Những nội dung các cơ sở giáo dục tiểu học cần thông tin cho cha mẹ của trẻ 5-6 tuổi chuẩn bị vào học lớp 1, năm học 2020-2021

12.06.2020 08:334594 đã xem

 

Chương trình GDPT và Chương trình tổng thể ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐ ngày 26/12/2018 đã đi vào cuộc sống. Thực hiện Thông tư số 01/2020/TT-BGDĐT ngày 30/01/2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông, các trường tiểu học đã hoàn thành công tác lựa chọn SGK và chuẩn bị triển khai tập huấn cho giáo viên lớp 1 trong tháng 7/2020. Là năm đầu tiên triển khai Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 1, để góp phần thành công của chương trình thì công tác tuyên truyền và cung cấp thông tin kịp thời tới cha mẹ học sinh là rất quan trọng.

Trước khi kết thúc năm học 2019-2020 vào ngày 15/7, một công việc vô cùng quan trọng đối với các trường tiểu học là cung cấp những cần thông tin cần thiết cho cha mẹ của trẻ 5-6 tuổi chuẩn bị vào học lớp 1 năm học 2020-2021 với các nội dung như sau:

Thứ nhất, mục tiêu của Chương trình

Chương trình giáo dục phổ thông cụ thể hóa mục tiêu giáo dục phổ thông, giúp người học làm chủ kiến thức phổ thông; biết vận dụng hiệu quả kiến thức vào đời sống và tự học suốt đời; có định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp; biết xây dựng và phát triển hài hòa các mối quan hệ xã hội; có cá tính, nhân cách và đời sống tâm hồn phong phú; nhờ đó có được cuộc sống có ý nghĩa và đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước và nhân loại.

Chương trình giáo dục tiểu học giúp học sinh hình thành và phát triển những yếu tố căn bản đặt nền móng cho sự phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần, phẩm chất và năng lực; định hướng chính vào giáo dục về giá trị bản thân, gia đình, cộng đồng và những thói quen, nền nếp cần thiết trong học tập và sinh hoạt.

Thứ hai, căn cứ triển khai Chương trình GDPT 2018

1. Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4 tháng 11 năm 2013 của Ban chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và Đào tạo.

2. Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28  tháng 11 năm 2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

3. Chỉ thị số 16/CT-TTg và Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 27 tháng 3 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

4. Thông tư  số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/201 của Bộ GDĐT ban hành Chương trình GDPT 2018.

- Chương trình tiểu học hiện hành theo Quyết định 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 05 tháng 5 năm 2006 của Bộ GDĐT đã áp dụng gần 20 năm nên việc đổi mới Chương trình SGK là tất yếu để theo kịp xu thế phát triển chung của xã hội và của thế giới.

Việc đổi mới Chương trình GDPT được triển khai từ Nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, do vậy thực hiện chương trình SGK mới được triển khai đồng bộ, sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị chứ không chỉ mỗi ngành giáo dục, trong đó vai trò trường học là việc thực hiện chương trình SGK áp dụng dạy học, đổi mới đánh giá theo yêu cầu của Chương trình.

Nếu trước đây coi SGK là pháp lệnh, giáo viên không được điều chỉnh, thì điểm mới của Chương trình GDPT 2018 là chương trình tổng thể ban hành kèm theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/201 của Bộ GDĐT mới được coi như là pháp lệnh, với chủ trương một chương trình nhiều Sách giáo khoa đã tạo điều kiện cho nhà trường tự chủ nội dung dạy học, sách giáo khoa là tài liệu, là phương tiện, giáo viên được khuyến khích chủ động, sáng tạo linh hoạt trong quá trình tổ chức áp dụng dạy học.

Thứ ba, lộ trình triển khai thực hiện theo các lớp

- Năm học 2020-2021 triển khai đối với lớp 1

- Năm học 2021-2022 triển khai lớp 2 và lớp 6

- Năm học 2022 -2023 triển khai lớp 3 và lớp 7 và lớp 10

- Năm học 2023-2024 triển khai lớp 4 lớp 8 và lớp 11

- Năm học 2024-2025 triển khai lóp 5 lớp 9 và lớp 12.

Năm học 2020-2021 chỉ triển khai mỗi lớp 1 là lớp học đầu tiên, nền móng cấp tiểu học, các bậc cha, mẹ có trẻ 5- 6 tuổi chuẩn bị vào học lớp 1 sắp tới là khóa học đầu tiên áp dụng Chương trình SGK mới, trong đó các em được học theo định hướng phát triển cả phẩm chất và năng lực, nhằm hình thành phát triển nhân cách toàn diện ở trẻ em, học không chỉ thiên về kiến thức mà còn phát triển hài hòa cả nhân cách, trí tuệ, tâm hồn, thể chất, trong đó việc hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực của trẻ được chú trọng ngay từ lớp 1.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy “Trẻ em như búp trên cành, biết ăn biết ngủ biết học hành là ngoan”. Khẩu hiệu của nhà trường đề ra là “đi học là hạnh phúc, mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Để khẩu hiệu trở thành hiện thực thì phải tạo điều kiện cho các con ngay từ bây giờ để chuẩn bị tốt các điều kiện cho các con đi học bắt đầu vào học lớp 1.

Thứ tư, các môn học lớp 1

Lớp 1 Chương trình GDPT 2018 gồm có 7 môn học và Hoạt động giáo dục bắt buộc như sau:

1. Môn Tiếng Việt;

2. Môn Toán;  

3. Môn Đạo đức;

4. Môn Tự nhiên và xã hội;

5. Môn Nghệ thuật (Gồm môn Âm nhạc và Mĩ Thuật);

6. Giáo dục thể chất;

7. Hoạt động trải nghiệm.

- So với Chương trình tiểu học năm 2000, chương trình GDPT 2018 đối với cấp tiểu học thì tên các môn học lớp 1 không có gì thay đổi, có nội dung hoạt động giáo dục mới so với trước là Hoạt động trải nghiệm, đối với lớp 1 có 105 tiết học, trong đó 35 tiết chung cho các hoạt động tập thể chào cờ đầu tuần, 35 tiết chung cho nội dung sinh hoạt lớp cuối tuần và 35 tiết còn lại được ghép với tài liệu giáo dục địa phương tìm hiểu về văn hóa, xã hội, địa lí, du lịch Lâm Đồng.

- Điểm mới của môn học ở lớp 1 Chương trình GDPT 2018: GD thể chất được coi trọng hơn nhằm tạo điều kiện cho trẻ phát triển toàn diện về chiều cao, thể lực, trí tuệ.

- Chương trình GDPT 2018, các môn học đều đóng vai trò như nhau, mỗi môn học có tác dụng riêng góp phần hình thành nhân cách cho các con, do vậy cha mẹ cần quan tâm con tới việc học đều tất cả các môn học, khi trẻ có năng khiếu môn học nào thì tạo điều kiện cho trẻ phát huy thế mạnh về môn học đó.

- Riêng môn Tiếng Anh lớp 1 là môn học tự chọn, nếu học sinh có nhu cầu thì cha mẹ  đăng ký nhà trường tổ chức cho trẻ lớp 1 làm quen tiếng Anh, bắt đầu dạy học từ tháng 10 hàng năm. Nội dung này nhà trường sẽ trao đổi riêng sau ngày khai giảng.

- Giai đoạn con mới vào lớp 1 đối với môn học Tiếng Việt, điều mà cha mẹ các em quan tâm là cách đánh vần, hướng dẫn đọc viết của các con. Nội dung này các cha mẹ cần phối hợp giáo viên chủ nhiệm để được giúp đỡ và hướng dẫn.

Thứ năm, kế hoạch giáo dục

- Chương trình lớp 1 được thiết kế dạy học 2 buổi/ngày, sáng học 4 tiết, chiều học không quá 3 tiết, trước hết các bậc cha mẹ học sinh cần nắm vững thời gian để sắp xếp công việc gia đình hợp lý, thuận tiện đưa đón các cháu.

- Trẻ học cả ngày, các kiến thức hoàn thành tại lớp, do vậy các bậc cha mẹ không phải lo lắng chuyện học thêm cho con, ngoài thời gian học tại trường, thời gian ở nhà dành cho trẻ nghỉ ngơi hợp lý nhằm phát triển trí tuệ, thể lực, sức khỏe.

- Mục tiêu của hoạt động dạy học 2 buổi/ngày là tăng cường giáo dục toàn diện, đặc biệt là tăng cường các hoạt động thực hành, rèn luyện thân thể, sinh hoạt văn hoá - nghệ thuật, giáo dục kĩ năng sống cho học sinh; hạn chế tình trạng dạy thêm, học thêm, giảm áp lực học tập và góp phần giảm tải trong việc tổ chức thực hiện chương trình; đáp ứng yêu cầu quản lí và giáo dục học sinh của gia đình và xã hội; góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở cấp tiểu học.

- Định hướng chung của đổi mới chương trình là hướng đến phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh. Theo đó, học sinh cần tích cực, chủ động tham gia các hoạt động học tập; được tìm tòi, khám phá; được làm việc độc lập, hợp tác, trao đổi theo nhóm hay lớp, trong đó các em được tạo điều kiện để tự mình thực hiện nhiệm vụ học tập và trải nghiệm thực tế. Các em được tạo cơ hội bộc lộ, phát huy tiềm năng và những kiến thức, kĩ năng đã tích lũy được để phát triển. Dạy học hướng tới đáp ứng nhu cầu phát triển của từng cá nhân học sinh được chú trọng.

- Đối với công tác tổ chức bán trú sẽ bàn bạc thỏa thuận với cha mẹ học sinh sau khai giảng năm học mới.

Thứ sáu, đổi mới đánh giá học sinh tiểu học

- Đổi mới Chương trình, SGK đồng thời đổi mới đánh giá học sinh, đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ.

- Mỗi em học sinh chỉ kiểm tra điểm số môn Tiếng Việt và Môn Toán giai đoạn học kỳ 1 và cuối năm học, thời gian còn lại suốt 9 tháng các em học tại trường, giáo viên chỉ đánh giá, nhận xét thường xuyên bằng lời kết hợp ghi vào vở khi cần thiết.

- Các cha mẹ cần biết: Lớp 1 là nền móng của tiểu học, khi ở cấp học mầm non hoạt động vui chơi là chủ đạo, nay bước vào lớp 1 thì hoạt động học tập là chủ đạo, do vậy các em phải làm quen từng bước nền nếp học tập, quy định của cô giáo như: Tư thế ngồi học, tư thế viết, cách cầm bút……rất cần sự quan tâm phối hợp của cha mẹ với giáo viên chủ nhiệm.

- Trong quá trình các con đi học tại trường, giáo viên không chấm điểm tất cả các môn mà dành thời gian nhận xét, đánh giá và giúp đỡ kịp thời cho các em. Trong đó sự kết nối giữa cha mẹ học sinh với giáo viên chủ nhiệm là rất quan trọng.

- Giai đoạn mới vào học lớp 1, nhất là học kỳ 1, giáo viên hầu như không chấm điểm và rất ít khi ghi nhận xét vào vở vì các em chưa biết đọc biết viết, giai đoạn này giáo viên chủ yếu nhận xét bằng lời và quan tâm giúp đỡ các em trực tiếp tại lớp.

- Do đổi mới không chấm điểm thường xuyên ở lớp, do vậy cha mẹ không thể hỏi các câu như trước đây là: Hôm nay con được mấy điểm? điều cha mẹ cần quan tâm là cách học tập của con em mình, các điều kiện phục vụ học tập, động viên kịp thời các tiến bộ của con dù là nhỏ nhất, những băn khoăn của con cần giải thích của cha mẹ và cô giáo.

Thứ bảy, sách giáo khoa và công tác phối hợp

Chủ trương một chương trình nhiều sách giáo khoa, nhà trường thông tin kịp thời các SGK đã lựa chọn, sách bổ trợ các môn học đi cùng và sách giáo khoa môn Tiếng Anh để cha mẹ các em trang bị kịp thời.

Công tác phối hợp giữa nhà trường với cha mẹ học sinh hết sức quan trọng, giai đoạn trẻ mới vào lớp 1 chưa quen các hoạt động học tập, do vậy cha mẹ cần phối hợp và trao đổi thường xuyên với giáo viên chủ nhiệm để có các biện pháp giáo dục hợp lý, tất cả các thông tin phải kịp thời, thông suốt, bất kể việc gì xảy ra cần phải bình tĩnh tìm cách giải quyết, tránh nôn nóng làm ảnh hưởng tới các em. 

Thứ tám, công tác chuẩn bị của nhà trường đối với lớp 1

Để thực hiện thành công, hiệu quả Chương trình GDPT 2018 phải chuẩn bị tốt cả 4 yếu tố như: Công tác quản lý, quản trị trường học; Kinh phí-Cơ sở vật chất phục vụ dạy học; Chương trình và sách giáo khoa; Đội ngũ giáo viên. Trong đó giáo viên đóng vai trò quan trong nhất cho thành công của chương trình, nhà trường phải chuẩn bị thật tốt đội ngũ giáo viên lớp 1, phải được tập huấn, bồi dưỡng nắm vững chương trình tổng thể và chương trình môn học, nắm vững cấu trúc từng môn học, tính tiền phong, sáng tạo trong dạy học.   

  Để chuẩn bị tâm thế cho trẻ 5 tuổi chuẩn bị vào học lớp 1 chương trình GDPT 2018, mỗi trường tiểu học trên toàn tỉnh phải tạo ra được diện mạo mới, một bước tiến mới, một dấu ấn mới, mỗi trường tiểu học là một môi trường giáo dục thật sự lành mạnh, dân chủ, an toàn, thân thiện, chất lượng và bình đẳng, tạo ra một “Thương hiệu riêng” của nhà trường để đội ngũ các thầy cô giáo tự hào, tin tưởng, phấn khởi cống hiến cho hoạt động dạy học. Các em học sinH cảm nhận thật sự đi học là hạnh phúc, tự hào về ngôi trường của mình và luôn cảm nhận được “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” vì luôn được thầy cô bảo vệ. Mỗi cha mẹ học sinh luôn tin tưởng và đồng hành thì nhất định sẽ thành công.

                          Phòng GDTH Sở GDĐT Lâm Đồng

Tin tức khác