Tổ chức tăng cường tiếng Việt cho trẻ 6 tuổi người dân tộc thiểu số trước khi vào học lớp 1 năm học 2024-2025

03.07.2024 07:23837 đã xem

  Trong những ngày hè 2024, trái với khung cảnh yên tĩnh tại các trường học khu vực thành phố, từ ngày 01/7/2024, tại 110 trường tiểu học thuộc 11 Phòng GDĐT trên địa bàn tỉnh, tất cả trẻ em 6 tuổi người DTTS đã hoàn thành Chương trình giáo dục mầm non được các bậc cha mẹ học sinh đưa đến trường tham gia các lớp, các hoạt động học tập tăng cường tiếng Việt trước khi vào học lớp 1 năm học 2024-2025.

  Tổ chức tăng cường tiếng Việt cho trẻ em 6 tuổi người DTTS trước khi vào học lớp 1 cụ thể hóa Kế hoạch số 6203/KH-UBND ngày 07/10/2016 của UBND tỉnh Lâm Đồng thực hiện Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025” trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

  Mục tiêu thực hiện Kế hoạch nhằm tạo tâm thế sẵn sàng đi học cho trẻ 6 tuổi người dân tộc thiểu số đến trường tiểu học; góp phần bảo tồn tiếng nói, chữ viết và văn hóa các DTTS trên địa bàn tỉnh; trang bị cho trẻ em người DTTS chuẩn bị vào học lớp 1 vốn tiếng Việt cơ bản, tối thiểu để các em có khả năng giao tiếp bằng tiếng Việt ở dạng ngôn ngữ nói (nghe - hiểu, nói) trong môi trường lớp học; hình thành các nền nếp học tập, làm quen với bạn bè, thầy cô giáo và tự tin trong học tập trước khi vào học lớp 1 nhằm góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và nâng cao chất lượng công tác phổ cập giáo dục tiểu học.

  Sở GDĐT đã ban hành kế hoạch, chỉ đạo Phòng GDĐT triển khai kế hoạch giao các trường tiểu học vận động 100% trẻ 6 tuổi người DTTS trên địa bàn tham gia học tập, đội ngũ giáo viên trực tiếp dạy học là giáo viên được phân công làm công tác chủ nhiệm lớp 1 năm học 2024-2025, hằng ngày vào mỗi buổi sáng, trẻ được cha mẹ đưa đến trường tham gia các hoạt động học tập như làm quen tiếng Việt qua các hoạt động nghe, nói, viết, các mẫu câu giao tiếp tiếng Việt, làm quen sử dụng SGK, tài liệu em nói tiếng Việt, vở, viết, cách dùng bảng con… ngoài thời gian học tập, các em còn được vui chơi, tham gia các hoạt động tập thể cùng thầy cô và bạn bè, các nội dung dạy học theo Tài liệu em nói tiếng Việt của Bộ GDĐT ban hành.

  Theo kế hoạch của các trường tiểu học được Phòng GDĐT phê duyệt, nội dung tăng cường tiếng Việt thực hiện từ ngày 01/7 đến ngày 31/7/2024, các trường tiểu học xây dựng thời khóa biểu theo từng ngày, tuần và triển khai thực hiện; tài liệu gồm 46 bài, thời gian 1 tháng trong hè thực hiện 23 bài, mỗi bài 2 tiết/1 buổi; số bài còn lại nhà trường xây dựng Kế hoạch giao giáo viên chủ nhiệm lớp 1 tiếp tục xây dựng Kế hoạch giáo dục tổ chuyên môn thực hiện các tiết tăng cường tiếng Việt hoàn thành trong học kỳ 1 năm học 2024-2025.

  Kết quả triển khai có 7.247/7.261 trẻ 6 tuổi người DTTS tại 110 trường tiểu học vận động ra lớp học tham gia Chương trình tăng cường tiếng Việt, đạt tỉ lệ 99,8%. Trong đó có 110 trường tiển khai thực hiện với 281 lớp/281 giáo viên tham gia dạy học, kinh phí chi trả trực tiếp cho giáo viên. Cũng theo học lớp học này, có 479 em học sinh lớp 1 người DTTS được các thầy cô bồi dưỡng, ôn tập các kiến thức trước khi vào học lớp 2 năm học 2024-2025.

  Thời điểm này đến các trường tiểu học tổ chức dạy học tăng cường tiếng Việt cho trẻ 6 tuổi người DTTS trước khi vào học lớp 1, cảm nhận những ánh mắt ngây thơ, trong trẻo, những nụ cười hồn nhiên khi tới lớp thấy được đi học là hạnh phúc với các em; tiếng trẻ đọc bài, tiếng vui cười, nô đùa tham gia trò chơi hoạt động tập thể của các em làm náo động sân trường trong những ngày hè yên tĩnh, khi hỏi ý kiến các phụ huynh trả lời đồng tình rất cao khi các em được đến trường thầy cô hướng dẫn, tổ chức tham gia các hoạt động học tập vui chơi an toàn, lành mạnh, tạo điều kiện cho cha mẹ yên tâm lao động sản xuất.

  Kế hoạch tăng cường tiếng Việt trong hè hằng năm cho trẻ 6 tuổi người DTTS trước khi vào học lớp 1 thật sự ý nghĩa, được các cha mẹ học sinh nhiệt tình hưởng ứng, vừa tạo cho trẻ có môi trường học tập, vui chơi lành mạnh, tạo điều kiện cho các em tâm thế sẵn sàng đi học, là niềm vui khi trẻ được đến trường, là biện pháp nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

                                                                Phòng GDTH và GDMN Sở GDĐT

Tin tức khác