Để trường học là 'lá chắn thép' bảo vệ học sinh trước hiểm hoạ ma tuý
(Chinhphu.vn) - Ngày 5/9, hơn 20 triệu học sinh trên cả nước hân hoan tới trường dự lễ khai giảng năm học mới 2023-2024, năm học được coi là giai đoạn bứt tốc trong đổi mới giáo dục phổ thông. Để trường học thực là là môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, công tác phòng chống tệ nạn xã hội, đặc biệt là phòng chống ma túy trong học sinh, sinh viên cũng được đặc biệt chú trọng.
Phổ biến những kiến thức về phòng, chống ma túy và tệ nạn ma túy cho các em học sinh - Ảnh: HVCSND
Ma túy âm thầm len lỏi vào trường học
Thời gian gần đây, tệ nạn ma túy có nguy cơ cao quay trở lại thẩm lậu vào trường học với sự "biến hóa" khôn lường của nhiều loại ma túy mà thầy cô, gia đình học sinh khó phát hiện và đặc biệt là phát hiện sớm. Không quá khó để bắt gặp hình ảnh thanh thiếu niên tụ tập hút sisha, thuốc lá điện tử tại các nơi công cộng. Nhiều loại ma túy tổng hợp núp dưới những cái tên như "cỏ mỹ", "nước vui", "nước xoài", "tem giấy"... được lứa tuổi thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên tìm kiếm, sử dụng.
Trên những nền tảng mạng xã hội, có thể thấy không ít hình ảnh những đối tượng nghiện ma túy, vi phạm pháp luật về ma túy nhưng vẫn được khá đông đảo người dùng theo dõi. Thậm chí, nhiều "giang hồ mạng" trở thành chủ nhân của những kênh Youtube, TikTok "triệu view", được giới trẻ tung hô, cổ súy, thần tượng.
Những video của "giang hồ mạng" đa phần mang nội dung xấu, nhảm nhí, thậm chí là vi phạm đạo đức xã hội, cổ súy lệnh chuẩn. Việc thường xuyên truy cập vào các nội dung xấu trên mạng xã hội vô hình sẽ gây ra nguy cơ tác động không nhỏ đến tư duy của giới trẻ nói chung, học sinh nói riêng và khiến nhận thức của các em bị méo mó, lệch lạc.
Đây là một thực trạng đáng lo ngại, đòi hỏi những giải pháp sớm, căn cơ, bảo đảm thực chất, hiệu quả để đẩy lùi, tiết tới triệt phá hoàn toàn tệ nạn ma túy ra khỏi xã hội nói chung và môi trường học đường nói riêng.
Cô giáo Nguyễn Thị Thu Nga, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Hà Nội cho biết, hiện nay, tình trạng hút thuốc lá điện tử đang có xu hướng gia tăng trong học sinh các trường THCS và THPT trên địa bàn Thành phố. Nhiều học sinh bị cuốn hút bởi những điều mới lạ của thuốc lá điện tử. Không chỉ học sinh nam mà cả học sinh nữ cũng hút thuốc lá điện tử. Các bạn trẻ cho rằng hút thuốc lá điện tử là sang trọng, đẳng cấp và vô hại hoặc rất ít có hại đến sức khỏe.
Tuy nhiên, từ thuốc lá điện tử, học sinh có thể đi vào con đường ma túy một cách vô ý thức. Vì vậy, việc tuyên truyền phòng chống tác hại và phổ biến pháp luật về phòng chống ma túy trong nhà trường đang được đẩy mạnh.
Thời gian qua, trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai đã tích hợp nội dung giáo dục, tuyên truyền về phòng chống tệ nạn ma túy và các chất gây nghiện trong một số môn học chính khóa, giáo dục tuyên truyền thông qua hoạt động ngoại khóa; kêu gọi sự vào cuộc của gia đình, trách nhiệm của mỗi cán bộ, giáo viên trong việc nắm bắt tâm lý, kịp thời phát hiện, hỗ trợ, ngăn chặn hành vi hút thuốc lá, thuốc lá điện tử và các chất gây nghiện của học sinh...
Nhà trường còn chủ động phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện nghiêm quy định cấm bán thuốc lá phía ngoài cổng trường, khuyến khích học sinh tham gia các hoạt động ngoại khóa, hướng tới lối sống lành mạnh, giám sát chặt chẽ để tránh xa ma túy, thuốc lá điện tử.
Trang bị cho học sinh kiến thức, kỹ năng, sức đề kháng
Theo thống kê của Bộ Công an, hiện nước ta có khoảng 250.000 người nghiện và sử dụng trái phép chất ma túy có hồ sơ quản lý. Đây là nguồn tiêu thụ ma túy lớn. Đáng chú ý, số đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy đang có xu hướng trẻ hóa, tập trung trong lứa tuổi 15-30 tuổi, trong đó một bộ phận không nhỏ là học sinh, sinh viên.
Ngành Giáo dục có khoảng gần 25 triệu người học, cán bộ, nhà giáo, nhân viên, chiếm khoảng 1/4 dân số cả nước. Nhận thức rõ nhiệm vụ, trách nhiệm trong công tác phòng, chống tệ nạn xã hội cho người học, Bộ GD&ĐT cũng như toàn ngành Giáo dục đã luôn chú trọng, quan tâm chỉ đạo quyết liệt với nhiều giải pháp cụ thể trong công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng phòng, chống tệ nạn xã hội cho người học cũng như phòng, chống vi phạm pháp luật cho người học.
Ông Nguyễn Xuân An Việt, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh sinh viên (Bộ GD&ĐT) cho biết, ngay từ đầu năm học, Bộ GD&ĐT ban hành hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học về công tác học sinh, sinh viên, hoạt động ngoài giờ lên lớp và y tế trường học. Trong đó, Bộ GD&ĐT chỉ đạo các sở GD&ĐT quán triệt, triển khai đến tất cả các phòng giáo dục, các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục đại học và nhà giáo, cán bộ, viên chức toàn ngành triển khai thực hiện công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, AIDS, ma túy, mại dâm, tệ nạn xã hội.
Đồng thời lồng ghép triển khai thực hiện công tác này trong các chương trình, dự án, đề án khác có liên quan như: Giáo dục đạo đức, lối sống; giáo dục văn hóa - ứng xử; giáo dục gia đình, giáo dục giới tính, sức khỏe vị thành niên, hôn nhân gia đình, hiểm họa ma túy và những kiến thức về việc làm cha - mẹ trong tương lai.... và thông qua các hình thức: Hội thảo, Hội nghị, tập huấn, tọa đàm, tư vấn, tuần sinh hoạt đầu khóa, đầu năm học, các cuộc thi văn hóa - nghệ thuật, thi viết, thi tìm hiểu kiến thức, các hoạt động ngoại khóa của Đoàn - Hội, các câu lạc bộ, hội - nhóm tích cực, lành mạnh, các hoạt động ký cam kết, khám sức khỏe của sinh viên, xây dựng và soạn thảo các tài liệu tuyên truyền cho sinh viên...
Bộ GD&ĐT đã triển khai ký kết phối hợp liên ngành trong công tác tuyên truyền, giáo dục, phòng chống ma túy trong học đường, đồng thời chỉ đạo các đơn vị liên quan thuộc Bộ; các Sở GD&ĐT; các đại học, học viện; các trường đại học, các trường cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm phối hợp với các sở, ngành liên quan để triển khai thực hiện một cách quyết liệt, hiệu quả. Việc triển khai thực hiện Kế hoạch phối hợp là một nội dung chính trong Công văn chỉ đạo đợt cao điểm phòng chống ma túy trong ngành Giáo dục theo từng năm học.
Theo ông Nguyễn Xuân An Việt, trong thời gian tới, các Sở GD&ĐT, các nhà trường cần kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống ma túy trong các trường học; đồng thời xây dựng kế hoạch phối hợp giữa nhà trường, gia đình, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị xã hội trong công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật cho học sinh, sinh viên; nắm bắt các thông tin của học sinh, sinh viên liên quan đến tệ nạn xã hội để kịp thời giáo dục, nhắc nhở và xử lý theo quy định.
Từ công tác tuyên truyền phòng chống ma túy trong trường học trên địa bàn TP. Hà Nội trong thời gian qua của Học viện Cảnh sát nhân dân, Đại tá, PGS.TS Ngô Gia Bắc, Trưởng Khoa Cảnh sát phòng chống tội phạm về ma túy, Học viện Cảnh sát Nhân dân cho biết, hiện nay, công tác phòng chống ma túy trong học đường vẫn còn một số bất cập, hạn chế.
Tình trạng ma túy xâm nhập học đường chưa được kiểm soát chặt chẽ dẫn tới ngày càng có nhiều học sinh, sinh viên sử dụng trái phép ma túy và vi phạm pháp luật về ma túy. Hiện nay, tình hình tội phạm ma túy đang tiếp tục gia tăng, diễn biến phức tạp với những phương thức, thủ đoạn hoạt động liên tục thay đổi, đối tượng phạm tội luôn tìm cách lôi kéo, xâm nhập học đường để vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy.
Theo Đại tá Ngô Gia Bắc, dể mỗi trường học phải trở thành "lá chắn thép", nhà trường cần trang bị cho học sinh những kiến thức, kỹ năng cũng như sức đề kháng để tự bảo vệ bản thân trước tội phạm và tệ nạn ma túy.
Ngoài các biện pháp tuyên truyền ngăn chặn ma túy "từ sớm, từ xa", nhà trường cũng cần khuyến khích các em chủ động phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm liên quan đến ma túy. Tổ chức nắm bắt thực trạng tội phạm, tệ nạn ma túy và công tác phòng, chống ma túy tại các nhà trường. Tiến hành điều tra, khảo sát, thống kê danh sách cán bộ, học sinh, sinh viên có liên quan đến tội phạm và tệ nạn ma túy để xử lý theo quy định của pháp luật.
https://tiengchuong.chinhphu.vn/de-truong-hoc-la-la-chan-thep-bao-ve-hoc-sinh-truoc-hiem-hoa-ma-tuy-113230905144116339.htm
Hoàng Giang