Vận dụng, bảo vệ và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn cách mạng mới

30.07.2024 14:11600 đã xem

  Trên con đường đi tìm đường cứu nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã nghiên cứu Chủ nghĩa Mác - Lênin, hệ tư tưởng của giai cấp vô sản. Từ đó, các hoạt động lý luận và thực tiễn của Người hướng tới việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

  Đầu năm 1930, tại Hương Cảng (Trung Quốc), Người chủ trì Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng tuyên bố lấy Chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng của mình. Đến Đại hội VII của Đảng (tháng 6-1991), Đảng xác định: "Đảng lấy Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động...".

  Cương lĩnh xây dựng  đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã  hội (bổ sung, phát triển năm 2011) được thông qua tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng (tháng 1-2011) một lần nữa khẳng định điều này. Sự khẳng định về nền tảng tư tưởng của Đảng xuất phát từ nhiều lý do, song cơ bản và chủ yếu từ bản chất cách mạng, khoa học của Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Bản chất cách mạng, khoa học của Chủ nghĩa Mác - Lênin

  Bản chất cách mạng, khoa học của Chủ nghĩa Mác - Lênin thể hiện ở cơ sở hình thành Chủ nghĩa Mác, bao gồm: Tiền đề kinh tế, chính trị  - xã hội, đó là mâu thuẫn cơ bản của chủ nghĩa tư bản - giữa tính chất xã hội hoá của lực lượng sản xuất với chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất đã trở nên gay gắt và trở thành mâu thuẫn chủ yếu của xã hội. Giữa thế kỷ XIX, giai cấp công nhân đã bước lên vũ đài chính trị chống chủ nghĩa tư bản ở nhiều nước: Pháp, Đức, Anh, Bỉ…, điển hình là Công xã Paris năm 1871, song đều thất bại, nguyên nhân chủ yếu do thiếu một lý luận cách mạng, khoa học dẫn đường và một lực lượng tiên phong lãnh đạo phong trào của giai cấp công nhân.

  C.Mác đã kế thừa, tiếp thu có chọn lọc và phát triển những tiền đề lý luận để sáng tạo ra học thuyết cách mạng, khoa học cho giai cấp vô sản. Với Tác phẩm “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” đã đánh dấu sự ra đời của Chủ nghĩa Mác (1848) với ba bộ phận hợp thành: Triết học, kinh tế chính trị học và chủ nghĩa xã hội khoa học.

  Đầu thế kỷ XX, chủ nghĩa tư bản trên thế giới đã chuyển sang giai đoạn chủ nghĩa đế quốc, sự phát triển không đều của chủ nghĩa tư bản làm cho mâu thuẫn giữa các nước đế quốc không thể điều hòa được, dẫn tới chiến tranh đế quốc. Trong điều kiện đó, V.I.Lênin nhận định: Cách mạng vô sản có thể nổ ra và thắng lợi ở một vài nước, thậm chí ở một nước tư bản kém phát triển. Do sự xâm chiếm và đô hộ các nước thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc, trên thế giới đã xuất hiện phong trào giải phóng dân tộc, đấu tranh chống đế quốc giành lại nền độc lập ở các nước thuộc địa. Vì vậy, cách mạng vô sản ở các nước đế quốc và phong trào giải phóng dân tộc có mối quan hệ khăng khít với nhau, cùng chống một kẻ thù chung.

  Trong hoàn cảnh đó, bằng hoạt động lý luận sắc bén của mình, V.I.Lênin đã viết một loạt tác phẩm, tiêu biểu như: “Những người bạn dân là thế nào và họ đấu tranh chống những người dân chủ - xã hội ra sao”; “Làm gì”; “Một bước tiến, hai bước lùi”; “Nhà nước và cách mạng”... Với những tác phẩm đó, V.I.Lênin đã đấu tranh không khoan nhượng với mọi kẻ thù của chủ nghĩa Mác, kịch liệt phê phán chủ nghĩa xét lại, cơ hội, tả khuynh, hữu khuynh, giáo điều, bảo vệ sự trong sáng của Chủ nghĩa Mác; vận dụng và phát triển sáng tạo học thuyết Mác để giải quyết những vấn đề của cách mạng vô sản trong thời đại đế quốc chủ nghĩa. Đặc biệt, V.I.Lênin đã kế thừa Chủ nghĩa Mác, sáng tạo học thuyết về Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Bolshevik Nga, đứng đầu là V.I.Lênin, cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga (1917) thành công rực rỡ.

  Những cống hiến lý luận của V.I.Lênin trong việc phát triển sáng tạo học thuyết Mác đã tạo nên một hệ thống lý luận thống nhất của giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Vì vậy, một giai đoạn mới trong sự phát triển của Chủ nghĩa Mác đã gắn liền với tên tuổi và cống hiến của V.I.Lênin, cũng từ đây, hệ tư tưởng của giai cấp vô sản được gọi là Chủ nghĩa Mác - Lênin.

Đại hội XIII đã khẳng định, Đảng ta tiếp tục kiên định Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, không ngừng vận dụng và phát triển sáng tạo phù hợp với thực tiễn Việt Nam trong từng giai đoạn. Ảnh: Dangcongsan.vn

  Chúng ta cần khẳng định, Chủ nghĩa Mác - Lênin là một hệ thống lý luận khoa học, thể hiện trong toàn bộ các nguyên lý cấu thành học thuyết, trước hết là các nguyên lý cơ bản; là sự thống nhất hữu cơ giữa thế giới quan khoa học và phương pháp luận mác-xít; là học thuyết giải phóng xã hội, giải phóng giai cấp, giải phóng con người với con đường, lực lượng, phương thức đạt mục tiêu đó; là một học thuyết mở, không ngừng được đổi mới, được phát triển trong dòng trí tuệ của nhân loại. Với bản chất cách mạng và khoa học của mình, Chủ nghĩa Mác - Lênin trở thành hệ tư tưởng, thành vũ khí lý luận của giai cấp công nhân, nhân dân lao động trên toàn thế giới.

  Như một tất yếu lịch sử, vào một ngày tháng 7-1920, đọc được bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I.Lênin đăng trên báo Nhân đạo (Pháp), Nguyễn Ái Quốc lập tức bị cuốn hút bởi tính chất cách mạng triệt để của nó, vì nó đã giải đáp thỏa đáng những điều mà bấy lâu nay Nguyễn Ái Quốc hằng mong ước, đợi chờ. Người khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản” [1], cách mạng vô sản phải do chính đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo và Người chỉ rõ: “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt... Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam” [2]. Nguyễn Ái Quốc cho rằng: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều nhưng học thuyết chân chính nhất, cách mạng nhất là chủ nghĩa Lênin” [3]; từ đó Người khẳng định: “Chủ nghĩa Mác - Lênin đối với chúng ta, những người cách mạng và nhân dân Việt Nam, không những là cái “cẩm nang” thần kỳ, không những là cái kim chỉ nam, mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản"[4].

Bản chất cách mạng và khoa học của tư tưởng Hồ Chí Minh

  Bản chất cách mạng và khoa học của tư tưởng Hồ Chí Minh thể hiện ở sự hình thành tư tưởng của Người. Đó là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta; là kết quả của sự kế thừa các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc: Truyền thống yêu nước, ý chí độc lập, tự cường, đoàn kết, nhân ái, khoan dung, tinh thần cộng đồng, lạc quan yêu đời, cần cù, thông minh, sáng tạo; là sự tiếp thu có chọn lọc, có phê phán các quan điểm của các trường phái triết học, quan điểm tư tưởng cổ, kim, đông, tây; tinh thần cách mạng, tinh thần độc lập tự do của các dân tộc; kinh nghiệm của các cuộc cách mạng thế giới... vận dụng vào thực tiễn cách mạng Việt Nam và trở thành tư tưởng của mình.

  Tư tưởng Hồ Chí Minh còn là kết quả của sự khổ công học tập nhằm chiếm lĩnh vốn tri thức phong phú của nhân loại, học tập kinh nghiệm đấu tranh của phong trào giải phóng dân tộc, phong trào công nhân quốc tế; là ý chí của một nhà yêu nước, một chiến sĩ cộng sản nhiệt thành cách mạng, một trái tim yêu nước, thương dân, thương yêu những người cùng khổ, sẵn sàng chịu đựng hy sinh vì độc lập của Tổ quốc, vì tự do, hạnh phúc của đồng bào. Cùng với những năng lực bẩm sinh, những phẩm chất cá nhân cao quý, hoạt động thực tiễn phong phú, sinh động đã quyết định việc Hồ Chí Minh tiếp nhận, chọn lọc, chuyển hoá, tạo nên hệ thống quan điểm toàn diện, sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam và thế giới; kết tinh những giá trị vĩnh hằng của nhân loại là hòa bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội.

  Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng đã nêu rõ: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển của các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi” [5].

  Như vậy, sự khẳng định, Đảng lấy Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của mình là hết sức đúng đắn và sáng tạo. Thực tiễn cho thấy, nhờ có sự soi sáng, dẫn đường của Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, có Đảng lãnh đạo, cách mạng Việt Nam mới giành được từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng cho hoạt động và phát triển của Đảng, là cơ sở tư tưởng lý luận để xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Kiên định Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là cơ sở để giữ vững và tăng cường bản chất giai cấp công nhân, tính tiên phong của Đảng Cộng sản Việt Nam. Kinh nghiệm thực tiễn xây dựng và hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định, trung thành, vận dụng và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và cần thiết, liên quan tới sinh mệnh của Đảng và sự thành bại của cách mạng.

  Trong tình hình hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đang tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, năng lực cầm quyền, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, chủ động hội nhập quốc tế… rất nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn nảy sinh cần phải tiếp tục nghiên cứu, làm sáng tỏ, như: Vấn đề về đảng cầm quyền, về chủ nghĩa xã hội, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; Những vấn đề nảy sinh trong quá trình đổi mới, đòi hỏi Đảng phải: Kiên trì, vận dụng, bảo vệ và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Để làm được điều đó trong giai đoạn cách mạng mới, cần thực hiện tốt những nội dung, biện chủ yếu sau:

Một là, nắm vững bản chất cách mạng, khoa học, vận dụng đúng đắn, sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

  Cần nắm vững tinh thần cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, nhất là những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung, về xây dựng Đảng nói riêng còn nguyên giá trị. Khi vận dụng, phải nắm chắc đặc điểm, tình hình thực tiễn đất nước, bối cảnh quốc tế, xác định rõ những yêu cầu và nhiệm vụ thực tiễn cần giải quyết; phải đẩy mạnh tổng kết thực tiễn đất nước và nghiên cứu lý luận, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm các nước, từ đó khái quát thành những bài học cho cách mạng nước ta trong từng giai đoạn, từng thời kỳ. Muốn vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta cần phải nắm vững hệ thống các quan điểm tư tưởng của Người, nắm chắc mục tiêu, yêu cầu của từng giai đoạn, gắn chặt với tổng kết thực tiễn.

  Quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế, những lúc gặp khó khăn, vấp váp, sai lầm trong tổ chức thực hiện, hoặc bị công kích, bài bác từ nhiều phía, đã nảy sinh không ít những tư tưởng lo ngại về nền tảng tư tưởng của Đảng, bản chất cách mạng, khoa học của Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Song cần nhận thức, vận dụng phát triển Chủ nghĩa Mác - Lênin trên cả ba phương diện: Lập trường của chủ nghĩa Mác - Lênin là lập trường duy vật, cách mạng triệt để; quan điểm của Chủ nghĩa Mác - Lênin là khoa học, xuất phát từ thực tiễn, phát hiện quy luật và làm theo quy luật; phương pháp của Chủ nghĩa Mác - Lênin là phương pháp biện chứng.

  Đây cũng là lập trường, quan điểm, phương pháp của tư tưởng Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam. Vì vậy, nắm vững bản chất cách mạng, khoa học của Chủ nghĩa Mác - Lênin là phải nắm vững lập trường, quan điểm, phương pháp ấy, phải đứng trên quan điểm, lập trường, phương pháp của chủ nghĩa Mác - Lênin; đồng thời phải “Kiên trì và không ngừng vận dụng, phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với thực tiễn Việt Nam trong từng giai đoạn” [6].

 

Việt Nam tiến hành công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước trên nền tảng Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Ảnh: Dangcongsan.vn

Hai là, Đảng lấy Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm cơ sở lý luận và phương pháp luận để đề ra cương lĩnh, đường lối cách mạng đúng đắn và phù hợp với nguyện vọng của nhân dân.

  Quán triệt, cụ thể hóa Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; luôn đứng vững trên lập trường, quan điểm của Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để quyết định đúng đắn, sáng tạo đường lối, quan điểm cho phù hợp với từng giai đoạn cách mạng; Kiên định nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, giải quyết đúng đắn những vấn đề do thực tiễn đặt ra. Quá trình đề ra cương lĩnh, đường lối cách mạng, chủ trương, giải pháp lãnh đạo của Đảng, nhất quyết phải căn cứ, lấy Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là cơ sở lý luận, phương pháp luận, nhưng không được dập khuôn, máy móc, giáo điều, kinh viện; phải trên cơ sở thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, quán triệt sâu sắc quan điểm “Nước lấy dân làm gốc”; nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, phát triển đất nước; thực hiện đúng nguyên tắc: Mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân; thắt chặt mối quan hệ mật thiết với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu.

Ba là, Đảng tuyên truyền giáo dục Chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cho cán bộ, đảng viên, nhân dân, làm cho hệ tư tưởng của Đảng giữ vai trò chủ đạo trong đời sống văn hóa, tinh thần của toàn xã hội.

  Căn cứ vào đường lối, quan điểm của Đảng, nghị quyết, chỉ thị hướng dẫn của cấp trên và tình hình thực tiễn của địa phương, cơ quan, đơn vị để xác định rõ nội dung, hình thức và phương pháp tiến hành tổ chức nghiên cứu, học tập Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cho phù hợp với từng đối tượng. Nội dung tuyên truyền, giáo dục, học tập Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phải đảm bảo tính toàn diện, tính hệ thống và chuyên sâu gắn với tình hình thực tiễn. Đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa việc đổi mới hình thức, phương pháp tiến hành công tác tư tưởng, lý luận của Đảng. Đặc biệt, cần “Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hơn nữa tính chiến đấu, tính thuyết phục, hiệu quả của công tác tư tưởng, tuyên truyền, học tập Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước… Mỗi cán bộ, đảng viên đều phải học tập, nâng cao trình độ lý luận chính trị” [7].

Bốn là, đấu tranh chống hệ tư tưởng tư sản, chủ nghĩa cơ hội, xét lại, khắc phục chủ nghĩa giáo điều, bảo vệ Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

  Hiện nay, “bên cạnh những thành tựu đạt được, chúng ta cũng còn nhiều hạn chế, khuyết điểm” trong bối cảnh quốc tế, khu vực còn tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định; các thế lực thù địch tăng cường chống phá cách mạng Việt Nam… là mảnh đất màu mỡ để những kẻ xét lại có điều kiện trỗi dậy như “nấm độc sau mưa”.

  Để đấu tranh chống hệ tư tưởng tư sản, chủ nghĩa cơ hội, xét lại, khắc phục chủ nghĩa giáo điều, bảo vệ Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trước hết phản kiên định Chủ nghĩa Mác - Lênin và đứng vững trên lập trường của giai cấp công nhân. Chỉ kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin và đứng vững trên lập trường giai cấp công nhân mới có thế giới quan khoa học, phương pháp luận biện chứng, nhân sinh quan cách mạng để xem xét, nhận định, phân tích một cách khách quan, toàn diện các hiện tượng chính trị - xã hội đang diễn ra hằng ngày, hằng giờ trên thế giới, khu vực và trong nước để có thái độ, trách nhiệm và đề ra quyết sách chính trị đúng đắn, giải quyết hợp lý, hợp tình mọi vấn đề chính trị - xã hội.

 

  Thường xuyên xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Phải vận dụng một cách khoa học, sáng tạo nền tảng tư tưởng của Đảng vào những điều kiện lịch sử, cụ thể, từng thời điểm thích hợp. Đồng thời, phải làm tốt công tác tư tưởng, công tác tổ chức, cán bộ, để toàn Đảng tạo thành một khối thống nhất về ý chí và hành động, thực sự là lãnh tụ chính trị, bộ tham mưu chiến đấu của giai cấp công nhân, của cả dân tộc Việt Nam. “Tăng cường nền tảng tư tưởng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị”[8]; kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh với quan điểm, tư tưởng chống chủ nghĩa xã hội và đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, xét lại. Sở dĩ như vậy, bởi hai đối tượng đấu tranh này thường cấu kết với nhau, dựa vào nhau để chống phá Chủ nghĩa Mác - Lênin, chủ nghĩa xã hội hiện thực và phong trào cách mạng thế giới. Trong đó, việc đấu tranh với quan điểm, tư tưởng chống chủ nghĩa xã hội phải kiên quyết, triệt để, không khoan nhượng. Nhưng đối với chủ nghĩa cơ hội, xét lại phải hết sức thận trọng, cứng rắn về nguyên tắc, mềm dẻo về sách lược, biết tôn trọng, chờ đợi và không can thiệp vào công việc nội bộ từng đảng để tránh đẩy bạn thành thù, tạo ra mâu thuẫn trong nội bộ phong trào Đảng Cộng sản và công nhân quốc tế.

  Hơn 94 năm lãnh đạo và trưởng thành, 38 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đảng ta, nhân dân ta đã thu được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; “Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”. Điều đó là một minh chứng sinh động, khẳng định bản chất cách mạng, khoa học của Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và Đảng ta đã tuyệt đối trung thành và vận dụng, bổ sung, phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn của cách mạng Việt Nam. Song, chúng ta cũng cần nhận thức sâu sắc rằng, con đường mà chúng ta đang đi tới là không dễ dàng, bằng phẳng, mà phải trải qua nhiều khó khăn, gian khổ. Nhưng chúng ta luôn tin tưởng chắc chắn rằng, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, trên nền tảng của Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nhất định sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh được hiện thực hóa trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; các quan điểm sai trái, thù địch chống phá cách mạng Việt Nam trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận sẽ sớm bị vạch trần bởi tính chất phản khoa học, phản cách mạng của chúng.

 

  Trong tình hình hiện nay, công tác nghiên cứu lý luận, cần chú trọng hơn nữa việc nâng cao tính khoa học, tính tư tưởng và sự mạnh dạn khám phá, sáng tạo. Xây dựng môi trường dân chủ thảo luận, tranh luận khoa học, khuyến khích tìm tòi, sáng tạo, phát huy trí tuệ của cá nhân và tập thể trong nghiên cứu lý luận. Khẩn trương ban hành quy chế dân chủ trong công tác nghiên cứu lý luận chính trị. Nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan nghiên cứu lý luận, cải tiến tổ chức nghiên cứu lý luận phù hợp hơn với nhu cầu thực tiễn.  Phát huy hơn nữa trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân trong việc bổ sung, phát triển làm phong phú thêm kho tàng lý luận Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện Đảng cầm quyền.

Đại tá, PGS, TS LÊ DUY CHƯƠNG

 TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. C.Mác và Ph.Ăng nghen (2002), Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập 4.

2. Đảng Cộng Sản Việt Nam (2011), Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội.

3. Đảng Cộng Sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 1.

4. V.I.Lênin (2006), Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập 1.

5. V.I.Lênin (2006), Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập 6. 6. V.I.Lênin (2006), Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập 8.

7. V.I.Lênin (2006), Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập 33.

8. Hồ Chí Minh (2011) Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 2.

9. Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 5.

10. Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 12.

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 12, tr.30.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 2, tr. 267 - 268.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 2, tr. 289.

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 12, tr. 653.

[5] Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.32.

[6] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, tập 1, tr.180.

[7] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, tập 1, tr.181.

[8] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, tập 1, tr.183.

Tin tức khác