Hoạt động công tác xã hội trường học trên địa bàn tỉnh lâm đồng

21.05.2023 16:15851 đã xem

     Tháng 12/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 33/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 về  việc hướng dẫn công tác xã hội trong trường học (TT 33), Thông tư chú trọng hướng dẫn các nhà trường về nguyên tắc, nội dung và trách nhiệm thực hiện công tác xã hội trong trường học nhằm nâng cao kiến thức và kỹ năng để người học tự giải quyết các khó khăn, căng thẳng, khủng hoảng tạm thời về tâm lý, phát huy tiềm năng, năng lực học tập của bản thân; bảo vệ người học trước nguy cơ bị xâm hại, bị bạo lực, phòng tránh các tệ nạn xã hội, hạn chế tình trạng người học bỏ học, vi phạm pháp luật.

Bà Trần Thị  Kim Ngân, Phó Trưởng phòng GDTrH Sở GDĐT phát biểu tham luận

     Để triển khai Thông tư  tại các cơ sở giáo dục tỉnh Lâm Đồng, Sở GDĐT ban hành Công văn hướng dẫn triển khai thực hiện công tác xã hội trong trường học tới Phòng GDĐT các huyện, thành phố, các đơn vị trực thuộc. Trong 5 năm triển khai, công tác xã hội trường học ở Lâm Đồng đạt được một số thành quả nhất định nhưng cũng đứng trước nhiều thách thức, khó khăn. Trong khuôn khổ của Hội thảo này, chúng tôi  mạnh dạn chia sẻ về hoạt động công tác xã hội trường học tại địa bàn tỉnh Lâm đồng.

1. Thực trạng việc triển khai công tác xã hội trường học ở Lâm Đồng

     Lâm Đồng là một tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên gồm 10 huyện và 02 thành phố, phần lớn dân số là dân nhập cư; dân tộc kinh chiếm khoảng 77% còn lại là các dân tộc khác (Cơ ho, Mạ, Tày, Chu ru…). Mạng lưới trường lớp của tỉnh gồm 682 đơn vị trường học, trong đó: Mầm non: 230, Tiểu học: 223, THCS: 158, THPT: 59, GDTX tỉnh: 01, GDNN-GDTX: 11; tổng số lớp học: 10.257, trong đó: Mầm non: 2.371; Tiểu học: 4.116; THCS: 2.480; THPT: 1.214; GDNN-GDTX: 76. Tổng số học sinh: 343.857, trong đó: Mầm non: 67.930, Tiểu học: 135.608, THCS: 91.329, THPT: 46.164, GDNN-GDTX và GDTX tỉnh: 2.826. Một số trường ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh số lượng học sinh ít, mỗi khối lớp chỉ có 01 lớp và đồng thời có những trường số học sinh người đồng bào chiếm 96%. Sự đa dạng thành phần dân tộc trong ngành giáo dục nên công tác xã hội trường học được ngành hết sức quan tâm triển khai thực hiện.

Về phía UBND tỉnh Lâm Đồng:

     Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng thực hiện Quyết định số 112/QĐ-TTg ngày 22/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021 -2030 đã xây dựng Kế hoạch số 6282/KH-UBND ngày 01/9/2021 về việc thực hiện Chương trình phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021- 2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; trong kế hoạch UBND tỉnh đã đưa ra các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể cho từng giai đoạn (2021 -2025; 2026 – 2030) và giao nhiệm vụ cụ thể đối với các sở, ban, ngành liên quan thực hiện hiệu quả Kế hoạch; trong Kế hoạch Sở GDĐT được phân công tham mưu cấp có thẩm quyền và phối hợp với các sở, ngành, cơ quan liên quan thực hiện công tác xã hội trong trường học theo TT 33.

Về phía Sở Giáo dục Đào tạo:

      Thực hiện Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ GDĐT về thực hiện Chương trình phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021 -2030, Sở GDĐT xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển công tác xã hội trong trường học giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Hằng năm Sở GDĐT lồng ghép việc thực hiện công tác xã hội trường học trong các công văn Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục chính trị và công tác học sinh, Hướng dẫn nhiệm vụ giáo dục trung học.

     Chủ động phối hợp với các sở, ngành, cơ quan liên quan tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng về công tác xã hội cho đội ngũ giáo viên cán bộ quản lý, giáo viên làm công tác xã hội trong trường học; ngoài các đợt tập huấn về công tác xã hội trong trường học do Bộ GDĐT tổ chức, vào tháng 12/2021, Sở GDĐT Lâm Đồng đã chủ động phối hợp với Viện khoa học giáo dục và Kinh tế Đông Nam Á  tổ chức lớp Bồi dưỡng nâng cao năng lực công tác xã hội trong trường học cho 118 cán bộ quản lý, giáo viên làm công tác xã hội trong trường học của 59 trường THPT và THCS-THPT trên địa bàn. Chỉ đạo các trường, Phòng GDĐT triển khai tập huấn đại trà đến các giáo viên, nhân viên làm công tác xã hội.

     Chú trọng trong việc trao đổi thông tin, nắm bắt tình hình thực hiện công tác xã hội của các đơn vị thông qua báo cáo, trang mạng xã hội zalo, facebook… qua đó cùng đơn vị đưa ra những giải pháp nhằm ngăn chặn các nguy cơ trong và ngoài nhà trường có ảnh hưởng tiêu cực đến học sinh, phát hiện các vụ việc liên quan đến học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, bị xâm hại, có hành vi bạo lực, bỏ học, vi phạm pháp luật.

     Hằng năm, việc kiểm tra, đánh giá về công tác xã hội ở các cơ sở giáo dục được lồng ghép vào các đợt thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành, kiểm tra chuyên môn. Qua đó, rút ra những ưu, nhược điểm của đơn vị trong quá trình thực hiện TT 33 để có những giải pháp kịp thời thúc đẩy công tác xã hội trường học ngày càng hiệu quả hơn; lan tỏa rộng rãi đến các trường học về việc giúp học sinh khi gặp vấn đề không tự xử lý được thì biết tìm đến đúng người và được hỗ trợ đúng phương pháp.

     Năm học 2022 - 2023, tổng số lượng phát hiện các vụ việc liên quan đến người học có hoàn cảnh đặc biệt, bị xâm hại, có hành vi bạo lực, bỏ học, vi phạm pháp luật là 371 học sinh, trong đó 30 trường hợp thực hiện cơ chế phối hợp giữa đơn vị và các tổ chức khác trên địa bàn cùng can thiệp và trợ giúp.

Về phía các cơ sở giáo dục:

     Trước hết là việc chú trọng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp với các cấp, các ngành trên địa bàn, tổ chức đoàn thể trong nhà trường thực hiện công tác xã hội trong trường học. Ở mỗi đơn vị trường học, Ban giám hiệu nhà trường chịu trách nhiệm lập kế hoạch, phân công cán bộ, giáo viên, tổ chức chỉ đạo điều hành hoạt động hỗ trợ giải quyết những vấn đề của học sinh. Hướng dẫn thành lập Tổ Công tác xã hội, quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ chế phối hợp, chỉ đạo,  xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động hỗ trợ, can thiệp giúp giải quyết các vấn đề của học sinh. Tùy điều kiện thực tiễn của nhà trường để bố trí, phân công hợp lý giáo viên kiêm nhiệm làm đầu mối tham mưu triển khai công tác xã hội trường học hoặc lồng ghép với Tổ Tư vấn tâm lý học đường.

     Đến nay, 100% các trường đã triển khai công tác xã hội trong trường, trong đó 95% các trường thành lập tổ ghép “Tổ công tác xã hội trường học và Tư vấn tâm lý”; các thành viên của Tổ Công tác xã hội trường học và Tư vấn tâm lý bao gồm đại diện Ban Giám hiệu, giáo viên Tổng phụ trách Đội, Bí thư Đoàn TNCSHCM, giáo viên chủ nhiệm… Đồng thời, các nhà trường đều bố trí Phòng tư vấn tâm lý là nơi gặp gỡ, hỗ trợ và tư vấn cho học sinh có nhu cầu tư vấn các vấn đề về tâm lý, do đó việc thực hiện công tác này tương đối đồng bộ và hiệu quả.

     Đầu các năm học, Tổ công tác xã hội và tư vấn tâm lý kết hợp GVCN tìm hiểu thông tin cá nhân học sinh để phân luồng học sinh thành các nhóm đối tượng cụ thể: nhóm học sinh nghèo về vật chất; nhóm học sinh mồ côi, nhóm học sinh có tính cách cá tính mạnh hay nổi nóng, khó kiềm chế cảm xúc; nhóm học sinh có dấu hiệu yêu trước tuổi … để thuận lợi trong công tác hỗ trợ và bảo vệ học sinh trước nguy cơ bị xâm hại, bị bạo lực, phòng tránh các tệ nạn xã hội, hạn chế tình trạng người học bỏ học, vi phạm pháp luật góp phần ổn định môi trường giáo dục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

     Xây dựng kế hoạch thực hiện công tác xã hội theo hướng dẫn tại TT 33, phổ biến, cảnh báo và hướng dẫn học sinh về các tình huống, nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, bị xâm hại, bị bạo lực, bỏ học, vi phạm pháp luật.

     Tuyên truyền và phối hợp với gia đình, các cấp, ngành trên địa bàn, tổ chức đoàn thể trong nhà trường để theo dõi, nắm bắt thông tin và xử lý kịp thời những hiện tượng học sinh có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, bị xâm hại, bị bạo lực, bỏ học, vi phạm pháp luật.

     Các trường đã tập huấn công tác xã hội theo tài liệu của Bộ GDĐT tới cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, người lao động và học sinh; quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mình trong việc phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em phòng ngừa, hạn chế nguy cơ người học rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, bị xâm hại, bị bạo lực, bỏ học, vi phạm pháp luật.

     100% các trường chú trọng nâng cao kiến thức và kỹ năng để học sinh tự giải quyết các khó khăn, căng thẳng, khủng hoảng tạm thời về tâm lý, chủ động phòng tránh những nguy cơ xâm hại tình dục,  phát huy tiềm năng, năng lực học tập của bản thân qua các buổi sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp, hoạt động trải nghiệm, các câu lạc bộ trong trường học, các chuyên đề ngoại khóa về giáo dục giới tính, chăm sóc sức khỏe vị thành niên, chuyên đề phòng, chống xâm hại tình dục …

     Một số trường nắm bắt thông tin, tâm tư, nguyện vọng, hoàn cảnh gia đình và các hiện tượng bất thường của học sinh để kịp thời hỗ trợ và can thiệp qua các kênh học sinh được đăng tải ẩn danh như phòng chát zalo, confession… do Tổ Công tác xã hội của nhà trường thành lập; qua các kênh này học sinh được đăng tải ẩn danh nên các em có thể thoải mái và thẳng thắn hơn trong việc chia sẻ. Bên cạnh đó, một số nhà trường thành lập các câu lạc bộ, tổ, nhóm làm công tác xã hội với nòng cốt là các đoàn viên trong trường, tham gia các nhóm đội tình nguyện, nhóm phòng chống bạo lực học đường từ học sinh để phát hiện, trợ giúp các học sinh có hoàn cảnh đặc biệt được tham gia một cách bình đẳng hoạt động giáo dục tại trường học và cộng đồng; hướng dẫn các đoàn viên phát huy vai trò tự quản, chủ động tích cực tham gia hoạt động công tác xã hội trong trường học.

2. Những khó khăn trong quá trình triển khai công tác xã hội trong trường học tại tỉnh Lâm Đồng

     Nhận thức về tầm quan trọng của công tác xã hội trong trường học của đội ngũ các bộ quản lý, giáo viên ở một số đơn vị trường học chưa cao; giáo viên phụ trách công tác xã hội trường học hiện tại phần lớn là những giáo viên thiếu tiết được phân công kiêm nhiệm; giáo viên không có chuyên môn sâu về công tác xã hội và công tác tư vấn tâm lý; một số giáo viên thiếu kỹ năng lắng nghe, giao tiếp với học sinh, đặc biệt là thiếu phương pháp xử lý tình huống với những học sinh khác biệt.

     Sự phối hợp giữa nhà trường với cha mẹ học sinh ở những trường vùng sâu, vùng xa nhằm phát hiện tình trạng học sinh có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt (nghỉ học thường xuyên, có nguy cơ bỏ học, bị xâm hại, bị bạo lực, vi phạm pháp luật) để can thiệp, trợ giúp vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là những trường có học sinh là người đồng bào chiếm đa số.

     Thông tư 33 của Bộ GDĐT không quy định rõ thành phần và vị trí việc làm, dẫn đến việc triển khai công tác xã hội trường học gặp nhiều khó khăn trong việc tính chế độ cho người làm đầu mối công tác xã hội.

3. Đề xuất một số giải pháp thực hiện công tác xã hội trường học trong thời gian tới

     Đẩy mạnh công tác tuyên truyền và phối hợp với các cấp, ngành trên địa bàn, tổ chức đoàn thể trong nhà trường về việc thực hiện công tác xã hội trường học.

     Chủ động phối hợp với các sở, ngành, cơ quan liên quan tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng về công tác xã hội cho đội ngũ giáo viên cán bộ quản lý, giáo viên làm công tác xã hội trong trường học.

     Các nhà trường luôn chủ động xây dựng các chuyên đề về tư vấn tâm lý cho học sinh, bố trí thành các bài giảng riêng hoặc lồng ghép trong các tiết sinh hoạt lớp, sinh hoạt dưới cờ, trong các hoạt động trải nghiệm. Tổ chức dạy tích hợp các nội dunbg tư vấn tâm lý trong các môn học chính khóa và các hoiạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp…

     Nhà trường phải thiết lập những kênh thông tin, cung cấp tài liệu, thường xuyên trao đổi với cha mẹ học sinh về diễn biến tâm lý và các vấn đề cần tư vấn, hỗ trợ cho học sinh.

     Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác xã hội trong trường học, nâng cao kiến thức và kỹ năng để học sinh tự giải quyết các khó khăn, căng thẳng, khủng hoảng tạm thời về tâm lý, phát huy tiềm năng, năng lực học tập của bản thân. Bảo vệ học sinh trước nguy cơ bị xâm hại, bị bạo lực, phòng tránh các tệ nạn xã hội, hạn chế tình trạng người học bỏ học, vi phạm pháp luật góp phần ổn định môi trường giáo dục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

     Tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện công tác xã hội trong trường học ở các cơ sở giáo dục, đồng thời đánh giá tình hình thực hiện và kết quả đạt được đối chiếu với yêu cầu nhiệm vụ trọng tâm của Thông tư 33, trên cơ sở đó kịp thời chỉ đạo các đơn vị thực hiện hiệu quả công tác xã hội trong trường học phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường và địa phương.

     Các trường chú trọng việc rà soát số học sinh cần can thiệp và trợ giúp làm căn cứ cho việc phối hợp với chính quyền địa phương, hội cha mẹ học sinh, các đoàn thể chính trị xã hội, doanh nghiệp các cá nhân, tổ chức trong nước có kế hoạch trợ gúp, hỗ trợ các em vượt qua khó khăn, hòa nhập môi trường giáo dục để không học sinh nào phải bỏ lại phía sau. Đồng thời, phối hợp với các chuyên gia, trung tâm tư vấn tâm lý chuyên nghiệp, cơ sở y tế, cơ quan tư pháp và bảo vệ pháp luật để trị liệu tâm lý, xử lý kịp thời các trường hợp học sinh cần can thiệp chuyên sâu.

     Tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ cho việc triển khai công tác xã hội. Đồng thời, phân bổ nguồn kinh phí hợp lý, phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường cho đội ngũ cán bộ, giáo viên làm công tác xã hội trường học và công tác tư vấn tâm lý học đường.

     Tóm lại, công tác xã hội trường học đóng vai trò quan trọng trong hoạt động giáo dục ở các trường học, nó cũng góp phần không nhỏ trong việc hình thành nhân cách cho học sinh. Đẩy mạnh và thực hiện hiệu quả công tác này sẽ  tạo nên một môi trường học tập thân thiện, an toàn, lành mạnh hướng tới xây dựng thành công mô hình “trường học hạnh phúc” trên địa bàn Lâm Đồng nói riêng và cả nước nói chung, góp phần vào sự thành công của công cuộc đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo hiện nay.

                                                                   Sở GDĐT tỉnh Lâm Đồng

 

 

 

Tin tức khác