Hiệu quả từ việc thực hiện xây dựng gương điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

11.01.2021 14:522024 đã xem

         Khi nói về điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường gọi là “gương người tốt, việc tốt”. Người nhấn mạnh: Lấy gương người tốt, việc tốt hằng ngày để giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới và cuộc sống mới. Việc xây dựng gương điển hình tiên tiến là một trong các giải pháp quan trọng để thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, tạo hiệu ứng lan tỏa, tạo thành sức mạnh tổng hợp thực hiện tốt việc học tập và làm theo .

         Sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, việc xây dựng gương điển hình tiên tiến của Sở Giáo dục & Đào tạo Lâm Đồng đã đạt được một số kết quả nổi bật.

         Công tác phát hiện, bồi dưỡng, tuyên truyền và nhân rộng điển hình tiên tiến được Ngành coi trọng. Hằng năm, vào đầu năm học, Ngành ban hành các văn bản hướng dẫn các nhà trường xây dựng kế hoạch công tác thi đua, khen thưởng; đôn đốc tổ chức triển khai thực hiện. Trong quá trình theo dõi các hoạt động chuyên môn và các hoạt động giáo dục, các nhà trường đã phát hiện các nhân tố tích cực trong đổi mới, sáng tạo. Từ đó, công tác bồi dưỡng, tuyên truyền được đẩy mạnh, tạo hiệu ứng tích cực. Kết thúc mỗi năm học, Ngành cũng như các cơ sở giáo dục tổ chức vinh danh, biểu dương, khen thưởng kịp thời những tập thể, cán nhân có thành tích xuất sắc. Trong 05 năm từ 2015-2020, toàn Ngành có 590 gương nhà giáo, CBQL GD và 584 học sinh xuất sắc được tôn vinh, tuyên dương – khen thưởng. Song song với việc vinh danh, Ngành phối hợp với Đài Phát thanh Truyền hình Lâm Đồng Báo Lâm Đồng, Báo Giáo dục& Thời đại tuyên truyền về gương người tốt, việc tốt tạo sức lan tỏa trong cộng đồng.

         Có thể nói, công tác phát hiện, bồi dưỡng, tuyên truyền và nhân rộng điển hình tiên tiến đã góp phần to lớn tạo sức lan tỏa trong Ngành, tạo những hiệu ứng tích cực, tranh thủ được sự đồng thuận của cán bộ, giáo viên, người lao động cũng như dư luận xã hội.

         Với những đóng góp vào kết quả, thành tựu giáo dục tỉnh nhà của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lí và học sinh, hàng năm, Ngành GDĐT Lâm Đồng đều hoàn thành tốt các chỉ tiêu thi đua của Bộ GDĐT, trong đó có nhiều chỉ tiêu đạt xuất sắc. Năm năm qua, GDĐT Lâm Đồng liên tục nhận Cờ thi đua xuất sắc của Bộ GDĐT, năm 2018 được Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc. Từ  năm 2015 đến 2019, toàn ngành GD&ĐT: Có 04 tập thể và 05 cá nhân được tặng Huân chương lao động; 06 nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú; 05 tập thể được tặng Cờ thi đua của Chính phủ; 09 tập thể và 9 cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 39 tập thể được tặng Cờ thi đua của Bộ GDĐT và của UBND tỉnh; 99 tập thể và 332 cá nhân được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GDĐT và Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh.

         Bên cạnh đó, việc xây dựng, nhân rộng, vinh danh  gương điển hình tiên tiến của Ngành đã góp phần mọi người nhận thức sâu sắc vai trò, tầm quan trọng của thi đua yêu nước tạo sự thống nhất cao trong toàn cơ quan, toàn Ngành về vị trí, ý nghĩa của việc xây dựng, nhân ĐHTT, xem đây là việc làm thường xuyên, là nhiệm vụ quan trọng góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong từng đảng bộ, chi bộ, đơn vị; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, sâu rộng hơn nữa ý chí tự lực, tự cường, tinh thần tự giác sống vì mọi người, sống vì tập thể, đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích cá nhân.

         Từ thực tiễn những kết quả đạt được và hạn chế qua 5 năm triển khai, thực hiện Chỉ thị 05, chúng tôi rút ra một số kinh nghiệm cần được rút ra để chỉ đạo thực hiện trong thời gian tới:

         Một là, phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Nêu cao tính gương mẫu, tiên phong của cán bộ, đảng viên trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch tu dưỡng, rèn luyện, nhất là người đứng đầu để làm gương cho cấp dưới noi theo và giám sát. Đây là giải pháp có ý nghĩa quyết định đến chất lượng, hiệu quả việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

         Hai là,  Xây dựng kế hoạch học tập và làm theo phù hợp, sát với tình hình, chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị; chú trọng lựa chọn nội dung cốt lõi, mang tính đột phá để thực hiện; trong đó, xác định các mốc thời gian, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng tổ chức, cá nhân; thường xuyên rà soát, bổ sung tiêu chí học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Xây dựng động cơ thi đua trong sáng, đúng đắn, khơi dậy tinh thần vượt mọi khó khăn, gian khổ, ra sức thi đua trở thành những ĐHTT tiêu biểu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo.

         Ba là, chú trọng phát hiện, biểu dương và nhân rộng những mô hình hay, cách làm hiệu quả của tập thể, cá nhân điển hình tiêu biểu trong việc học tập và làm theo Bác. Cấp ủy chủ động rà soát, bổ sung nội dung, chỉ tiêu, biện pháp xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến trong kế hoạch xây dựng điển hình tiên tiến giai đoạn 2020 – 2025; mạnh dạn loại bỏ những mô hình không còn phát huy hiệu quả, để xây dựng mô hình mới phù hợp với từng cơ quan, đơn vị.

         Bốn là, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng và nội dung của việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chú trọng kết hợp nhiều hình thức như: sinh hoạt chính trị, tư tưởng; sinh hoạt chuyên đề; phát huy ý thức tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên, sự chủ động sáng tạo của đơn vị trong học tập và làm theo; tuyên truyền về gương người tốt, việc tốt, coi việc học tập và làm theo Bác là công việc tự giác, thường xuyên, thiết thực hằng ngày, là tình cảm, trách nhiệm của mỗi người.

         Năm là, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể tham gia xây dựng, nhân ĐHTT.  Thông qua hoạt động thực tiễn, các tổ chức đoàn thể giúp lãnh đạo đơn vị tạo nguồn xây dựng những nhân tố mới. Đồng thời, phát huy tốt vai trò của các tổ chức đoàn thể, quần chúng trong tham gia đóng góp xây dựng kế hoạch, nội dung, biện pháp xây dựng, nhân ĐHTT.

Đồng chí Phạm Thị Hồng Hải – Bí thư Đảng bộ Sở GDĐT

Tin tức khác