Giá trị văn hóa Hồ Chí Minh mãi soi sáng con đường Cách mạng Việt Nam
Cách đây 33 năm (1990), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) ra Nghị quyết 24C/1865 về Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và đã vinh danh Người là Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới. Sự tôn vinh của UNESCO đã khẳng định những đóng góp to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho dân tộc Việt Nam và cho thế giới; khẳng định văn hóa Hồ Chí Minh là sự kết tinh của tinh hoa văn hóa dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại. Những giá trị văn hóa Hồ Chí Minh, những bài học về đạo đức, phong cách sống, học tập và làm việc, tư tưởng vĩ đại của Người là tài sản tinh thần vô giá của dân tộc Việt Nam.
• TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH VỀ VĂN HÓA
Sau khi nghiên cứu các hiện tượng và giá trị văn hóa ở nhiều dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra định nghĩa về văn hóa: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa”. Theo Hồ Chí Minh, văn hóa là toàn bộ những gì do con người đã sáng tạo ra. Văn hóa trở thành giới tự nhiên thứ hai do con người tạo ra và văn hóa cũng chính là mục đích, ý nghĩa cuộc sống của con người. Ở đâu có con người, quan hệ giữa con người với con người thì ở đó có văn hóa. Bản chất của văn hóa là có tính người và tính xã hội của con người. Văn hóa là một thực thể sống của con người. Hồ Chí Minh không chỉ đề xuất khái niệm văn hóa theo nghĩa rộng mà còn cho rằng văn hóa là “một kiến trúc thượng tầng”. Văn hóa có mối quan hệ biện chứng với cơ sở hạ tầng, với kinh tế, chính trị, xã hội. Người cho rằng, trên nền tảng cơ sở hạ tầng vững chắc thì văn hóa mới có điều kiện phát triển. Đến lượt nó, văn hóa là động lực cho sự phát triển kinh tế, xã hội, “văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”.
Trong triết lý phát triển xã hội của Chủ tịch Hồ Chí Minh và trong phác thảo xây dựng nền văn hóa dân tộc Việt Nam kiểu mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh trước hết quan tâm đến chiều sâu của các mối quan hệ xã hội là tâm lý, là đạo đức và các vấn đề của lợi ích. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhân dân là người sáng tạo ra toàn bộ lịch sử xã hội trong đó có các giá trị văn hóa. Muốn phát triển văn hóa phải quan tâm đến động lực to lớn của lịch sử là vai trò sáng tạo của quần chúng Nhân dân. Trong tư tưởng văn hóa Hồ Chí Minh, con người là vốn quý nhất của xã hội, cần thiết phải quan tâm toàn diện đến sự phát triển mọi mặt của con người trong quá trình phát triển xã hội xây dựng môi trường văn hóa mới. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói rằng: Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa. Con người xã hội chủ nghĩa vừa là mục tiêu vừa là động lực vừa là sức sống của nền văn hóa mới. Đó là những con người có sự giác ngộ về lý tưởng nhân văn sâu sắc, có đạo đức cách mạng trong sáng, tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là những con người hồng thắm, chuyên sâu; những con người vừa có đức vừa có tài, những con người phát triển đa dạng, phong phú cả về đời công lẫn đời tư. Trong một xã hội có những con người như vậy xuất hiện phổ biến thì đó là một xã hội văn hóa cao. Hồ Chí Minh tiên liệu rằng môi trường văn hóa của xã hội văn hóa cao là môi trường đầy giá trị nhân văn, ai cũng có cơm ăn, ai cũng có áo mặc, ai cũng được học hành, con người sống với con người vừa có tình vừa có lý, ai có tài năng đều có điều kiện phát triển.
Không chỉ là một nhà chính trị lỗi lạc, Anh hùng giải phóng dân tộc vĩ đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là một nhà văn hóa kiệt xuất. Con đường hình thành Danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh là một con đường hiếm thấy, vừa kết hợp nhuần nhuyễn, hài hòa giữa nghiên cứu lý luận với thực tiễn đời sống, vừa kế thừa, phát huy những giá trị, cốt cách, bản sắc văn hóa, truyền thống bốn nghìn năm văn hiến của dân tộc Việt Nam và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, văn hóa nói riêng và chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung đóng vai trò quan trọng, tạo nên sức mạnh trong tư duy và hành động cho các dân tộc bị áp bức, bóc lột có thể giải phóng mình, chiến thắng ngoại xâm theo tinh thần “văn minh chống bạo tàn”. Từ quan điểm này, Người đã đem ánh sáng văn hóa mới của chủ nghĩa Mác - Lênin soi đường cho dân tộc ta và các dân tộc bị áp bức khác trong cuộc đấu tranh cách mạng giải phóng con người. Đối với Hồ Chí Minh, văn hóa còn có tác dụng “sửa đổi tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ, sửa xã hội cũ, xây xã hội mới”. Thế nên, sau khi giành được chính quyền, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Người đã phát động phong trào “diệt giặc dốt”, bởi “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Người cũng khẳng định “Phải đem văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường dân tộc”, “phải xúc tiến công tác văn hóa để đào tạo con người mới và cán bộ mới cho kháng chiến kiến quốc”.
Ngay từ khi tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã chủ trương xây dựng một xã hội tương lai, trong đó việc xây dựng một nền văn hóa mới đóng vai trò quan trọng, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp cách mạng. Người cho rằng, văn hóa là tinh hoa của dân tộc, văn hóa phải góp phần khẳng định vị thế của dân tộc, và yếu tố dân tộc là yếu tố quyết định nhất của một nền văn hóa mới, dựa trên cơ sở gốc là văn hóa dân tộc, lấy đó làm điều kiện, cơ sở để tiếp thu văn hóa nhân loại. Văn hóa phụng sự Nhân dân, vì hạnh phúc của Nhân dân cũng là quan điểm xuyên suốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Người khẳng định: “Văn hóa phải thiết thực phục vụ Nhân dân, góp phần vào việc nâng cao đời sống vui tươi, lành mạnh của quần chúng - nội dung văn hóa phải có ý nghĩa giáo dục...”. Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu sâu sắc vai trò to lớn của văn hóa đối với sự phát triển kinh tế, chính trị, xã hội: “Trình độ văn hóa của Nhân dân nâng cao sẽ giúp chúng ta đẩy mạnh công cuộc khôi phục kinh tế, phát triển dân chủ... cần thiết để xây dựng nước ta thành một nước hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”. Trong Di chúc, Người vẫn đau đáu căn dặn: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân”.
• GIÁ TRỊ VĂN HÓA HỒ CHÍ MINH SOI SÁNG CON ĐƯỜNG CÁCH MẠNG VIỆT NAM
Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, quan điểm về phát triển văn hóa được Đảng ta thể hiện trong nhiều văn kiện như: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943); Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa VIII); Nghị quyết số 33-NQ/TW (khóa IX) “về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.
Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định vai trò, ý nghĩa đặc biệt của việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, xác định một trong 12 định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 là: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”. Để làm rõ quan điểm, đường lối nhất quán của Đảng về phát triển văn hóa trong giai đoạn mới, ngày 24/11/2021 Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã diễn ra. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dự và có bài phát biểu chỉ đạo. Trong bài phát biểu của mình, Tổng Bí thư nhiều lần khẳng định vai trò to lớn của văn hóa: “Văn hóa còn là dân tộc còn”. Tổng Bí thư đã chỉ rõ 6 nhiệm vụ quan trọng để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc, trong đó xác định triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới. Lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh bảo đảm sự phát triển bền vững. Điều đó đòi hỏi phải kế thừa và phát huy giá trị văn hóa và con người Việt Nam, truyền thống lịch sử của dân tộc đã được vun đắp qua hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng, xã - Tổ quốc; lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý; đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống... Các giá trị và sức mạnh đó của văn hóa và con người Việt Nam đã hình thành nền tảng tinh thần vững chắc của dân tộc ta; trở thành nguồn lực nội sinh, động lực quan trọng của phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Nhìn lại 37 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Đời sống Nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Thành quả ấy được soi rọi, dẫn dắt bởi giá trị tư tưởng, văn hóa Hồ Chí Minh, là niềm tự hào, là động lực, nguồn lực quan trọng, là niềm tin để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới toàn diện, đồng bộ; phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Năm 2023, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh nhà triển khai chuyên đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về trách nhiệm nêu gương; quyết liệt, đồng bộ trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI” thì những giá trị tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh về văn hóa sẽ mãi soi sáng cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam đa dạng và thống nhất vì mục tiêu độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội và hội nhập quốc tế; góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc; xây dựng quê hương Lâm Đồng phát triển nhanh và bền vững.
TRẦN TRUNG HIẾU
http://baolamdong.vn/chinh-tri/202305/gia-tri-van-hoa-ho-chi-minh-mai-soi-sang-con-duong-cach-mang-viet-nam-6f5187d/