Phương án thi tốt nghiệp THPT 2+2: Rõ định hướng nghề nghiệp

06.12.2023 13:431696 đã xem

   GD&TĐ - Số môn thi tốt nghiệp giảm kéo theo giảm số tổ hợp thí sinh có thể lựa chọn tuy nhiên điều này không ảnh hưởng đến quyền lợi thí sinh...

Học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TPHCM). Ảnh minh họa: INT

   Trao đổi về phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, nhiều ý kiến cho rằng, số môn thi tốt nghiệp giảm kéo theo giảm số tổ hợp thí sinh có thể lựa chọn. Tuy nhiên, điều này không ảnh hưởng đến quyền lợi thí sinh, mà còn tác động tích cực đến định hướng nghề nghiệp.

Tránh mất định hướng

   Từ thực tiễn tại Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa), thầy Phó Hiệu trưởng Nguyễn Trọng Năm bày tỏ băn khoăn khi có học sinh sử dụng tràn lan các tổ hợp xét tuyển, cốt sao vào được đại học, yếu tố hướng nghiệp bị coi nhẹ.

“Thực tế không ít học sinh mắc sai lầm đáng tiếc. Như tại Trường THPT Quan Sơn, có em dù lực học ở mức trung bình nhưng đua theo bạn bè học các môn tự nhiên; sau đó xét tuyển vào ngành Dược bằng phương thức học bạ. Tuy nhiên, quá trình học, do không theo kịp chương trình, nên em bỏ học và hiện đi học nghề làm đẹp. Một em khác tương tự trường hợp trên, bỏ đại học giữa chừng, đi lao động tự do” - chia sẻ điều này, thầy Nguyễn Trọng Năm cho rằng, khi giảm số lượng môn thi, học sinh sẽ tập trung vào các môn theo đúng năng khiếu, sở trường, năng lực bản thân, điều kiện gia đình; từ đó công tác định hướng nghề nghiệp tốt hơn cho cả học sinh và nhà trường.

“Đương nhiên, khi số môn thi tốt nghiệp THPT giảm thì số tổ hợp xét tuyển đại học giảm theo. Có điều, do học sinh không bị hạn chế số nguyện vọng xét tuyển nên không ảnh hưởng đến việc chọn trường. Trong khi đó, khi chỉ còn 4 môn thi, học sinh chắc chắn giảm nhiều áp lực trong học tập, ôn luyện và thi cử. Các đơn vị trường học cũng giảm áp lực ôn thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học”, thầy Nguyễn Trọng Năm cho hay.

   Ở khía cạnh hướng nghiệp, PGS.TS Lê Thị Tuyết Trinh - Phòng Đào tạo sau ĐH, Trường ĐH Đồng Tháp nhận định phương án 2+2 có nhiều ưu điểm. Trong đó, nổi bật là không gây mất cân bằng giữa việc chọn khối khoa học xã hội nhiều hơn khoa học tự nhiên như hiện nay; đồng thời tạo điều kiện cho thí sinh phát huy năng lực, sở trường theo đúng mục tiêu Chương trình GDPT 2018. Học sinh sẽ lựa chọn môn thi phù hợp định hướng nghề nghiệp, năng lực, sở thích, điều kiện và hoàn cảnh.

Không ảnh hưởng đến quyền lợi xét tuyển

   PGS.TS Lê Thị Tuyết Trinh đồng thời khẳng định phương án 2+2 không làm hạn chế nguyện vọng tuyển sinh. Định hướng nghề nghiệp của người học được xác định ngay từ đầu cấp THPT. Năng lực học tập thiên về khối khoa học xã hội hoặc khoa học tự nhiên được xác định và sắp xếp lớp theo lĩnh vực ngay từ đầu năm.

   Vì vậy, ngoài 2 môn bắt buộc (Toán, Ngữ Văn), học sinh có quyền lựa chọn 2 môn thi theo sở trường và định hướng nghề nghiệp của mình; từ đó tập trung hơn trong học tập để thi đạt kết quả tốt nhất. Khi kết quả đạt được tốt thì nguyện vọng tuyển sinh sẽ thêm nhiều cơ hội hơn.

   “Tôi cho rằng, phương án thi 4 môn là hợp lý, thuận lợi, giảm áp lực thi cử cho học sinh, giảm chi phí cho gia đình và xã hội. Việc giảm môn thi làm Kỳ thi tốt nghiệp THPT trở nên gọn nhẹ hơn, tạo thuận lợi không chỉ cho người học, mà cả người dạy, lực lượng tổ chức thi”, PGS.TS Lê Thị Tuyết Trinh nhận định.

   Còn theo phân tích của ThS Nguyễn Vinh San - Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng, phương thức thi tốt nghiệp THPT hiện nay, 6 môn thi có thể tạo thành 32 tổ hợp. Năm 2025, khi số môn chỉ còn 4, có thể làm hẹp số tổ hợp thí sinh lựa chọn.

   Tuy nhiên, việc này có làm hạn chế nguyện vọng của thí sinh không, cần xem xét các yếu tố tác động đến nguyện vọng. Như quy định hiện hành, số lượng nguyện vọng cho một tổ hợp là không giới hạn. Thí sinh có thể chọn nguyện vọng cho một ngành mình mong muốn ở nhiều trường đại học khác nhau.

   Thêm nữa, thông thường lựa chọn của thí sinh chủ yếu ở 3 nguyện vọng đầu. Các nguyện vọng sau là phòng ngừa rủi ro. Thí sinh đăng ký quá nhiều nguyện vọng cũng cho thấy việc thiếu định hướng trong lựa chọn ngành nghề, cần được thầy cô, gia đình tư vấn thêm.

   Theo ThS Nguyễn Vinh San, nhiều cơ sở giáo dục đại học xây dựng 4 tổ hợp xét tuyển cho một ngành và công bố sớm để học sinh có thể lựa chọn, định hướng trước. Bản thân các trường đại học cũng phải thích ứng với sự thay đổi nên sẽ tạo cơ hội cho thí sinh trong phạm vi quyền tự chủ tuyển sinh của mình.

   Bên cạnh đó, phương thức xét tuyển vốn đa dạng, làm tăng sự lựa chọn của học sinh. Ngoài sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT, phần lớn các trường đều xét tuyển bằng điểm học tập THPT (xét học bạ); các kỳ thi đánh giá năng lực được một số đơn vị tổ chức và nhiều trường đại học công nhận, sử dụng cũng là sự lựa chọn cho thí sinh.

   “Về nguyện vọng đăng ký, có một thực tế, không ít thí sinh lựa chọn các ngành đào tạo khác nhau, ở cùng trường hay khác trường. Điều này chưa phù hợp. Học sinh nên chọn 1 - 2 ngành nhất định phù hợp với bản thân và gia đình; sau đó có thể đăng ký các nguyện vọng cho ngành này ở nhiều trường khác nhau để đảm bảo mình được học ngành phù hợp nhất. Từ đó, tác động của việc giảm số lượng tổ hợp là không đáng kể”, ThS Nguyễn Vinh San nhìn nhận.

   Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương ngày 4/11/2013 yêu cầu: Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.

   Phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 thực hiện theo đúng tinh thần Nghị quyết 29. Ưu điểm của việc giảm số lượng môn thi là giảm áp lực trong thi cử, giúp các em có điều kiện chuẩn bị tốt hơn cho các kỳ thi xét tuyển. - ThS Nguyễn Vinh San

Hiếu Nguyễn-GD&TĐ

 

Tin tức khác