Tổ chức chuyên đề “Nâng cao năng lực giáo viên tổ chức Hoạt động trải nghiệm tích hợp Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Lâm Đồng – Lớp 5”
Tiếp theo Chuyên đề môn Toán lớp 5 tại huyện Đam Rông, môn tiếng Việt tại huyện Bảo Lâm, hưởng ứng các hoạt động chào mừng Festival hoa Đà Lạt lần thứ X năm 2024, ngày 29/11/2024, tại Trường Tiểu học Thăng Long, thành phố Bảo Lộc, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp Phòng GDĐT Bảo Lộc tổ chức chuyên đề “Nâng cao năng lực giáo viên tổ chức hoạt động Hoạt động trải nghiệm tích hợp Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Lâm Đồng – Lớp 5”.
Thầy Nguyễn Duy Hải, Trưởng phòng GDTH và GDMN Sở GDĐT chủ trì thảo luận Chuyên đề
Dự và chủ trì chuyên đề có thầy Nguyễn Duy Hải, Trưởng phòng GDTH và GDMN Sở GDĐT, thầy Hoàng Tuấn Anh, Trưởng phòng GDĐT thành phố Bảo Lộc; đại diện lãnh đạo Phòng GDĐT các huyện, thành phố, chuyên viên GDTH, CBQL, tổ trưởng tổ chuyên môn khối 5 của 12 Phòng GDĐT.
Chuyên đề nhằm bồi dưỡng, nâng cao năng lực giáo viên tổ chức Hoạt động trải nghiệm tích hợp Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Lâm Đồng – Lớp 5; kịp thời trao đổi, chia sẻ, tháo gỡ các khó khăn trong năm đầu tiên dạy học SGK mới lớp 5; tạo điều kiện cho đội ngũ CBQL và giáo viên trên địa bàn tỉnh tỉnh học hỏi, trao đổi kinh nghiệm dạy học, triển khai thực hiện Kế hoạch giáo dục nhà trường và tổ chuyên môn.
Hoạt động trải nghiệm cấp tiểu học góp phần hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu, năng lực chung và các năng lực đặc thù cho học sinh; được tổ chức trong và ngoài khuôn viên trường học, có mối quan hệ bổ sung, hỗ trợ cho hoạt động dạy học, là hoạt động giáo dục bắt buộc được coi như là một môn học, có sách giáo khoa riêng được các trường lựa chọn; thông qua các hoạt động thực hành, những việc làm cụ thể và các hành vi của học sinh, hoạt động trải nghiệm sẽ khai thác kinh nghiệm của mỗi cá nhân, tạo cơ hội cho các em vận dụng một cách tích cực những kiến thức đã học vào thực tế và đưa ra được những ý tưởng của mình, từ đó phát huy và nuôi dưỡng tính sáng tạo của mỗi cá nhân.
Nội dung chuyên đề, các đại biểu dự giờ Hoạt động trải nghiệm tích hợp Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Lâm Đồng – Lớp 5; thảo luận nội dung chuyên đề tiết dạy, báo cáo các biện pháp nâng cao chất lượng tổ chức Hoạt động trải nghiệm; trao đổi các nội dung đã triển khai hiệu quả và chia sẻ những khó khăn khi triển khai dạy học lớp 5.
Tổng hợp các nội dung thảo luận, chia sẻ, trao đổi của các đại biểu, thầy Nguyễn Duy Hải Trưởng phòng GDTH và GDMN Sở GDĐT giải thích, hướng dẫn, biên soạn tài liệu triển khai và kết luận một số nội dung liên quan công tác chuyên môn cấp tiểu học và tổ chức Hoạt động trải nghiệm lớp 5 dạy học Tài liệu giáo dục địa phương; vận dụng các phương pháp dạy học phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; thực hiện Kế hoạch giáo dục nhà trường và dạy học Tài liệu giáo dục địa phương.
Tổ chức Hoạt động trải nghiệm (HĐTN) tích hợp dạy học Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Lâm Đồng do các tổ chuyên môn xây dựng Kế hoạch giáo dục báo cáo hiệu trưởng phê duyệt thực hiện. Từ lớp 1 đến lớp 4: Tài liệu giáo dục địa phương được tích hợp HĐTN thời lượng 20%, số tiết còn lại tích hợp với các môn học khác. Từ lớp 4 đến lớp 5: Tài liệu giáo dục địa phương được tích hợp Môn Lịch sử và Địa lí 6%, tiếp theo 20% HĐTN, số tiết còn lại tích hợp với các môn học khác.
Hoạt động trải nghiệm có nội dung rất đa dạng và mang tính tích hợp, tổng hợp kiến thức, kĩ năng của nhiều môn học, nhiều lĩnh vực học tập và giáo dục như: giáo dục đạo đức, giáo dục trí tuệ, giáo dục kĩ năng sống, giáo dục giá trị sống, giáo dục nghệ thuật, thẩm mĩ, giáo dục thể chất, giáo dục lao động, giáo dục an toàn giao thông, giáo dục môi trường, giáo dục quyền trẻ em… Thông qua việc tham gia vào các hoạt động trải nghiệm, học sinh được phát huy vai trò chủ thể, tính tích cực, chủ động, tự giác và sáng tạo của bản thân. Các em được chủ động tham gia vào tất cả các khâu của quá trình hoạt động: từ thiết kế hoạt động đến chuẩn bị, thực hiện và đánh giá kết quả hoạt động phù hợp với đặc điểm lứa tuổi và khả năng của bản thân. Các em được trải nghiệm, được bày tỏ quan điểm, ý tưởng, được đánh giá và lựa chọn ý tưởng hoạt động, được thể hiện, tự khẳng định bản thân, được tự đánh giá và đánh giá kết quả hoạt động của bản thân, của nhóm mình và của bạn bè,...
Chương trình, nội dung chuyên đề có ý nghĩa thiết thực đối với cán bộ quản lý và giáo viên, cụ thể hóa phương châm “học sinh là chủ thể, thầy cô giáo là động lực, nhà trường là bệ đỡ, gia đình là điểm tựa, xã hội là nền tảng” góp phần thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với cấp tiểu học tại tỉnh Lâm Đồng.
Phòng GDTH và GDMN