Phẩm chất Người thầy
Người Việt Nam vốn có truyền thống tôn sư trọng đạo, ông cha ta vẫn thường dạy con cháu: “Không thầy đố mày làm nên”; “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”; “Trọng thầy mới được làm thầy”; “Một chữ cũng thầy, nửa chữ cũng là thầy” và “Muốn sang thì bắc cầu kiều, Muốn con hay chữ, hãy yêu mến thầy”… Cũng chính từ niềm mến thương đầy trân trọng ấy, mỗi thầy cô cảm nhận hạnh phúc đến ngọt ngào của nghề dạy học và âm thầm cống hiến không mệt mỏi.
Nghề giáo luôn được xã hội trân trọng, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng tôn vinh nghề giáo là “Nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Người dạy học được gọi là thầy giáo, cô giáo và được coi là “Kỹ sư tâm hồn”, không chỉ dạy chữ mà còn dạy cách làm người, hình thành và phát triển nhân cách người học. Xã hội càng tôn trọng nghề dạy học càng đòi hỏi rất cao năng lực và phẩm chất đạo đức của nhà giáo. Do tính chất đặc biệt của nhà giáo nên xã hội luôn mong muốn và yêu cầu cao về đạo đức nghề nghiệp của người Thầy.
Ngày nay, cuộc sống có nhiều thay đổi, xã hội phát triển ngày càng cao, để đáp ứng những thay đổi đó người thầy phải không ngừng trau dồi phẩm chất đạo đức, để tương xứng với niềm tin yêu, tôn trọng của xã hội.
1. Những phẩm chất cơ bản của thầy giáo trong tình hình mới
Người thầy phải là tấm gương tự học suốt đồi, để đáp ứng sự thay đổi người thầy phải không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng các yêu cầu mới của giáo dục và đào tạo, không để bị tụt hậu.
Người thầy phải là nhà sư phạm, tận tâm với nghề, tất cả vì học sinh thân yêu.
Người thầy góp phần làm nên tiến bộ xã hội. Giáo dục bản thân nó là để làm thay đổi, làm mới người học và qua đó làm mới xã hội theo hướng tăng trưởng, tích cực. Người thầy với chức năng giáo dục của mình sử dụng tri thức và kỹ năng sư phạm để làm cho học sinh được giáo hóa, thay đổi và trưởng thành, như là kết quả của quá trình học tập của người học.
Người thầy luôn phải là một chuẩn mực đạo đức để học sinh noi theo, là “Kiến trúc sư trí tuệ” tạo ra thế hệ tương lai cho đất nước. Người thầy kém sẽ đem lại hậu quả khôn lường mà cả xã hội phải gánh chịu cho đến tận mai sau. Chính vì vậy, để nâng cao phẩm chất đạo đức của nhà giáo, mỗi một thầy, cô giáo phải hiểu, thấm nhuần tư tưởng và đạo đức của Hồ Chí Minh về giáo dục và đào tạo.
2. Các biện pháp rèn luyện, trau dồi đạo đức người thầy trong tình hình mới
* Đối với cấp quản lý
1. Cần tăng cường và thường xuyên quan tâm công tác giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cho đội ngũ nhà giáo để khơi dậy trách nhiệm, nhiệt huyết và lương tâm nghề nghiệp trong mỗi nhà giáo, để họ có khát vọng cống hiến cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo, cũng như sự phát triển của đất nước.
2. Cụ thể hóa những quy định thành chuẩn mực đạo đức phù hợp với tình hình thực tế, để nhà giáo phấn đấu và là tiêu chuẩn để đánh giá quá trình tu dưỡng, rèn luyện của nhà giáo. Kịp thời chỉnh đốn, uốn nắn, xử lý nghiêm những sai phạm của một số giáo viên vi phạm tư cách và đạo đức nhà giáo.
3. Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả hai cuộc vận động: "Mỗi thầy, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo"; "Dân chủ - Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm"; đồng thời, triển khai bộ quy tắc ứng xử trong trường học theo Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 – 2025” đã được Chính phủ phê duyệt.
4. Quan tâm chăm lo đời sống của nhà giáo, tạo điều kiện thuận lợi nhất (cả vật chất và tinh thần trong điều kiện có thể) để nhà giáo làm việc và cống hiến. Kêu gọi sự quan tâm của toàn xã hội, các doanh nghiệp đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo, sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự đồng thuận của nhân dân.
5. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để phát hiện, tôn vinh và biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân điển hình về xây dựng môi trường sư phạm; những tấm gương nhà giáo tận tụy, mẫu mực, có thành tích trong giảng dạy, nghiên cứu, học tập và sáng tạo để lan tỏa toàn ngành, tác động tích cực tới cộng đồng xã hội.
* Đối với bản thân mỗi nhà giáo
1. Phải thường xuyên tự học tập để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và rèn luyện phẩm chất đạo đức nhà giáo trên cơ sở tự giác thực hiện nghiêm túc việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với các cuộc vận động, các phong trào thi đua của ngành Giáo dục, đặc biệt là cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”. Thực hiện nghiêm các quy định về chuẩn mực đạo đức nhà giáo do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định cũng như các quy định của pháp luật; cán bộ, công chức, viên chức “Nói không với tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục”.
2. Nhận thức đúng vai trò, tầm quan trọng của “Người thầy” trong xã hội. Đã là thầy thì phải mẫu mực, sư phạm từ lời ăn tiếng nói; cách nghĩ, cách làm, cách học, cách đối nhân xử thế; trong quan hệ gia đình, thầy trò, đồng nghiệp, cộng đồng và xã hội; đã là thầy phải “Tiên ưu hậu lạc”. Phần sướng nên nhường cho thiên hạ, vất vả nên đương đầu nhận trước; có như vậy mới giáo dục và cảm hoá được người khác. Cần có lòng bao dung, vị tha, thương người như thể thương thân; phải thường xuyên tự kiểm soát chính mình, không chủ quan, không nóng vội. Mẫu mực ở mọi lúc mọi nơi. Giáo dục con người bằng tình thương, bằng tinh thần trách nhiệm chứ không nên bằng mệnh lệnh.
3. Tâm huyết với nghề nghiệp, có ý thức giữ gìn danh dự, lương tâm nhà giáo; có tinh thần đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ đồng nghiệp trong cuộc sống và trong công tác; có lòng nhân ái, bao dung, độ lượng, đối xử hòa nhã với người học, đồng nghiệp; sẵn sàng giúp đỡ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người học, đồng nghiệp và cộng đồng.
4. Tận tụy với công việc; thực hiện đúng điều lệ, quy chế, nội quy của đơn vị, của ngành. Công bằng trong giảng dạy và giáo dục, đánh giá đúng thực chất năng lực của người học. Kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn những nhận thức, hành vi không đúng, những biểu hiện tiêu cực làm ảnh hưởng đến uy tín, phẩm giá, tư cách của nhà giáo. Hơn nữa, trước những ảnh hưởng tiêu cực của nền kinh tế thị trường, nhiều giá trị bị chi phối bởi đồng tiền.
Hơn lúc nào hết, mỗi nhà giáo phải tự học, tự rèn để vừa “hồng”, vừa “chuyên”, mà hơn hết là phải có cái “tâm” với nghề như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy. Đã là nhà giáo thì phải thực sự yêu nghề, tâm huyết với nghề. Chỉ có lòng yêu nghề, tâm huyết, tận tụy với nghề mới giúp cho nhà giáo hoàn thành sứ mệnh vẻ vang của mình, được nhân dân yêu mến, xã hội tôn vinh.
Để xứng đáng với sứ mệnh vẻ vang và cao cả trong sự nghiệp trồng người, xứng đáng với sự tôn vinh và niềm tin yêu của xã hội, bản thân mỗi nhà giáo phải luôn có nhận thức đúng đắn, sâu sắc về vị thế của nghề sư phạm, trọng trách cao cả của họ trong xã hội. Tích cực tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, tác phong, lối sống để mỗi nhà giáo thực sự là những tấm gương sáng về nhân cách, đạo đức cho học sinh noi theo. Bởi lẽ, sự tôn vinh, kính trọng đối với nhà giáo không chỉ ở kiến thức uyên thâm hay ở tài nghệ sư phạm mà quan trọng hơn cả là ở sự mô phạm về phẩm chất đạo đức, lòng yêu nghề, yêu trò và sự mẫu mực trong lối sống, ở giá trị cao cả và trong sáng của nhân cách nhà giáo. Sự rèn luyện, phấn đấu này là thường xuyên, liên tục: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”.
Phòng TCHC Sở GDĐT