Tình thầy trò dưới mái trường giữa rừng

19.11.2024 13:2227 đã xem

 (LĐ online) - Điểm trường nằm lọt thỏm giữa rừng ở Tiểu khu 179 ngày ngày vẫn cất lên những thanh âm quen thuộc như bao nhiêu ngôi trường khác. Thế nhưng, ở nơi đây, tiếng trống trường, tiếng thầy giảng bài và tiếng học trò ê a những con chữ mới như vang vọng vào không gian của núi rừng, mang theo cả ước mơ con chữ và niềm tin về một tương lại tươi sáng…

Thầy giáo Hoàng Văn Ngọc đã có 7 năm gắn bó với Điểm trường ở Tiểu khu 179

• NHỮNG THẦY GIÁO BÁM TRƯỜNG

  Điểm trường 179 thuộc Trường Tiểu học Liêng Srônh (huyện Đam Rông) được thành lập từ tháng 9/2013. Khi đó, điểm trường chỉ có 2 lớp 1 với 57 học sinh. Đây là điểm trường xa trường chính nhất với khoảng cách gần 60 km. Để đi đến điểm trường nằm giữa rừng này, phần lớn quãng đường di chuyển phải qua địa phận tỉnh Đắk Nông.

  Năm học này, Điểm trường 179 có 102 em học sinh; trong đó, có 22 học sinh lớp 1. Cô Phạm Thị Nguyên - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Liêng Srônh cho biết: Các phòng học của nhà trường hiện nay là nhà tạm chưa được xây dựng kiên cố do điểm trường nằm trên đất rừng phòng hộ. Cơ sở vật chất chưa được đầu tư, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động dạy và học của điểm trường còn thiếu thốn đã gây không ít khó khăn cho thầy và trò nơi đây.

  5 lớp học tại Điểm trường 179 do 3 thầy giáo là Nguyễn Ngọc Trường, Hoàng Văn Ngọc và Rơ Ông Ha Tồng phụ trách. Thầy Ha Tồng là người trẻ nhất, vừa công tác ở đây năm thứ 2, còn thầy Trường và thầy Ngọc là những người gắn bó với điểm trường lâu nhất từ khi thành lập. Trong sự nghiệp sư phạm của các thầy, quãng thời gian ở điểm trường là những kỷ niệm chẳng thể phôi phai.

Học sinh ở Điểm trường tại Tiểu khu 179 nắn nót từng con chữ rất chăm ngoan

  “Trước đây, 1 lớp học chia đôi, các em ở các lớp khác nhau phải học ghép. Còn bây giờ đã có đủ phòng để phân chia 2 buổi học sáng chiều. Tuy nhiên, toàn bộ thời gian của các thầy đều dành cho học trò nên đã sắp xếp để các em học 2 buổi/ngày. Số tiết học được cân đối sáng, chiều các em vừa có thời gian ôn tập, vừa phù hợp với điều kiện thời tiết buổi trưa nắng nóng, buổi chiều sau 4 giờ thì điều kiện ánh sáng không đảm bảo”, thầy Hoàng Văn Ngọc chia sẻ.

  Thầy Ngọc đã công tác tại điểm trường này lâu nhất, từ năm 2017. Xung phong đến điểm trường từ khi còn độc thân, đến nay, thầy chỉ có vài tháng trở về trường chính công tác rồi lại vào. Những năm trước, đường vào điểm trường rất khó khăn, nhất là vào mùa mưa lũ. Điện lưới và sóng điện thoại chưa có. Khi ấy, mỗi khi có việc muốn liên lạc về gia đình thì thầy giáo và các đồng nghiệp ở đây phải lên đồi cao để dò sóng điện thoại. Bây giờ, mọi điều kiện đã được cải thiện hơn, nhưng quãng đường 60km với địa hình đồi dốc cộng với 6 tháng mùa mưa cao nguyên làm cho hành trình đến trường chưa bao giờ là điều dễ dàng.

  Khó khăn là vậy nhưng dường như với những người thầy gắn bó với mái trường này, có một sự liên kết vô hình đối với học sinh, để rồi dù đã hết phân công theo lịch, các thầy vẫn tình nguyện xin trở lại với học trò.

  “Mặt bằng chung trong này còn nhiều thiếu thốn, các em cũng nhút nhát, thậm chí là rất sợ khi tiếp xúc với người lạ. Quá trình giảng dạy của các thầy cũng cần có sự kiên nhẫn nhiều hơn”, thầy giáo Nguyễn Ngọc Trường chia sẻ.

Thầy giáo Nguyễn Ngọc Trường mong muốn có điều kiện thuận lợi hơn để các em học sinh được tiếp cận môi trường học tốt hơn

• NÂNG BƯỚC EM ĐẾN TRƯỜNG

  Từ năm học 2022 - 2023, trên mâm cơm của các thầy giáo cắm tại Điểm trường 179 có thêm chén, đũa dành cho 3 anh em mồ côi Lý Văn Thắng, Lý Thị Út và Lý văn Hoàng. Đây cũng là năm học thứ 3 các em được các thầy nhận giữ lại trường chăm sóc, lo ăn ngủ, lo học hành. Gian nhà sinh hoạt chung có tiếng cười nói líu lo của trẻ em, ấm cúng như thể gia đình.

  Em Lý Văn Thắng (học sinh lớp 5C) cho biết, bố mẹ em có 8 người con nhưng các anh chị lớn đã lập gia đình. Thắng và 2 em ở với bố mẹ. Cách đây 3 năm, bố em đột ngột qua đời, một mình mẹ hằng ngày phải lên rẫy và đi làm thuê để có tiền trang trải cuộc sống.

  Từ đó, Thắng phụ trách dẫn 2 em đến trường. Nhà cách trường gần 10km, những đôi bàn chân nhỏ cũng có những lần mỏi mệt. Biết được hoàn cảnh của học sinh, các thầy giáo tại điểm trường đã đến nhà gặp gỡ và trao đổi với Ban tự quản tại tiểu khu, xin ý kiến lãnh đạo nhà trường để bố trí chỗ cho các em ở lại sinh hoạt, nấu ăn cho các em trong suốt một tuần.

Ba anh em Thắng, Út, Hoàng được các thầy giáo chăm lo chuyện ăn ở, học hành

  “Cha mất khi các em còn khá nhỏ, lần lượt học lớp 3, lớp 2, lớp 1. Chúng tôi sợ rằng nếu cứ để các em tự đi học từ nhà với khoảng cách xa như vậy, nhất là vào 6 tháng mùa mưa thì sẽ rất dễ khiến các em bỏ học giữa chừng”, thầy giáo Nguyễn Ngọc Trường lo lắng. Nỗi lo ấy chẳng phải không có cơ sở, bởi từ trước đến nay ở nơi này, biết bao nhiêu em học học sinh đã phải bỏ dở ước mơ con chữ giữa chừng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn.

  Sau khi được chấp thuận, các thầy sắp xếp lại gian nhà để các em ở lại, mỗi ngày 3 bữa cơm cùng ăn với các em. Các thầy ăn gì các trò ăn đó. Gặp chúng tôi, ánh mắt của những đứa trẻ vẫn còn đâu đó chút ngại ngùng nhưng vẫn lễ phép khoanh tay chào. Theo các thầy, từ khi ở lại trường, tiếp xúc với nhiều người đã giúp các em cởi mở hơn, không còn sợ người lạ như trước nữa.

  “Điều đáng mừng nhất có lẽ là sau 3 năm ở đây thì các em đã dạn dĩ hơn, ngoan, lễ phép và học tập cũng tốt hơn. Đây chính là động lực để những người thầy như chúng tôi tiếp tục những công việc mà mình đang làm”, thầy Trường chia sẻ thêm.

  Không chỉ với 3 anh em Lý Văn Thắng, hầu hết các bậc phụ huynh tại Tiểu khu 179 cũng thân quen với các thầy giáo. Anh Sùng A Tủa (người dân Tiểu khu 179) cho biết, anh có 5 đứa con đều học tại điểm trường này. Từ khi có trường, các con anh không phải đi gửi nhà người quen  hay thuê trọ để đi học ngoài khu vực trung tâm như trước đây nữa. Có bất cứ vấn đề gì, các thầy cũng tận tình trao đổi, hướng dẫn cho phụ huynh. Chứng kiến các con trưởng thành và ngày càng ngoan ngoãn, các bậc phụ huynh cũng yên tâm và có thêm niềm tin động viên các em cố gắng học hành.

Niềm vui của các em học sinh ở Điểm trường tại Tiểu khu 179

• HÀNH TRÌNH GIAN NAN VẪN CÒN PHÍA TRƯỚC

  Khi học sinh các nơi đón chào năm học mới trong sự tươm tất, đủ đầy thì ở giữa rừng, chính sự quan tâm, động viên, những cái nắm tay và những món quà, dù chỉ là hộp sữa, cái bánh, viên kẹo cũng khiến các em học sinh rạng rỡ vui cười. Bởi so với các điểm trường khác, các em học sinh nơi đây còn nhiều thiệt thòi.

  Những năm gần đây, nhờ sự quan tâm của các cấp, các ngành, điều kiện dạy và học của điểm trường cũng như nơi sinh hoạt của giáo viên ở lại điểm trường cũng đã được cải thiện rất nhiều.

  Cô Phạm Thị Nguyên - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Liêng Srônh cho biết, mỗi năm, Công đoàn nhà trường nói riêng và Công đoàn ngành giáo dục, Liên đoàn Lao động huyện vẫn dành nhiều sự quan tâm, sẻ chia với nỗi vất vả, thiếu thốn của các thầy cô đang công tác Điểm trường 179.

Cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn

  Hiện nay, nhà trường đã được hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà công vụ cho giáo viên an tâm về điều kiện sinh hoạt, từ đó an tâm công tác. Điểm trường cũng đã có dự án xây dựng mới các phòng học khang trang, sân và hàng rào bao quanh khuôn viên trường.

  Vì đây là điểm trường xa nhất của huyện và còn nhiều khó khăn nên qua các năm, việc bố trí giáo viên đến đây dạy học cũng được nhà trường luân phiên sắp xếp. Giáo viên đến điểm trường này là những người rất tâm huyết với nghề và trách nhiệm với học sinh. Nhà trường và địa phương cũng dành nhiều sự quan tâm đến những cán bộ, giáo viên công tác tại các địa bàn xa xôi, nhiều khó khăn.

  Đồng thời, nhiều chương trình hỗ trợ, kết nối nhà tài trợ cũng được đưa đến các điểm trường, để kịp thời hỗ trợ về cả vật chất lẫn tinh thần cho giáo viên và học sinh.

Điểm trường 179 đã có dự án xây dựng trong năm tới

  Bà Phạm Thị Ánh Tuyết - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lâm Đồng trong lần tham dự Lễ khai giảng năm học 2024 - 2025 cùng lãnh đạo các ban, ngành của huyện Đam Rông cũng không giấu nổi xúc động với điều kiện và hoàn cảnh của thầy trò nơi đây.

  “Dù đã nhiều lần được lãnh đạo xã Liêng Srônh thông tin rằng tại các tiểu khu như Đạ Mpô, 179, 181… vẫn còn nhiều khó khăn nhưng khi vào đến tận nơi mới thấy hết được sự khó khăn, vất vả của người dân cũng như sự thiếu thốn của thầy và trò tại điểm trường này cả về đường sá đi lại đến cơ sở vật chất và điều kiện dạy và học tập”, bà Phạm Thị Ánh Tuyết chia sẻ.

  Lãnh đạo huyện Đam Rông cũng đã chỉ đạo các ngành, các đơn vị tháo gỡ những vướng mắc, tập trung triển khai xây trường trong năm 2025

   Niềm mong mỏi của thầy cô và của người dân tại Tiểu khu 179 chính là cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tại điểm trường này được đầu tư đủ đầy hơn, để học sinh được tiếp cận nền giáo dục hiện đại, giúp các em có nền tảng vững vàng bước vào tương lai.

  Lãnh đạo huyện Đam Rông cũng đã chỉ đạo các phòng ban, đơn vị tháo gỡ những vướng mắc, tập trung triển khai các phương án để nhanh chóng đưa dự án xây dựng 8 phòng học kiên cố tại điểm trường này trong năm 2025.

HỒNG THẮM

 

Tin tức khác