Nghề giáo trong thời đại 4.0

02.12.2021 13:379032 đã xem

Cách mạng công nghiệp 4.0 với sự thay đổi chóng mặt trong cách tiếp cận tri thức đặt ra thách thức lớn cho người giáo viên. Khi các cỗ máy tìm kiếm, mạng xã hội đang trở thành nguồn học tập vô tận, giáo viên không chỉ đơn thuần trao tri thức, mà còn phải trở thành người định hướng, khai mở tiềm năng cho học trò.

     Giáo dục thay đổi trong nhiều thế kỷ, từ phạm vi kiến thức tới mô hình và không gian học tập. Trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0, nhiều quan niệm học tập truyền thống đã thay đổi so với quá khứ, mở ra một viễn cảnh giáo dục rộng mở và linh hoạt hơn.

     Giáo sư Tony Wagner (Đại học Harvard) từng chia sẻ: “Thế giới ngày nay không quan tâm kiến thức của sinh viên là gì, mà quan trọng là sinh viên làm được gì với kiến thức đó”.  Vì thế, vai trò của người giáo viên thời 4.0 không chỉ đơn giản là truyền đạt kiến thức, mà còn giúp học trò trang bị các kỹ năng để hội nhập toàn cầu.

Giáo dục 4.0 hiện nay đặc ra những thay đổi lớn:

     Thứ nhất,  mục tiêu học tập mở rộng.

Với thời đại 4.0, giáo dục hướng tới phát triển cá nhân một cách tổng thể. Nếu trước kia chỉ có một trí thông minh duy nhất được công nhận là logic, thì xã hội hiện đại công nhận đa trí thông minh như cảm xúc, vận động, ngôn ngữ... Từ đó, mục tiêu giáo dục đang hướng tới giúp mỗi người phát triển tối đa các trí thông minh tiềm ẩn của mình.

     Thứ hai, giáo viên là người kết nối.

Học sinh trong thế giới 4.0 đã đủ năng lực và phương tiện để tiếp nhận thông tin. Trong bối cảnh đó, giáo viên không phải là người duy nhất có được kiến thức và thông tin giá trị. Thay vào đó, họ là người giúp học trò có khả năng hiểu ý nghĩa của thông tin, phân biệt sự khác biệt giữa những gì quan trọng và không quan trọng. Trên hết, đó là khả năng kết hợp thông tin thành một bức tranh rộng lớn về thế giới.

     Thứ ba, tự học là yêu cầu bắt buộc

Vai trò của giáo viên thay đổi, người học cũng thay đổi theo. Học tập trong quá khứ thường mang tính thụ động. Người học chủ yếu tham gia các chương trình giáo dục đã được xây dựng sẵn, có khuôn mẫu chung cho số đông và tiếp cận kiến thức một chiều. Ngày nay, theo đòi hỏi của giáo dục hiện đại, người học buộc phải tăng tính chủ động, khả năng tự định hướng các kiến thức mình cần và xây dựng lộ trình học tập riêng theo đòi hỏi của từng cá nhân.

     Thứ tư, độ tuổi học tập kéo dài suốt đời.

Giáo dục thời đại 4.0 đã mở rộng độ tuổi học tập qua khái niệm "học tập suốt đời". Với sự phát triển của công nghệ và robot, nhiều chuyên gia giáo dục trên toàn cầu thừa nhận rằng chưa thể xác định các kỹ năng nghề nghiệp cho trẻ nhỏ trong giai đoạn hiện nay vì nhiều công việc trong tương lai gần thậm chí chưa xuất hiện. Vì vậy, học tập không thể chỉ giới hạn trong độ tuổi đi học. Người học cần phải có năng lực học tập suốt đời, không ngừng cập nhật kiến thức và tri thức để theo kịp các đòi hỏi công việc liên tục thay đổi trong xã hội 4.0.

     Thứ năm, ai cũng có thể dạy.

Khái niệm "thầy" cũng có nhiều thay đổi trong thời hiện đại. Nếu như trước đây chỉ giáo viên mới có thể đứng lớp và giảng dạy, thì ngày nay, nhờ có sự hỗ trợ của công nghệ, bất kỳ ai cũng có thể tham gia vào chu trình giáo dục và trở thành thầy.

     Thứ sáu, lớp học ở mọi nơi, mọi lúc.

Thay cho trường lớp mang tính vật lý với giảng đường, thư viện và thời khóa biểu cố định, các trường trực tuyến đang phát triển và trở thành làn sóng giáo dục mới. Trường trực tuyến. Tài liệu học tập, sách tham khảo đều lưu trữ trên mạng. Thông qua các thiết bị kết nối internet như smartphone, laptop... người học trên toàn thế giới có thể tham gia vào các lớp học ảo bất cứ lúc nào.

Để đáp ứng được những thay đổi trong thời đại giáo dục 4.0, cần nhận thức rằng đổi mới phương pháp, hình thức dạy học là một tất yếu trong điều kiện mới. Trong giảng dạy, giáo viên cần từng bước áp dụng các phương pháp dạy học hiện đại, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, kĩ thuật hiện đại vào hoạt động giảng dạy của mình. Giáo viên cần nhận thức được vai trò mới của người thầy trong thời đại mới. Trước đây, giáo viên thường tập trung xung quanh vai trò “dạy học”. Cụ thể, thầy cô dạy lại cho học sinh những điều mình đã biết. Nhưng ngày nay, mọi thứ đang thay đổi theo sự thay đổi của thông tin. Những kiến thức mới liên tục được cập nhật. Điều đó đặt ra thách thức cho giáo viên khi phải bắt nhịp với thời đại. Vai trò mới của giáo viên thời công nghiệp 4.0 là gì? Đó là trở thành người “hướng dẫn” học sinh cách học. Điều giáo viên truyền đạt mỗi ngày không còn là kiến thức cụ thể, mà phải là phương pháp giúp học sinh nắm vững kiến thức. Phương pháp đó bao gồm cách phân tích, đánh giá vấn đề; tìm nguồn thông tin, chọn lọc và xử lý dữ liệu; biến dữ liệu thành kiến thức của mình. Đồng thời, giáo viên cần có ý thức tự bồi dưỡng nâng cao trình độ. Người giáo viên trong thời đại mới không chỉ biết sử dụng các phần mềm, kĩ năng tin học cơ bản mà phải biết tận dụng khoa học công nghệ để mở rộng, cập nhật, nâng cao kiến thức chuyên môn và kiến thức xã hội.

Nhà giáo trong thời 4.0 cần phát triển các kỷ năng quan trọng như: Kỹ năng hợp tác, lắng nghe; kỹ năng dạy học tích hợp, kỹ năng giải quyết các vấn đề, kỹ năng sáng tạo trong dạy học, kỹ năng tìm hiểu học sinh và cộng đồng, kỹ năng phản biện, kỹ năng sử dụng công nghệ... Với quan điểm một chương trình nhiều SGK hiện nay, giáo viên phải có kỹ năng phản biện, để hiểu vấn đề sâu hơn và sáng tạo. Việc đòi hỏi một giáo viên phải thành thạo nhiều lĩnh vực là rất khó, tuy nhiên giáo viên cần nghiên cứu các lĩnh vực lân cận lĩnh vực mình phụ trách, đặc biệt là ngoại ngữ, và tin học.

Sự nghiệp giáo dục nhằm hình thành những con người hoàn thiện hơn, trước tiên là vì mục tiêu của chính họ và tiếp nữa là để phù hợp với thời đại mà họ đang sống. Đó trước tiên là những con người chính nó, tự nó, con người có mục đích, chứ không phải con người công cụ, sản phẩm thụ động, lệ thuộc, do người khác nghĩ và tạo ra theo các mục đích khác nhau nào đó. Đó phải là những người có tính trung thực, lòng nhân ái và tính khoan dung, cao thượng; xa lạ với sự giả dối, thủ đoạn, nhỏ nhen và đố kỵ; giàu tri thức khoa học và thực tiễn, có năng lực tư duy và hành động, phát triển toàn diện và tối đa theo thế mạnh riêng có của mỗi người. Đó là con người tự do, tự chủ, có tuy duy độc lập, sáng tạo, không thụ động, không ỷ lại, không dựa dẫm và không giáo điều. Để có được điều đó chữ “TÂM” không thể thiếu trong người thầy. Sinh thời Bác Hồ kính yêu đã từng nói: “Nhiệm vụ thầy giáo rất vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục…không có giáo dục thì nói gì đến kinh tế, văn hóaVì thế, nghề giáo được coi là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Yếu tố quan trọng làm nên sự cao quý của nghề giáo là phẩm chất đạo đức nghề nghiệp của họ; thể hiện ở sự tâm huyết, lối sống chuẩn mực, lòng nhân ái, nghiêm túc và sáng tạo. Vì thế “TÂM” của  người thầy tốt không phải chỉ lòng yêu ngành, yêu nghề mà phải được biểu hiện thành những hành động cụ thể. Ngoài  việc nâng cao kiến thức, trau dồi công tác chuyên môn, rèn đức, luyện tài, chúng ta cần giữ gìn phẩm chất tốt đẹp, phấn đấu và cống hiến vì nhiệm vụ cao cả mà xã hội đã tôn vinh, phụ huynh trân trọng. Điều cốt yếu của người Thầy cần làm trong giai đoạn hiện nay là luôn trân trọng, giữ gìn, rèn giũa hàng ngày để thực sự có chữ “TÂM” trong sáng của nghề giáo cao quý.      

Cách mạng công nghiệp 4.0 bên cạnh những tác động tích cực vẫn có những tác động tiêu cực đến văn hóa xã hội, đời sống ngày một nhiều. Nhiều gia đình, bố mẹ lo kiếm sống, không đủ thời gian và không có phương pháp giáo dục con một cách khoa học. Hơn bao giờ hết, nghề dạy học với danh xưng “là nghề sáng tạo bậc nhất trong những nghề sáng tạo... vì nó sáng tạo ra những con người sáng tạo” lại càng thể hiện rõ nhất trong thời điểm hiện nay.

                                                                Phòng TCHC Sở GDĐT

 

 

 

 

 

Tin tức khác