Nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo từ việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

23.09.2021 09:191024 đã xem

     Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hoá kiệt xuất; đồng thời, cũng là một nhà giáo dục lớn của dân tộc Việt Nam. Người đã khai sinh một nền giáo dục mới, toàn dân, toàn diện với kỳ vọng phải “đưa dân tộc Việt Nam trở thành một dân tộc thông thái”, sánh vai cùng bạn bè quốc tế. 

     Trong 05 năm qua, để thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “Nói đi đôi với làm” đạt hiệu quả thiết thực, ngay từ khi triển khai, ngành GD&ĐT đã gắn thực hiện Chỉ thị 05 với các phong trào thi đua, cuộc vận động trọng tâm của ngành như “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, xây dựng gương điển hình tiên tiến… góp phần đưa việc học và làm theo Bác trở thành hoạt động thường xuyên, liên tục tại mỗi đơn vị, mỗi cán bộ, nhà giáo. Để triển khai thực hiện tốt khâu đột phá, Sở GDĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục bám sát những vấn đề mà xã hội quan tâm, lựa chọn những nhiệm vụ cụ thể, trọng tâm để có hướng chỉ đạo thực hiện như: tập trung nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ nhà giáo, đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá kết quả dạy và học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học; quyết liệt chỉ đạo khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực hiện các quy định thu chi và quản lý tài chính, về dạy thêm, học thêm; phát huy dân chủ cơ sở trường học… nhằm nâng cao chất lượng giáo dục tại các nhà trường.

     Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, một người thầy giáo giỏi không có nghĩa là phải tinh thông tất cả mọi lĩnh vực, hiểu trọn tri thức nhân loại, vì tri thức nhân loại vô cùng rộng lớn, tuy nhiên, người giáo viên cần không ngừng trau dồi kiến thức, đặc biệt phải thạo lĩnh vực chuyên môn của mình, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của sự nghiệp giáo dục - đào tạo. Thấm nhuần lời dạy của người, đội ngũ CBQL, giáo viên, nhân viên thường xuyên trau dồi ý thức chính trị, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, tận tuỵ với nghề, cần cù chịu khó, nêu cao tinh thần trách nhiệm, sáng tạo và quyết tâm bồi dưỡng, tự bồi dưỡng nâng cao năng lực để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

     Với những việc làm hay, sáng tạo, việc thực hiện học tập và làm theo Bác ở các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã đem lại hiệu quả thiết thực, tạo chuyển biến rõ nét từ những nội dung học tập nhỏ nhất. Nhờ đó, ngành giáo dục và đào tạo Lâm Đồng đã đạt đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Cụ thể:

     - Chất lượng giáo dục và đào tạo được giữ vững và phát triển qua từng năm học: 05 năm qua, GDĐT Lâm Đồng liên tục nhận Cờ thi đua xuất sắc của Bộ GDĐT, năm 2018 được Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc; năm 2021, ngành Giáo dục tỉnh Lâm Đồng có 01 tập thể được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, 06 thầy cô giáo được phong tặng danh hiệu nhà giáo ưu tú; số học sinh đoạt giải tại các Kỳ thi quốc tế được nâng lên. Việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT các năm học qua luôn đảm bảo an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế và đặc biệt trong năm 2020, 2021 còn đảm bảo các quy định về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19. Kết quả đối sánh điểm trung bình tốt nghiệp giai đoạn 5 năm (2017 – 2021) của Lâm Đồng xếp trong top 10 toàn quốc, nằm trong 20 tỉnh, thành phố có chất lượng giáo dục phổ thông tốt, ổn định. Kết quả xét tốt nghiệp năm 2021 đạt 99.64%, tăng 0.1% so với năm 2020.

Đảng bộ Sở Giáo dục và Đào tạo được Tỉnh ủy tặng bằng khen có thành tích xuất sắc trong công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”

     - Mạng lưới trường lớp đã được xây dựng tương đối hoàn chỉnh từ mầm non đến bậc phổ thông tạo điều kiện thuận lợi cho con em trong tỉnh đến trường. Tỉ lệ duy trì sĩ số ở các bậc học ngày càng được cải thiện. Tổng số trường MN, PT công lập đạt chuẩn quốc gia: 509/626 (tỉ lệ 81,3%); đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3.

     - Cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục, đào tạo được cải thiện rõ rệt và từng bước hiện đại hóa. Sở GDĐT đã tham mưu tỉnh bố trí kinh phí trang bị các thiết bị, phần mềm tương tác thông minh cho các nhà trường. Năm 2020, Sở GDĐT đã bước đầu tích hợp các phần mềm riêng lẻ để kiến tạo hệ sinh thái thống nhất cho toàn ngành; thành lập Trung tâm điều hành giáo dục thông minh. Nhờ đó, việc triển khai, điều chỉnh kế hoạch giáo dục, theo dõi, đối sánh chất lượng dạy và học các đơn vị được kịp thời; việc thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách, văn bản pháp luật, nắm bắt tư tưởng của đội ngũ nhờ đó đạt nhiều hiệu quả.

     - Tỉnh tiếp tục ổn định và duy trì mục tiêu xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học; phổ cập giáo dục trung học cơ sở; phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuối; củng cố và nâng cao kết quả xóa mù chữ cho người lớn. Cơ hội tiếp cận giáo dục có nhiều tiến bộ, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách; bảo đảm bình đẳng giới trong giáo dục và đào tạo.

     - Công tác phát hiện, bồi dưỡng, tuyên truyền và nhân rộng điển hình tiên tiến được Ngành coi trọng. Trong 05 năm từ 2015-2020, toàn Ngành có 590 gương nhà giáo, CBQL GD và 584 học sinh xuất sắc được tôn vinh, tuyên dương – khen thưởng.

     Tuy nhiên giáo dục và đào tạo tỉnh nhà vẫn còn một số khó khăn, hạn chế nhất định, như:

     Chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo ở một số vùng khó khăn, đồng bào dân tộc chưa ổn định, tỉ lệ học viên tham gia giáo dục nghề nghiệp chưa đạt yêu cầu. Một số cán bộ quản lý giáo dục chưa chú trọng đúng mức việc giáo dục đạo đức, lối sống và kỹ năng cho học sinh.

     Cơ sở vật chất kỹ thuật còn thiếu, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Sân chơi, bãi tập thể chất, hoạt động ngoài giờ lên lớp, rèn luyện kỹ năng sống còn thiếu; công tác huy động các nguồn lực đầu tư phát triển GDĐT; công tác xã hội hóa, hỗ trợ chế độ, chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục còn nhiều khó khăn.

     Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc vận dụng học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong tình hình mới, ngành Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ một số giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Cụ thể là:

     1- Tăng cường học tập và làm theo Tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung và tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục nói riêng, coi đó là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo bằng nhiều hình thức thích hợp.

     2-  Tiếp tục đổi mới tư duy và cơ chế quản lý giáo dục, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển năng lực và phẩm chất người học, hài hòa đức, trí, thể, mỹ. Chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, tri thức pháp luật và ý thức công dân, phát huy giá trị cơ bản của văn hóa, truyền thống và đạo lý dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại.

     3- Tăng cường phối hợp đồng bộ, chặt chẽ và có hệ thống giữa các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan, đoàn thể, sự phối hợp gia đình - nhà trường - xã hội.

     4- Tiếp tục chú trọng công tác xây dựng, bồi dưỡng và sử dụng hợp lý đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục - lực lượng cơ bản tham gia xây dựng và phát triển giáo dục, có vai trò quyết định đến chất lượng giáo dục và đào tạo.

     5- Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục và đào tạo, tăng cường các nguồn lực đầu tư phát triển giáo dục, đa dạng hóa các loại hình giáo dục và đào tạo trên cơ sở quản lý thống nhất của Nhà nước, tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục, đào tạo. Triển khai mô hình “ Xây dựng trường học điển hình tiên tiến”, chọn lọc đưa một số mô hình giáo dục và đào tạo tiên tiến của thế giới vào nhà trường góp phần thúc đẩy sự phát triển của giáo dục và đào tạo tỉnh nhà trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

     Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thường xuyên trong quá trình công tác cũng như trong đời sống thường ngày đã nhắc nhở đội ngũ nhà giáo luôn nghĩ về phẩm cách của mình. Phẩm cách người thầy theo đạo đức Bác Hồ là thắp sáng niềm tin để làm tốt sự nghiệp trồng người. Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lâm Đồng sẽ tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc, vận dụng những lời căn dặn của Người về giáo dục vào thực tế bằng nhiều giải pháp, phương thức để nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo của tỉnh nhà đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện, hội nhập quốc tế.

Đảng bộ Sở Giáo dục và Đào tạo Lâm Đồng

Tin tức khác