Giáo dục – Đào tạo Lâm Đồng tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới

22.12.2020 14:333067 đã xem

Nhìn lại chặng đường kết quả 5 năm thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lâm Đồng theo các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh (nhiệm kỳ 2015-2020) và Chương trình hành động số 74-CTr/TU ngày 11/02/2014 của Tỉnh ủy và Kế hoạch số 5477/KH-UBND ngày 15/9/2015 của UBND tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lâm Đồng, của các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương; sự phối hợp hỗ trợ tích cực của các sở, ban, ngành, tổ chức, đoàn thể và các lực lượng xã hội, nhất là sự nỗ lực phấn đấu của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, học sinh, sinh viên, sự nghiệp giáo dục - đào tạo tỉnh Lâm Đồng đã đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập, việc làm của xã hội, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và của tỉnh Lâm Đồng nói riêng.

Mặc dù vẫn còn những hạn chế nhất định nhưng có thể nói chất lượng giáo dục - đào tạo trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã từng bước được nâng lên theo hướng đảm bảo thực chất, hiệu quả toàn diện. Cơ bản hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo như: Quy mô trường lớp ổn định. Hiện nay, toàn tỉnh có 697 trường MN, PT, tăng 6 trường so với năm 2015, mạng lưới trường, điểm trường trải đều, rộng khắp trên địa bàn tỉnh đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân; Chất lượng giáo dục ở các cấp học chuyển biến rõ rệt (tăng tỷ lệ học sinh khá giỏi, giảm tỷ lệ học sinh yếu kém); tỷ lệ tốt nghiệp THPT 5 năm qua đạt từ hơn 94% trở lên; đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên được tiếp tục bồi dưỡng thường xuyên, vững vàng về tư tưởng, trong sáng về đạo đức, tâm huyết với nghề; cơ sở vật chất được tăng cường; tỷ lệ kiên cố hóa trường lớp toàn ngành đạt 80,81%, tăng 8,78% so với năm 2015; phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được đẩy mạnh; thực hiện hiệu quả Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với công tác thi đua, khen thưởng nhân rộng các gương điển hình. Trong 5 năm qua, có 590 CBGV được tuyên dương điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua Dạy tốt – Học tốt – Quản lý tốt; phương pháp dạy – học; kiểm tra, đánh giá được đổi mới mạnh mẽ theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Ngành GDĐT đã xác định để các đơn vị trường học thật sự mạnh về chất lượng GDĐT; trường lớp ngày càng khang trang sạch đẹp, đội ngũ CBGV ngày càng chuẩn hóa, tay nghề cao, đoàn kết gắn bó, tận tâm tận lực với nghề thì phải chú trọng công tác xây dựng Đảng trong các nhà trường, số lượng đảng viên trong các chi bộ nhà trường ngày càng tăng về số lượng và chất lượng. Dưới sự chỉ đạo của Thành ủy, Huyện ủy, các chi bộ trường học đã làm tốt công tác chính trị tư tưởng, định hướng phát triển GDĐT theo sứ mệnh, tầm nhìn của từng đơn vị gắn với nâng cao trách nhiệm của mỗi CBGV đảng viên trong thực thi nhiệm vụ. Hàng năm, kết quả đánh giá hoạt động chuyên môn của thủ trưởng đơn vị sẽ là một trong các căn cứ để các Thành ủy, Huyện ủy đánh giá xếp loại CBGV đảng viên. Sự phối hợp chặt chẽ đã góp phần đổi mới căn bản, toàn diện, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Trong 5 năm (2015 – 2020), ngành GDĐT đã nỗ lực rất lớn trong công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, bằng nhiều giải pháp quyết liệt, tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia đạt 80,57%, tăng 45,43% so với năm 2015, vượt chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2020 và chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng khóa X đề ra (đến năm 2020 đạt từ 75-80%).

Trong nhiệm kỳ đại hội 2020 – 2025 và những năm tiếp theo, ngành GDĐT sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Kế hoạch số 5498/KH-UBND ngày 25/6/2020 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 51-KL/TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư và Kế hoạch số 97-KH/TU ngày 15/8/2019 của Tỉnh uỷ Lâm Đồng về việc thực hiện Kết luận 51-KL/TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 8, khoá XI “về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp; Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với Nghị quyết TW4 khóa XII; Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 18/5/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2018 - 2020 và những năm tiếp theo; triển khai Kế hoạch số 9011/KH-UBND ngày 05/11/2020 của UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở tỉnh Lâm Đồng năm 2020; Kế hoạch số 48-KH/TU và Kế hoạch số 49-KH/TU ngày 16/4/2018 của Tỉnh ủy Lâm Đồng về thực hiện Nghị quyết số 18, 19-NQ/TW của BCH TW Đảng khóa XII. Để đáp ứng yêu cầu đó, đòi hỏi chất lượng giáo dục và đào tạo phải được nâng lên xứng tầm, có khả năng đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cùng với cả nước, GDĐT Lâm Đồng đang vững bước trên con đường đổi mới, chú trọng phát triển nguồn nhân lực... trong đó tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm và các giải pháp sau:

Một là, với nhận thức gốc rễ của đổi mới là thay đổi nhận thức, đổi mới tư duy, ngành tiếp tục tổ chức quán triệt, phổ biến sâu rộng đến toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức và học sinh toàn ngành về các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT, nâng cao nhận thức về vai trò quyết định chất lượng GDĐT của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; người học là chủ thể trung tâm của quá trình giáo dục; gia đình có trách nhiệm phối hợp với nhà trường và xã hội trong việc giáo dục nhân cách, lối sống cho con em mình.

Hai là, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục, đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học, hướng dẫn các cơ sở giáo dục, đào tạo xác định rõ và công khai mục tiêu, chuẩn đầu ra của từng cấp học, môn học, chương trình, ngành và chuyên ngành đào tạo. Coi đó là cam kết bảo đảm chất lượng của từng cơ sở giáo dục và đào tạo, là căn cứ để giám sát, đánh giá chất lượng giáo dục – đào tạo.

Ba là, xây dựng và triển khai Đề án đào tạo giáo viên chất lượng cao đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo. Ưu tiên đào tạo bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo cho các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc để đảm bảo việc duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục.

Bốn là, tập trung đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đối với từng cấp học theo mục tiêu đề ra. Tiếp tục thực hiện đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học, thi và kiểm tra đánh giá theo hướng hiện đại; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học; thực hiện có hiệu quả việc lồng ghép nội dung giáo dục giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa, phẩm chất cao đẹp của con người Đà Lạt nói riêng và Việt Nam nói chung vào hoạt động giáo dục trong các nhà trường.

Năm là, thực hiện tốt quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Lâm Đồng đến năm 2030, sắp xếp hợp lý mạng lưới trường lớp phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa bàn. Từng bước hoàn thiện hệ thống giáo dục trong tỉnh theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập. Đẩy mạnh phân luồng sau trung học cơ sở; định hướng nghề nghiệp ở trung học phổ thông. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án về chống mù chữ, phổ cập giáo dục trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021-2025 và Đề án Xây dựng xã hội học tập ở Lâm Đồng giai đoạn tiếp theo nhằm nâng cao trình độ dân trí và đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Sáu là, đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong công tác quản lý giáo dục và đào tạo, tăng quyền tự chủ chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục, đào tạo; coi trọng quản lý chất lượng, nâng cao trách nhiệm và tạo động lực, tính chủ động, sáng tạo của các cơ sở giáo dục và đào tạo. Phát huy vai trò của cuộc cách mạng Công nghệ 4.0 trong xây dựng “Điều hành giáo dục thông minh” (Đà Lạt, Bảo Lộc). Thực hiện cơ chế người học tham gia đánh giá hoạt động giáo dục, đào tạo; nhà giáo tham gia đánh giá cán bộ quản lý; cơ sở giáo dục, đào tạo tham gia đánh giá cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý các cấp, tập trung thanh tra có chiều sâu công tác quản lý và thanh tra chuyên ngành ở các cấp học; tăng cường công tác tự kiểm tra của các cơ sở giáo dục, đào tạo.

Bảy là, có giải pháp hữu hiệu nhằm huy động sự tham gia đóng góp của toàn xã hội vào phát triển giáo dục và đào tạo. Ưu tiên đầu tư cho giáo dục miền núi và dân tộc, đặc biệt là hệ thống trường dân tộc nội trú, dân tộc bán trú. Tiếp tục thực hiện mục tiêu kiên cố hóa trường, lớp học gắn liền với nhiệm vụ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2020 – 2025.

Nhằm tạo bước chuyển biến mang tính đột phá về giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ yêu cầu phát triển của tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2020 – 2025 và những năm tiếp theo, bên cạnh những thuận lợi chắc chắn sẽ có không ít khó khăn thách thức. Ngành GDĐT tin tưởng rằng dưới sự lãnh chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các cấp; sự phối hợp tích cực của các Sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị, đoàn thể và toàn xã hội, ngành GDĐT tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, ý chí quyết tâm, nỗ lực phấn đấu hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Đồng chí Phạm Thị Hồng Hải – Bí thư Đảng bộ Sở GDĐT

Ban chấp hành Đảng bộ Sở GDĐT nhiệm kỳ 2020-2025

Tin tức khác