Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Võ Văn Ngân (1902 - 2022), lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam 

04.04.2022 13:463639 đã xem

     Đồng chí Võ Văn Ngân – từ một người yêu nước chân chính thành một trong những chiến sĩ cộng sản tiên phong đầu tiên ở Long An. Cuộc đời cách mạng của ông gắn liền với những dấu ấn đầy tự hào, là tấm gương sáng ngời về lòng kiên trung, mẫu mực, bất khuất, hy sinh trọn đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, mãi mãi là niềm tự hào của toàn Đảng, toàn thể dân tộc Việt Nam.

                                      Đồng chí Võ Văn Ngân

     Đồng chí Võ Văn Ngân sinh năm 1902, ông lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo tại làng Bình Tây, xã Đức Hòa, quận Đức Hoà, tỉnh Chợ Lớn (nay thuộc tỉnh Long An). Ông nội là ông Võ Văn Lực - người có công khai khẩn đất hoang, lập nên làng xóm ở khu vực làng Đức Hòa. Ông ngoại ở huyện Hóc Môn, từng tham gia phong trào vũ trang kháng Pháp nửa cuối thế kỷ XIX. Thân sinh của ông là ông Võ Văn Sự và bà Nguyễn Thị Toàn sinh được 11 người con, 04 người mất sớm do bệnh tật, 07 người còn lại đều tiếp nối truyền thống gia đình tham gia phong trào chống Pháp.

     Thấm nhuần truyền thống yêu nước của gia đình, ông sớm ý thức về con đường đấu tranh giành độc lập dân tộc, chống ách cai trị của thực dân Pháp. Năm 1926, đồng chí Võ Văn Ngân cùng đồng chí Võ Văn Tần tham gia vào Hội kín Nguyễn An Ninh, một tổ chức bí mật hoạt động đấu tranh đòi độc lập, chống lại quyền cai trị của thực dân Pháp tại Nam Kỳ, sau đó chuyển sang gia nhập tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội.

     Tháng 8/1929, đồng chí Võ Văn Ngân cùng Võ Văn Tần tham gia An Nam Cộng sản Đảng sau đó lập ra chi bộ Cộng sản sớm nhất ở Đức Hòa vào cuối năm 1929 gồm 07 người do Võ Văn Tần làm Bí thư. Sau khi thành lập, chi bộ ra nghị quyết lấy thắng lợi của cuộc cách mạng Tháng Mười Nga làm nội dung vận động, các đồng chí trong chi bộ nhanh chóng tản đi khắp nơi vận động nhân dân tham gia cách mạng, thành lập, phát triển tổ chức Đảng, đặc biệt là ở hai khu vực Mỹ Hạnh, Hựu Thạnh. Tháng 5/1930, Quận ủy Đức Hòa được thành lập, 04 anh em Võ Văn Mẫn, Võ Văn Tần, Võ Văn Tây, Võ Văn Ngân đều được bầu là Quận ủy viên, trong đó đồng chí Võ Văn Tần làm Bí thư.

     Thực hiện chủ trương của liên Tỉnh ủy Gia Định - Chợ Lớn, ngày 04/6/1930, đồng chí Võ Văn Ngân, Võ Văn Tần cùng các Quận ủy Đức Hòa lãnh đạo cuộc biểu tình tại thị trấn Đức Hòa đòi Pháp giảm thuế nhưng bị đàn áp. Sau cuộc biểu tình, chính quyền thực dân Pháp ra sức lùng bắt các đồng chí lãnh đạo Quận ủy. Trước tình thế đó, đồng chí Võ Văn Ngân và các đồng chí ở Đức Hoà phải chuyển vùng, lánh đi nơi khác. Ông cùng Võ Văn Tần trốn sang quê mẹ ở quận Hóc Môn, tỉnh Gia Định.

     Cuối năm 1931, do bị chỉ điểm, phần lớn lãnh đạo Tỉnh ủy Gia Định bị chính quyền thực dân bắt giữ. Mặc dù vậy, đồng chí Võ Văn Ngân cùng Võ Văn Tần tiếp tục ra sức hoạt động nhằm khôi phục các cơ sở Đảng đã mất và tổ chức tái lập Tỉnh ủy Gia Định, đồng chí Võ Văn Ngân được chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy Gia Định. Đầu năm 1932, do yêu cầu công tác, ông được cử giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn thay đồng chí Võ Văn Tần. Ông cùng Võ Văn Tần đã đóng góp phần công sức rất lớn vào việc củng cố và duy trì lực lượng của Đảng ở địa phương Chợ Lớn - Gia Định trong suốt thời kỳ cách mạng kể từ cuối 1931.

     Đầu tháng 3/1935, đồng chí Võ Văn Ngân được bầu vào Xứ ủy Nam kỳ, trực tiếp phụ trách Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần I (ngày 27 đến 31/3/1935), ông được bầu làm Ủy viên chính thức của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Cũng trong tháng 3, ông được bầu làm một trong hai đại biểu chính thức cùng với Nguyễn Chánh Nhì thay mặt cho toàn Đảng bộ Nam Kỳ đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần I họp ở Ma Cao, Trung Quốc. Dưới bí danh là Xú, tức Mập, Võ Văn Ngân tích cực đóng góp vào sự thành công của Đại hội Đảng lần I, và ông được bầu là 01 trong số 09 ủy viên chính thức của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương.

     Sau đại hội, đồng chí Võ Văn Ngân và đồng chí Nguyễn Chánh Nhì trở về Nam kỳ ngay lúc cơ quan Xứ ủy vừa bị thực dân Pháp phá vỡ, Bí thư Xứ ủy và phần lớn xứ ủy viên đều bị bắt. Ông cùng các đồng chí còn lại bắt tay khôi phục Xứ ủy và ông được cử trực tiếp làm Bí thư Xứ ủy. Vừa lo lập lại tổ chức Đảng từ cấp Xứ ủy đến các tỉnh, Võ Văn Ngân vừa cùng các đồng chí chuẩn bị xây dựng căn cứ ở vùng nông thôn ngoại thành cho Trung ương Đảng về đóng "trụ sở" để thuận tiện việc chỉ đạo phong trào cách mạng.

     Trong giai đoạn này, đồng chí Võ Văn Ngân còn cùng các đồng chí lãnh đạo Xứ ủy tiến hành xây dựng căn cứ ở làng Tân Thới Nhứt (Bà Điểm, Hóc Môn), cách trung tâm Sài Gòn khoảng 15km để Trung ương Đảng làm trụ sở thuận tiện cho việc chỉ đạo phong trào cách mạng. Tại nơi đây, Ban Chấp hành Trung ương Đảng tiến hành nhiều hội nghị đề ra các nghị quyết quan trọng, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương lần thứ VI về chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, đưa nhân dân ta vào thời kỳ chuẩn bị trực tiếp vận động cứu nước, đây là tiền đề vô cùng quan trọng cho cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945 thành công rực rỡ.

     Đang lúc phong trào cách mạng đang phát triển mạnh mẽ thì đồng chí Võ Văn Ngân lâm bệnh nặng, buộc phải nghỉ ngơi để chữa trị. Đồng chí Võ Văn Tần lên thay Võ Văn Ngân, dù vậy, ông vẫn luôn quan tâm đến công việc của Đảng. Đầu năm 1938, bệnh tình trở nặng, ông được đưa về quê ở ấp Bình Tả, làng Đức Hòa và trút hơi thở cuối cùng vào ngày 19/10/1939.

     Đồng chí Võ Văn Ngân đã mãi ra đi trong niềm thương tiếc của toàn Đảng và toàn dân tộc ta. Ông mất đi nhưng tinh thần và khí tiết cách mạng vẫn còn đó, tô thắm truyền thống của mảnh đất Chợ Lớn - Tân An, để lại cho lớp thanh niên yêu nước một tấm gương ngời sáng về lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, bất khuất trước kẻ thù và cống hiến trọn cuộc đời cho lý tưởng giải phóng dân tộc và lý tưởng cộng sản. Tấm gương ấy mãi xứng đáng để thế hệ hôm nay và mai sau ngưỡng mộ, học tập và noi theo.

Phòng KHTC Sở GDĐT

 

Tin tức khác