Hội thảo chuyên đề “Dạy học môn Tiếng Việt lớp 1 và đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học" trong trường phổ thông

23.10.2020 19:577493 đã xem

Thực hiện Công văn số 1315/BGDĐT-GDTH ngày 16/4/2020 của Bộ GDĐT về việc hướng dẫn sinh hoạt chuyên môn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học, ngày 23/10/2020 tại Trường Tiểu học Nguyễn Trãi, huyện Di Linh, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội thảo chuyên đề “Dạy học môn Tiếng Việt lớp 1 nhằm phát triển phẩm chất, năng lực và đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học’ trong trường tiểu học cho cụm chuyên môn số 2 lựa chọn bộ SGK số 1 có tên gọi “kết nối tri thức với cuộc sống” do Phòng GDĐT Di Linh làm cụm trưởng và các đơn vị Cát Tiên Đạ Huoai và Bảo Lâm.

 Thành phần tham dự có 196 đại biểu gồm: Phòng GDTH Sở GDĐT; Lãnh đạo Phòng GDĐT Di Linh, Cát Tiên và Đạ Huoai; Chuyên viên giáo dục tiểu học; Phó hiệu trưởng và tổ trưởng chuyên môn khối 1 các trường tiểu học thuộc Phòng GDĐT Di Linh, Bảo Lâm,Cát Tiên và Đạ Huoai.

 Mục tiêu chuyên đề nâng cao năng lực cho đội ngũ CBQL-GV về thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, trong đó đề xuất các giải pháp, tháo gỡ khó khăn dạy học môn Tiếng Việt lớp 1 và đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học.

 Các hoạt động tại Hội thảo gồm: Dự giờ 2 tiết môn Tiếng Việt lớp 1 bộ sách kết nối tri thức với cuộc sống; Hội thảo, sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học; đổi mới đánh giá học sinh theo Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT; tham quan các mô hình dạy học, trao đổi kinh nghiệm quản lý chuyên môn, trong đó tập trung quản lý hoạt động dạy học; đổi mới đánh giá tiết dạy của giáo viên.

 Các hoạt động của Hội thảo, chuyên đề rất ý nghĩa đối với công tác quản lý hoạt động dạy học và đánh giá học sinh. Các nội dung thảo luận, trao đổi, chia sẻ đã tháo gỡ các khó khăn trong quá trình dạy học môn Tiếng Việt lớp 1, được  đội ngũ CBQL và giáo viên đánh giá rất cao hiệu quả, ý nghĩa của hội thảo chuyên đề.

Theo nội dung thảo luận, các ý kiến của CBQL và giáo viên, Ông Nguyễn Duy Hải Trưởng phòng GDTH Sở GDĐT đã trao đổi, giải đáp các thắc mắc triển khai các giải pháp khắc phục khó khăn và định hướng một số nội dung tiếp tục thực hiện:

1. Đối với nhà trường

- Xây dựng kế hoạch giáo dục thực hiện chương trình lớp 1 theo hướng phân bổ hợp lý về nội dung và thời lượng dạy học giữa các môn học, hoạt động giáo dục để không gây quá tải, đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện chương trình 2018 được xây dựng theo hướng mở; giúp học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập ngay tại lớp học.

- Thời khóa biểu cần bảo đảm tỷ lệ hợp lý giữa các môn học và hoạt động giáo dục, sáng không quá 4 tiết, chiều không quá 3 tiết, không quá 2 tiết/môn học/buổi, phân bổ hợp lý về thời lượng, thời điểm trong ngày học và tuần học phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi học sinh lớp 1.

- Giao cho giáo viên chủ nhiệm, giáo viên dạy buổi sáng theo dõi và cung cấp thông tin trao đổi với giáo viên buổi chiều có biện pháp giúp đỡ kịp thời đối với các em học sinh còn khó khăn trong học tập, những em chưa hoàn thành nhiệm vụ học tập trong buổi sáng.

- Tăng cường dự giờ, thăm lớp, thực hiện chuyên đề nhằm hỗ trợ thường xuyên cho giáo viên trong quá trình triên khai thực hiện chương trình; triển khai kế hoạch cho đội ngũ giáo viên cốt cán kịp thời giúp đỡ, chia sẻ khó khăn cho giáo viên lớp 1. Trong giai đoạn này, giáo viên lớp 1 chỉ dự giờ góp ý, chia sẻ khó khăn, hỗ trợ tư vấn kịp thời, không đánh giá xếp loại giờ dạy của giáo viên.

- Trong quá trình dạy học, nhà trường giao giáo viên phải tìm hiểu kỹ đối tượng học sinh, yêu cầu cần đạt của chương trình, cách thiết kế của sách giáo khoa để xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp. Giáo viên và nhà trường được chủ động lên kế hoạch chi tiết để giúp học sinh đạt được yêu cầu chuẩn đầu ra cuối năm học mà chương trình đặt ra, nếu có hiện tượng học sinh quá tải vì học quá nhanh thì giáo viên cần điều chỉnh kế hoạch dạy học cho phù hợp với đối tượng học sinh của mình.

2. Đối với giáo viên

- Kế hoạch bài dạy (giáo án) xác định mục tiêu chi tiết, cụ thể, dùng các động từ để xác định như: nhận diện, đọc được, viết được… Mục tiêu sắp xếp theo trình tự hợp lý diễn ra của các hoạt động dạy học. Đối với phẩm chất và năng lực tùy thuộc nội dung trong SGK lựa chọn các phẩm chất và năng lực phù hợp để hình thành và phát triển (5 phẩm chất, 10 năng lực).

- Không lạm dụng CNTT  khi tổ chức dạy học, khi nhận xét, đánh giá, giáo viên cần cần chú ý giúp đỡ kịp thời các em chưa hoàn thành.

- Chương trình chỉ quy định yêu cầu cần đạt vào cuối năm lớp 1 không quy định yêu cầu cần đạt ở từng giai đoạn học tập. Theo đó, SGK cũng được thiết kế có tính mở, trao quyền chủ động cho GV. Vì vậy, ở mỗi hoạt động, GV có quyền linh hoạt điều chỉnh nội dung dạy học sao cho phù hợp với đối tượng HS và điều kiện thực tế địa phương.

- Giáo viên được quyền xây dựng, điều chỉnh kế hoạch dạy học của mình cho phù hợp với đối tượng đảm bảo đạt yêu cầu chuẩn đầu ra vào cuối năm học cho mỗi môn học, giáo viên cần nắm vững yêu cầu của chương trình, đặc điểm đối tượng học sinh, điều kiện thực hiện của nhà trường để xây dựng kế hoạch dạy học cho phù hợp (về thời lượng, tiến độ thực hiện, thời khóa biểu...)

- Để thực hiện được chương trình theo chuẩn đầu ra quy định, lớp 1 được tổ chức học 2 buổi/ngày và giáo viên tổ chức các hoạt động dạy học giúp học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập ngay tại lớp. Giáo viên khôn giao bài tập về nhà nhằm giúp các em có thời gian nghỉ ngơi và trải nghiệm kiến thức đã được học ở nhà trường với người thân, từ đó hình thành các năng lực, phẩm chất theo yêu cầu cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông 2018.

- Giáo viên phân chia thời gian trong tiết học hợp lý mục tiêu tiết 1 nhằm cho học sinh nhận diện, nhớ, đọc và viết được các âm vần đã học, trong sách giáo khoa mỗi bài có 2 trang, trang bên trái giáo viên cố gắng cho học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập tại lớp, trang bên phải tùy thời điểm, tùy đối tượng học sinh giáo viên giao nhiệm vụ đọc viết câu ứng dụng. Khi HS còn đang trong giai đoạn làm quen với việc học, giáo viên có thể điều chỉnh giảm yêu cầu cần đạt ở một số kỹ năng. Đối với kỹ năng đọc đoạn, những học sinh đọc chưa tốt chỉ yêu cầu các em đọc được từ ngữ có chứa âm/chữ/vần mới, tiến tới đọc câu ngắn. Những học sinh này có thể vừa đánh vần vừa đọc.

 - Tùy theo tình hình học sinh, thời gian đọc trong 1 tiết của học sinh chiếm thời lượng 60- 70%, trong đó viết chỉ thực hiện khoảng 25%, thời gian còn lại dành cho các kĩ năng nghe, nói và kiểm tra đánh giá. Do vậy, trong quá trình mới bắt đầu dạy học và học sinh mới làm quen cách học tiếng Việt nếu giáo viên bắt học sinh luyện viết nhiều sẽ làm cho học sinh vất vả, mệt mỏi dẫn đến không thích học.

- Đối với những lớp sĩ số đông, giáo viên chia nhỏ nhóm đối tượng học sinh để sâu sát, uốn nắn, hướng dẫn kịp thời cho các em, giai đoạn này giáo viên không phải ghi nhận xét nhiều vào vở mà trực tiếp giúp đỡ các em khi gặp khó khăn, ghi nhận tuyên dương các em với tiến bộ nhỏ nhất. Giai đoạn con mới vào lớp 1 đối với môn học Tiếng Việt, điều mà cha mẹ các em quan tâm là cách đánh vần, hướng dẫn đọc viết của các con. Nội dung này giáo viên chủ nhiệm hướng dẫn các cha mẹ học sinh và giúp đỡ kịp thời.

- Đặc điểm học sinh tiểu học từ 6 tuổi vào lớp 1 bắt đầu học chữ, do vậy học sinh phải được nhận diện được chữ cái mới học được âm vần, nhận diện được các âm vần, do đó cách hướng dẫn đánh vần của giáo viên là rất quan trọng, giai đoạn này giáo viên phải phát âm chuẩn, tròn vành, rõ chữ, thể hiện làm mẫu đánh vần cho học sinh quan sát cách phát âm. Giáo viên linh hoạt trong kỹ thuật hướng dẫn đánh vần cho học sinh, trong đó chú ý các học sinh chưa nắm vững và không nhận diện được. Ví dụ đánh vần tiếng “bàn” có thể ban – huyền – bàn; bờ - an – ban – huyền- bàn; a-n-an-bờ-an-ban-huyền-bàn. Tùy theo từng em học sinh giáo viên hướng dẫn các em đánh vần miễn sao học sinh nhớ và đọc được.

- Đối với kỹ năng viết, với những học sinh viết chưa tốt chỉ yêu cầu các em viết được chữ ghi âm mới, bước đầu hướng tới viết đúng độ cao, độ rộng, chưa đặt ra yêu cầu viết đẹp hoặc viết được các chữ ghi tiếng, ghi từ. Yêu cầu về các kỹ năng này sẽ được nâng cao dần qua từng giai đoạn học tập tiếp sau, tiến tới đạt yêu cầu cần đạt vào cuối năm học.

- Đối với những bài dạy 3 âm hoặc vần, tổ chuyên môn khối 1 nghiên cứu đề xuất phương án tăng thời lượng từ 2 tiết lên 3 tiết báo cáo hiệu trưởng phê duyệt nếu thấy cần thiết.

 Nội dung Hội thảo chuyên đề đã mang lại hiệu quả thiết thực cho CBQL và giáo viên dạy học lớp 1 nhằm tháo gỡ khó khăn và đề xuất các giải pháp thiết thực nhằm nâng cao chất lượng dạy học môn Tiếng Việt lớp 1. Khi CBQL biết đồng hành chia sẻ với giáo viên trong quá trình dạy học thì mọi khó khăn sẽ được giải quyết.

Tiếp theo thành công và hiệu quả của Hội thảo chuyên đề, ngày 06/11/2020 tại Trường TH Nghĩa Hiệp huyện Đức Trọng, Sở GDĐT tiếp tục tổ chức chuyên đề cho các trường tiểu học cụm chuyên môn số 3 do Phòng GDĐT Đức Trọng làm cụm trưởng gồm các đơn vị Đơn Dương, Lạc Dương, Lâm Hà và Đam Rông./.

Phòng GDTH Sở GDĐT Lâm Đồng

Văn nghệ chào mừng chuyên đề

Quang cảnh Hội thảo

Đồng chí Phạm Viết Thắng – Phó trưởng phòng Phòng GDĐT Di Linh phát biểu

Tiết dạy minh hoạ chuyên đề

Tiết dạy minh hoạ chuyên đề

Sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học (bước thứ ba)

Các đại biểu phát biểu thảo luận

Đồng chí Nguyễn Duy Hải - Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học

giải đáp thắc mắc, triển khai các giải pháp dạy học Tiếng Việt 1 trong thời gian tới

Tin tức khác