Chuyện dạy và học ở ngôi trường vùng sâu Sơn Điền
Nằm cách trung tâm huyện Di Linh hơn 40 km, Trường Tiểu học (TH) Sơn Điền có hơn 94% học sinh dân tộc thiểu số. Vượt qua nhiều khó khăn, thiếu thốn ở một địa phương vùng sâu, vùng xa, thầy và trò nơi ngôi trường này vẫn đang hằng ngày nỗ lực để duy trì và từng bước nâng cao chất lượng dạy và học.
Học sinh Trường TH Sơn Điền được học tập trong điều kiện đảm bảo đầy đủ về cơ sở vật chất
Năm học 2024 - 2025, Trường TH Sơn Điền có 366 học sinh của 5 khối lớp. Trường gồm một điểm trường chính và một phân hiệu tại thôn Jang Pà. Thầy Nguyễn Văn Họa - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, để duy trì ổn định chất lượng dạy và học, trong những năm qua, Trường TH Sơn Điền chú trọng xây dựng đội ngũ giáo viên vững vàng về chuyên môn, có tinh thần trách nhiệm trong công tác. Đồng thời, tổ chức có hiệu quả các buổi sinh hoạt chuyên môn với nội dung, hình thức phong phú. Thông qua các buổi sinh hoạt và bố trí các tiết dạy minh họa giúp giáo viên tìm ra được cách thức tổ chức dạy học phù hợp nhất với điều kiện, thực tế của địa phương. Tìm tòi các biện pháp để khắc phục những vấn đề còn vướng mắc nhằm nâng cao hiệu quả dạy học. Đa dạng hóa các hoạt động của học sinh, giúp các em hứng thú tới trường.
Bên cạnh đó, Ban Giám hiệu nhà trường tạo mọi điều kiện thuận lợi để cán bộ, giáo viên, công nhân viên học tập nâng cao trình độ Tin học, biết soạn giáo án điện tử, sử dụng các phần mềm dạy học hiệu quả, trang bị thêm kiến thức và phục vụ tốt cho bài giảng. Chỉ đạo tổ chuyên môn thảo luận, bàn bạc về những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn giảng dạy ở những năm học trước, cũng như những vấn đề mới trong chương trình dạy học để thống nhất thực hiện trong cả năm học.
Ngoài ra, Trường TH Sơn Điền tập trung đổi mới đồng bộ phương pháp dạy, phương pháp học và kiểm tra, đánh giá học sinh theo thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đồng thời, triển khai hiệu quả việc ứng dụng mô hình trường tiểu học mới đảm bảo chất lượng dạy học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng và định hướng phát triển năng lực học sinh. Điều chỉnh nội dung dạy học phù hợp đặc điểm tâm sinh lí học sinh tiểu học. Tăng cường giáo dục đạo đức, giáo dục kỹ năng sống; tăng cường các hoạt động trải nghiệm cho học sinh.
Đặc biệt, theo thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Họa, một trong những công tác được tập thể cán bộ, giáo viên Trường TH Sơn Điền luôn chú trọng trong mỗi năm học là việc duy trì sĩ số, tránh tình trạng học sinh bỏ học, hoặc nghỉ học kéo dài. Thầy Họa chia sẻ: “Điều đáng mừng là cùng với nỗ lực tuyên truyền, thuyết phục của các thầy cô, thì phụ huynh cũng ngày càng quan tâm hơn đến việc học của con em mình. Nhờ đó mà dù ở địa phương vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn, nhưng những năm gần đây, sĩ số của nhà trường luôn được đảm bảo 100% từ đầu đến cuối năm học”. Trường TH Sơn Điền hiện có 21 giáo viên, tất cả đều là người tại địa phương. Điều này cũng góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên trong công tác huy động học sinh đến lớp khi mà các thầy, cô giáo đều gắn bó, gần gũi, nắm được hoàn cảnh mỗi học sinh của mình.
Cùng với nỗ lực của thầy và trò, quy mô trường lớp của Trường TH Sơn Điền cũng nhận được sự đầu tư, hỗ trợ để ngày càng hoàn thiện. Nhờ đó mà tinh thần học tập của các em học sinh cũng được nâng lên. Điểm trường Jang Pà của Trường TH Sơn Điền nằm cách điểm trường chính hơn 12 km. Đây là nơi học tập của 134 em học sinh. Từ học kỳ II của năm học 2023 - 2024, cô và trò điểm trường Jang Pà rộn ràng niềm vui khi được chuyển vào học trong ngôi trường mới được xây dựng khang trang, sạch đẹp. Trước đó, điểm trường cũ xuống cấp, nhà trường phải thuê tạm nhà dân và dựng tạm 3 phòng học để học sinh tới lớp. Bây giờ thì cùng với sự đầu tư của Nhà nước và nguồn huy động xã hội hóa, mỗi phòng học đều được trang bị cơ sở vật chất đầy đủ, đảm bảo phục vụ nhu cầu dạy và học của giáo viên và học sinh.
Cô giáo Nguyễn Thị Tâm - Chủ tịch Công đoàn cơ sở Trường TH Sơn Điền đã gắn bó với điểm trường Jang Pà 5 năm. Cô tâm sự: “So với thời gian tôi mới vào đây nhận công tác thì bây giờ, cơ sở vật chất của điểm trường đã có sự thay đổi vượt bậc. Từ những phòng học trên ngọn đồi nhiều gió, cũ kỹ, xập xệ, không có sân chơi, nay, điểm trường còn có phòng Tin học, mỗi phòng học đều có tivi. Các em học sinh được học ở môi trường không thua kém các trường học ở thị trấn. Đây là niềm hạnh phúc không chỉ của các em học sinh, giáo viên, mà còn là của phụ huynh ở thôn còn nhiều khó khăn của xã Sơn Điền”.
Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Họa cho biết, hướng đến mục tiêu trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1 vào năm 2025, tập thể giáo viên, học sinh nhà trường xác định nỗ lực, cố gắng nhiều hơn để vượt qua những khó khăn, hạn chế vẫn còn tồn tại. Đồng thời mong muốn nhận được thêm sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước để hoàn thiện hơn cơ sở vật chất, tiếp tục tạo môi trường học tập tốt nhất cho các em học sinh.
VIỆT QUỲNH