Giáo dục trước tác động của đại dịch COVID-19

24.11.2021 07:202042 đã xem

     Năm 2021, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống. Trong đó, đại dịch đã có những tác động tiêu cực đến ngành Giáo dục. 

 

Học sinh Trường THPT Lang Biang rửa tay sát khuẩn trước khi vào lớp

 • TÁC ĐỘNG ĐẾN VIỆC DẠY VÀ HỌC

      Trường THPT Lang Biang, huyện Lạc Dương vừa quay trở lại dạy và học trực tiếp sau thời gian tạm nghỉ do có học sinh bị nhiễm COVID-19 liên quan đến chùm ca bệnh đầu tiên của huyện. Đóng chân trên địa bàn thuộc khu vực nguy cơ thấp, Trường THPT Lang Biang và các trường học ở Lạc Dương tổ chức dạy học trực tiếp từ khi năm học 2021-2022 bắt đầu tại Lâm Đồng. Khi huyện Lạc Dương xuất hiện những ca nhiễm COVID-19 đầu tiên, trong đó có một học sinh của Trường THPT Lang Biang thì UBND huyện cho trường tạm nghỉ. 81 học sinh và giáo viên nhà trường có liên quan đến trường hợp học sinh nhiễm COVID-19 phải cách ly tập trung. Nhà trường đã chuyển sang dạy và học trực tuyến để đảm bảo việc tiếp thu kiến thức cho học sinh. 

 “Sau 14 ngày, toàn trường không phát sinh ca nhiễm mới liên quan đến học sinh dương tính với COVID-19, 81 giáo viên và học sinh hoàn thành thời gian cách ly tập trung và tiếp tục thực hiện cách ly tại nhà, Trường THPT Lang Biang được quay trở lại dạy và học trực tiếp. Tuy nhiên, trước tâm lý lo lắng của phụ huynh và học sinh, nhà trường tiếp tục thực hiện dạy học trực tuyến thêm 1 tuần. Khi tổ chức dạy học trực tiếp, nhà trường đã thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của ngành Y tế và Sở Giáo dục để đảm bảo an toàn cho học sinh khi đến trường”, thầy Nguyễn Đình Nha - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lang Biang cho hay. 

      Tính đến ngày 5/11/2021, trên địa bàn tỉnh có gần 200/675 cơ sở giáo dục vẫn phải dạy và học trực tuyến. Theo ông Huỳnh Quang Long - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, việc chuyển dạy học trực tiếp sang dạy học trực tuyến là một chủ trương đúng đắn, kịp thời trong tình hình dịch bệnh, được xã hội đồng tình. Vượt qua những khó khăn ban đầu, giáo viên đã chịu khó đầu tư bài dạy, tìm tòi, sáng tạo. Đây cũng là cơ hội để thầy và trò trải nghiệm hình thức dạy học mới. Tuy nhiên, việc triển khai hình thức dạy học trực tuyến cũng gặp nhiều khó khăn do hạ tầng công nghệ thông tin tại một số cơ sở giáo dục và nhiều gia đình chưa đáp ứng, đặc biệt tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Bên cạnh đó, năng lực dạy trực tuyến của một số giáo viên còn hạn chế, đòi hỏi giáo viên phải dành nhiều thời gian xây dựng kế hoạch bài dạy trực tuyến... Việc quản lý nền nếp, kỷ cương học tập của học sinh khi học trực tuyến gặp khó khăn. Trong đó, đối với giáo dục mầm non, do bị gián đoạn trong thời gian dài nên ảnh hưởng nhiều đến nền nếp, thói quen, chế độ sinh hoạt theo độ tuổi của trẻ. Đặc biệt, dạy học trực tuyến cũng tác động đến việc triển khai chương trình, sách giáo khoa mới vì không phát huy được hết tính chủ động tiếp cận nội dung bài học của học sinh, một số phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực không thể triển khai như việc tổ chức dạy học trực tiếp, dẫn đến việc phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh còn nhiều hạn chế. 

 • TÁC ĐỘNG ĐẾN CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC NGOÀI CÔNG LẬP

      Trường Mầm non Thăng Long - Đà Lạt là trường có số trẻ đông nhất trong hệ thống trường mầm non tư thục của thành phố. Khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhà trường tạm dừng việc dạy học. Sơ Trần Thị Thảo Nguyên - Hiệu trưởng nhà trường cho hay: “Việc không tổ chức dạy học nên không thu được tiền học phí đã ảnh hưởng đến thu nhập của giáo viên bởi nhà trường không có nguồn chi trả lương. Đây là khó khăn nhất hiện nay của trường và cả giáo viên, nhân viên”.

 Hiện toàn tỉnh có 51 trường ngoài công lập và 371 cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập. Trong đó, hơn 1.800 giáo viên, nhân viên trường mầm non ngoài công lập phải nghỉ việc và không có lương để trang trải cuộc sống do trường phải tạm dừng dạy học.

      Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Huỳnh Quang Long cho hay, để giải quyết khó khăn cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập, đặc biệt là các cơ sở giáo dục mầm non, Chính phủ cần có gói tín dụng cho vay ưu đãi lãi suất 0% áp dụng cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập vay với mục đích duy trì hoạt động thường xuyên nhằm có vốn chi trả các hoạt động và lương để giáo viên và người lao động yên tâm công tác. Cùng với đó, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ có gói hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục tư thục duy trì hoạt động và trả lương cho giáo viên. 

 

VIỆT HÙNG

Theo Báo Lâm Đồng. http://baolamdong.vn/xahoi/202111/giao-duc-truoc-tac-dong-cua-dai-dich-covid-19-3090746/

Tin tức khác