Nâng bước em tới trường

16.11.2023 07:411106 đã xem

  Với đặc điểm của một địa phương cao nguyên, còn nhiều hoàn cảnh khó khăn, bước chân đến trường của không ít học sinh vẫn rất vất vả, thiếu thốn. Và những người thầy, người cô, những mái trường vẫn đang mỗi ngày nâng bước các con, đồng hành cùng các con trên con đường tới lớp.

Học sinh thi cờ vua tại Trường THPT Bảo Lâm

• NHÀ TỚI TRƯỜNG - ĐƯỜNG XA NGÚT

   Thầy Phạm Trung Thành - Hiệu trưởng Trường THPT Bảo Lâm nhắc tới những cô bé, cậu bé học trò của mình ở những thôn, xóm xa lắc. Những bạn mà nhà cách trường học tới 30 km như khu vực Thôn 13, xã Lộc Ngãi, như Nao Quang của xã Lộc Phú, khu đèo B40 xã B’Lá. Với những học trò ấy, con đường đến trường xa thật xa, nhất là vào những ngày mưa cao nguyên dài dằng dặc. Và càng xa, điều kiện kinh tế càng khó khăn, cha mẹ các em vẫn đang phải mải miết trên vườn, rẫy, việc học của con chưa được ưu tiên của gia đình. Thầy tâm sự: “Mỗi lần thấy học trò tay xách nách mang ra gần trường ở trọ để đi học, là nhà giáo, bản thân tôi thấy vừa thương, vừa khâm phục các con. Học trò phải vượt qua biết bao nhiêu vất vả để không lỗi bước đến trường”.

   Gần giống hoàn cảnh với Trường THPT Bảo Lâm, những ngôi trường nằm trên địa bàn xã Phi Liêng, huyện Đam Rông cũng hình thành những “xóm trọ” nho nhỏ của các em học sinh ra xã đi học. Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, Trường THCS Phi Liêng đều có các bạn học trò ở tận các xóm xa tít như Tây Sơn, Băng Bả ra trọ học. Ở nhà các em thậm chí còn chưa có sóng điện thoại, mùa mưa là xóm bị tạm cách li bởi nước lên. Và những cô bé, cậu bé ở tận Sơn Điền, Gia Bắc, vượt con đèo dài ngút ra ngoài phố trọ học... Đâu đâu trên đất cao nguyên này vẫn có những bạn nhỏ vượt nhiều khó khăn để tới trường, nuôi ước mơ với con chữ.

   Càng những trường vùng sâu, điều kiện của học trò càng gặp nhiều khó khăn. Có bạn cha mẹ bị bệnh nặng, có bạn mồ côi, có bạn theo cha mẹ tới Lâm Đồng làm ăn bám ruộng, bám rẫy. Các con yêu trường, yêu lớp, đến với kiến thức bằng cả tấm lòng. Và, những mái trường vẫn luôn là mái ấm thứ hai của các cô cậu học trò.

   Đỡ đầu học trò, không để học trò nghỉ học vì hoàn cảnh khó khăn là một phong trào được Công đoàn ngành triển khai từ nhiều năm nay. Mỗi trường học đều có những đặc thù, khó khăn riêng và các CĐCS nhà trường đều phối hợp với Ban Giám hiệu để sáng tạo những cách làm hay, phù hợp với điều kiện thực tế để hỗ trợ học sinh tới trường. Hiện đã có 2.274 nhà giáo nhận đỡ đầu 1.808 học sinh khó khăn trên toàn tỉnh. Sự hỗ trợ của trường, của thầy cô đã giúp nhiều em vượt qua khó khăn, tiếp tục con đường học tập, xây dựng một tương lai tươi sáng, rạng rỡ hơn.

Ông Ngô Văn Sơn - Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Lâm Đồng

• ĐỒNG HÀNH CÙNG HỌC TRÒ TỚI TRƯỜNG

   “Ngay từ đầu năm, nhà trường đã khảo sát các trường hợp học sinh khó khăn thông qua giáo viên chủ nhiệm và học sinh. Sau đó tới tận gia đình thăm các con, thăm phụ huynh học sinh, động viên các con yên tâm tới lớp. Với những bạn có hoàn cảnh đặc biệt, khả năng nghỉ học cao, nhà trường đã tìm nguồn để hỗ trợ cho các con hàng tháng”, thầy Phạm Trung Thành chia sẻ. Thầy Thành rất tự hào, Trường THPT Bảo Lâm có một đội ngũ những cựu học sinh rất tâm huyết, yêu thương lớp đàn em. Hàng năm, Hội cựu học sinh phối hợp cùng nhà trường, cùng Công đoàn trường, Ban đại diện cha mẹ học sinh đóng góp kinh phí để xây dựng quỹ học bổng cho những học sinh khó khăn có thành tích học tập tốt. Hiện, trường đang có 13 học sinh được nhận học bổng 500 ngàn đồng/tháng, số tiền không lớn nhưng là nguồn động viên đầy ấm áp đến các con và gia đình.

   Công đoàn Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, Đam Rông lại có cách làm hay sau 10 năm thành lập. Ngay từ ngày đầu, Công đoàn nhà trường đã lập quỹ tự nguyện từ cán bộ, nhà giáo, người lao động nhà trường đóng góp hàng tháng để hỗ trợ cho những học sinh khó khăn nhất. Cô Trương Thị Phượng - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nhà trường thường xuyên vận động các mạnh thường quân trên địa bàn để trao học bổng cho các con dịp đầu năm, cuối năm học. Thầy Hoàng Khắc Thưởng - Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An, Đức Trọng cũng bảo, nhà trường là “chuyên gia” vận động học bổng cho học trò, vận động hỗ trợ áo ấm, sách vở học cụ cho các em. Với những hoàn cảnh khó khăn, nhà trường phân công giáo viên chủ nhiệm theo sát, động viên, hỗ trợ các con. Các khoản đóng góp, tiền học thêm, nhà trường tiến hành miễn giảm ở mức cao nhất có thể để các con yên tâm tới trường.

   Cùng các con đến trường, giảm khả năng bỏ học của học trò là tâm nguyện của mọi nhà giáo, mọi trường học. Và trên con đường đồng hành cùng học trò, những người thầy, người cô trên khắp mảnh đất cao nguyên đã, đang và sẽ tiếp tục vun đắp, góp tình yêu, trách nhiệm của mình để cùng học trò đến với tri thức.

DIỆP QUỲNH – Báo Lâm Đồng

 

Tin tức khác