kế hoạch, nguồn lực, trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan, tổ chức thực hiện theo quy định của pháp luật về công nghiệp quốc phòng, an ninh và quy định khác của pháp luật có liên quan (Điều 12)

12. Phòng thủ dân sự

- Thay đổi nội dung tiêu đề từ Vị trí phòng thủ dân sự sang Phòng thủ dân sự (Điều 13)

- Bổ sung nhiệm vụ phòng thủ dân sự

13. Đối ngoại quốc phòng

Quy định mới về nội dung này về khái niêm, nhiệm vụ, nội dung nguyên tắc(Điều 14)

14. Kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng

Quy định mới về nội dung này

Bổ sung Nhiệm vụ kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng bao gồm:

          + Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội của Bộ, ngành, vùng, địa phương, các dự án quan trọng quốc gia, khu vực biên giới, hải đảo, địa bàn chiến lược phải kết hợp với quốc phòng, phù hợp với chiến lược bảo vệ Tổ quốc;

+ Một số dự án đầu tư xây dựng ở địa bàn trọng điểm về quốc phòng phải có tính lưỡng dụng, sẵn sàng chuyển sang phục vụ nhu cầu quốc phòng (Điều 15)

15. Công tác quốc phòng ở Bộ, ngành trung ương, địa phương

Là nội dung được quy định mới(Điều 16)

16. Ban bố, công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp về quốc phòng

Bổ sung nội dung:

Khi không còn tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định bãi bỏ tình trạng khẩn cấp về quốc phòng theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ ( Điều 18)

17. Thiết quân luật

Bổ sung các nội dung về:

+ Các biện pháp đặc biệt được áp dụng trong thời gian thi hành lệnh thiết quân luật 

+ Mọi hoạt động tại địa phương thiết quân luật phải tuân thủ lệnh thiết quân luật và các biện pháp đặc biệt.

          + Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn của người chỉ huy đơn vị quân đội, cơ quan, tổ chức, địa phương liên quan thi hành lệnh thiết quân luật, lệnh bãi bỏ lệnh thiết quân luật ( Điều 21)

18. Giới nghiêm

Bổ sung các nội dung sau:

- Lệnh giới nghiêm phải xác định nội dung sau:

 + Khu vực giới nghiêm;

 +  Đơn vị đảm nhiệm và nhiệm vụ thi hành lệnh giới nghiêm;

          + Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong khu vực giới nghiêm;

          + Quy tắc trật tự xã hội cần thiết ở khu vực giới nghiêm.

 -  Các biện pháp được áp dụng trong thời gian giới nghiêm

 - Chính phủ quy định trình tự ban bố lệnh giới nghiêm; trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương liên quan thi hành lệnh giới nghiêm (Điều 22)

19. Nguyên tắc hoạt động và trường hợp sử dụng lực lượng vũ trang nhân dân

Bổ sung Trường hợp sử dụng lực lượng vũ trang nhân dân

          + Trong thi hành lệnh thiết quân luật, giới nghiêm thực hiện theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;

          + Khi có nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội nhưng chưa đến mức ban bố tình trạng khẩn cấp thực hiện theo quy định của pháp luật về an ninh quốc gia và quy định khác của pháp luật có liên quan;

          + Khi tham gia hoạt động góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới thực hiện theo quyết định của Hội đồng Quốc phòng và An ninh;

          + Khi xảy ra tình huống phức tạp về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; đấu tranh phòng, chống tội phạm; tham gia phòng, chống, khắc phục sự cố, thiên tai, dịch bệnh, việc sử dụng lực lượng vũ trang do Chính phủ quy định. (Điều 24)

20. Quân đội nhân dân

Bổ sung :

- Chức năng, nhiệm vụ 

- Nhà nước xây dựng Quân đội nhân dân (Điều 25)

21. Công an nhân dân

Bổ sung:

- Chức năng, nhiệm vụ 

- Nhà nước xây dựng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; ưu tiên hiện đại hóa một số lực lượng(Điều 26)

22. Dân quân tự vệ

Bổ sung:

Nhà nước xây dựng lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh và rộng khắp (Điều 27)

23.  Chỉ huy Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và Dân quân tự vệ

Bổ sung:

Bộ trưởng Bộ Công an là người chỉ huy cao nhất trong Công an nhân dân. (Điều 30)

24. Bảo đảm nguồn lực tài chính

Bổ sung: ưu tiên đầu tư ở khu vực biên giới, hải đảo, vùng chiến lược, trọng điểm, địa bàn xung yếu về quốc phòng và một số lực lượng Quân đội nhân dân tiến thẳng lên hiện đại.

25. Bảo đảm tài sản phục vụ quốc phòng

Quy định cụ thể về Tài sản phục vụ quốc phòng:

- Tài sản công

          -  Tài sản trưng mua, trưng dụng, (Điều 31)

26. Bảo đảm phục vụ quốc phòng trong lĩnh vực kinh tế - xã hội và đối ngoại

Quy định mới về nội dung này (Điều 32)

27. Bảo đảm hoạt động của lực lượng vũ trang nhân dân

Quy định mới về nội dung này (Điều 33)

28. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Quốc phòng

Bổ sung nhiệm vụ:

+ Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Quốc phòng

          + Xây dựng, quản lý, chỉ huy Quân đội nhân dân và Dân quân tự vệ trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng;

          + Chỉ đạo, hướng dẫn Bộ, ngành trung ương và địa phương thực hiện xây dựng nền quốc phòng toàn dân, phòng thủ quân khu, khu vực phòng thủ và công tác quốc phòng. (Điều 35)

29.  Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ, ngành trung ương

          Bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn: Chủ trì hoặc phối hợp với Bộ Quốc phòng định kỳ hoặc đột xuất thanh tra, kiểm tra, sơ kết, tổng kết trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng; (Điều 36)

30. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân các cấp

Bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn:

- Quyết định chủ trương, biện pháp xây dựng lực lượng Dân quân tự vệ, dự bị động viên; quyết định chủ trương, biện pháp kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội, kinh tế - xã hội với quốc phòng, kết hợp quốc phòng với an ninh, đối ngoại của địa phương;

- Quyết định ngân sách bảo đảm cho hoạt động quốc phòng của địa phương; (Điều 37)

31.  Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân các cấp

Bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn:

- Chỉ đạo và tổ chức thực hiện việc xây dựng, huấn luyện, hoạt động, bảo đảm chế độ, chính sách đối với Bộ đội địa phương, lực lượng dự bị động viên, Dân quân tự vệ;

          - Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác về quốc phòng theo quy định của pháp luật.

Luật Quốc phòng 2018 đã cập nhật, bổ sung, phát triển, luật hóa các quan điểm, chủ trương, tư duy mới về quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc của Đảng và tổng kết được những vấn đề thực tiễn đặt ra. Luật quy định những vấn đề có tính nguyên tắc, chính sách lớn về quốc phòng; thực sự là đạo luật cơ bản, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về quốc phòng, hoàn thiện cơ sở pháp lý nhằm xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, nâng cao năng lực, sức mạnh bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Nhận thức rõ vị trí, vai trò và quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Quốc phòng 2018, thiết thực đưa Luật đi vào cuộc sống là nghĩa vụ, quyền lợi, trách nhiệm chính trị của mọi công dân, tổ chức, đoàn thể, cả hệ thống chính trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Phòng Chính trị tư tưởng Sở GDĐT

Tin tức khác