Thúc đẩy bình đẳng giới trong vùng đồng bào DTTS
Với nỗ lực hướng đến mục tiêu nâng cao vai trò và vị thế của phụ nữ dân tộc thiểu số trong mọi mặt của đời sống xã hội, nhiều chương trình, chính sách góp phần thúc đẩy bình đẳng giới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) đã được Ban Dân tộc tỉnh quan tâm thực hiện.
Nâng cao vị thế, vai trò của phụ nữ trong gia đình, xã hội góp phần vào sự phát triển chung vùng đồng bào DTTS
Toàn tỉnh Lâm Đồng có 78/142 xã, phường, thị trấn và 478/1.365 thôn, tổ dân phố là vùng DTTS theo tiêu chí phân định vùng DTTS&MN giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ. Trong tổng số 47 dân tộc cùng sinh sống, đồng bào DTTS chiếm 25,72% dân số toàn tỉnh.
Ông Dơ Woang Ya Gương - Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh khẳng định, với tỷ lệ đồng bào DTTS khá cao, việc tuyên truyền thực hiện bình đẳng giới trong vùng đồng bào DTTS là một trong những nội dung trọng tâm được Ban Dân tộc tỉnh chú trọng thực hiện, nhất là khi “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” cũng là Dự án 8 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030.
Tháng 10/2022, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định phê duyệt Kế hoạch hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng DTTS năm 2022 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Trên cơ sở đó, Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới cho 185 đại biểu là già làng, người có uy tín, cán bộ thôn và các tổ chức đoàn thể ở thôn vùng DTTS&MN; hội nghị tập huấn kiến thức, nâng cao năng lực tổ chức và triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới cho 114 đại biểu là đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc trên địa bàn các xã vùng DTTS&MN, ban giám hiệu các trường phổ thông nội trú các cấp trên địa bàn tỉnh. Từ đó, cung cấp thông tin, tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác thực hiện bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ ở vùng DTTS, góp phần thúc đẩy thực hiện thành công các mục tiêu của Chiến lược quốc gia bình đẳng giới.
Ngoài ra, trong năm, Ban Dân tộc cũng đã tiến hành bố trí, lắp đặt pano tuyên truyền về bình đẳng giới. Đồng thời, phát cẩm nang tuyên truyền thông tin chính sách, pháp luật về bình đẳng giới cho các địa phương với nội dung đơn giản, ngắn gọn, dễ hiểu.
Đầu tháng 4 vừa qua, Ban Dân tộc tỉnh đã xây dựng và trình UBND tỉnh đề nghị phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng DTTS” năm 2023. Đề án nhằm mục đích nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật, chuyển đổi hành vi của đồng bào DTTS về bình đẳng giới, tiến tới dần xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới, định kiến giới và các quan niệm lạc hậu về giới trong cộng đồng các DTTS. Nâng cao vị thế, vai trò của phụ nữ DTTS trong gia đình, xã hội, giảm khoảng cách về giới. Góp phần vào sự phát triển, tiến bộ của địa phương có đồng bào DTTS sinh sống.
Các hoạt động trong Đề án được đảm bảo cụ thể, khả thi, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Chú trọng những địa phương, địa bàn có biểu hiện, nguy cơ cao bất bình đẳng giới để xác định các hoạt động ưu tiên và tăng cường nguồn lực trong triển khai thực hiện. Lồng ghép, kết hợp các hoạt động thực hiện Đề án với các chương trình, đề án, kế hoạch khác liên quan đã, đang được triển khai trên địa bàn bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, không chồng chéo.
Đề án cũng đặt ra các mục tiêu cụ thể, như 100% cán bộ làm công tác dân tộc ở địa phương, 70% - 80% cán bộ làm công tác liên quan đến bình đẳng giới ở cấp huyện, cấp xã và người có uy tín, già làng, trưởng thôn vùng DTTS được phổ biến pháp luật về bình đẳng giới và tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực tổ chức triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới; phấn đấu 80% số hộ gia đình DTTS được tiếp cận thông tin về giới và pháp luật về bình đẳng giới; 100% các trường, lớp phổ thông bán trú, nội trú và các trường có học sinh DTTS được tuyên truyền kỹ năng sống, về giới và bình đẳng giới với nội dung và thời lượng phù hợp với lứa tuổi...
Bên cạnh các hoạt động tuyên truyền về bình đẳng giới, nội dung của Đề án còn bao gồm duy trì 6 mô hình điểm “Nam, nữ bình đẳng; không bạo lực học đường” tại 6 trường phổ thông dân tộc nội trú trung học cơ sở và trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh; tổ chức hội nghị tập huấn kiến thức, nâng cao năng lực tổ chức và triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới. Cùng với đó là tăng cường quản lý, kiểm tra, phát hiện sớm các trường hợp có nguy cơ bạo lực trên cơ sở giới (bạo lực gia đình, tảo hôn, buôn bán trẻ em và phụ nữ,...) để có biện pháp kịp thời ngăn ngừa.
Theo ông Dơ Woang Ya Gương, trong thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường triển khai thực hiện các biện pháp đảm bảo bình đẳng giới; giảm khoảng cách trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm; tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ người DTTS đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động. Bên cạnh đó, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức về giới, lồng ghép giới cho cán bộ là người DTTS và công chức làm công tác dân tộc các cấp, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, từng bước đảm bảo sự tham gia bình đẳng giữa nam và nữ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Bảo đảm bình đẳng giữa tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, trong lĩnh vực văn hóa và thông tin; bình đẳng trong đời sống gia đình, từng bước giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
VIỆT QUỲNH
http://baolamdong.vn/xa-hoi/202304/thuc-day-binh-dang-gioi-trong-vung-dong-bao-dtts-8b3202b/