Nơi con học những bài hát đầu tiên
Nơi con học những bài hát đầu tiên, là nơi cô dạy con những vần thơ, những khúc nhạc. Đó chính là mái trường Mầm non Đạ Sar, một trường học rất đặc biệt với trên 90% học trò là những cô bé, cậu bé người K’Ho.
Các bé lớp Chồi Trường Mầm non Đạ Sar học chăm sóc cây
Cô giáo Nguyễn Thị Quý - Hiệu trưởng Trường Mầm non Đạ Sar chia sẻ: "Trường của chúng tôi có trên 90% các con là người dân tộc thiểu số bản địa, vì vậy cô giáo nào cũng phải học tiếng của các con, hiểu các con, cùng các con hòa nhập với tập thể, tạo nền móng vững chắc để các con bước vào tiểu học".
Trường Mầm non Đạ Sar có xấp xỉ 500 học sinh, chia làm hai điểm học gồm điểm trường chính và điểm trường Thôn 5. Các con tới trường từ lứa tuổi nhà trẻ, 25 tháng tuổi cho tới 5 tuổi. Toàn trường có 43 người lao động gồm cán bộ quản lý, 29 giáo viên và 11 nhân viên. “Với những bé vừa bước chân vào trường, hầu hết các con đều chưa biết nói tiếng Việt, chỉ sử dụng được tiếng dân tộc. Vì vậy, Trường Mầm non Đạ Sar đã xây dựng kế hoạch hoạt động tăng cường giáo dục tiếng Việt cho trẻ trong mọi hoạt động. Như với các bé nhà trẻ chưa biết tiếng Việt, các cô hướng dẫn các con bằng các câu đơn giản, bằng hình ảnh, dạy con từng chữ, từng chữ để các con dần dần nắm được tiếng Việt. Rất may mắn, trường chúng tôi có trên 70% cán bộ, nhà giáo, người lao động là người dân tộc bản địa, tạo điều kiện thuận lợi trong việc giúp các con hòa nhập cùng môi trường chung. Kể cả các cô người Kinh, cũng chủ động học tiếng của các con để việc giao tiếp được dễ dàng hơn. Thực sự, chúng tôi rất tự hào, sau một thời gian tới lớp, các con ngoan, giỏi, học tập tốt và sau những năm học tại trường mầm non, các con vững vàng bước vào trường tiểu học”, cô Nguyễn Thị Quý thông tin.
Cô Lê Thị Hồng Hiếu - Chủ tịch Công đoàn cơ sở nhà trường cho biết, Trường Mầm non Đạ Sar cũng rất may mắn được sự quan tâm của chính quyền địa phương cũng như các cấp, các ngành. Trường được xây dựng năm 2000, qua nhiều đợt sửa chữa, nâng cấp, hiện cơ sở vật chất rất hiện đại, khang trang, xinh đẹp, có nhiều cây xanh, có cả không gian để các con tập trồng cây, chăm sóc cây. Khu nhà bếp của nhà trường cũng được xây dựng đạt chuẩn với hệ thống máy móc hiện đại, được trang bị máy sấy chén cho bếp ăn, đảm bảo các con được sinh hoạt, ăn uống trong một môi trường tốt nhất.
Các cô giáo trong nhà trường cũng chiếm đa số là cô giáo người bản địa, vì vậy, trong việc hướng dẫn các con làm quen với tiếng Việt có nhiều thuận lợi. Với Trường Mầm non Đạ Sar, chuyên đề tăng cường tiếng Việt của đội ngũ giáo viên nhà trường được thực hiện thường xuyên, phối hợp trong hoạt động của trẻ. “Buổi học nào, chúng tôi cũng thực hiện hoạt động tăng cường giáo dục tiếng Việt cho trẻ, giúp các con làm quen với tập thể, hiểu nghĩa cũng như sử dụng thành thạo tiếng Việt. Phải nói, đội ngũ cán bộ, giáo viên, người lao động của nhà trường vô cùng nhiệt tình, nỗ lực trong việc dạy và chăm sóc các con”, cô Hiếu cho biết.
Năm 2023, Trường Mầm non Đạ Sar đạt chuẩn Quốc gia mức độ hai. Năm 2024, trường được tặng Cờ thi đua của UBND tỉnh dành cho đơn vị xuất sắc. Vừa qua, thông qua Liên đoàn Lao động huyện Lạc Dương, điểm trường Thôn 5 được doanh nghiệp tặng hệ thống xử lý nước sạch, giúp các cô, các con của điểm trường có hệ thống nước đạt chuẩn sử dụng trong sinh hoạt. Còn tại điểm trường chính, hệ thống bếp của nhà trường được Sở Công thương tặng một hệ thống năng lượng mặt trời áp mái, giúp tiết giảm chi phí điện năng của nhà trường. Những sự hỗ trợ của các cấp, các ngành đã giúp cô và trò trường mầm non bớt rất nhiều khó khăn. Cô giáo Nguyễn Thị Quý tâm sự: “Dù đời sống của cán bộ, giáo viên nhà trường cũng chưa hết khó khăn nhưng thực sự, chúng tôi rất yên tâm gắn bó với các con. Tôi chỉ mong mỏi nhà nước có chế độ miễn giảm học phí cho các con, có thêm một số hỗ trợ để các con tới trường thuận lợi hơn”. Lời tâm sự của cô giáo Nguyễn Thị Quý cũng là tâm sự chung của giáo viên, nhân viên Trường Mầm non Đạ Sar dành cho các bé.
Cô Kră Jăn K' Bên Ny, giáo viên đã công tác tại Trường Mầm non Đạ Sar 9 năm cho biết, việc phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh của trường rất chặt chẽ. Sau mỗi buổi học, khi cha mẹ tới đón các con, các cô đều vận động phụ huynh phối hợp với nhà trường, thường xuyên nói tiếng Việt với các con tại gia đình để các con nhanh chóng thành thạo tiếng Việt. Chính từ tình yêu, sự tận tâm, chương trình giáo dục phù hợp với học sinh mầm non người dân tộc thiểu số, Trường Mầm non Đạ Sar đã trở thành mái ấm cho các bé, là nơi các con học những câu hát, bài thơ đầu đời, xây dựng nền móng vững chắc để các con bước vào con đường học tập.
DIỆP QUỲNH