Ngoại khóa giáo dục luật giao thông đường bộ, luật an ninh mạng, phòng chống ma túy, phòng chống bạo lực học đường do Công an tỉnh phối hợp với Sở GDĐT tổ chức tại Trường THPT Bảo Lộc sáng ngày 30/10

02.11.2020 08:171435 đã xem

- Trong Luật Giao thông đường bộ có bao nhiêu nhóm biển báo?

Đừng tra google nha, chị google không phải lúc nào cũng đúng.

- Các bạn nữ nhớ khi tham gia giao thông thì phải ưu tiên tầm nhìn và tầm quan sát nha, đừng giống cô ninja Lead này, xẹc một phát nguy hiểm lắm.

- Nhanh một phút, chậm cả đời các em ạ!

- Nếu sau giờ tan trường, em bị một nhóm học sinh vây đánh, em sẽ làm gì? Mời bạn lớp 11A4 nè, ngày xưa tôi học A4 nên giờ tôi thích gọi các bạn A4.

- Nếu em nhìn thấy một công văn thông báo của Tỉnh hoặc Sở giáo dục có dấu đỏ, chữ kí trên mạng xã hội, em sẽ làm gì?

- Đố các em biết cây này là cây gì?

- Có nên thử một lần cho biết cảm giác phê ma túy như thế nào không?

...

Những thước phim, những hình ảnh hiện trường, cây cần sa, các câu hỏi tình huống tương tác, tiếng ồ lên sợ hãi, tiếng xuýt xoa, tiếng cười,...là những gì đã diễn ra trong buổi sáng ngày 30/10/2020 tại trường THPT Bảo Lộc khi 82 CB-GV-NV và hơn 1275 học sinh được tham dự buổi tuyên truyền giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, pháp luật và kĩ năng sống - một chuyên đề do Sở Giáo dục và Đào tạo Lâm Đồng phối hợp với Công an Tỉnh Lâm Đồng tổ chức.

Gói trọn trong thời gian một buổi sáng là bốn chuyên đề rất thiết thực và bổ ích: Luật An toàn giao thông đường bộ - Luật An ninh mạng - Phòng, chống ma túy và Phòng, chống bạo lực học đường. Tham dự buổi tuyên truyền có sự hiện diện của đồng chí Nguyễn Hoành Thuận, Phó phòng xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc Công an Tỉnh, đồng chí Đinh Thị Lan Anh - chuyên viên Phòng Chính trị tư tưởng Sở Giáo dục và Đào tạo Lâm Đồng, BGH trường THPT Bảo Lộc và các đồng chí trong đội tuyên truyền thuộc Công An tỉnh Lâm Đồng.

Mở đầu cho buổi tuyên truyền, đồng chí Lê Mạnh Cường, đại úy phòng cảnh sát giao thông Công an tỉnh có một bài nói chuyện sinh động, đậm chất “teen” hướng tới tuyên truyền nhận thức cho học sinh về tầm quan trọng của ý thức khi tham gia giao thông vì mạng sống của chính mình, mọi người và vì hạnh phúc của người thân. Những con số thực tế và những thước phim đã tác động rất lớn đến nhận thức của các em. Bài nói chuyện cũng đã chỉ ra những nguyên nhân chủ yếu của TNGT phần lớn là do ý thức của người tham gia giao thông, không tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ, người tham gia giao thông chưa đủ tuổi, thiếu kĩ năng điều khiển phương tiện và xử lí tình huống và do uống rượu bia. Với chủ đề ATGT năm 2020: “Đã uống rượu bia, không lái xe” kèm theo Nghị định 100-CP có hiệu lực từ 1/1//2020, bài nói chuyện nhấn mạnh những vụ tai nạn giao thông liên quan đến chất cồn sẽ để lại nhiều hậu quả ám ảnh, đau lòng và mong muốn mỗi một CB- GV -NV và HS trong nhà trường sẽ là một tuyên truyền viên tích cực, lan tỏa thông điệp này đến những người thân của mình để tất cả cùng chấp hành thật tốt Luật giao thông đường bộ và vì một môi trường giao thông thật an toàn.

Tiếp theo là phần tuyên truyền của đồng chí thiếu tá Nguyễn Xuân Giang - Đội trưởng Phòng phong trào Công an tỉnh Lâm Đồng về Bạo lực học đường. Vấn nạn bạo lực học đường không còn mới nhưng nó vẫn thường xuyên xảy ra và càng ngày càng có nhiều hình thức tinh vi hơn như dùng lời nói lăng mạ, dùng hành vi tấn công thân thể, nhắn tin khủng bố, bôi xấu, bôi nhọ trên các trang mạng, bạo lực tình dục, tẩy chay ,...cho thấy bất cứ ai cũng có thể trở thành nạn nhân của bạo lực học đường. Hậu quả của bạo lực học đường rất lớn và lâu dài: sức khỏe suy giảm, gián đoạn học tập, sang chấn tâm lý, ngay cả người gây ra BLHĐ cũng bị xa lánh, bị tẩy chay ra khỏi cộng đồng, nếu nặng bị xử lí về mặt hành chính, hình sự. Mục đích của bài tuyên truyền là mong muốn toàn thể học sinh nhận thức được tầm quan trọng của tuổi trẻ, tương lai, biết yêu quý người khác như yêu quý bản thân và nói không với bạo lực để có một môi trường học đường lành mạnh. Đội tuyên truyền cũng hướng dẫn cho học sinh những kĩ năng phòng chống bạo lực học đường như học cách kiềm chế cảm xúc, bình tĩnh khéo léo xử lí các tình huống có thể dẫn đến bạo lực, phương pháp hòa giải, nhờ sự giúp đỡ,... với khẩu hiệu đầy ý nghĩa:“Không buông tay, hãy cầm tay”, “Nói không với bạo lực học đường”.

Chuyên đề thứ ba của buổi sáng là tuyên truyền về Luật An ninh mạng do thượng úy Nguyễn Hà Phương, cán bộ phòng An ninh chính trị Công an Tỉnh thực hiện. Mục đích của bài tuyên truyền là giáo dục nhận thức cho học sinh những nội dung cơ bản về Luật An ninh mạng, các hành vi vi phạm phổ biến trên môi trường mạng và hình thức xử lí của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, từ đó nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật khi hoạt động trên môi trường mạng cũng như phòng tránh những hành vi vi phạm và những rủi ro khi tham gia hoạt động trên không gian mạng. Bài tuyên truyền gồm có 3 nội dung chính: sự cần thiết của Luật An ninh mạng; nội dung của Luật An ninh mạng và cách để phân biệt tin thật, tin giả. Với đối tượng học sinh, đội tuyên truyền của Công an Tỉnh đã hướng dẫn những điều cụ thể, thiết thực qua các tình huống giả định, giúp các em phòng tránh để không trở thành nạn nhân hoặc tội phạm của không gian mạng bằng các giải pháp như không đăng tải thông tin cá nhân lên mạng xã hội, bảo mật thông tin cá nhân bằng chế độ bảo mật hai tầng, cảnh giác trước thông tin sai sự thật- cách phân biệt, xử lý thông tin trên mạng và cách ứng xử có văn hóa trên mạng xã hội. Thông điệp đội tuyên truyền hướng tới: “Mạng xã hội là ảo nhưng xử phạt là thật. Hãy sử dụng một cách thông minh và có trách nhiệm”

Và chuyên đề cuối cùng của buổi tuyên truyền là Phòng, chống ma túy do Trung úy Vương Thanh Lâm, cán bộ tuyên truyền Phòng ma túy thực hiện. Bằng những hiện vật, hình ảnh trực quan như video quay lại những hành vi của người ngáo đá hay cây cần sa, đội tuyên truyền cung cấp cho học sinh những kiến thức cơ bản về ma túy, các tác hại của ma túy đối với sức khỏe, nhân tính. Được biết, học sinh là đối tượng dễ bị dụ dỗ, lôi kéo, đội tuyên truyền hướng dẫn các em cách phân biệt những dạng ma túy để phòng tránh, các kĩ năng để phòng tránh như tự nhận thức, nhắc nhở bản thân, trình báo với gia đình, nhà trường, cơ quan chức năng.

 Nhận thấy, các chuyên đề tuyên truyền do Sở Giáo dục và Công an Tỉnh phối hợp tổ chức thực sự bổ ích và thiết thực, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi mạng xã hội trở nên phổ biến, đời sống vật chất ngày được nâng cao, môi trường tiếp xúc, giao lưu của học sinh ngày càng rộng và học sinh là đối tượng có tâm sinh lý thích nổi loạn, ưa tò mò, thích khám phá, thể hiện, rất dễ bị mắc sai phạm và bị lôi kéo. Trong buổi tuyên truyền, bằng hình thức tương tác, toàn thể học sinh trường THPT Bảo Lộc đã được trang bị những kiến thức, kĩ năng cơ bản và những nhận thức đúng đắn.

Thiết nghĩ, cần lắm những chương trình ngoại khóa như thế do chính các chuyên gia hoặc cán bộ có chuyên môn tuyên truyền, tư vấn để công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, pháp luật và kĩ năng sống trong môi trường học đường thực sự có hiệu quả, bổ ích.

Phòng CTTT Sở GDĐT

Sau đây là một số hình ảnh của buổi ngoại khoá:

Tin tức khác