Trường THCS-THPT Xuân Trường: Cô giáo trẻ làm theo lời Bác

09.02.2023 13:34761 đã xem

     Theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”, những năm qua, cô giáo trẻ Huỳnh Thiên Khôi - Trường THCS -THPT Xuân Trường (Lâm Đồng) luôn là tấm gương sáng đi đầu đổi mới trong công tác giáo dục. 

     Cô giáo trẻ Huỳnh Thiên Khôi, sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Xuân Trường (TP Đà Lạt) anh hùng. Nơi cao nguyên xinh đẹp và cũng nhiều khó khăn và thử thách. Từ khi còn bé, cô giáo Khôi thích trò chơi “dạy học” với chúng bạn trong xóm và tận dụng bức tường gỗ nhà mình để làm bảng ghi, lấy những viên đất cứng làm phấn viết… Có lẽ nghề giáo viên đã nảy nở trong tâm hồn cô bé Thiên Khôi trong quãng thời ấu thơ ấy. Thật may mắn, cô kể: Tôi sinh ra ở đây, từ tuổi thơ đến thời niên thiếu được học tập dưới mái trường đầy ấp những kỷ niệm đẹp. Tôi đã từng là học sinh của Trường THCS - THPT Xuân Trường. Học xong cấp 3, tôi thi đỗ ngành Sư phạm hóa tại Trường Đại học Đà Lạt. Có lẽ, điều may mắn nhất đến với tôi là sau khi tốt nghiệp đại học, tôi được trở về giảng dạy tại chính ngôi trường thân yêu này. 

     Có thể đối với nhiều người, các trường học ở xã thuộc vùng sâu, vùng xa và gặp nhiều khó khăn khi cơ sở vật chất còn thiếu thốn… nhưng với Huỳnh Thiên Khôi, được sống và cống hiến nơi mình được sinh ra và lớn lên lại là điều đáng trân quý nhất. Và để vượt qua những khó khăn khi còn là một giáo viên trẻ thì cô giáo ấy luôn coi trọng công tác đổi mới trong dạy học và làm theo lời Bác bằng những việc làm thiết thực thông qua tham gia các hoạt động do nhà trường, thành phố và tỉnh Lâm Đồng tổ chức. 

     Cô giáo Huỳnh Thiên Khôi chia sẻ: “Thời gian công tác tại Trường THCS-THPT Xuân Trường cũng không ngắn, không dài và là giáo viên chủ nhiệm nên cũng có không ít những kỷ niệm vui buồn. Nhất là với học sinh, ngoài việc dạy kiến thức trong sách thì cần phải chú trọng công tác giáo dục và tuyên truyền học sinh ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.”

     Thật vậy, cô giáo trẻ Thiên Khôi luôn nêu cao tinh thần gương mẫu trong rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống để “mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” và là tấm gương cho học sinh noi theo. Qua đó, góp phần đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nâng cao chất lượng giáo dục ở địa phương.

     Như bao nghề khác, nghề giáo chưa bao giờ là dễ dàng. Nghề nào cũng để mưu sinh, nuôi sống bản thân và gia đình. Nhưng đặc biệt với cô giáo trẻ này, đây là nghề ươm mầm tuổi trẻ, mà đối tượng là những em học sinh ở độ tuổi “nghịch” nhất nhưng cũng đẹp nhất đời người. Một ngành nghề mà bất kỳ ai cũng có nhiều nỗi buồn và niềm vui. Nhưng với công việc hiện tại, khi mà chương trình giáo dục thay đổi đòi hỏi giáo viên cũng phải thích ứng với công nghệ 4.0 và có nhiều đầu tư hơn trong phương pháp giảng dạy để đáp ứng với những yêu cầu trong tình hình mới của đất nước. Đó là về thay đổi phương pháp dạy học, kỹ thuật dạy học, kiểm tra - đánh giá, công nghệ thông tin,…nên người giáo viên gặp không ít những khó khăn và áp lực mới. 

     Việc đổi mới phương pháp dạy học gần như bắt buộc với tất cả giáo viên trên toàn tỉnh, khi thực hiện Chương trình phổ thông 2018. Cô giáo Thiên Khôi tâm sự: Trong tổ chuyên môn hóa của tôi, nếu nói về người tiên phong trong đổi mới phải nhắc đến cô Trang – tổ trưởng bộ môn, là người chỉ dẫn và đốc thúc các giáo viên khác trong tổ tích cực thực hiện việc đổi mới phương pháp dạy học. Ngoài ra, trường của cô hàng năm tổ chức các tiết thao giảng, hội giảng, tiết dạy đổi mới phương pháp… may mắn sao, tôi được tham dự, học hỏi và tích lũy dần kinh nghiệm cho bản thân. Bên cạnh đó, việc học tập bồi dưỡng thường xuyên qua các Modun đã giúp cho tôi có được sự định hướng và mạnh dạn khi thực hiện tiết dạy đổi mới phương pháp. 

Cô Huỳnh Thiên Khôi (ngoài cùng bên phải)

     Trong quá trình thực hiện việc đổi mới phương pháp, tôi cũng có nhiều thuận lợi là được sự giúp đỡ của các thầy cô đồng môn trong việc trao đổi bài dạy, trang thiết bị cơ sở vật chất đầy đủ và học sinh nhiệt tình tham gia. Tuy nhiên, số tiết dạy đổi mới phương pháp cũng chưa đạt được như bản thân đề ra bởi thời gian cần đầu tư cho một tiết dạy là rất nhiều. 

     Qua việc thực hiện các tiết dạy đổi mới phương pháp, mình dễ dàng nhận thấy học sinh hào hứng, thích thú hơn với tiết học, đồng thời phát huy rất nhiều phẩm chất và năng lực cho học sinh so với phương pháp truyền thống. Đó chính là động lực để tôi có thể gắn bó với công việc hiện tại là một giáo viên dạy bộ môn hóa học. Ngoài những giờ dạy thì nhà trường cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động bổ ích, hầu hết các thầy cô ở trường đều tham gia hoạt động rất nhiệt tình vì thế tôi cũng muốn “hòa” mình vào để khuấy động cùng với các thầy cô trong trường. Mặc dù rất bận, vì ngoài là giáo viên bộ môn, tôi còn là giáo viên chủ nhiệm và kiêm nhiều mảng. 

     Có thể nhắc đến, trong công tác liên quan đến hội, tôi đảm nhận việc hoàn thành hồ sơ hội và là người trung gian để truyền tải các nội dung liên quan từ nhà trường đến quý phụ huynh học sinh và ngược lại, tổng hợp những ý kiến, đóng góp từ phụ huynh học sinh đến nhà trường. Điều đó đã tạo nên cầu nối khắng khít giữa gia đình với nhà trường. 

     Trong công tác chữ thập đỏ của nhà trường, tôi có cơ hội được đảm nhận những công việc chính như quyên góp kinh phí cho chữ thập đỏ khối sáng, nhận sự hỗ trợ từ các mạnh thường quân theo đề án kêu gọi của nhà trường. Đồng thời, thực hiện hỗ trợ, giúp đỡ học sinh ốm đau, bệnh tật, nằm viện, gặp nạn… và các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt khó khăn… và làm các công việc liên quan đến cấp phát học bổng cho học sinh toàn trường. Mặc dù phải đảm nhận nhiều hoạt động tình nguyện ngoài giờ lên lớp nhưng với tôi, càng tham gia hỗ trợ học sinh nghèo, tôi càng có động lực để theo đuổi ước mơ của mình là một giáo viên giỏi. Suốt những năm qua, được sự quan tâm của nhà trường, cũng như quý đồng nghiệp, cô giáo trẻ Huỳnh Thiên Khôi đã đạt được những thành tích đáng tự hào đối với cá nhân và mang lại niềm hạnh phúc, vinh dự đối với tập thể nhà trường. Với một số thành tích tiêu biểu như: từ năm 2016 đến nay cô giáo trẻ Huỳnh Thiên Khôi được công nhận là “Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở”; nhiều năm liền đạt Giáo viên giỏi cấp cơ sở và có học sinh giỏi cấp tỉnh, năm 2021 cô giáo ấy đã mang lại cho nhà trường danh hiệu học sinh nghiên cứu khoa học đạt giải Nhì cấp tỉnh. Đồng thời, trở thành giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp tỉnh… Nhưng đối với Huỳnh Thiên Khôi, điều hạnh phúc nhất vẫn là nhìn thấy học sinh trưởng thành trong cả nhận thức và tư duy. Dù đạt được nhiều phần thưởng cao quý nhưng có lẽ niềm tin và sự yêu thương của học sinh dành cho mình mới là phần thưởng lớn nhất. 

     Là một trong những cô giáo trẻ coi trọng đổi mới phương pháp dạy học, Huỳnh Thiên Khôi luôn quan sát các thầy cô đi trước để học hỏi và tích lũy kinh nghiệm trong công tác chủ nhiệm cũng được cô giáo Khôi chú trọng. Theo cô Khôi: “Nhìn chung đa số ở trường là các em học sinh ngoan và mỗi một năm học ứng với mỗi cô giáo sẽ đảm nhận các lớp các nhau. Dựa vào đặc điểm của học sinh lớp chủ nhiệm để mỗi giáo viên sẽ đề ra những chỉ tiêu phấn đấu cho lớp học ngay từ đầu năm.” 

     Mỗi người một cảm nhận, với cô Khôi thì khâu tổ chức lớp đầu năm là quan trọng nhất, việc nắm bắt đặc điểm của từng học sinh để phân công phân nhiệm và lựa chọn phương pháp giáo dục đối với từng học sinh rất quan trọng. Đặc biệt là cô Khôi luôn lưu tâm đến các em học sinh có vấn đề về tâm lý và cá tính cá biệt. Cô Khôi trao đổi: “Tôi thấy rằng việc giáo dục một học sinh “chưa ngoan” thành một học sinh “ngoan” đôi khi còn khó hơn cả việc bồi dưỡng một em học giỏi bởi cần sự kiên trì, nhẫn nại và đồng hành cùng với học sinh trong một khoảng thời gian dài.” Kết quả cho thấy, một khi lớp học được tổ chức tốt ngay từ đầu năm thì công việc của GVCN về sau sẽ khỏe hơn và tiết kiệm thời gian rất nhiều. Cũng theo cô giáo Khôi, trong quá trình điều hành lớp học cần có sự kết hợp giữa “đức trị” và “pháp trị”. Ngoài ra theo yêu cầu mới của chương trình giáo dục phổ thông 2018, GVCN cần tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm, hoạt động mang tính giáo dục để phát huy phẩm chất và năng lực của học sinh. Do đó, những tiết dạy như thế này đòi hỏi GVCN phải đầu tư rất nhiều về ý tưởng, thời gian và công sức. 

     Đối với đồng nghiệp của mình, cô giáo Khôi sẽ chú tâm đến thế mạnh riêng của mỗi người và tự học hỏi rất nhiều từ đồng nghiệp của mình. Kể các bạn trẻ, cô Khôi nhận thấy các giáo viên trẻ tuổi mới vào trường đều là cơ hội để cô thích ứng với sự năng nổ, nhiệt tình, sáng tạo… để liên hệ với bản thân, từ đó tự hoàn thiện chính mình. Theo cô giáo Khôi, năm tháng sẽ trôi qua, mỗi người sẽ tự tích lũy dần kinh nghiệm, trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng và giữ lấy tình yêu với nghề, thiết nghĩ ai rồi cũng sẽ thành công. Thật ra, bất kỳ một giáo viên nào trong nhà trường đều thực hiện công tác giảng dạy và kiêm nhiệm một công việc nào đó nên cô Khôi nghĩ nếu có vất vả thì mọi giáo viên đều vất vả như nhau. Chỉ có điều công tác tổng chủ nhiệm không phải trường nào cũng có và khi được tiếp nhận công việc này dù vất vả nhưng cô Khôi vẫn muốn cảm ơn đến nhà trường vì đã cho cô một cơ hội làm việc và có nhiều trải nghiệm mới trong công việc. 

     Được biết, trong những năm qua Trường THCS & THPT Xuân Trường đã liên tục được các cấp khen thưởng về nhiều thành tích xuất sắc như “Tập thể lao động xuất sắc” 6 năm liền; Bằng khen của Bộ Giáo dục vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Đổi mới sáng tạo trong dạy và học” và nhiều Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng khen tặng… Vì thế, thời gian tới cô và nhà trường sẽ cố gắng tiếp tục giữ gìn và phát huy những thành quả mà nhà trường đã đạt được. Đồng thời, tạo nhiều sân chơi bổ ích hơn cho các em học sinh, để tìm kiếm nhiều tài năng học sinh mới ngay trên ghế nhà trường.

Trường THCS-THPT Xuân Trường

 

 

 

Tin tức khác