Thầy giáo trường huyện thường xuyên có giải Quốc gia

10.04.2020 14:281853 đã xem

Dạy Lịch sử làm sao cho học sinh yêu và thích Sử là điều mà thầy giáo Thân Tuấn luôn trăn trở, suy nghĩ để tìm ra giải pháp.

Từng là học sinh giỏi Văn cấp tỉnh, đỗ cùng lúc Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, chàng trai Thân Tuấn gây bất ngờ cho mọi người khi chọn ngành sư phạm để học, thỏa ước mơ làm thầy giáo dạy Sử của mình.

Tốt nghiệp Sư phạm Lịch Sử, thầy giáo trẻ Thân Tuấn về ngôi trường mơ ước - nơi từng là nơi lưu giữ kỉ niệm học trò, làm đồng nghiệp với thầy cô giáo cũ -Trường Trung học phổ thông Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. 

Dạy Lịch sử làm sao cho học sinh yêu và thích Sử là điều mà thầy giáo Thân Tuấn luôn trăn trở, suy nghĩ để tìm ra giải pháp. 

Từ kinh nghiệm khi là học sinh, thầy Tuấn nhận thấy kiến thức lịch sử mình lĩnh hội là những kiến thức đã được khoa học xác nhận và được ghi chép trong sách giáo khoa bộ môn; vì vậy phải bồi dưỡng cho các em kỹ năng học tập bộ môn. 

Kỹ năng đầu tiên cần bồi dưỡng là kỹ năng học, ghi nhớ các sự kiện, hiện tượng lịch sử một cách hệ thống.

Các sự kiện, hiện tượng lịch sử luôn luôn gắn liền với một không gian, thời gian, nhân vật nhất định, nếu tách các yếu tố đó ra khỏi sự kiện thì không thể hiểu được lịch sử nữa.

Vì vậy trong quá trình dạy, thầy Tuấn đã hướng dẫn học sinh ghi nhớ được các sự kiện lịch sử cơ bản, có hệ thống, không mang tính học thuộc lòng, học vẹt.

Với đối tượng là học sinh giỏi, thầy yêu cầu xác định rõ kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, học sinh cần phải biết các sự kiện lịch sử một cách rõ ràng, sâu sắc hơn.

Trên cơ sở các sự kiện đó, các em phải biết vận dụng vào làm các dạng bài thi với yêu cầu tổng hợp, phân tích đánh giá các sự kiện lịch sử.

Thầy Thân Tuấn cùng học sinh lớp 11A1 Trường Trung học phổ thông Đức Trọng, Lâm Đồng (Ảnh: CTV)

Thầy vận dụng nguyên tắc "biết - hiểu - vận dụng" trong dạy học.

Để học sinh "biết", trong dạy học hàng ngày thầy tạo ra những tình huống để học sinh tự tìm hiểu các sự kiện lịch sử, thầy giáo chỉ là người đánh giá, nhận xét và bổ sung kiến thức cho học sinh hiểu và vận dụng khi làm bài kiểm tra.

Rèn luyện kỹ năng làm bài thi, bài kiểm tra dựa vào các từ khóa trong đề được thầy Tuấn bồi dưỡng thường xuyên. 

Hỏi về một vấn đề lịch sử có nhiều cách khác nhau nhưng cái đích cần hỏi thì không khác nhau, vì vậy thầy cho học sinh của mình làm quen với nhiều dạng câu hỏi, nhiều cách hỏi khác nhau và quan trọng là giúp học sinh nhận biết từ khóa của vấn đề cần hỏi. 

Từ khóa là vấn đề chính, trọng tâm mà đề bài yêu cầu là gì; nếu học sinh nhận biết được từ khóa thì sẽ mở được đề và làm bài theo đúng yêu cầu đề ra.

Đổi mới phương pháp dạy, phương pháp đánh giá, tiết học Lịch sử với thầy Tuấn không còn khô khan, nó luôn mới mẻ, sống động, gắn với cuộc sống.

Với thầy Tuấn, dạy học Lịch sử không đơn thuần là truyền dạy kiến thức, mà mong muốn các thế hệ học trò thêm yêu và tự hào về dân tộc mình qua từng trang lịch sử.

Mỗi tiết lên lớp của thầy đều được học trò chào đón nồng nhiệt và hào hứng.

Tận tụy, nhiệt huyết với nghề, thầy giáo Tuấn đã làm không ít học sinh yêu môn Lịch sử tự khi nào.

Từ năm học 2010-2011 đến nay, số lượng học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử của Trường Trung học phổ thông Đức Trọng luôn tăng cả số lượng và chất lượng giải. 

Đặc biệt, một “trường huyện” mà từ năm học 2011-2012 đến nay Trường Trung học phổ thông Đức Trọng luôn có học sinh đạt giải quốc gia môn Lịch sử.

Thầy Thân Tuấn chính là giáo viên trực tiếp dạy và bồi dưỡng học sinh đi thi.

Thầy Thân Tuấn cùng giáo viên, cán bộ quản lý tỉnh Lâm Đồng tham gia hội đồng thi chọn Học sinh giỏi quốc gia năm 2019 tại Hà Nội (Ảnh: CTV).

Thầy Thân Tuấn chia sẻ “Để học sinh yêu môn Sử, bản thân mình phải yêu Sử hơn học trò; có như vậy mới truyền tải tình yêu Sử đến với học trò được thầy ạ. 

Em chưa bao giờ có suy nghĩ môn Lịch sử là môn phụ; em chỉ suy nghĩ dạy thật tốt, truyền được nhiệt huyết, hứng thú cho học trò; có hứng thú, học trò sẽ học tốt. 

Em xác định bồi dưỡng học sinh giỏi cũng chính là một hình thức tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho bản thân mình; từ đó luôn toàn tâm, toàn ý dành thời gian cho công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, không đòi hỏi quyền lợi của bản thân.


Thầy giáo giỏi giàu nghị lực chiến đấu với bệnh ung thư

Sự quan tâm của lãnh đạo của Sở, lãnh đạo trường Trung học phổ thông Đức Trọng về bồi dưỡng học sinh giỏi là động lực và điểm tựa cho em cống hiến, phấn đấu; em rất cảm ơn sự quan tâm của quý lãnh đạo và sự giúp đỡ của quý đồng nghiệp.

Em ước mơ, mong muốn mình giữ được ngọn lửa yêu nghề mãi mãi thầy ạ”.

Ngọn lửa yêu nghề của thầy giáo Thân Tuấn đã gặt hái được nhiều thành tích trong công tác; liên tục năm 2009 đến 2019 thầy được công nhận Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; 3 năm đạt Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh; được Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Lâm Đồng tặng nhiều bằng khen. 

Năm học 2015-2016, thầy Thân Tuấn được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác giảng dạy.

Ngoài dạy học, thầy Tuấn còn được nhà trường giao nhiệm vụ Chủ nhiệm Câu lạc bộ nghiên cứu khoa học kĩ thuật của trường.

Thầy đã tổ chức, xây dựng kế hoạch và điều hành hoạt động của câu lạc bộ ngày càng đi vào chiều sâu và đã đạt được nhiều thành tích trong các cuộc thi cấp tỉnh, quốc gia, quốc tế.

Kết quả học sinh đi thi nghiên cứu khoa học kĩ thuật của trường đã đạt 28 giải cấp tỉnh, 4 giải quốc gia và 2 giải được chọn đi thi quốc tế.

Cô giáo Vũ Anh Minh Trang - Phó hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Đức Trọng đã cho biết:

“Thầy Thân Tuấn là một giáo viên đầy tâm huyết, chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, tích cực trong mọi hoạt động, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; đặc biệt công tác dạy bồi dưỡng học sinh giỏi luôn đạt thành tích cao”.

Tạm biệt cao nguyên nắng gió, chúc thầy Thân Tuấn và Trường Trung học phổ thông Đức Trọng gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trong thời gian tới.

Sơn Quang Huyến

Văn phòng Sở GDĐT

Tin tức khác