Tuyên truyền tập huấn về giới và bình đẳng giới

25.05.2022 09:432976 đã xem

     Trong những năm qua, Bình đẳng giới đang là vấn đề rất được quan tâm trong mọi lĩnh vực. Bình đẳng giới trong giáo dục làm tăng chất lượng nguồn nhân lực trung bình của xã hội nếu chúng ta giả định rằng, trẻ em trai và gái có khả năng thiên bẩm như nhau và những đứa trẻ có khả năng hơn sẽ được học tập và đào tạo nhiều hơn, thì việc thiên vị trẻ em trai có nghĩa là những trẻ em trai có tiềm năng thấp hơn trẻ em gái lại được học hành nhiều hơn, như thế, chất lượng nguồn nhân lực trong nền kinh tế sẽ thấp hơn mức có thể đạt được và kìm hãm tiềm năng tăng trưởng kinh tế. Bình đẳng giới trong giáo dục có ảnh hưởng tích cực đến chất lượng nguồn nhân lực của tương lai. Khi mức độ bất bình đẳng giới trong giáo dục giảm đi, tức là ở mỗi cấp đào tạo, tỷ lệ nữ so với nam tăng lên và khi trình độ và nhận thức của phụ nữ trong gia đình được cải thiện, số lượng và chất lượng đầu tư cho giáo dục đối với con cái sẽ được cải thiện trực tiếp thông qua sự dạy dỗ của người mẹ cũng như khả năng thuyết phục hoặc quyền của người mẹ trong việc đầu tư nhiều hơn cho giáo dục đối với con cái.

Hình ảnh tại buổi tập huấn

     Công tác bình đẳng giới của ngành giáo dục Lâm Đồng đang được đẩy mạnh và rất được quan tâm. Ngành đã tổ chức quán triệt nội dung NQ11 ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị (khóa X)  và Chương trình số 39 của Ban Thường vụ Tỉnh Ủy đến từng nhà giáo và lao động nữ trong Ngành giáo dục, đến từng đơn vị cơ sở trong toàn ngành. Quán triệt sâu rộng trong toàn ngành Quyết định 4996 QĐ-BGDĐT ngày 28 tháng 10 năm 2016 của Bộ GD&ĐT phê duyệt Kế hoạch hành động về bình đẳng giới của ngành giáo dục giai đoạn 2016 – 2020, Kế hoạch số 2985/KH-UBND ngày 01/6/2016 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng ban hành Kế hoạch triển khai  Đề án thực hiện biện pháp bảo đảm bình đẳng giới đối với nữ cán bộ công chức, viên chức giai đoạn 2016-2020, Sở Giáo dục Lâm Đồng ban hành Kế hoạch triển khai Đề án thực hiện trong toàn ngành (Kế hoạch số 2461 /SGDĐT- BVSTBPN ngày 1 tháng 9 năm  2016).

     Hàng năm, Ban VSTBPN ngành giáo dục xây dựng các Kế hoạch triển khai thực hiện công tác bình đẳng giới, đưa việc thực hiện Luật Bình đẳng giới vào trong Kế hoạch hoạt động, thanh kiểm tra của Ban VSTBPN ngành.

      Phối hợp với Công đoàn ngành Giáo dục tổ chức tập huấn Luật Bình đẳng giới và các kỹ năng lồng ghép giới cho cán bộ quản lý nữ, cán bộ nữ công các Phòng GDĐT, các trường và đơn vị trực thuộc Sở GDĐT. Các cơ sở giáo dục trong toàn ngành tổ chức nhiều chuyên đề, hội thảo, hội thi nhằm nâng cao nhận thức giới cho nữ CBNGLĐ, tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng lồng ghép giới cho đội ngũ cán bộ làm công tác bình đẳng giới tại cơ sở.  Tính đến hết năm 2021, toàn ngành có trên 90% cán bộ quản lý thuộc cơ quan quản lý giáo dục, cán bộ làm công tác bình đẳng giới được tập huấn về kỹ năng lồng ghép giới trong công tác quản lý, lãnh đạo và công tác giáo dục. Ban VSTBPN các cấp đã tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền tổ chức nhiều hoạt động nhằm bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất chính trị cho đội ngũ nữ nhà giáo và người lao động trong toàn ngành.

     Đặc biệt, ngành Giáo dục tỉnh Lâm Đồng thực hiện Kế hoạch hành động về Bình đẳng giới theo Quyết định 4996 của Bộ GD&ĐT trong bối cảnh thực hiện Nghị quyết số 29 – NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, toàn ngành đã đạt được những yêu cầu cơ bản đặt ra, đó là: Giảm sự chênh lệch về vị trí, vai trò, điều kiện, cơ hội phát huy năng lực giữa nữ cán bộ, giáo viên trong quy hoạch, tạo nguồn đào tạo, bồi dưỡng, bố trí và sử dụng tại cơ quan đơn vị; đồng thời góp phần xây dựng và phát triển vững chắc đội ngũ nữ cán bộ, nhà giáo đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa, công nghiệp hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

     Tính đến tháng 12/2021 toàn ngành có 21378 CBQL, GV, NV, trong đó: CBQL: 1.548 người; GV: 17.710 người; NV: 2498 người. Trong đó nữ: 16.922 người chiếm 79,16%, nữ là người đồng bào dân tộc: 1.643 người. Hầu hết đội ngũ nhà giáo có trình độ đào tạo đạt chuẩn và trên chuẩn cao. Mầm non đạt chuẩn: 95,3 %, trên chuẩn: 39,7%; Tiểu học đạt chuẩn: 99,8%, trên chuẩn: 31,6%; THCS đạt chuẩn: 99,8%, trên chuẩn: 78%; THPT đạt chuẩn: 100%, trên chuẩn: 30%; TCCN đạt chuẩn: 100%, trên chuẩn 5,2%; Cao đẳng đạt chuẩn: 100%, trên chuẩn 40%.

     Toàn ngành có 8665 đảng viên, đạt tỷ lệ 37,81%. Đội ngũ CBQL, GV, NV cơ bản đủ về số lượng, có chất lượng, đảm bảo thực hiện công tác quản lý, dạy học trong các đơn vị, có ý thức chính trị, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp tốt, tận tuỵ với nghề, cần cù chịu khó, có tinh thần trách nhiệm cao, sáng tạo và quyết tâm tự bồi dưỡng nâng cao năng lực để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đồng thời, ngành Gíao dục Lâm Đồng cũng đã thực hiện tốt việc phát hiện, tạo nguồn, đề bạt cán bộ, quản lý lãnh đạo nữ. Trong phân công, bố trí, sử dụng cán bộ nữ từng bước đã chú ý đến việc đảm bảo phù hợp với điều kiện đặc thù về giới nên đã phát huy tốt sự cống hiến của đội ngũ cán bộ nữ; quan tâm đào tạo bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, chính trị, quản lý nhà nước và phát triển đảng viên nữ. Vận dụng thực hiện các chính sách về công tác nữ, thực hiện tốt công tác quy hoạch cán bộ nữ hàng năm, tạo nguồn, giới thiệu cho Đảng, chính quyền, đoàn thể lực lượng nữ đủ tài và đức tham gia trong công tác quản lý, lãnh đạo, cụ thể:

+ Tổng số cán bộ nữ tham gia quản lý, lãnh đạo 1029/1.512 cán bộ quản lý (CBQL là người đồng bào dân tộc: 42 người), lãnh đạo toàn ngành, chiếm tỷ lệ 65%,

Trong đó :

+ Mầm non: 542/542 tỷ lệ 100%

+ Tiểu học: 320/512 tỷ lệ 62,5%

+ THCS: 119/363, tỷ lệ 32,7%

+ THPT: 48/176 tỷ lệ 27,20%

+ SGDĐT: 6/19 tỷ lệ 31,6%

      Ngành Giáo dục đã từng bước chú trọng đến đội ngũ trẻ, năng động, có triển vọng lâu dài để đưa vào kế họach đào tạo, bồi dưỡng hàng năm về chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị, quản lý nhà nước, quản lý ngành. Toàn ngành có 4 tiến sĩ nữ đang công tác trong ngành Giáo dục của tỉnh.

     Nhìn chung, hầu hết CBQL nữ đều có phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn và năng lực quản lý tốt ngày càng đáp ứng yêu cầu trong công việc. Việc phân bổ cán bộ nữ khá đều và hợp lý ở các ngành học, bậc học,  phát huy được năng lực lãnh đạo, quản lý của đội ngũ cán bộ nữ.

     Hàng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo Phối hợp với các cơ quan chức năng, báo chí, sử dụng phương tiện truyền thông nhằm phổ biến thông tin và kiến thức về Bình đẳng giới, xóa bỏ định kiến giới trong chương trình môn học, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới đối với CBGV, HSSV, do đó nhận thức về giới trong đội ngũ CBGV, HSSV ngày càng được nâng cao góp phần hạn chế đến mức thấp nhất bạo lực học đường trên cơ sở giới. Chú trọng việc cử cán bộ, giáo viên cốt cán nữ, đặc biệt là đội ngũ giáo viên nữ là người đồng bào dân tộc thiểu số làm công tác bình đẳng giới tham dự các khóa tập huấn, tuyên truyền về Bình đẳng giới, xóa bỏ định kiến giới, xóa bỏ bạo lực giới trong chương trình môn học, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.

     Trong mỗi năm học, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Công đoàn ngành Giáo dục tổ chức tập huấn Luật Bình đẳng giới và các kỹ năng lồng ghép giới cho cán bộ quản lý nữ, cán bộ nữ công các PGDĐT, học sinh, sinh viên các trường và đơn vị trực thuộc Sở GDĐT. Các cơ sở giáo dục trong toàn ngành tổ chức nhiều chuyên đề, hội thảo, hội thi nhằm nâng cao nhận thức giới cho nữ CBNGLĐ; tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng lồng ghép giới cho đội ngũ cán bộ làm công tác bình đẳng giới tại cơ sở.  Tính đến nay, toàn ngành có trên 90% cán bộ quản lý, giáo viên, HSSV thuộc cơ quan quản lý giáo dục, cán bộ làm công tác bình đẳng giới được tập huấn về kỹ năng lồng ghép giới trong công tác quản lý, lãnh đạo và công tác giáo dục, 95% học sinh, sinh viên các đơn vị trực thuộc đã được tập huấn, tuyên truyền về nhận thức giới, bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới.

     Có thể nói, bình đẳng giới trong giáo dục có tầm quan trọng to lớn đối với sự phát triển của đất nước. Vì vậy, có một nhà giáo dục đã viết: Giáo dục một người đàn ông, ta được một gia đình, giáo dục một người phụ nữ ta được cả một thế hệ. Lợi ích trăm năm trồng người chính là xuất phát từ việc bình đẳng giới trong giáo dục.

                                                                          Trần Thị Kim Ngân – Phòng GDTrH

 

 

Tin tức khác