Bộ Giáo dục và Đào tạo khảo sát tình hình triển khai Nghị quyết 29 tại Đơn Dương

04.10.2023 20:361223 đã xem

   (LĐ online) - Ngày 4/10, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc làm trưởng đoàn công tác đã có buổi làm việc, khảo sát tại Trường Tiểu học Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương về tình hình thực hiện Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Quang cảnh buổi làm việc

   Tại buổi làm việc, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạnh Mỹ Nguyễn Thị Nguyệt đã báo cáo kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 tại trường. Theo đó, Nhà trường kịp thời ban hành kế hoạch, hướng dẫn thực hiện nhiệm năm học theo chỉ đạo của các cấp lãnh đạo. Thực hiện tương đối tốt việc giao quyền tự chủ cho các  bộ phận, các đoàn thể và đặc biệt là giáo viên sử dụng chương trình, phương pháp và hình thức tổ chức dạy học, điều chỉnh tài liệu tổ chức hoạt động dạy học linh hoạt, hiệu quả sát đối tượng học sinh nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giáo của nhà trường; đảm bảo tính dân chủ, công khai; phối hợp tốt giữa nhà trường và cha mẹ học sinh trong việc tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục.

   Nhà trường bước đầu chú trọng dạy học theo yêu cầu cần đạt của môn bài học giúp các em phát triển các năng lực chung, năng lực đặc thù và phẩm chất. Từ đó, các em tự phát hiện năng lực, nguyện vọng của bản thân, rèn luyện làm quen và khả năng tự học, phát huy tiềm năng và những kiến thức, kĩ năng đã tích luỹ được để phát triển và vận dụng vào cuộc sống.

   Khuyến khích giáo viên thực hiện dạy học tích hợp liên môn và lồng ghép các nội dung giáo dục phù hợp. Đồng thời, tổ chức các hoạt động trong giờ chính khóa linh hoạt, phù hợp; thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoài giờ chính khóa với các nội dung theo chủ đề, chủ điểm nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. 100% học sinh học 2 buổi/ngày đảm bảo nội dung chương các môn học theo khối lớp quy định tại Thông tư 32/2018 và Quyết định số 16/2006/QĐ.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại buổi làm việc

   Tuy nhiên, vẫn còn một số, tồn tại, hạn chế: Việc triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông còn gặp khó khăn trở ngại về việc đầu tư thiết bị, tổ chức mua sắm theo quy trình vẫn còn chậm trễ; công tác truyền thông, phối hợp ở một số lớp chưa tốt vì số phụ huynh đi làm ăn xa thiếu sự quan tâm đến con em; một số giáo viên lớn tuổi còn hạn chế trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học; một số giáo viên còn ngại thay đổi mới, chưa mạnh dạn, chưa chủ động điều chỉnh nội dung chương trình cho phù hợp với đối tượng học sinh; chưa dành nhiều thời gian dành cho việc nghiên cứu bài dạy để vận dụng, đa dạng nguồn học liệu, tổ chức các hoạt động dạy học hiệu quả; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học chưa đáp ứng được so với yêu cầu và tổ chức dạy học các môn học bộ môn,...

   Một số kiến nghị, đề xuất cũng được gởi tới Bộ Giáo dục và Đào tạo như: Chính phủ quan tâm kịp thời tới việc biên soạn sách giáo khoa và thiết dạy học; UBND huyện quan tâm cấp kinh phí mua sắm trang bị thiết bị dạy học hiện đại phục vụ cho các phòng học bộ môn để tổ chức dạy học và giáo dục đạt hiệu quả; đầu tư xây dựng một số phòng còn thiếu so với Thông tư số 13/2020/T BGDĐT như: Nhà đa năng, phòng Đảng, đoàn thể, phòng nghỉ giáo viên, phòng truyền thống, phòng khoa học công nghệ; cấp thiết bị dạy học lớp 3 và lớp 4 Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 kịp thời.

   Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc ghi nhận sự nỗ lực của nhà trường trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 29. Đồng thời, Thứ trưởng nhấn mạnh mục tiêu đổi mới lớn, sâu rộng, công việc đổi mới vẫn còn nhiều ở phía trước. Do đó, cần sẵn sàng chuẩn bị cho quá trình đổi mới tiếp theo. Đề nghị cần bổ sung, phân tích làm rõ góc độ tài chính, đầu tư cho giáo dục; nhấn mạnh thêm nội dung về giáo dục dân tộc, giáo dục mầm non, đặc biệt là tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ đến trường; bổ sung phù hợp các kết quả về chuyên môn giáo dục vì đây là hồn cốt đổi mới.

 Tiếp tục thực hiện tăng cường cơ sở vật chất theo hướng hiện đại hoá, bởi không thể có chất lượng giáo dục như mong muốn nếu không có cơ sở vật chất đầy đủ. Chương trình Giáo dục phổ thông mới được xây dựng đi kèm với cở sở vật chất, công nghệ hiện đại, tuy nhiên đây không phải là việc một sớm một chiều mà cần có kế hoạch từng bước, căn cứ các một số chỉ tiêu để đề xuất phù hợp.

DIỄM THƯƠNG – Báo Lâm Đồng

 

Tin tức khác