Sức sống ở một mái trường vùng xa
Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Võ Nguyên Giáp - một ngôi trường còn khá "trẻ" nhưng đang là mái ấm học tập của hàng trăm học trò tại vùng đất còn khó khăn Đam Rông.
Một tiết thực hành tin học của học sinh Trường Võ Nguyên Giáp
• SỨC TRẺ NĂNG ĐỘNG TRONG GIÁO DỤC
Thầy Nguyễn Văn Lưỡng - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Võ Nguyên Giáp (Trường Võ Nguyên Giáp), huyện Đam Rông cho biết, trường được thành lập vào năm 2020, gồm hai cấp: Trung học cơ sở và trung học phổ thông với 7 khối lớp, từ lớp 6 tới lớp 12, với xấp xỉ 700 học trò mỗi năm. “Học trò của chúng tôi thuộc nhiều dân tộc sống trên địa bàn, vừa có học sinh người Kinh, vừa có học sinh người dân tộc M'Nông, K’Ho cũng như một số dân tộc ít người khác. Đây cũng là những thách thức để đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo Trường Võ Nguyên Giáp phải giải quyết để đảm bảo chất lượng giáo dục, cùng các em đồng hành trên con đường học tập”, thầy Nguyễn Văn Lưỡng chia sẻ. Theo thầy Lưỡng, với xấp xỉ 50% học sinh thuộc các dân tộc ít người, đời sống kinh tế nói chung còn gặp nhiều khó khăn, đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo của nhà trường đã cố gắng hết sức để cùng các em tiếp cận tri thức.
“Cũng phải nói, Đam Rông là vùng sâu, vùng xa, học sinh còn gặp nhiều thiệt thòi. Bù lại, chúng tôi có tinh thần nhiệt huyết của cả thầy và trò cũng như được sự hỗ trợ về cơ sở hạ tầng rất lớn của ngành Giáo dục. Trường đã được xây dựng kiên cố, khang trang, với đầy đủ phòng chức năng sinh - hóa, tin học, vật lý, thư viện - thiết bị cũng như được trang bị đầy đủ đồ dùng cho phòng thực hành. So về cơ sở vật chất, Trường Võ Nguyên Giáp đã được đầu tư khá đầy đủ, giúp các em rất nhiều trong việc tiếp cận kiến thức”, thầy Lưỡng tự hào chia sẻ. Để nâng cao chất lượng giáo dục, Trường Võ Nguyên Giáp đã sắp xếp tinh gọn đội ngũ, nâng cao chất lượng giáo viên. Đội ngũ nhà trường hiện có 44 người gồm 3 cán bộ quản lý, 37 giáo viên, 4 nhân viên. Cán bộ quản lý, viên chức đều đạt chuẩn trình độ đào tạo, đảm bảo các hoạt động giáo dục.
Đội ngũ giáo viên của nhà trường đã tiếp cận Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 thông qua công tác bồi dưỡng thường xuyên. “Đội ngũ giáo viên của chúng tôi là niềm tự hào rất lớn của nhà trường, các thầy cô đều thường xuyên học tập, tiếp cận kiến thức giáo dục mới cũng như các định hướng về giáo dục cho học sinh. Ở nhiều bộ môn, dù còn rất trẻ, Trường Võ Nguyên Giáp tự hào về những nỗ lực để tạo nên chất lượng giáo dục", thầy Lưỡng tự hào.
• CÙNG HỌC TRÒ TỚI LỚP
“Chúng tôi luôn đặt yêu cầu học sinh tiếp tục duy trì đi học là nhiệm vụ hàng đầu của nhà trường. Nhà trường đã gắn bó chặt chẽ với Hội Cha mẹ học sinh để duy trì sĩ số học trò đến trường. Chỉ cần một em nghỉ học ngày thứ nhất, ngày thứ hai là giáo viên chủ nhiệm đã phải báo cáo với nhà trường để tìm hướng giải quyết”, thầy Nguyễn Văn Lưỡng thông tin. Thầy tâm sự, có em nghỉ ở nhà làm vườn, có em nghỉ để kết hôn, với những trường hợp này, nhà trường đều phối hợp với Hội Cha mẹ học sinh tới tận gia đình tìm hiểu, thuyết phục để có hướng giải quyết, giúp các em tiếp tục tới trường. “Trường Võ Nguyên Giáp có Phong trào “mỗi thầy cô gắn với một học trò” do Công đoàn nhà trường phát động từ nhiều năm nay. Hàng năm, nhà trường chọn ra một lớp ít nhất 2 em để thầy cô vừa tặng học bổng, vừa chú ý đặc biệt tới việc học tập cũng như đời sống của các em. Bản thân tôi một năm cũng có hai suất học bổng cho hai em học sinh và các thầy cô khác cũng tương tự như vậy”, thầy Nguyễn Văn Lưỡng chia sẻ.
"Chúng tôi còn có một số học sinh người dân tộc thiểu số H’Mông ở Tiểu khu 181 ra ngoài này ở trọ đi học", cô giáo Nguyễn Thị Ngọ - giáo viên giỏi môn Địa lý chia sẻ. Với các em, thầy cô luôn phải để ý về học tập cũng như đời sống, đặc biệt vấn đề sức khoẻ vì các em xa nhà, ra gần trường trọ học, chỉ về nhà vào cuối tuần.
“Để nâng cao chất lượng dạy và học, đội ngũ cán bộ, nhà giáo Trường Võ Nguyên Giáp luôn tích cực học tập, cập nhật kiến thức mới. Nhà trường đã tạo điều kiện để thầy cô học lên cao, có thầy cô học thạc sỹ", thầy Nguyễn Văn Lưỡng rất tự hào về đội ngũ của mình. Đáp ứng nhu cầu giáo dục hiện đại, Trường Võ Nguyên Giáp tăng cường việc hướng dẫn học sinh học theo nhóm, yêu cầu học sinh tăng cường giao tiếp, nâng cao khả năng làm việc tập thể. Từ tỷ lệ 100% học sinh thi đậu tốt nghiệp trung học phổ thông tới các cuộc thi học sinh giỏi, ngôi trường trẻ đều có thành tích đáng khích lệ. Như giải Nhất môn Địa lý cấp tỉnh năm học 2023 - 2024 vừa qua của học sinh Trần Mỹ Quyên lớp 12 A1 mang lại niềm tự hào rất lớn cho thầy cô nhà trường”, cô giáo Nguyễn Thị Ngọ tự hào. Với một ngôi trường còn rất trẻ như Trường Võ Nguyên Giáp, tấm lòng của những người thầy, người cô, sự phối hợp của cha mẹ học sinh và nỗ lực của cá nhân các em đã góp phần xây dựng tầm vóc của một ngôi trường đầy sức sống.
DIỆP QUỲNH