Cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy
(LĐ online) - Bài viết quan trọng của Tổng Bí thư Tô Lâm về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề: "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả" là thông điệp mạnh mẽ của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam với quyết tâm thực hiện một cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy, xây dựng mô hình tổng thể tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam đáp ứng những yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới.
• ĐÁNH GIÁ, ĐIỀU CHỈNH ĐỂ ĐÁP ỨNG YÊU CẦU CÁCH MẠNG
Trong thực tiễn cách mạng Việt Nam, vần đề xây dựng mô hình tổ chức bộ máy hệ thống chính trị đã được Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nghiên cứu, vận dụng từ rất sớm, trên cơ sở tiếp thu tinh hoa các mô hình nhà nước văn minh, tiến bộ trên thế giới.
Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đảng ta đã “thành lập chính quyền cách mạng” ở các căn cứ địa, các khu giải phóng. Tiếp đó, Đại hội Quốc dân Tân Trào ngày 16 và 17/8/1945 đã bầu ra Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam, một tổ chức “tiền Chính phủ” đảm bảo tính hợp pháp và hiệu lực quản lý của chính quyền, là tiền thân của Chính phủ lâm thời Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra mắt quốc dân ngày 2/9/1945 sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập.
Mô hình tổng thể tổ chức bộ máy hệ thống chính trị nước ta từ năm 1945 đến nay đã liên tục có sự điều chỉnh để đáp ứng yêu cầu cách mạng của từng giai đoạn lịch sử. Nhiều nghị quyết chuyên đề được Đảng ban hành, gần đây nhất là Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; Kết luận số 50-KL/TW, ngày 28/2/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 18.
Hệ thống tổ chức đảng các cấp, bộ máy Nhà nước từ Trung ương tới cơ sở, tổ chức cơ quan Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội từng bước được đổi mới, phát huy hiệu lực, hiệu quả; là một trong những điều kiện cơ bản, quyết định đạt được những thành tựu vĩ đại sau 40 năm đổi mới đất nước.
Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá và thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm đã tồn tại từ rất lâu, được nhắc đi, nhắc lại nhiều lần trong các nghị quyết, kết luận của Đảng, đó là: Nhận thức của một số cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, người đứng đầu ở một số cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương chưa đầy đủ, chưa sâu sắc, quyết tâm chưa cao. Do đó, hành động chưa quyết liệt, việc sắp xếp tổ chức bộ máy chưa đồng bộ, tổng thể, chưa gắn tinh giản biên chế với cơ cấu lại...
Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tuy đã được đổi mới ở một số bộ phận nhưng vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, cơ bản vẫn theo mô hình được thiết kế từ hàng chục năm trước, nhiều vấn đề không còn phù hợp với điều kiện mới là trái với quy luật phát triển; tạo ra tâm lý “nói không đi đôi với làm”.
• TỔ CHỨC BỘ MÁY “GỌN” NHƯNG CHƯA “TINH”
Dư luận trong Đảng và Nhân dân đồng tình và đánh giá cao những nhận định sát thực tiễn của người đứng đầu của Đảng ta. Thực tế từ sau Nghị quyết số 18 của Đảng về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy đến nay, các địa phương đã giảm được nhiều đầu mối đơn vị cấp phòng, đơn vị sự nghiệp công lập.
Riêng tỉnh Lâm Đồng đã giảm 1 sở (Sở Ngoại Vụ) và 67 đơn vị cấp phòng thuộc tỉnh (giảm 171 lãnh đạo), 11 đơn vị cấp phòng thuộc huyện (giảm 67 lãnh đạo) và giảm 400 viên chức quản lý trong các đơn vị sự nghiệp công lập; giảm 10% biên chế so với 2015. Đội ngũ cán bộ, công chức được sắp xếp lại theo hướng đa nhiệm, đa lĩnh vực, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.
Đến nay, trong 51 tỉnh, thành nằm trong diện sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; đã có 38 địa phương được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, ban hành nghị quyết để thực hiện, giảm 9 đơn vị cấp huyện và giảm 562 đơn vị cấp xã (trong đó, tỉnh Lâm Đồng giảm 2 huyện và 6 xã). Các địa phương còn lại đang hoàn chỉnh hồ sơ trình cấp thẩm quyền xem xét.
Tuy nhiên, quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy cũng bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Việc nghiên cứu, xây dựng mô hình mới trong điều kiện thể chế chưa hoàn thiện, đồng bộ, chưa tổng kết thực tiễn, khoa học nên mỗi địa phương triển khai mỗi cách khác nhau tùy theo nhận thức, năng lực thể chế của người đứng đầu. Có nơi, chỉ chú trọng chỉ tiêu giảm cơ học 10% biên chế, thu gọn đầu mối mà chưa đánh giá đầy đủ tác động bất lợi, tính hợp lý, hợp pháp và chất lượng nền hành chính công địa phương...
Vì vậy, bộ máy “gọn” nhưng chưa “tinh” dẫn đến năng suất lao động thấp, chưa đáp ứng yêu cầu chất lượng phục vụ Nhân dân. Có cơ quan sau khi giảm biên chế thì phải làm thêm ngoài giờ hành chính mới hết việc, tất yếu sẽ phát sinh thêm chi phí, tiền lương.
Một trong những nguyên nhân chính là do chưa nhận thức đúng “tinh giản” với “giảm biên chế”; chưa coi trọng các yếu tố về chất lượng và tinh thông nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức; tinh gọn chưa gắn liền với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, bố trí đúng vị trí việc làm. Thậm chí, có cả nhân lực chất lượng cao cũng bị giảm biên chế với lý do họ đang là lao động “hợp đồng”.
• THÔNG ĐIỆP MẠNH MẼ, QUYẾT LIỆT
Từ thực tiễn, bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm gửi đi thông điệp mạnh mẽ, quyết liệt là: Phải nỗ lực phi thường, cố gắng vượt bậc, không chậm trễ thực hiện một cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị nhằm chuyển hóa, biến “lượng” thành “chất” trong thời điểm 100 năm đất nước ta dưới sự lãnh đạo Đảng và 100 năm thành lập nước, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Tổng Bí thư nhấn mạnh 3 lĩnh vực công tác trọng tâm lớn với những nhiệm vụ chủ yếu: Thứ nhất, xây dựng và tổ chức thực hiện trong toàn hệ thống chính trị mô hình tổng thể tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam đáp ứng những yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới. Thứ hai, tập trung hoàn thiện thể chế theo tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng” để nhanh chóng đưa chủ trương của Đảng đi vào thực tiễn cuộc sống. Thứ ba, gắn tinh gọn tổ chức bộ máy với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ, biên chế hợp lý, chuẩn hóa chức danh.
Để có cơ sở đổi mới hiệu quả, Tổng Bí thư yêu cầu phải tổng kết 7 năm thực hiện Nghị quyết số 18 với các làm khách quan, dân chủ, khoa học, cụ thể, sâu sắc, cầu thị, sát đúng với tình hình thực tiễn từ đó đề xuất mô hình tổ chức mới. Thực tế lâu nay, một số ngành, địa phương chưa ứng xử một cách khoa học đối với công tác tổng kết, báo cáo tổng kết đa phần nêu thành tích, ngại nhìn thẳng, nói thật, lắng nghe góp ý, phê bình về những hạn chế, bất cập, yếu kém; có cấp ủy cấp huyện trong một buổi sáng mà tiến hành đến 2 cuộc tổng kết 2 năm, 5 năm về 2 nghị quyết khác nhau của Trung ương, phần đọc báo cáo đẽ chiếm gần hết thời gian.
Cán bộ, đảng viên và Nhân dân kỳ vọng cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị do Đảng ta, đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm lãnh đạo, khởi xướng sẽ thành công, xây dựng được tổ chức bộ máy phục vụ Nhân dân “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả”, với mục tiêu cao nhất là sự hài lòng của người dân.
ThS. NGUYỄN VÂN HẬU