Những điểm mới Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học

14.01.2019 15:59248202 đã xem
Bộ giáo dục và Đào  tạo ban hành Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 Chương trình tổng thể Chương trình giáo dục phổ thông mới, trong đó đối với cấp tiểu học bao gồm những điểm mới như sau:


I. Quan điểm xây dựng chương trình
Chương trình giáo dục phổ thông được xây dựng theo hướng mở, cụ thể là:
1. Chương trình bảo đảm định hướng thống nhất và những nội dung giáo dục cốt lõi, bắt buộc đối với học sinh toàn quốc, đồng thời trao quyền chủ động và trách nhiệm cho địa phương và nhà trường trong việc lựa chọn, bổ sung một số nội dung giáo dục và triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp với đối tượng giáo dục và điều kiện của địa phương, của cơ sở giáo dục, góp phần bảo đảm kết nối hoạt động của nhà trường với gia đình, chính quyền và xã hội.
      2. Chương trình chỉ quy định những nguyên tắc, định hướng chung về yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của học sinh, nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục và phương pháp đánh giá kết quả giáo dục, không quy định quá chi tiết, để tạo điều kiện cho tác giả sách giáo khoa và giáo viên phát huy tính chủ động, sáng tạo trong thực hiện chương trình.
      3. Chương trình bảo đảm tính ổn định và khả năng phát triển trong quá trình thực hiện cho phù hợp với tiến bộ khoa học - công nghệ và yêu cầu của thực tế.
      4.  So với chương trình TH2000 đang thực hiện, chương trình giáo dục phổ thông mới cấp tiểu học theo định hướng vừa hình thành kiến thức vừa phát triển năng lực, phẩm chất học sinh tiểu học, dạy học không chỉ cung cấp kiến thức mà phải phát triển hài hòa cả phẩm chất và năng lực, chương trình GDPT mới 3 yếu tố này được hình thành và phát triển hài hòa trong một đứa trẻ và vững như ‘kiềng 3 chân”, nếu chỉ thiếu hay coi nhẹ 1 yếu tố thì sẽ không phát triển hài hòa đối với quá trình phát triển nhân cách, tư duy của học sinh tiểu học. 
      II. Mục tiêu của chương trình
      Chương trình giáo dục tiểu học giúp học sinh hình thành và phát triển những yếu tố căn bản đặt nền móng cho sự phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần, phẩm chất và năng lực; định hướng chính vào giáo dục về giá trị gia đình, quê hương, cộng đồng và những thói quen, nề nếp cần thiết trong học tập và sinh hoạt.
      III. Kế hoạch giáo dục
      1. Các môn học 
      a) Các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc: Tiếng Việt; Toán; Đạo đức; Ngoại ngữ 1 (ở lớp 3, lớp 4, lớp 5); Tự nhiên và Xã hội (lớp 1, lớp 2, lớp 3); Lịch sử và Địa lí (lớp 4, lớp 5); Khoa học (ở lớp 4, lớp 5); Tin học và Công nghệ (ở lớp 3, lớp 4, lớp 5); Giáo dục thể chất; Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật); Hoạt động trải nghiệm.
      b) Các môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số; Ngoại ngữ 1 ( ở lớp 1, lớp 2).
      So với chương trình hiện hành TH2000 đang dạy học, ở chương trình GDPT mới cấp tiểu học môn Tin học thêm nội dung Công nghệ và là môn học bắt buộc, tên gọi mới là Tin học và Công nghệ. Môn Thể dục tên gọi mới là môn Giáo dục thể chất. Ngoại ngữ 1 là môn học bắt buộc. Làm quen tiếng Anh lớp 1, lớp 2 đang thực hiện tại các trường tiểu học hiện nay là môn học tự chọn.
      Điểm mới rõ nhất lần đầu tiên ở tiểu học xuất hiện môn Hoạt động Trải nghiệm. Đó là trải nghiệm ở tiểu học và hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp ở bậc THCS, THPT. Nội dung cơ bản của chương trình này xoay quanh các mối quan hệ giữa cá nhân học sinh với bản thân, giữa học sinh với người khác, cộng đồng và xã hội; giữa học sinh với môi trường; học sinh với nghề nghiệp.
      Hoạt động trải nghiệm là hoạt động giáo dục, trong đó học sinh dựa trên sự tổng hợp kiến thức của nhiều lĩnh vực giáo dục và nhóm kỹ năng khác nhau để trải nghiệm thực tiễn đời sống nhà trường, gia đình và tham gia hoạt động phục vụ cộng đồng dưới sự hướng dẫn và tổ chức của nhà giáo dục, qua đó hình thành những phẩm chất chủ yếu, năng lực chung và một số năng lực thành phần đặc thù của hoạt động này: năng lực thiết kế và tổ chức hoạt động; năng lực thích ứng với sự biến động của nghề nghiệp và cuộc sống. Hoạt động trải nghiệm sáng tạo được thực hiện xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12. 
      Nội dung cơ bản của chương trình Hoạt động trải nghiệm gồm 5 lĩnh vực: Phát triển cá nhân; Cuộc sống gia đình; Đời sống nhà trường; Quê hương, đất nước và cộng đồng xã hội; Nghề nghiệp và phẩm chất người lao động. Nội dung hoạt động trải nghiệm được thiết kế theo nguyên tắc tích hợp, kết hợp đồng tâm và tuyến tính; các chủ đề được xây dựng mang tính chất mở với những nội dung hoạt động bắt buộc cho tất cả học sinh trong cả nước và nội dung mang tính phân hoá tuỳ theo nhu cầu, năng lực, sở trường của học sinh cũng như điều kiện đáp ứng của cơ sở giáo dục. 
      Giáo dục thể chất góp phần hình thành các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung cho học sinh; đồng thời, thông qua việc trang bị kiến thức về sức khoẻ, quản lý sức khỏe và rèn luyện, giáo dục thể chất giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực thể chất và văn hoá thể chất, ý thức trách nhiệm đối với sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng; biết thường xuyên tập luyện và phát triển năng khiếu thể thao phù hợp với bản thân; biết thích ứng với các điều kiện sống, lạc quan và chia sẻ với mọi người; có cuộc sống khoẻ mạnh về thể lực và tinh thần.
      Nội dung chủ yếu của môn Giáo dục thể chất là Thể dục và Thể thao, rèn luyện kỹ năng vận động và phát triển tố chất thể lực cho học sinh bằng những bài tập thể chất đa dạng như rèn kỹ năng vận động cơ bản, đội hình đội ngũ, các bài tập thể dục, các trò chơi vận động, các môn thể thao và phương pháp phòng tránh chấn thương trong hoạt động.
      2. Thời lượng giáo dục
      Chương trình Thực hiện dạy học 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học, mỗi tiết học 35 phút, chương trình tiểu học mới dạy học thông qua các hoạt động, thời lượng dạy học từ 2,7 giờ/ngày của chương trình hiện nhành nay giảm xuống dạy học còn 1,8 giờ/ngày
      Cơ sở giáo dục chưa đủ điều kiện tổ chức dạy học 2 buổi/ngày thực hiện kế hoạch giáo dục theo hướng dẫn của Bộ GDĐT.

      IV. Định hướng về phương pháp và đánh giá kết quả
      1. Định hướng về phương pháp giáo dục
      Các môn học và hoạt động giáo dục trong nhà trường áp dụng các phương pháp tích cực hoá hoạt động của người học, trong đó giáo viên đóng vai trò tổ chức, hướng dẫn hoạt động cho học sinh, tạo môi trường học tập thân thiện và những tình huống có vấn đề để khuyến khích học sinh tích cực tham gia vào các hoạt động học tập, tự phát hiện năng lực, nguyện vọng của bản thân, rèn luyện thói quen và khả năng tự học, phát huy tiềm năng và những kiến thức, kỹ năng đã tích lũy được để phát triển. 
      Các hoạt động học tập của học sinh bao gồm hoạt động khám phá vấn đề, hoạt động luyện tập và hoạt động thực hành (ứng dụng những điều đã học để phát hiện và giải quyết những vấn đề có thực trong đời sống), được thực hiện với sự hỗ trợ của đồ dùng học tập và công cụ khác, đặc biệt là công cụ tin học và các hệ thống tự động hóa của kỹ thuật số.
      Các hoạt động học tập nói trên được tổ chức trong và ngoài khuôn viên nhà trường thông qua một số hình thức chủ yếu sau: học lý thuyết; thực hiện bài tập, thí nghiệm, trò chơi, đóng vai, dự án nghiên cứu; tham gia xêmina, tham quan, cắm trại, đọc sách; sinh hoạt tập thể, hoạt động phục vụ cộng đồng.
Tùy theo mục tiêu cụ thể và mức độ phức tạp của hoạt động, học sinh được tổ chức làm việc độc lập, làm việc theo nhóm hoặc làm việc chung cả lớp. Tuy nhiên, dù làm việc độc lập, theo nhóm hay theo đơn vị lớp, mỗi học sinh đều phải được tạo điều kiện để tự mình thực hiện nhiệm vụ học tập và trải nghiệm thực tế.
      2. Định hướng về đánh giá kết quả giáo dục
      Mục tiêu đánh giá kết quả giáo dục là cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, có giá trị về mức độ đạt chuẩn (yêu cầucần đạt) của chương trình và sự tiến bộ của học sinh để hướng dẫn hoạt động học tập, điều chỉnh các hoạt động dạy học, quản lý và phát triển chương trình, bảo đảm sự tiến bộ của từng học sinh và nâng cao chất lượng giáo dục.
      Căn cứ đánh giá là các yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực được quy định trong chương trình tổng thể và chương trình môn học. Phạm vi đánh giá bao gồm toàn bộ các môn học bắt buộc, môn học bắt buộc có phân hóa, môn học tự chọn và môn học tự chọn bắt buộc. Đối tượng đánh giá là sản phẩm và quá trình học tập, rèn luyện của học sinh.
      Kết quả giáo dục được đánh giá bằng các hình thức định tính và định lượng thông qua đánh giá thường xuyên, định kỳ ở cơ sở giáo dục. Kết quả các môn học tự chọn được sử dụng cho đánh giá kết quả học tập chung của học sinh trong từng năm học và trong cả quá trình học tập.
      Việc đánh giá thường xuyên do giáo viên phụ trách môn học tổ chức, dựa trên kết quả đánh giá của giáo viên, của phụ huynh học sinh, của bản thân học sinh được đánh giá và của các học sinh khác trong tổ, trong lớp.Việc đánh giá định kỳ do cơ sở giáo dục tổ chức. 
      Phương thức đánh giá bảo đảm độ tin cậy, khách quan, phù hợp với từng lứa tuổi, không gây áp lực lên học sinh, hạn chế tốn kém cho ngân sách nhà nước, gia đình học sinh và xã hội.
      V. Điều kiệm thực hiện chương trình
      Trường phổ thông được đổi mới căn bản và toàn diện về tổ chức, hoạt động và cơ sở vật chất, đáp ứng đủ các điều kiện tối thiểu sau để thực hiện chương trình:
      1. Tổ chức và quản lý nhà trường
      a) Nhà trường có sứ mệnh phát triển nhân cách cho mỗi học sinh và phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện thường xuyên thay đổi; là trung tâm văn hoá giáo dục của địa phương; được tự chủ về chuyên môn, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương và cơ quan quản lý giáo dục các cấp.
      b) Cơ cấu tổ chức bộ máy của nhà trường theo quy định của Điều lệ trường tiểu học do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
      c) Lớp học, số học sinh, điểm trường (nếu có) theo quy định của Điều lệ.
      d) Quản lý dạy học và các hoạt động giáo dục khác theo chương trình giáo dục phổ thông; quản lý cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và quản lý tài sản (tài chính, đất đai, cơ sở vật chất, tài sản phi vật thể) theo quy định.
      2. Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh
      a) Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng được đánh giá hằng năm từ loại đạt yêu cầu trở lên theo quy định Chuẩn hiệu trưởng trường tiểu học, được bồi dưỡng, tập huấn về lý luận chính trị, quản lý giáo dục và chương trình mới theo quy định.
      b) Số lượng và cơ cấu giáo viên (kể cả giáo viên thỉnh giảng, nếu có) bảo đảm để dạy các môn học, chuyên đề học tập và hoạt động trải nghiệm theo chương trình mới; 100% giáo viên đạt trình độ chuẩn hoặc trên chuẩn; xếp loại từ đạt yêu cầu trở lên theo quy định về Chuẩn nghề nghiệp giáo viên tiểu học, giáo viên được đảm bảo các quyền theo quy định của Điều lệ trường phổ thông và của pháp luật; giáo viên được bồi dưỡng, tập huấn về dạy học theo chương trình mới.
      c) Nhân viên có trình độ chuyên môn đảm bảo quy định, được bồi dưỡng, tập huấn về các vấn đề của chương trình mới có liên quan đến nhiệm vụ của mỗi vị trí trong nhà trường.
      3. Cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục
      a) Diện tích khuôn viên và các yêu cầu về xanh, sạch, đẹp, thoáng mát bảo đảm quy định; có cổng, biển tên trường, tường hoặc hàng rào bao quanh theo quy định; có sân chơi, bãi tập, chỗ thực hành ngoài trời theo quy định.
      b) Số lượng, quy cách, chất lượng và thiết bị của phòng học bảo đảm theo quy định tối thiểu của Điều lệ trường phổ thông; kích thước, vật liệu, kết cấu, kiểu dáng, màu sắc của bàn ghế học sinh bảo đảm quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Xây dựng, Bộ Y tế; kích thước, màu sắc, cách treo bảng trong lớp học bảo đảm quy định về vệ sinh trường học của Bộ Y tế.
      c) Khối phòng học, khối phòng phục vụ học tập, khối hành chính quản trị đạt tiêu chuẩn tối thiểu theo quy định.
      d) Thư viện đạt tiêu chuẩn thư viện trường phổ thông theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; có các tủ sách lớp học, hoạt động của thư viện có tác dụng phát triển văn hoá đọc, khuyến khích và đáp ứng nhu cầu đọc, nghiên cứu, dạy học của cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh; bổ sung sách, báo và tài liệu tham khảo hằng năm đáp ứng yêu cầu dạy học theo chương trình mới.
      đ) Thiết bị dạy học tối thiểu phục vụ giảng dạy, học tập và việc sử dụng thiết bị dạy học trong các giờ lên lớp và tự làm một số đồ dùng dạy học của giáo viên bảo đảm quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; kiểm kê, sửa chữa, nâng cấp, bổ sung đồ dùng và thiết bị dạy học hằng năm đáp ứng yêu cầu dạy học theo chương trình mới.
      4. Xã hội hoá giáo dục
      a) Quán triệt quan điểm phát triển giáo dục là sự nghiệp của Đảng, của Nhà nước và của toàn dân. Cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thành công chương trình giáo dục phổ thông; bảo đảm điều kiện thực hiện chương trình; thực hiện nghiêm túc các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục cơ sở giáo dục phổ thông. Nhà trường chủ động tham mưu với cấp uỷ Đảng, chính quyền và phối hợp với các cá nhân, tổ chức đoàn thể ở địa phương để huy động đa dạng các nguồn lực tham gia các hoạt động giáo dục và hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất nhà trường, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn.
      b) Phối hợp tốt giáo dục gia đình và giáo dục nhà trường. Gia đình, cha mẹ học sinh được hướng dẫn phối hợp và tham gia giáo dục con em theo yêu cầu của lớp học, cấp học; Ban đại diện cha mẹ học sinh có cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền, trách nhiệm và hoạt động theo Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh; nhà trường tạo điều kiện thuận lợi để Ban đại diện cha mẹ học sinh hoạt động.
      c) Phối hợp tốt giáo dục nhà trường và giáo dục xã hội. Nhà trường chủ động tổ chức, hướng dẫn học sinh tham gia các hoạt động Đoàn - Đội - Hội, hoạt động xã hội, tích cực góp phần thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, qua đó thực hiện giáo dục học sinh trong thực tiễn đời sống.
      5. Bồi dưỡng giáo viên phương pháp dạy học
      Với cấu trúc của chương trình tiểu học mới là dạy học 2 buổi/ngày và để thực hiện có hiệu quả, trường tiểu học cần đảm bảo tốt cả 4 yếu tố như: Cơ sở vật chất trang thiết bị - phòng học; Chương trình, tài liệu dạy học; Công tác quản lý, quản trị trường học; Dội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên, trong đó đội ngũ giáo viên là yếu tố quan trọng nhất cho thành công của chương trình.
       Để chuẩn bị triển khai chương trình mới đạt hiệu quả, đội ngũ giáo viên tiểu học phải được bồi dưỡng cả về kiến thức và kĩ năng sư phạm, trong đó bồi dưỡng để mỗi giáo viên nắm vững cấu trúc chương trình lớp học, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học trước khi thực hiện. Đây là kinh nghiệm quý báu từ việc thực hiện chương trình tiểu học 2000 đang dạy học từ những năm học trước, tập huấn triển khai cho giáo viên khi chưa nắm vững cấu trúc chương trình lớp học.
      Trong quá trình bồi dưỡng giáo viên, chú trọng nâng cao năng lực tổ chức hoạt động dạy học, trong đó bồi dưỡng kĩ năng sư phạm. Chương trình tiểu học năm 2000 hiện nay coi sách giáo khoa là Pháp lệnh và giáo viên áp dụng dạy học đồng loạt giống nhau với mọi đối tượng học sinh, qua 2 lần giảm tải và đang dạy học hiện nay vẫn còn bộc lộ các nội dung chưa hợp lý.
      Chương trình tiểu học mới giao quyền chủ động cho nhà trường và giáo viên căn cứ tình hình thực tiễn tổ chức dạy học phù hợp đối tượng học sinh, do vậy giáo viên cần bồi dưỡng kĩ năng xây dựng lựa chọn nội dung chương trình dạy học, khuyến khích tinh thần sáng tạo của mỗi giáo viên, thực hiện tốt quản lý hoạt động dạy học, quản lý hoạt động chuyên môn, phát huy vai trò nòng cốt của các tổ khối chuyên môn để có nhiều hoạt động đóng góp cho việc thực hiện chương trình linh hoạt, chất lượng, hiệu quả.
      Trên cơ sở chương trình, sách giáo khoa do Bộ GDĐT phát hành, giáo viên thiết kế Kế hoạch dạy học trên cơ sở đổi mới phương pháp dạy học kết hợp đổi mới đánh giá học sinh tiểu học là yếu tố rất quan trọng. 
      Giáo viên dạy học chương trình mới vừa cung cấp kiến thức vừa phát triển hài hòa cả phẩm chất và năng lực, trong đó hình thành và phát triển các phẩm chất “chăm học, chăm làm, trách nhiệm, trung thực, kỷ luật”, các năng lực “hợp tác, tự quản, tự học và giải quyết vấn đề”. Để hình thành và phát triển các năng lực, phẩm chất của học sinh tiểu học, giáo viên phải thiết kế để cho học sinh vừa tham gia học vừa tự học để từ đó các em được hình thành các kĩ năng thông qua các hoạt động thực tiễn, trong đó tổ chức các hoạt động trải nghiệm với các nội dung phù hợp để chính các em được tham gia, được tự hoàn thiện bản thân mình./.

Nguyễn Duy Hải – Trưởng phòng GDTH Sở GDĐT

Tin tức khác