PGS-TS Phù Chí Hòa, viên ngọc quý của ngành Giáo dục Đà Lạt
Bác Hồ đã từng nói: “Người thầy giáo tốt, thầy giáo xứng đáng là thầy giáo, là người vẻ vang nhất, dù họ không được nêu tên, dù họ không được thưởng huân chương, nhưng những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh. Điều đó thật là vẻ vang”. Và chúng tôi cũng đã may mắn gặp được một người thầy như vậy của thành phố Đà Lạt– một nơi được mệnh danh là thành phố của tình yêu. Ở ông bừng lên thứ ánh sáng của lòng nhiệt thành, của niềm đam mê và ý chí kiên định không lùi bước. Nơi ấy chứa đựng cả tuổi xuân với bao tâm huyết, ước mơ vẫn đang nung nấu và ấp ủ. Hơn hết, nó truyền cho chúng tôi một niềm tin vững chắc vào thành công và tương lai sau này, khơi gợi lên biết bao hoài niệm về một thời tuổi trẻ. Ông chính là PGS.TS. Phù Chí Hoà - Giảng viên cao cấp, Trưởng Khoa Sư phạmTrường Đại học Đà Lạt.
Ươm mầm tài năng từ thử thách
PGS.TS. Phù Chí Hoà sinh ngày 30 tháng 12 năm 1960 tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Sinh ra và lớn lên khi đất nước vẫn còn chìm trong mưa bom, đạn lạc của những tháng ngày đỏ lửa nơi tiền tuyến, tuổi thơ ông là chuỗi ngày vất vả, gian nan. Chẳng những thế, vì gia đình đông con (có tới chín người con) nên khó khăn ấy lại như được tăng lên gấp bội. Ông chia sẻ: “Có những tháng ngày chỉ ăn cháo lỏng độn khoai, bữa nào được ăn cơm đã rất hạnh phúc”. Tuy vất vả là vậy nhưng cậu bé Phù Chí Hoà cùng các anh chị em của mình khi ấy vẫn luôn được sống trong vòng tay yêu thương và đùm bọc của cha mẹ. Điều đó được ông xem là nguồn sống, là động lực nuôi dưỡng cả trái tim và tâm hồn.
Nhớ lại những kỷ niệm thời xưa cũ, ông không tránh khỏi xúc động. Với ông, mẹ là người có ảnh hưởng sâu sắc nhất, là nguồn cảm hứng thiêng liêng và sự động viên lớn lao cho cả gia đình. Hơn thế, mẹ chính là “con đường” đã dìu bước đưa ông đến những chân trời mới lạ. Nơi ấy, cậu bé Phù Chí Hoà đã được tiếp cận với nguồn kiến thức bao la, rộng lớn của nhân loại, được mài giũa và trui rèn trong muôn vàn khó khăn thử thách để rồi tạo nên viên ngọc sáng cho đời mãi về sau.
Thật vậy, khó khăn rèn nghị lực, gian nan luyện tinh thần. Những thử thách trong chặng đường đầu tiên ấy chẳng thể nào lay chuyển được quyết tâm nơi ông. Trong suốt những năm tháng đi học của mình, từ trường làng, Trường Collège D’adran cho đến trường Trung học phổ thông Trần Hưng Đạo, Bùi Thị Xuân, ông luôn là học sinh giỏi được đánh giá rất cao. Không chỉ đạt được thành tích cao trong học tập, ông còn rất năng nổ và nhiệt tình tham gia vào các phong trào Đoàn, Hội của lớp, của trường. Có lẽ vì thế, cái tên Phù Chí Hoà dường như đã trở thành một tấm gương sáng trong lòng thầy cô, bạn bè thời bấy giờ.
Đặc biệt, vào năm học 1976 - 1977, ông giành được vị trí thủ khoa trong kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông tỉnh Lâm Đồng. Cho đến tận bây giờ, hình ảnh thầy Hiệu trưởng cảm động ôm ông giữa trường và nói: “Em đã mang lại danh dự cho nhà trường…” vẫn còn in đậm trong tâm trí ông – cậu học trò nhỏ luôn biết vượt lên mọi chông gai để vững vàng tiến bước.
Những bước tiến đầu tiên đầy khát vọng yêu thương.
Năm 1977, với thành tích xuất sắc, ông đăng ký thi vào trường Đại học Đà Lạt và trở thành sinh viên chuyên ngành Vật lý hạt nhân thuộc khoá đầu tiên của trường theo quyết định thành lập lại của Thủ tướng Chính Phủ. Chàng thanh niên 17 tuổi Phù Chí Hoà khi ấy luôn luôn mang trong lòng một khát vọng sống thương yêu, một giấc mơ khoa học cùng niềm tin tự trọng dân tộc như lời mẹ dạy. Cùng với đó, bằng nghị lực, trí tuệ và bản lĩnh của mình, ông đã có những bước đi đầu tiên đầy vững chắc trên con đường học thuật của bản thân sau này.
Những nỗ lực không biết mệt mỏi trong suốt quá trình học tập và làm việc hăng say suốt bốn năm ròng dưới mái trường Đại học Đà Lạt của ông đã được đền đáp một cách xứng đáng. Năm 1981, ông vinh dự trở thành một trong những sinh viên ưu tú của trường tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi. Sau đó, ông gắn liền với quá trình giảng dạy và nghiên cứu tại các trường học trong địa bàn thành phố với hầu hết các loại hình đạo tạo trong suốt quãng thời gian gần 38 năm. Cụ thể, tại trường Trung học Sư phạm Lâm Đồng (1981 - 1982) ông tham gia đào tạo Giáo viên Tiểu học; tại trường Trung học phổ thông Bùi Thị Xuân (1982 - 1984) tham gia đào tạo học sinh Trung học phổ thông; tại Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt (1984 - 1990), ông tham gia đào tạo giáo viên Trung học cơ sở và tại Trường Đại học Đà Lạt (1990 - nay) tham gia đào tạo cử nhân Vật lý, cử nhân Sư phạm, Thạc sỹ Vật lý, Tiến sỹ Vật lý…
PGS.TS. Phù Chí Hòa và mẹ của ông
Trong suốt những năm tham gia vào công tác giảng dạy, đào tạo thế hệ trẻ, ngọn lửa nhiệt thành và yêu thương luôn hiện hữu. PGS.TS. Phù Chí Hoà vừa rèn luyện và củng cố lại kiến thức, vừa không ngừng tìm tòi và nâng cao hơn nữa tầm hiểu biết và kiến thức của bản thân. Nhận thấy những điều này là chưa đủ, năm 1985, ông quyết định theo học Thạc sỹ chuyên ngành Vật lý lý thuyết và Vật lý toán tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Phát huy hết những phẩm chất nổi trội của bản thân như sự thông minh, tính kiên trì, bền bỉ, không ngại gian khó, ông đã có được nhiều thành tích cao trong quá trình học tập tại đây. Hai năm sau đó, vào năm 1987, ông hoàn thành chương trình học với thành tích đáng ngưỡng mộ. Và ngọn lửa của tri thức, của niềm đam mê khoa học chân chính ấy vẫn bùng cháy mãi trong ông và trở nên rực rỡ hơn bao giờ hết. Vào năm 1991, ông đã tham gia vào khoá học Lý luận giảng dạy đại học và quản lý giáo dục do Viện nghiên cứu giáo dục và đào tạo phía Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức và đạt được thành tích loại giỏi. Vào năm 1996, ông quay trở lại mái trường xưa để làm nghiên cứu sinh, tiếp tục niềm đam mê và hoàn tất quá trình bảo vệ luận án Tiến sỹ chuyên ngành Vật lý lý thuyết và Vật lý toán của mình vào năm 2001. Theo dòng chảy của thời gian, ông đã thực hiện nhiều công trình khoa học, viết sách và dạy học... Và với những cống hiến của mình cho khoa học, ông đã được Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước công nhận chức danh Phó Giáo sư vào năm 2014, và sau đó là giảng viên cao cấp.
Những tâm huyết trong nghề “trồng người”.
Với PGS.TS. Phù Chí Hoà, hai tâm nguyện lớn nhất mà ông luôn ấp ủ và nỗ lực để hoàn thành chính là viết sách và dạy học. Nhắc đến cái duyên đã đưa ông gắn liền với nghề giáo – một nghề cao quý được cả xã hội tôn trọng gọi lên tiếng “thầy”, ông không giấu nổi những xúc động và bùi ngùi. Ông kể cho chúng tôi về bức thư của người Thầy đáng kính đã từng dìu dắt ông qua những ngày đầu còn bỡ ngỡ. Lúc ấy, trong đôi mắt ông chúng tôi thấy được vầng hào quang của những tia sáng mang tên nhiệt huyết.
Xin phép được trích đoạn trong lá thư đầy tâm huyết đã tác động không nhỏ tới cuộc đời ông khi ấy: “Những bước chân đầu tiên của tôi đến Đà Lạt cũng như những bước chân đầu tiên của học trò tôi từ bốn phương trời kéo đến và cũng bắt đầu những bước chân trên ước mơ của sáng tạo, đầy nhạc điệu của trí tuệ và tư duy. Làm sao găm vào con tim của họ còn nóng hổi cái vẻ đẹp chân lý, chân lý khoa học cũng giống như chân lý trong cuộc đời. Làm thế nào cho họ hiểu được hai chân lý đó chỉ có thể hỗ trợ giữa hai ánh sáng khác nhau, hòa vào nhau mà không phủ định nhau. Cái chân lý đi tìm các quy luật tự nhiên phục vụ cho cuộc sống của con người và cái chân lý đi tìm một cuộc sống hài hòa nhất giữa người với người, giữa người với thiên nhiên qua biết bao nhiêu thời đại.”
Trong quãng thời gian gần 40 năm công tác, PGS.TS. Phù Chí Hoà đã tham gia vào công tác giảng dạy và đào tạo thế hệ trẻ trên nhiều lĩnh vực. Trong số đó, có thể kể đến những chuyên ngành đào tạo mà ông tâm huyết như: (i) Chuyên đề tiến sỹ về cấu trúc hạt nhân tại Viện nghiên cứu hạt nhân, Viện năng lượng nguyên tử Việt Nam; (ii) Giảng dạy các lớp Cao học Vật lý các môn: Cấu trúc hạt nhân, Động học Vật lý, Phương pháp giảng dạy Vật lý,... ; (iii) Giảng dạy các lớp Cử nhân Vật lý các môn: Toán cao cấp, Lý thuyết nhóm, Cơ học lượng tử, Vật lý Thống kê, Xác suất thống kê, Nhiệt học, Phương pháp tính, Hàm phức, Vật lý hạt nhân, Cấu trúc Hạt nhân, Phương pháp nghiên cứu khoa học, Lịch sử Vật lý, Bài tập Vật lý phổ thông,…; (iv) Giảng dạy các lớp Cử nhân Sư phạm các môn: Phương pháp giảng dạy Bộ môn Khoa học Tự nhiên, Phương pháp giảng dạy Vật lý, Thực hành giảng dạy Vật lý,…; (v) Giảng dạy các môn Vật lý Đại cương cho sinh viên các khoa Đại cương, Hóa học, Công nghệ sinh học, Môi trường,…; (vi) Tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi Vật lý cho đội tuyển trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Và cho đến nay, ông đã hướng dẫn 15 học viên sau đại học bảo vệ thành công luận án của mình tại trường Đại học Đà Lạt.
PGS.TS. Phù Chí Hoà không chỉ truyền đạt lại cho học trò những kiến thức, kỹ năng qua các bài giảng của mình mà còn gửi gắm vào đó sự tâm huyết và lòng yêu nghề của một người thầy, người cha, người anh là đại diện cho thế hệ đi trước. Trong một kỷ nguyên số, khi khoa học kỹ thuật phát triển thần tốc, các nền giáo dục có chất lượng hàng đầu trên thế giới đều đang nỗ lực đổi mới với trọng tâm là lấy công nghệ giáo dục làm đòn bẩy, ông cho rằng bên cạnh việc đào tạo nhân lực đón đầu cho xã hội tương lai khi trí tuệ nhân tạo phát triển, thì việc giáo dục hướng đến “Trái tim con người” là rất quan trọng.
Cảm nhận được điều đó, biết bao thế hệ sinh viên học sinh đã dành gửi đến ông sự kính trọng, lòng biết ơn và sự tri ân sâu sắc. Xin được phép trích dẫn một đoạn trong lá thư mà cô học trò nhỏ Nguyễn Thị Thùy Vy đã gửi đến thầy của mình – PGS.TS. Phù Chí Hoà: “Thầy của con đôn hậu và hiền lành lắm. Khuôn mặt Thầy luôn hiện hữu một nụ cười bình dị, gần gũi với từng học sinh…! Con nhớ đến Thầy, với những mẩu chuyện đầy xúc động và ý nghĩa. Thầy dạy con các phương pháp giải Toán Lí. Thầy dạy về “tình yêu vĩnh cửu” của hai cực nam châm, về “quy luật chung đường của cha mẹ” trong giao thoa sóng cơ. Thầy bảo chúng con cảm ơn “tầng điện li”,… Và hạnh phúc hơn, con nhớ được “285” là số ngày con được nằm trong bụng mẹ. Chúng con ngồi trong lớp học là “hiện diện cho cả dòng họ” của mình, là niềm tin và yêu thương chảy trong từng dòng máu tụi con… Thầy hiền hậu và bình dị như thế đấy, nhưng đó chính là vẻ đẹp của một tâm hồn cao đẹp mà mỗi học sinh chúng con đều tôn trọng và yêu mến, ngưỡng mộ Thầy. Thầy hiền lành và không bao giờ la rầy học trò. Nhưng chính từ vẻ đẹp nhân cách trong từng lời nói, lời dạy của Thầy khiến chúng con cảm phục, ngay từ những bạn cá biệt nhất…”
PGS.TS. Phù Chí Hòa chủ trì trong Hội thảo Khoa học
Phương hướng nghiên cứu và niềm vui khoa học.
Song song với quá trình giảng dạy, đào tạo các thế hệ kế cận, PGS.TS. Phù Chí Hoà đồng thời cũng là một nhà khoa học hết lòng tâm huyết với nghề. Hầu hết các nghiên cứu của ông đều tập trung vào hai mảng chính là Vật lý lý thuyết và Giảng dạy Vật lý. Cho đến nay, ông đã công bố 40 công trình khoa học, hoàn thành xuất bản 6 cuốn sách, 4 giáo trình tóm tắt.
Trong số đó, mảng Vật lý lý thuyết được ông khá tâm đắc với nhiều công trình và các bài báo cáo khoa học chất lượng được công bố. Có thể chia thành ba hướng nhỏ trong mảng nghiên cứu này đã được ông thực hiện. Cụ thể như sau: Trong hướng nghiên cứu về Lý thuyết lượng tử, ông cho rằng: Lý thuyết lượng tử là lý thuyết khoa học thành công nhất với nhiều kết quả khớp với thực nghiệm với sai số chưa tới một phần tỉ… Tuy nhiên, cơ chế bên trong Lý thuyết lượng tử thì vẫn chưa được hiểu hết… Mặc dù bản chất căn bản của lý thuyết lượng tử vẫn chưa rõ, nhưng sự sống lượng tử, viễn chuyển lượng tử, mật mã lượng tử, điện toán lượng tử,… vẫn tiếp tục phát triển, thúc đẩy con đường nhận thức tự nhiên trong dòng chảy tư duy của nhân loại. Cũng với hướng nghiên cứu này, ông và GS.VS. Đào Vọng Đức đã cho xuất bản một đầu sách với tên Từ thuyết lượng tử đến máy tính lượng tử, Nhà Xuất bản Khoa học và kỹ thuật, 2013; cùng 1 bài báo cáo Quantum theory and core problems of the modern physics, Proceeding of Conference on Applied Physics, Thu Dau Mot University, p.14 - 24, 5/ 2017.
Hướng nhỏ thứ hai được ông quan tâm là Lý thuyết tương đối rộng và trường Tachyon. Ở hướng này, ông cùng với GS.VS. Đào Vọng Đức đã cho xuất bản 2 cuốn sách với tên gọi
(i) Lý thuyết Tương đối rộng với không thời gian đa chiều, Nhà Xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, 2015 và (ii) Trường Tachyon trong không – thời gian đa chiều, Nhà Xuất bản Khoa học và
Kỹ thuật, 2018. Cùng với đó là một bài báo quốc tế đã được công bố Đao Vong Đuc, Phu Chi Hoa, Generally Covariant Duality and Tachyon of Cosmological Nature, Journal of Modern Physics, Vol.5, pp.2106-2110, 12/2014.
Với hướng nghiên cứu nhỏ cuối cùng trong mảng này có tên Mô hình Skyrme, thực hiện trong quá trình hoàn thành luận án tiến sỹ. Ông cùng với GS.VS. Đào Vọng Đức đã hoàn thành một cuốn sách có tựa đề (i) Bài giảng lý thuyết Hạt cơ bản, Nhà Xuất bản Khoa học và kỹ thuật, 2011, và một bài báo cáo tại Hội thảo quốc tế (ii) Nguyen Vien Tho, Phu Chi Hoa, Le Trong Tuong, The skyrmions from kinks, the modified symmetry breaking term of Skyrme model and the time evolution of the soliton solution, Report at International Conference on Physics at Extreme Energies, Vietnam, 2000.
Với mảng nghiên cứu chính thứ hai là Giảng dạy Vật lý, PGS.TS. Phù Chí Hoà rất coi trọng hai lĩnh vực là (i) Công nghệ giáo dục và đổi mới giáo dục và (ii) Sáng tạo trong dạy học Vật lý. Cũng tương tự như trong mảng nghiên cứu Vật lý lý thuyết, trong hai lĩnh vực này ông cũng đạt được khá nhiều thành tựu nổi bật. Điều đó được thể hiện rõ nét qua những đầu sách đã xuất bản hay các bài báo cáo tại các hội thảo quốc tế. Trong số đó, có thể kể đến cuốn sách Chuyện kể về những phát minh kỳ diệu của các nhà vật lý, Nhà Xuất bản Khoa học và kỹ thuật, 2018 - Phù Chí Hòa (chủ biên), Nguyễn Thị Hà, Phan Đức Khanh hay các bài báo cáo như: (i) Moncef Bari and Chi Hoa Phu, "Self-perception on Information technology skills of prospective teachers from the point of view of their programs",
II. International Conference on Education and Learning, Apr 27-28, Istanbul, Turkey, 2018; (ii) Moncef Bari, Rachida Djouab & Chi Hoa Phu. "eLearning current situation and challenges", 4th International Conference on Teaching, Education
PGS.TS. Phù Chí Hòa nhận chức danh Phó Giáo sư
& Learning (ICTEL), Apr 11-12, London, United Kingdom, 2018; (iii) Phù Chí Hòa, Nguyễn Thị Hà, Phan Đức Khanh, Công nghệ giáo dục và đổi mới giáo dục trong các trường sư phạm, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia “Nâng cao năng lực sư phạm cho đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông”, NXB Đại Học Huế, ISBN 978-604-912-857-8, p. 344-351, 12/2017; (iv) Phu Chi Hoa,
Pham Hong Quy, Creativity Methodologies In Performing Scientific Experiments, Proceedings of 2nd International Science Education Conference, from 24 to 26 November, 2009, Singapore, p.1579-1587, 2009…
Ngoài ra, ông còn tham gia nghiên cứu nhiều đề tài, dự án từ cấp trường cho đến cấp Nhà nước. Trong số đó, nổi bật nhất là đề tài cấp Bộ mang tên “Khảo sát hiệu ứng chân không trong tương tác điện từ” – thực hiện từ năm 2004 - 2006 do ông làm chủ nhiệm và tham gia đề tài cấp Nhà nước có tên “Các tính chất của nucleon và tương tác hạt nhân trong một số lý thuyết hiệu dụng dùng làm giới hạn thấp của Sắc động lực học lượng tử” , 1996 – 2000, và nhiều đề tài khác…
Bên cạnh đó, ông cũng đã có hàng trăm lần tham gia vào các Hội đồng nghiệm thu đề tài cấp Bộ, xét duyệt đề tài cấp Bộ, các Hội đồng chấm Luận án Tiến sỹ, xét duyệt đề cương
PGS.TS. Phù Chí Hòa Tiếp đón Giáo sư Gerard 'tHooft, giải thưởng Nobel Vật lý năm 1999, trong chuyến thăm và Xêminar tại trường Đại học Đà Lạt ngày 07/05/2018
Tiến sỹ, các Hội đồng chấm Luận văn Thạc sỹ khoa học, Các Hội thảo Khoa học, giáo dục với các tư cách là Chủ tịch, P.Chủ tịch, Phản biện, Thư ký, Ủy viên...
Trải qua quãng thời gian gần 40 năm tham gia vào công tác nghiên cứu và giảng dạy, dù đứng trên bất cứ vị trí nào, PGS.TS. Phù Chí Hoà vẫn luôn cố gắng hết sức hoàn thành sứ mệnh của mình một cách trọn vẹn nhất. Đối với ông, đó không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ mà còn là cái tâm, là lòng yêu thương và gắn bó với nghề trong suốt những tháng năm đẹp đẽ nhất trên mảnh đất Đà Lạt thân thương. Ở thành phố tình yêu, mỗi buổi sáng trên con đường đến lớp, nhìn ánh nắng ban mai ông thấy cả một nền văn minh nhân loại, nhìn hai hàng cây bên đường mĩm cười chào nhau, ông cảm nhận một thế giới môi trường ngập tràn ấm áp yêu thương, nhìn lên bầu trời thấy cả vũ trụ trong từng nhịp thở… Điều này giúp ông hưởng thụ cuộc sống một cách trọn vẹn. Ở nơi ông, sự say mê và tâm huyết với nghề vẫn luôn còn mãi. Mong rằng, trong tương lai không xa, những giấc mơ, suy tư, trăn trở của ông sẽ sớm được thực hiện. Cầu chúc ông – một nhà khoa học chân chính, một người Thầy giáo tận tuỵ yêu thương cùng với gia đình ông có được thật nhiều hạnh phúc và sức khoẻ.