Hội nghị trực báo đầu năm học 2023 - 2024
Sáng ngày 22/9/2023, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội nghị trực báo đầu năm học 2023 – 2024.
Dự và chủ trì Hội nghị có bà Phạm Thị Hồng Hải – TUV, Giám đốc Sở; ông Trần Đức Lợi, Phó Giám đốc Sở; các đồng chí Trưởng phòng, Phó trưởng phòng và chuyên viên các phòng thuộc Sở; ông Ngô Văn Sơn, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục, lãnh đạo phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố; lãnh đạo các cơ sở giáo dục trực thuộc, Trung tâm GDTX cấp tỉnh và các Trung tâm GDNN – GDTX trên địa bàn tỉnh.
Lãnh đạo Sở GDĐT chủ trì Hội nghị
Trong năm học 2022 - 2023, ngành Giáo dục Lâm Đồng đạt được nhiều kết quả ấn tượng, trong đó nổi bật là: tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi ra lớp đạt 100%; 12/12 huyện, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục (PCGD) mầm non cho trẻ 5 tuổi; 12/12 huyện, thành phố đạt chuẩn PCGD tiểu học mức độ 3; 12/12 huyện, thành phố đạt chuẩn PCGD THCS mức độ 2 (3/12 huyện thành phố đạt chuẩn PCGD THCS mức độ 3); giáo dục mũi nhọn cũng được chú trọng bồi dưỡng với 26 học sinh đoạt giải Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm 2022 (05 giải Nhì, 10 giải Ba và 11 giải Khuyến khích), 60 học sinh đoạt giải Nhất Kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh năm học 2022-2023 (40 học sinh lớp 12, 20 học sinh lớp 9). Và đặc biệt, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, Lâm Đồng có điểm trung bình môn thi xếp hạng 18 toàn quốc, tăng hai bậc so với năm 2022.
Toàn cảnh Hội nghị
Tuy nhiên, năm học 2022 - 2023, ngành cũng tồn tại không ít những thách thức như: tỷ lệ huy động trẻ dưới 5 tuổi đến trường của tỉnh còn thấp, chưa đạt so với chỉ tiêu. Nguyên nhân: Cơ sở vật chất của các trường mầm non công lập chỉ đáp ứng được nhu cầu đến trường của trẻ độ tuổi 5-6 tuổi, không đủ phòng học để đáp ứng các độ tuổi khác, đặc biệt độ tuổi dưới 3 tuổi; số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập không đủ để thực hiện mở rộng quy mô của các trường, nhất là mở rộng độ tuổi nhà trẻ trong các cơ sở mầm non công lập. Cơ sở vật chất trường học còn thiếu như: phòng học, phòng học bộ môn, phòng giáo dục thể chất, giáo dục nghệ thuật, nhà đa năng, thư viện,... và chưa đồng bộ, vẫn còn có phòng học xuống cấp cần thay thế; tỷ lệ trường học 02 buổi/ngày còn thấp, thiếu quỹ đất để phát triển mở rộng cơ sở vật chất từ bậc học mầm non cho đến cấp THPT. Chất lượng dạy học tại một số trường vùng kinh tế - xã hội khó khăn và vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế; một số giáo viên lớn tuổi kĩ năng sư phạm chưa đáp ứng đổi mới phương pháp dạy học và yêu cầu thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Đại biểu phát biểu ý kiến
Đại biểu phát biểu ý kiến
Đại biểu phát biểu ý kiến
Đầu năm học 2023-2024, toàn ngành Giáo dục có 680 đơn vị trường học (mầm non: 230, tiểu học: 221, THCS: 158, THPT: 59, GDTX: 12), số học sinh toàn tỉnh ước đạt khoảng 334.375 học sinh (mầm non: 61.809, tiểu học: 135.153, THCS: 90.923, THPT: 44.450 và học sinh hệ GDTX: 2.100). Có 21.901 CBQL, GV, NV (CBQL: 1.545; GV: 17.599; NV: 2.757).
Bà Nguyễn Thị Hồng Diễm, Phó trưởng Phòng GDTH-GDMN trả lời ý kiến của đại biểu tham dự Hội nghị
Hội nghị phát huy cao tinh thần “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới theo chiều sâu, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo”. Ý kiến của các đơn vị tập trung vào một số vấn đề: cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, tình trạng thừa thiếu cục bộ giáo viên, xây dựng trường chuẩn quốc gia đáp ứng tiêu chí hoàn thành Chương trình nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu, hoạt động dạy nghề ở các Trung tâm GDNN-GDTX, nâng cao chất lượng phân luồng học sinh sau THCS,… Lãnh đạo Sở GDĐT, các phòng chuyên môn thuộc Sở đã tập trung làm rõ các ý kiến thuộc chức năng nhiệm vụ tại Hội nghị, đồng thời sẽ tham mưu với các sở, ngành có liên quan tham mưu cấp thẩm quyền tiếp tục tháo gỡ những khó khăn trong thời gian tới; trên cơ sở đó tạo sự thống nhất, đồng thuận từ cơ sở, phát huy giá trị truyền thống, tinh thần đoàn kết, sáng tạo của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và người lao động thực hiện thắng lợi nhiệm vụ giáo dục và đào tạo năm học 2023 – 2024.
Ông Nguyễn Duy Hải, Trưởng Phòng GDTH-GDMN trả lời ý kiến của đại biểu tham dự Hội nghị
Để tạo ra một năm học mới đồng thuận, đổi mới toàn diện các mục tiêu, ngành Giáo dục Lâm Đồng đặt ra mục tiêu cao để phấn đấu, tập trung vào 12 nhiệm vụ trọng tâm để triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ; đồng thời, kỳ vọng vào những kết quả tích cực trên nền tảng là những thành quả đã gặt hái được trong những năm học vừa qua.
Ông Lâm Mã Quốc Dũng, Phó trưởng Phòng GDTrH trả lời ý kiến của đại biểu tham dự Hội nghị
Một trong những nhiệm vụ quan trọng được đặt lên hàng đầu, đó là toàn ngành tiếp tục đổi mới quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục đào tạo theo hướng phân cấp, phân quyền mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm vai trò kiến tạo để phát triển giáo dục. Tăng cường công tác chính trị, tư tưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động để tạo sự đoàn kết, thống nhất trong toàn ngành; xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp thực sự gương mẫu, là tấm gương sáng cho học sinh noi theo.
Ông Nguyễn Vĩnh Hiến, Trưởng Phòng KHTC trả lời ý kiến của đại biểu tham dự Hội nghị
Tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục mầm non trong điều kiện mới. Phát triển mạng lưới trường, lớp mầm non phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng nhu cầu đến trường của trẻ em, theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế. Quan tâm phát triển giáo dục vùng khó khăn và vùng có khu công nghiệp. Từng bước khắc phục tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên, phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Tiếp tục triên khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 4, 8, 11; nâng cao chất lượng biên soạn, thẩm định sách giáo khoa lớp 5, 9, 12 và tài liệu giáo dục địa phương trong thời gian tới; tăng cường các điều kiện đảm bảo triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018 như phát triển đội ngũ nhà giáo, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học.
Triển khai thực hiện chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông chất lượng, hiệu quả. Xây dựng kế hoạch về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông theo hướng mở; đổi mới nội dung, hình thức giáo dục hướng nghiệp gắn với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu của thị trường lao động.
Bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục và đáp ứng nhu cầu học tập của người dân tộc thiểu số, người sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và các đối tượng chính sách khác. Phát triển các phương thức giáo dục hòa nhập, chuyên biệt và bán chuyên biệt để đáp ứng quyền được học tập của người học là người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị các cơ quan, đơn vị, trường học tăng cường đổi mới công tác quản lý, nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo; chủ động, linh hoạt kế hoạch giáo dục đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường, địa phương; chú trọng lựa chọn và tổ chức các hoạt động dạy học phù hợp với phát triển năng lực học sinh. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tăng cường tư vấn chuyên môn trực tiếp, trực tuyến; đẩy mạnh phong trào và nâng cao hiệu quả đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, phát triển kĩ năng cho học sinh; đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo; nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, mũi nhọn; tập trung bồi dưỡng học sinh giỏi các cấp, phấn đấu đạt kết quả cao tại các cuộc thi cấp tỉnh, quốc gia. Tập trung nâng cao chất lượng ôn tập thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh vào lớp 10. Thực hiện đạt, vượt chỉ tiêu Ủy ban nhân dân tỉnh giao.
Phòng TCHC Sở GDĐT