Cô Hiệu trưởng Trường THCS Phước Cát 2, huyện Cát Tiên “Giản dị và yêu thương”

05.12.2022 10:251012 đã xem

          Thế là đã được sáu năm, tôi được làm một thành viên của mái trường yêu dấu - Trường THCS Phước Cát 2. Trước đó, tôi đã dạy mười bốn năm tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Đồng Nai Thượng (nay là Trường TH&THCS Đồng Nai Thượng), ngôi trường thuộc vùng sâu vùng xa nhất của huyện Cát Tiên cách nhà gần 30 km. Mười bốn năm gắn bó với biết bao kỉ niệm vui buồn nhưng vì hoàn cảnh gia đình, tôi đành chia tay... chuyển công tác.

          Hôm cầm Quyết định thuyên chuyển trong tay, tôi vừa mừng vừa lo, nhưng mừng thì ít mà lo thì nhiều: Lãnh đạo, đồng nghiệp và học sinh có sẵn sàng đón nhận mình hay không? Năng lực của mình liệu có đáp ứng được yêu cầu của công việc ở môi trường mới hay không?... Mang theo nỗi lo ấy, tôi đến gặp và ra mắt cô Hiệu trưởng mà lòng hồi hộp, xốn xang,... nhưng rồi tôi cũng mạnh dạn bước vào phòng hiệu trưởng. Chưa kịp mở lời chào, cô đã chào tôi trước: "Vương đấy à? Vào đây em!". Rồi cô ân cần mời tôi ngồi, rót nước cho tôi uống. Quá bất ngờ! Quá xúc động! Tay tôi run run không dám cầm li nước, sợ có thể sẽ làm rơi li! Tôi lí nhí: "Dạ, thưa...! Dạ, thưa...!". Cô bật cười hồn hậu: "Cô biết rồi! Cô và mọi người cũng đang đợi em đến mà! Về môi trường mới sẽ có rất nhiều thứ cần phải thay đổi! Em hãy luôn cố gắng nhé! Tôi lại lí nhí: "Dạ, vâng...! Dạ, vâng...!". Sau một hồi trò chuyện và dặn dò, cô bảo tôi về và chuẩn bị  bài vở để hôm sau bắt đầu lên lớp, chuyên môn đã phân công cho tôi giảng dạy hai khối lớp 7 và lớp 8. Đứng dậy xin phép cô ra về, lòng tôi nhẹ nhõm và trào dâng một niềm vui khó tả. Trên đường từ trường về nhà và cả ngày hôm đó, những lời dặn dò nhẹ nhàng, những cử chỉ ân cần đong đầy tình yêu thương và phong thái giản dị của cô hiệu trưởng cứ choáng lấy tâm trí tôi và trong tâm tôi trỗi dậy một niềm yêu kính vô bờ.

Cô Hiệu trưởng thường xuyên đến thăm gia đình, giúp học sinh ôn bài

          Thú thực, bản thân tôi không có năng lực gì đặc biệt. Những ngày đầu mới về trường, tôi luôn cố gắng hết mình trong công tác soạn giảng nhưng cũng không sao tránh khỏi những vụng về, lúng túng, không ít lần bị cháy giáo án quá thời gian cho phép. Những lần như thế cô đều dự giờ tôi nhưng cô không bao giờ phê bình, la trách mà chỉ góp ý nhẹ nhàng nên phát huy điểm này, khắc phục những điểm kia. Có lẽ cô cũng buồn nhiều lắm. Biết vậy nên tôi luôn tự nhủ: cố gắng, cố gắng và cố gắng để cô không buồn, thất vọng mãi về tôi và tôi cũng phải có trách nhiệm với bản thân, học trò và nhà trường nữa. Không riêng gì tôi, nhiều đồng nghiệp của tôi cũng được cô bảo ban, giúp đỡ nên ngày càng tiến bộ.

          Thời gian thấm thoát như thoi đưa. Mới đó mà đã hơn sáu năm rồi! Hơn sáu  năm tuy chưa phải là nhiều nhưng những ấn tượng tốt đẹp về cô Kim Dung – Hiệu trưởng nhà trường khiến tôi ngày càng thêm yêu mến mái trường – ngôi nhà thứ hai của thầy trò Trường THCS Phước Cát 2. Trong lãnh chỉ đạo cô làm việc rất nghiêm túc, khoa học, chỉnh chu, đúng giờ là thế; nhưng tôi khâm phục nhất chính là sự giản dị và tình yêu thương mà cô đã dành cho đồng nghiệp và học trò. Cô giản dị từ trong cách ăn mặc đến lời nói, cử chỉ và hành động. Trong suốt thời gian làm việc với cô nhưng tôi tuyệt nhiên không thấy giữa cô với đồng nghiệp và học trò có "khoảng cách khó gần" mà ngược lại, cô luôn hòa đồng, gần gũi và thân thiện. Trong cuộc sống hàng ngày, cô hay gọi chúng tôi là "các bạn" và xưng "tớ", tình cảm như anh chị em một nhà. Trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ cô luôn quyết đoán và quyết liệt, đã nói là làm, đã làm là phải làm tốt, cùng giúp sức nhau mà làm nên chúng tôi không hề có cảm giác bị áp lực mà tinh thần luôn luôn vui vẻ. Từ việc lớn đến những việc nhỏ nhất cô không bao giờ để chúng tôi làm một mình. Cô vẫn cùng chúng tôi quét rác, dọn dẹp vệ sinh trường lớp trong những ngày học sinh nghỉ học vì dịch Covid-19. Cuối mỗi buổi học, cô hay đi dọc hành lang và vào các lớp học để kiểm tra xem điện, quạt đã tắt hay chưa, có những chiếc bàn chiếc ghế nào bị lung lay, hỏng hóc hay không... Có lần, tôi thấy cô tỉ mẩn cạo sạch những miếng bã kẹo cao su mà em học trò ngịch ngợm, vô ý thức nào đó đã trét xuống mặt bàn, nền lớp hay góc tường. Không biết cô có biết học trò nào làm không và nếu biết thì cô đã giáo dục như thế nào mà từ đấy không còn thấy xuất hiện những miếng bã kẹo cao su nữa. Sân trường, hành lang, lớp học luôn sạch bong.

          Cô luôn nhắc nhở chúng tôi, giáo dục học sinh phải nhẹ nhàng và kiên trì như uốn một cành cây khi còn nhỏ, uốn mạnh và nóng nảy sẽ dễ khiến cái cành bị gẫy. Cô thương chúng tôi như em, coi học sinh như con trong nhà. Cô luôn đối xử công bằng, không hề thiên vị, luôn tận tình giúp đỡ. Vì thế chúng tôi luôn yêu thương, đoàn kết, tương trợ nhau, giúp nhau cùng tiến bộ, không có ai tự mãn, không có người tự ti, chuyện buồn chuyện vui luôn cùng nhau chia sẻ. Cô nhớ tên từng học trò. Cô hiểu hoàn cảnh gia đình của từng em một. Cô luôn thấu hiểu và sẻ chia nên học trò luôn coi cô như người mẹ thứ hai. Thấu hiểu những thiếu thốn, vất vả của các em, cô thường hay đến từng nhà động viên, an ủi hoặc gặp riêng các em để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và kịp thời tuyên dương, khen thưởng các em có tinh thần vượt khó học giỏi,...

Trong triển khai thực hiện nhiệm vụ giáo dục, cô luôn chủ động, sáng tạo và luôn đề ra giải pháp hiệu quả. Cô luôn quan tâm, tổ chức các hoạt động tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Hằng năm, cứ vào mỗi dịp đón xuân mới, trước khi cho học sinh về nhà nghỉ lễ ăn tết, cô và chúng tôi lại tổ chức chương trình "Tết yêu thương" cho học sinh. Cô trò cùng nhau gói bánh, chuyện trò quanh những nồi bánh chưng, hòa ái, tươi cười, lòng người ấm áp. Dẫu chỉ là một hai chiếc bánh chưng tự tay cô trò gói, luộc, rồi trao tặng lại cho học sinh mang về nhà nhưng được bao bọc cả một trời yêu thương sâu thẳm. Học trò đón nhận những chiếc bánh nóng hổi, môi chúm chím cười như đón nhận cả một mùa xuân.

Hầu hết, học trò trường tôi đều là con em đồng bào dân tộc thiểu số như Tày, Nùng, Dao, Châu Mạ, S’Tiêng,... hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn. Nhiều em, cha mẹ phải đi làm ăn xa, ở lại nhờ ông bà chăm sóc, có em bị mồ côi cả cha lẫn mẹ. Cô cũng thường xuyên tranh thủ thời gian, giúp các em học sinh ôn tập kiến thức môn Toán.

Bằng tình yêu thương vô bờ, cô đã cần mẫn dựng xây nhịp cầu nhân ái, đưa các em đến với những vòng tay yêu thương, cô luôn tích cực, tiên phong trong công tác tuyên truyền, vận động kết nối với những tổ chức, cá nhân, những mạnh thường quân cùng chung tay hiện thực hóa mô hình “Dân vận khéo” với phương châm “Không có học sinh nào bị bỏ lại phía sau”. Mỗi năm học, đã có hàng trăm lượt học sinh nhà trường được nhận học bổng, nhận quà tương đương số tiền trị giá hàng chục triệu đồng.

Đoàn bác sĩ trẻ Thành phố Hồ Chí Minh (học trò cũ của cô Dung), trao học bổng 01 năm thẻ BHYT và  quà cho 70  học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại trường, tháng 9/2022

Cũng nhờ sự quan tâm sâu sát của cô, thông qua Hội đồng đội huyện Cát Tiên làm nhịp cầu kết nối đến với Đài phát thanh và truyền hình Lâm Đồng mà năm học 2019-2020 nhà trường được chương trình "Hoa Cúc Trắng" xét chọn nhân vật là em Điểu Thị Hương, học sinh lớp 7A2 mồ côi cha, mẹ bỏ đi biệt xứ, để lại ba chị em côi cút, không nơi nương tựa. Thông qua chương trình em Hương đã nhận được món quà là 143.947.000 đồng và nhiều hiện vật khác kịp thời giúp đỡ chị em Hương tiếp tục được đi học, thực hiện ước mơ tương lai trở thành một cô giáo để trở về dạy chữ cho bà con trong Buôn làng.

Không chỉ trao tình yêu thương, cô còn lan tỏa niềm yêu thương nơi các em học trò. Điển hình như đợt lũ lụt tại miền Trung vừa rồi bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi cơn bão số 8 và số 9 khiến hàng trăm người chết, hàng ngàn các em học sinh không còn sách vở và đồ dùng học tập đến trường, cô đã kêu gọi toàn thể thầy cô và học sinh trong nhà trường san sẻ tình yêu thương, hướng về miền trung ruột thịt. Dẫu số tiền quyên góp được không nhiều, chỉ vài ba triệu, dẫu chỉ là những bộ quần áo đơn sơ, những chai dầu ăn, bịch muối, những bộ sách giáo khoa cũ, những ram vở… nhưng chan chứa nghĩa tình "Người trong một nước phải thương nhau cùng".

Dẫu thời gian có trôi, năm tháng sẽ qua đi nhưng những hình ảnh cô lặng lẽ nơi hành lang lớp học để cạo từng miếng bã kẹo cao su, cô cùng tham gia các hoạt động ngoại khóa với lũ học trò nhỏ, cô đến từng nhà để an ủi động viên các em học sinh sẽ không thể nào mờ phai trong tâm trí tôi và các em học trò. Luôn giản dị và luôn tràn đầy tình yêu thương. Đó chính là cô giáo của tôi, hiệu trưởng của trường chúng tôi - cô Mai Thị Kim Dung, luôn sáng ngời tấm gương dung dị, bao dung và nhân ái! Cô đã truyền cho chúng tôi niềm đam mê và tình yêu nghề, truyền cho học sinh niềm hăng say học tập và tinh thần vượt khó. Nhờ đó, trường tôi vinh dự đón Bằng công nhận đạt đạt chuẩn quốc gia năm 2018, nhiều năm liền là điểm sáng của giáo dục của huyện nhà, nhiều năm đạt danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc, được nhận nhiều giấy khen của UBND huyện và Bằng khen của tỉnh ba năm liền (năm học 2018 – 2019, 2019 – 2020, 2020 – 2021); năm học 2020 – 2021 nhà trường vinh dự được nhận Cờ thi đua Đơn vị xuất sắc dẫn đầu cụm thi đua của tỉnh. Riêng bản thân cô, nhờ những nỗ lực cố gắng không ngừng, cô đã được nhận 01 Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng, 02 Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và 01 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và nhiều giấy khen của các cấp, Hội. Cô thực sự là tấm gương sáng ngời, gương điển hình tiên tiến trong ngành giáo dục để các thế hệ thầy trò nhà trường học tập và lan tỏa, nhân rộng trong toàn ngành. Noi theo gương cô, chúng tôi sẽ mãi luôn cố gắng và quyết tâm nhiều hơn nữa vì chúng tôi luôn tự hào về mái trường - ngôi nhà thứ hai của mình, luôn tự hào về cô - Người quản lý -  Người chị - Người mẹ vô cùng đáng kính.

Cô ơi! Nhân Kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, ngày 20 tháng 11 cũng sắp tới, thay mặt cho tất cả đồng nghiệp và các em học trò, em xin kính chúc cô mãi luôn dồi dào sức khỏe, tiếp tục trang đời giản dị và yêu thương cô nhé!

Phan Quốc Vương, giáo viên Trường THCS Phước Cát 2

 

 

         

Tin tức khác