Mái ấm trường vùng sâu Ninh Loan

22.04.2024 07:01695 đã xem

Ninh Loan, mảnh đất thuộc vùng Loan của huyện Đức Trọng với những cô bé, cậu bé con em của gia đình kinh tế mới Nam Định vào xây dựng quê hương. Trường Trung học cơ sở Ninh Loan cũng đang là mái ấm - nơi những thầy, cô giáo đang hết sức chăm lo, vì tương lai cho một thế hệ trẻ.

Một giờ học môn Tin học của học sinh Trường THCS Ninh Loan

Thầy Lê Văn Dương - Hiệu trưởng Trường THCS Ninh Loan, xã Ninh Loan, huyện Đức Trọng cho biết, hiện trường đang có 425 học sinh các cấp, từ lớp 6 tới lớp 9. Ninh Loan là một vùng đất khá đặc biệt khi nơi đây là khu vực kinh tế mới của người dân các huyện ven biển của tỉnh Nam Định. Thầy chia sẻ, học sinh Ninh Loan rất hiếu học, con đường đến trường của các em không dễ nhưng tình yêu vào học tập luôn tràn đầy. Là vùng đất thuần nông, xa trung tâm, cư dân Ninh Loan đời sống phụ thuộc vào cây cà phê, cây rau. Bởi vậy, việc học của học trò Ninh Loan cũng còn nhiều vất vả.

Ông Nguyễn Thiện Tiến - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Đức Trọng từng là nhà giáo. Ông là một trong những giáo viên đầu tiên dạy những thế hệ học trò của Trường THCS Ninh Loan. Thăm lại trường cũ, ông Nguyễn Thiện Tiến nhớ lại những ngày khó khăn của thầy và trò. Trường nhỏ, thiếu thốn, sân đất bụi mù vào mùa nắng, những ngày mưa, học trò lội nước đến bắp chân đi học... Hôm nay, đời sống kinh tế đã có nhiều khởi sắc, con đường đến trường của học trò đã được trải nhựa mượt mà. Nhưng, các em vẫn chịu nhiều khó khăn so với các bạn học trò gần trung tâm.

“So với nhiều trường có cùng điều kiện kinh tế vùng Loan, Trường THCS Ninh Loan thật sự khó khăn về cơ sở vật chất. Chúng tôi hiện chưa đạt trường chuẩn quốc gia vì còn thiếu phòng học, còn thiếu các phòng chức năng phục vụ công tác giáo dục. Rất may, năm học 2023-2024, trường đã được đầu tư xây dựng khu phòng học mới với đầy đủ các phòng chức năng. Chúng tôi rất hy vọng năm học mới sắp tới, học trò, giáo viên sẽ có một khu phòng học đầy đủ tiện nghi phục vụ công tác dạy và học của thầy trò nhà trường” - thầy Lê Văn Dương hồ hởi chia sẻ. Các bạn học trò Ninh Loan, sau khi tốt nghiệp THCS sẽ phải đi học xa, tại Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, nơi cách Ninh Loan tới 13 km. Ninh Loan cũng cách trung tâm huyện 30 km, đường đi lại còn gặp nhiều khó khăn, là một sức ép với đội ngũ cán bộ, nhà giáo, người lao động trong trường.

Cô giáo Nguyễn Thị Huyên - Chủ tịch Công đoàn cơ sở TrườngTHCS Ninh Loan chia sẻ, hầu hết giáo viên của trường đều tới từ các địa phương trong huyện Đức Trọng. Tuy cùng huyện, con đường các thầy, cô đi lại rất dài. Có những thầy cô phải đi tới 60 -70 km mỗi ngày. Bởi vậy, nhiều giáo viên đã phải ở trọ tại các nhà dân xung quanh để đảm bảo thời gian lên lớp. Dù vất vả, đội ngũ giáo viên nhà trường vẫn hăng say vươn lên, đảm bảo chương trình giáo dục, cố gắng hết sức giúp học trò đủ kiến thức và kỹ năng để tiếp tục con đường học tập. Cô giáo Lục Thanh Thủy, giáo viên môn Văn đã có 10 năm gắn bó với Trường THCS Ninh Loan. Gia đình tại xã Tân Thành, mỗi ngày cô Thủy đội mưa gió đi - về 60 km. Nhưng, trái tim người giáo viên vẫn nồng nhiệt mỗi giờ lên lớp, những giờ tổ chức hoạt động ngoại khóa cho học trò. Cô bảo, trước đây chưa có khu công vụ của giáo viên, cô cũng như nhiều thầy, cô giáo khác phải thuê nhà dân để nghỉ trưa cũng như ở lại khi tham dự các giờ sinh hoạt muộn. Nay, trường đã được Tổ chức Công đoàn tặng một khu nhà công vụ, giúp thầy cô giáo có nơi ăn, chốn ở sạch sẽ, an toàn, đảm bảo thầy cô được nghỉ ngơi sau mỗi giờ lên lớp. Câu slogan của ngành Giáo dục “Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm” luôn hiện diện tại ngôi trường vùng xa này.

Cô Nguyễn Thị Huyên chia sẻ, cùng với lãnh đạo nhà trường, tổ chức Công đoàn đã thực sự là một mái ấm chung của nhà giáo, người lao động Trường THCS Ninh Loan. Sự khó khăn, vất vả vì đi lại, vì thu nhập của giáo viên được bù đắp bằng tình cảm chân thành, quý mến, sự đoàn kết, gắn bó của anh chị em trong đơn vị. Ban lãnh đạo nhà trường cũng hết sức tạo điều kiện để thầy cô được đào tạo chuyên môn, nâng cao kiến thức, kỹ năng giáo dục. Các thầy cô nhà trường đều đã được chuẩn hóa qua đại học, có thầy cô giáo đã tiếp tục học lên thạc sĩ, nâng cao trình độ chuyên môn, đủ kinh nghiệm, kiến thức, nhanh nhạy để giúp đỡ học trò vùng sâu bắt kịp với các bạn gần trung tâm. Niềm vui của nhà trường chính là những cô bé, cậu bé tại vùng đất Ninh Loan tiếp tục con đường học tập, vươn lên, phát triển năng lực, xây dựng và làm giàu cho quê hương.

DIỆP QUỲNH

 

Tin tức khác