Nhớ buổi học đầu đời dưới mưa Đà Lạt

06.09.2024 07:53620 đã xem

 (LĐ online) - Một ngày đầu Thu 1969, Đà Lạt mưa dầm ướt lạnh, tôi vừa 5 tuổi, được ba mặc thêm cái áo ấm rồi chở bằng xe đạp từ đường Hai Bà Trưng sang đường Phan Đình Phùng. Ba ghé lại một tiệm tạp hóa đối diện garage Phan Sâm mua cho tôi một cái cặp, hai cuốn vở, cây bút chì, cục gôm (tẩy), hộp sáp màu...

Một lớp học ở trường Đa Nghĩa hơn nửa thế kỷ trước

  Ba lại đưa tôi theo đường tắt có chiếc cầu gỗ bắc qua con suối nhỏ để trở lại đường Hai Bà Trưng - nơi có Trường Tiểu học Cộng đồng Đa Nghĩa. Ba để xe đạp dưới lề đường, dắt tay tôi đi lên những bậc đá ẩm ướt của cổng trường. Trường học đầu đời hiện ra trước mắt tôi là những cây khuynh diệp che mát khoảng sân rộng lưa thưa những bụi cỏ gà. Đối diện cổng là một dãy nhà xây lợp tole sơn màu vàng nhạt. Bên trái có hai phòng học mới được xây, sửa xong với phần tường giáp mái được ốp những tấm gỗ sơn các màu xanh, đỏ, trắng, tím, vàng... rất đẹp. Hai phòng học mới đó là hai lớp mẫu giáo A và B. Ba dắt tôi đến phòng học bên trái rồi nói với cô giáo điều gì đó, sau đó ba dặn tôi: “Con ở lại với cô, ba về đi làm...”.

  55 năm rồi tôi vẫn nhớ buổi học đầu đời của mình. Cô giáo mặc áo dài và khoác áo len trắng bên ngoài. Cô chỉ tôi chỗ cất cặp ở góc phòng rồi bảo tôi ra đứng trong vòng tròn vẽ bằng sơn màu đỏ dưới nền xi măng của lớp học. Có hơn hai chục bạn đang nắm tay nhau theo vòng tròn đó. Sơn chưa khô hẳn nên bị dấu chân các bạn làm nhòe đi. Cô giáo bắt đầu dạy chúng tôi hát bài “kìa con bướm vàng…”. Hát một lát thì chuông báo giờ ra chơi, cô cho cả lớp nghỉ. Tôi ra sân trường và thấy có hai anh lớn hơn đang ngồi ghế đá xem truyện tranh. Tôi chưa biết đọc nhưng rất mê truyện tranh nên lò dò đến xem ké. Xem xong lúc quay về lớp thì bị trượt té do sân trường sũng nước trơn trượt. Bùn đỏ bám đầy trên quần áo, tay chân, mặt mũi. Tôi mếu máo đến gặp cô giáo. Cô dắt tôi ra vòi nước rửa, vuốt hết những chỗ bẩn. Thấy tôi run lập cập vì ướt lạnh, cô lại xé mấy tờ báo cũ đốt lên sưởi ấm cho tôi... Cô quay quắt, vất vả với tôi nên chẳng thể chăm lo cho các bạn, cả lớp bỏ hát “kìa con bướm vàng”... vây quanh hồi hộp chờ xem cô xử phạt cậu học trò nghịch ngợm. Nhưng cô không hề la mắng mà chỉ lo lắng “con hết lạnh chưa?”... Kỷ niệm về buổi học đầu đời đó chưa bao giờ mất đi trong tâm trí tôi. Tiếc là tôi không còn nhớ tên cô giáo đầu tiên, ân cần như mẹ hiền của mình. Sau này khi đã là ông bố đưa hai con đến lớp Mẫu giáo đầu đời, tôi đều xin chụp ảnh cô với trò để các cháu lớn lên sẽ không thể quên “người mẹ học đường” đầu đời...

Cổng trường Đa Nghĩa trước năm 1975

  Xong năm Mẫu giáo, tôi được vào lớp Một (thời đó gọi là lớp Năm) học ở khu nhà hình bánh ú hai phòng nằm sau lưng lớp mẫu giáo và hướng mặt ra cổng phụ trên đường Hai Bà Trưng (Trường Đa Nghĩa lúc đó còn một cổng phụ phía trên đồi, đi ra đường Ngô Quyền). Cô giáo lớp tôi tên Hiệp, hay mặc áo vest nữ có ca rô trắng đen. Nhà cô Hiệp bên cạnh cổng chính của Trường. Năm Mậu Thân (1968) bị bom phá rụi nên được dựng tạm lại bằng những tấm tole cháy sém trên khoảng đất rộng 400-500m2. Mùa hè năm lớp Một, tôi được ba cho đến học hè với cô Hiệp, học trong phòng dựng tạm còn đẫm mùi chiến tranh đó. Lên lớp Hai (tức lớp Tư thời đó), tôi học với cô Thoa. Cô Thoa đẹp, duyên dáng, tóc uốn ngang vai, thường mặc áo dài màu lá cây. Nhà cô đối diện với tiệm cà phê nổi tiếng “Nguyệt Vọng Lầu” ngoài phố. Giờ ra chơi cô thường ngồi trong lớp đan áo len. Học trò nào ngỗ ngược, cô bắt xòe tay ra rồi lấy cặp kim đan khẻ vào tay. Tôi cũng bị cô đánh mấy lần vì phá phách (có lần đùa giỡn với bạn bị té gãy tay, ba phải đưa tôi vào bệnh viện bó bột). Lên lớp Ba tôi học với cô Hương Giang người Huế. Thấy bạn Tuấn ốm yếu xanh xao, cô hỏi chuyện gia đình. Tuấn kể xong cô ngồi trong lớp khóc ngon lành. Lớp Bốn (tức lớp Nhì thời đó) tôi được thầy Tính chọn vào đội diễu hành của trường. Nhưng mới tập đi theo đội hình một lát, tôi cùng một số bạn khác đã bị loại vì bước không đều. Đây là cú sốc làm tôi buồn suốt mấy ngày. Năm học lớp Năm (hồi đó gọi là lớp Nhất), chuẩn bị thi “Đệ nhị lục cá nguyệt” (học kỳ 2) thì Đà Lạt được giải phóng. Chúng tôi được nghỉ học nhiều ngày để tung tăng ra phố xem “cộng sản”, dự mít tinh... Trở lại lớp học sau khi đất nước đã được thống nhất, chúng tôi bỡ ngỡ trước bao điều mới mẻ. Đầu tiên là được tập hát những bài: “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”, “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên, nhi đồng”, “Kim Đồng”, “Em là búp măng non”... Tôi cùng hai bạn học giỏi trong lớp được tham gia cuộc thi “đố vui để học” của trường. Chúng tôi phải giành nhau bấm chuông trả lời những câu hỏi như: “Một tạ sắt với một tạ bông gòn, cái nào nặng hơn?” (đáp án là bằng nhau), “Cá nổi lên, lặn xuống nhờ gì” (đáp án là nhờ bong bóng), “Muốn từ Bắc vào Nam theo đường bộ thì đi đường nào? (đáp án là Quốc lộ 1 và đường mòn Hồ Chí Minh)... Năm cuối tiểu học này, lớp tôi được cô Thủy (nhà trên đường Thi Sách) phụ trách. Khi nghe tôi nói sẽ bỏ thi lớp 6 để theo gia đình đi kinh tế mới, cô đã khóc rồi nói “tiếc cho con quá!”.

Tôi đã biết đọc, biết viết trong ngôi nhà bánh ú này vào năm lớp 1 - 1970

  Ngoài những cô giáo áo dài thướt tha, “mẹ hiền” như thế, trường còn có những thầy tuổi còn lớn hơn bố tôi như thầy Viên, thầy Lượng, thầy Quang, thầy Tính... Các thầy nghiêm khắc mà độ lượng, thường xuất hiện trên sân trường với complet, caravat, giầy tây chững chạc. Những trường tôi học cấp 2, cấp 3, đại học... sau này thầy cô không còn ăn mặc lịch lãm như vậy vì thời bao cấp quá nghèo!

  Thời học ở trường Đa Nghĩa (nay là Trường Tiểu học Lê Lợi - trên đường Hai Bà Trưng Phường 6, TP, Đà Lạt - Lâm Đồng), chúng tôi đều viết bằng cán bút gỗ gắn ngòi kim loại mỏng tanh (ngòi bầu hoặc ngòi lá tre). Chấm ngòi bút vào lọ mực rồi viết ra tập. Viết xong một dòng lại dùng giấy thấm cho mực khô để khỏi lem. Ngày nào đi học về, mười ngón tay và đôi khi cả quần áo đều bị lem mực tím nên bị mẹ với chị rầy la. Tôi thích đi học sớm để vào lục các hộc bàn trong lớp. Ở đó tôi có thể tìm được những cây bút chì, tờ giấy thấm, cục gôm, hộp mực, ngòi bút... của những bạn học buổi sáng hoặc buổi chiều hôm trước để quên lại (hai lớp sáng chiều khác nhau). Mỗi khi có được “chiến lợi phẩm” như vậy, tôi rất vui đem khoe và đôi khi chia sẻ với những bạn thân trong lớp. Những lúc tan trường, học sinh được thầy cô dẫn ra trước cổng đứng thành hai hàng, bạn này nối với bạn kia bằng một cây gậy sơn từng đoạn trắng đỏ. Xe cộ và cả người đi bộ trên đường Hai Bà Trưng ở hai chiều đều phải dừng lại trước hàng rào đó. Hàng trăm học sinh từ cổng trường túa ra, an toàn đi qua đường, các bạn làm hàng rào sẽ tan hàng, mang gậy xếp vào văn phòng rồi mới ra về. Tôi từng vài lần được làm hàng rào như thế. Lần nào cũng lâng lâng tự hào như đang thực hiện trọng trách ghê gớm, về đến nhà gặp ai cũng khoe...

  Giữa hai dãy phòng học chính được xây cấp 4, lợp tole, quét vôi vàng nhạt ở hai khu trên đồi, dưới đồi là một căn nhà trệt xây hình bánh ú. Đó là nơi ở kiêm nơi làm việc của bác cai trường. Lúc ấy bác cai tên Phú - cỡ tuổi 50, cao, khỏe, tóc húi cua, hay mặc bộ kaki màu cháo lòng. Trước nhà bác có cây ổi treo một cái kẻng như cái tô to lớn úp ngược. Đến giờ vào học, ra chơi, tan trường... bác cai ra đánh kẻng. Sau này trường có gắn thêm chuông điện, nhưng mỗi khi cúp điện, tiếng kẻng của bác cai lại rền vang từ trên đồi xuống dưới đồi. Lúc chúng tôi ngồi trong lớp, nhìn ra cửa thấy bác cai quét lá khô của mấy cây khuynh diệp cổ thụ trên sân trường gom lại thành đống, đốt. Mùi lá cháy thơm thơm, khen khét ám ảnh tôi suốt mấy chục năm sau đó. Vợ bác cai cũng người Bắc như chồng, thường chít khăn mỏ quạ, ăn trầu và mặc cái áo len màu xanh sậm. Bác gái bán tạp hóa trong căn nhà công vụ nằm giữa trường đó. Giờ ra chơi, học trò bu đông quanh nhà để mua cóc, ổi, lê ki ma (hồi đó chúng tôi thường gọi là trái trứng gà), bánh kẹo và xí muội... Tôi nhớ nhất mùi bánh mì siêu rẻ của vợ chồng bác. Ổ bánh mì được cắt ra thành nhiều khoanh nhỏ, mỗi khoanh bác gái nhét vào đó mớ dưa chua làm từ củ cải, cà rốt rồi chan nước xíu mại vào. Hôm nào có được hai, ba đồng để mua một mảnh bánh mì như thế, tôi thấy thật hạnh phúc trước con mắt thòm thèm của đám bạn. Nhưng tôi ít dám ăn quà vặt, để giành, ki cóp cho đủ 21 hoặc 23 đồng mua một cuốn truyện tranh như: Lucki Lucke, Phan Tân - Sĩ phú, hiệp sĩ đầu sừng, tí hon thần lực, xì trum...

Sân trường Đa Nghĩa thập niên 60 thế kỷ 20

  Tôi nhớ những bài học thuộc lòng từ lớp Hai, lớp Ba, lớp Bốn trong sách Việt ngữ bởi nó giống như hoàn cảnh gia đình tôi lúc đó, như: “Chiếc áo hàng bông đã rách rồi/ Mẹ cho con áo mới đi thôi/ Con xin gìn giữ không làm bẩn/ Chỉ mặc vào trường chẳng mặc chơi/ Chiếc áo may xong đã mấy ngày/ Vạt dài, cánh rộng, hai vai xuôi/ Con nhìn chiếc áo buồn rơi lệ/ Mẹ bảo trừ hao kẻo lớn dần...”, “Nhà em ngõ hẹp hang cùng/ Lối đi ngóc ngách số chồng lên nhau/... Đêm về le lói đèn dầu/  Một hai nhà khá thì câu điện nhờ...”. Có những bài đi thẳng vào tim óc non nớt của tôi rồi trở thành “quan điểm lịch sử” như: “Qua đường Nguyễn Huệ gặp Gia Long/ Ai đặt tên đường có biết không? Mạt kiếp Gia Long mang tội nước/ Nguyễn Huệ nghìn năm sử ghi công...” hoặc “Ôi Việt sử là tranh đấu sử/ Trước đến sau cầm cự nào ngơi/ Tinh thần cách mạng sáng ngời/ Bao người ngã lại bao người đứng lên/ Ngày nay muốn sông bền núi vững/ Phải làm sao cho xứng người xưa/ Yêu nòi giống hiểu thời cơ/ Bốn phương một hướng phụng thờ giang sơn”.. Rồi những bài học thuộc lòng ca ngợi quê hương: “Tôi yêu tiếng Việt miền Nam/ Yêu con sông nhỏ yêu hàng dừa cao/ Yêu xe thổ mộ xôn xao/ Sớm chiều xuôi ngược đồng quê lúa vàng/ Tôi yêu nắng lóa chân thành/ Trận mưa ngắn ngủi gió lành hiu hiu/ Nơi đây tôi mến thương nhiều/ Miền Nam nước Việt yêu kiều của tôi...”, lại có bài rất xúc động về hình ảnh người mẹ: “Có những chiều khi nắng tắt bên sông/ Màu tím hoàng hôn phủ cánh đồng/ Tôi đón mẹ về nơi cuối xóm/ Chợ chiều tan mẹ bước thong dong/ Có chiều mắt mẹ buồn thăm thẳm/ Vì suốt ngày qua chẳng bán được gì/ Tôi biết lòng người lo lắng lắm/ Mẹ nhìn con chẳng nói năng chi...”. Những bài Đức Dục (Giáo dục công dân) thời đó dạy gặp đám ma phải ngã mũ chào; giúp đỡ người già, tàn tật; hiếu thảo với cha mẹ, ông bà...

  Năm mươi lăm năm đã trôi qua, kỷ niệm về ngày đầu theo ba đến trường và những năm tháng êm đềm, thơ ngây dưới sân trường tiểu học Đa Nghĩa chưa bao giờ phai mờ trong lòng một người xa Đà Lạt từ tuổi 12 như tôi. Hình ảnh những thầy, cô giáo chu đáo với nghề nghiệp, yêu thương học trò như con cùng với những gì tôi được học dưới mái trường đầu đời đã ảnh hưởng sâu sắc để tôi chọn nghề viết văn, viết báo sau này. Đã hàng chục lần tôi quay lại Đà Lạt, lần nào đi ngang trường cũng bồi hồi xúc động. Có lần tôi tự hào khoe với hai con: “Hồi nhỏ ba học trường này, hồi đó trường còn đơn sơ chứ không có những dãy lầu bề thế như bây giờ...”.

  Cuối tháng 8/2024, tình cờ đọc trên một số trang mạng bài “Trường tiểu học Đa Nghĩa - Đà Lạt và bố tôi” của tác giả Thiên Hương (T.H - đang sống tại Melbourne - Úc). Chị T.H cho biết, bố chị là thầy Bùi Văn Châu, có thể là hiệu trưởng đời thứ hai của Trường tiểu học Đa Nghĩa từ 1954 đến cuối những năm 60 – thế kỷ XX. Chị cũng học ở trường Đa Nghĩa, trước tôi khoảng 10 lớp hay 10 năm. Ký ức của chị về trường lớp, tên một số thầy cô hay vợ chồng bác cai trường với tấm phảng bày bán bánh, kẹo cho học trò... rất giống tôi. Nhưng có một số điều nhờ đọc bài viết của chị tôi mới sáng tỏ. Như hàng cây khuynh diệp dọc theo bờ rào phía đường Hai Bà Trưng làm cho sân trường đẹp và mát là do ba chị - Hiệu trưởng Bùi Văn Châu cho trồng, cùng với cho đặt hàng ghế đá dưới các gốc cây. Khi tôi học ở Trường Đa Nghĩa từ 1969 - 1975 thì hàng cây đó cùng với những cây khuynh diệp giữa sân trường đã to lớn như cổ thụ. Mỗi sớm mai bác cai trường tên Phú thường quét lá rụng, gom lại đốt. Những đám cháy liu riu, ngún khói tỏa ra mùi khét, hăng hắc mùi dầu mà hồi nhỏ không hiểu sao tôi rất thích ngửi. Nó gần giống với mùi khói phà ra từ chiếc xe lam ba tôi kiếm cơm nuôi gia đình thời đó!

  Chị T.H còn kể rằng, hồi đó học sinh từ đường Phan Đình Phùng muốn qua đường Hai Bà Trưng để đến Trường Đa Nghĩa phải đi băng qua một con đường đất nhão nhoẹt, rồi phải lội qua con mương khá nguy hiểm. Thầy Bùi Văn Châu đã vận động phụ huynh để làm một cây cầu gỗ... “Khi cầu hoàn thành, bố dắt tôi (chị T.H) ra đó, nhìn học sinh đi qua cầu an toàn, sạch sẽ, bố cười và rút khăn ra lau nước mắt...” (nguyên văn)... Tôi (Lại Văn Long) đã đi lại qua cây cầu gỗ nhỏ này hàng trăm lần (lúc này con mương đã thành con suối rộng hơn 2m và sâu hơn 1m) nhất là vào năm 1975 - khi học lớp 5 - ngày nào tôi cũng đi qua cây cầu này cùng với các bạn Trí, Hạnh, Hải, Hằng. Có lần tôi còn đánh nhau với Trí ở cây cầu không có lan can hai bên này. Ba cô bạn ghét tôi hay bắt nạt Trí nên cùng nhau đè tôi xuống cầu cho Trí đánh “trả thù”. Tôi đã khóc - một đứa ngang ngạnh, phá phách và hay bắt nạt bạn, đã khóc! Không phải vì thua trận, vì bị đánh đau, mà vì... Tôi đã “thương thầm” Hằng. Tôi thích bắt nạt Trí để “lấy le” với Hằng, vậy mà Hằng lại cùng Hải, Hạnh bênh Trí, đánh tôi! 11 tuổi tôi đã khóc vì bị... “phụ tình”! (Năm 20 tuổi tôi quay lại Đà Lạt tìm Hằng để kể cho bạn sự thất vọng đó. Nhưng hàng xóm nói gia đình Hằng đã về Sài Gòn hay ra nước ngoài rồi)... Ngày nay, con đường mòn nhỏ xíu, lầy lội băng qua những vườn rau đó đã thành một con đường bê-tông rộng rãi, xe tải qua lại thoải mái. Cây cầu gỗ đầy ắp kỷ niệm tuổi thơ của tôi đã là cầu bê-tông chắc chắn với lan can sắt hai bên... Sau khi đọc bài viết của chị T.H, tôi nôn nóng muốn quay lại Đà Lạt, đứng ngay cây cầu đó rồi lâm râm khấn nguyện cảm ơn thầy Hiệu trưởng Bùi Văn Châu (đã mất). Ngôi trường đầu đời trong ký ức của tôi luôn rất đẹp đẽ, thơ mộng. Từ nay sẽ đẹp hơn, đáng nhớ hơn với những gì tôi mới được biết về vị hiệu trưởng đã đóng góp rất nhiều cho Trường Tiểu học Đa Nghĩa bằng trái tim yêu thương và trách nhiệm với học trò. Xin cảm ơn chị T.H và xin được sử dụng lại những tấm hình về trường Đa Nghĩa ngày xưa của chị, để đăng cùng bài viết này!

LẠI VĂN LONG

 

Tin tức khác