Giá trị lịch sử và ý nghĩa của Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2024)

10.07.2024 08:242499 đã xem

  Ngày Thương binh liệt sĩ (ngày 27 tháng 7) là một ngày lễ kỷ niệm được tổ chức hàng năm nhằm tưởng niệm về những công lao to lớn của các thương binh, liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến giành độc lập, bảo vệ tổ quốc. Ngày lễ này được ghi nhận và thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn, Đền ơn đáp nghĩa, ăn quả nhớ kẻ trồng cây". Nhằm tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ về lòng biết ơn đối với những người có công với Cách mạng từ trước đến nay.

Lịch sử ra đời

  Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là nước CHXHCN Việt Nam) ra đời chưa được bao lâu thì thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Với tinh thần "... thà hi sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước nhất định không chịu làm nô lệ" quân và dân ta đã anh dũng chiến đấu chống lại quân xâm lược. Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến quyết liệt chống thực dân Pháp nhiều chiến sĩ, đồng bào ta đã bị thương và ngã xuống hi sinh một phần xương máu trên các chiến trường.

Khu Di tích lịch sử Quốc gia 27-7 thuộc thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ, Thái Nguyên – nơi ghi nhận sự ra đời Ngày Thương binh-Liệt sĩ. Ảnh: qdnd.vn

  Nỗi đau bao trùm lên toàn dân tộc, nhiều gia đình đã mất đi cả chồng và các con. Nhiều người vợ trẻ chỉ hưởng hạnh phúc vẻn vẹn trong một ngày. Để góp phần xoa dịu nỗi đau mất mát của gia đình các chiến sĩ, đồng bào, Chính quyền Việt Nam đã xúc tiến vận động thành lập một tổ chức lấy tên gọi là Hội giúp binh sĩ tử nạn.

  Trước tình hình trên, đầu năm 1946, Hội giúp binh sĩ bị nạn ra đời (Sau đó ít lâu được đổi thành Hội giúp binh sĩ bị thương) và được thành lập ở Thuận Hóa (Bình Trị Thiên), rồi đến Hà Nội và một số địa phương khác. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được bầu là Chủ tịch danh dự của Tổng Hội.

Bác Hồ viếng nghĩa trang liệt sĩ. Ảnh tư liệu

  Ngày 28/5/1946 Hội giúp binh sĩ bị nạn tổ chức một cuộc nói chuyện quan trọng tại Nhà hát lớn thành phố Hà Nội và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới dự.

  Ngày 17/11/1946, cũng tại Nhà hát Lớn Hà Nội đã có buổi quyên góp quần áo, giày mũ cho các chiến sĩ ngoài mặt trận, mở đầu cuộc vận động "Mùa đông binh sĩ" trong cả nước để giúp chiến sĩ trong mùa đông giá rét. Tại buổi quyên góp ,Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự buổi lễ và Người đã cởi chiếc áo đang mặc để tặng binh sĩ.

  Khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ vào ngày 19/12/1946 số người bị thương và hy sinh tăng lên, đời sống của chiến sĩ, nhất là chiến sĩ bị thương gặp nhiều khó khăn và thiếu thốn.

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân ngày 27-7-1968.

  Trước tình hình trên Đảng và Nhà nước ta quyết định nhiều chính sách quan trọng liên quan đến công tác thương binh liệt sĩ nhằm đảm bảo đời sống vật chất và tinh thần của các gia đình chính sách trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến.

  Ngày 16/2/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức ký Sắc lệnh số 20/SL, quy định chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tuất tử sĩ. Đây là văn bản pháp quy đầu tiên khẳng định vị trí quan trọng của công tác thương binh, liệt sĩ đối với cuộc kháng chiến và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đến thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ.

  Tháng 6/1947, đại biểu của Tổng bộ Việt Minh, Trung ương Hội phụ nữ Cứu quốc, Trung ương Đoàn thanh niên Cứu quốc, Cục Chính trị quân đội quốc gia Việt Nam, Nha Thông tin Tuyên truyền và một số địa phương đã họp tại Đại Từ (Bắc Thái) nay là tỉnh Thái Nguyên. Nội dung cuộc họp là thực hiện Chỉ thị của Hồ Chủ Tịch chọn một ngày nào đó làm ngày Thương binh, liệt sỹ. Sau khi xem xét, Hội nghị đã nhất trí lấy ngày 27/7/1947 làm ngày "Thương binh toàn quốc". Đây là cuộc mít tinh quan trọng với 2000 người tham gia tại Thái Nguyên. Tại đây Ban tổ chức đã cử đại diện Chính trị Cục Quân đội Quốc gia Việt Nam trịnh trọng đọc thư của Hồ Chí Minh gửi cho Ban Thường trực của Ban Tổ chức ngày thương binh toàn quốc. Trong thư, Chủ tịch Hồ Chí Minh có viết: “Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang sơn, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp, cha mẹ, anh em, vợ con, thân thích, họ hàng ta bị đe doạ, của cải, ruộng nương, nhà cửa, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập, ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù, để giữ gìn đất nước cho chúng ta? Đó là những chiến sĩ mà nay một số thành ra thương binh....Thương binh là những người đã hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào, vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào mà các đồng chí đó bị ốm yếu....Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”.

  Người đã gửi tặng một chiếc áo lụa, một tháng lương và một bữa ăn của nhân viên trong Phủ Chủ tịch. Hàng năm cứ vào dịp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều gửi thư, quà thăm hỏi, động viên, nhắc nhở mọi người phải biết ơn và hết lòng giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sỹ.

  Tiếp đó, nhân ngày 27 tháng 7 năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng có lời kêu gọi: “Khi nạn ngoại xâm ào ạt đến, nó như một trận lụt to. Nó đe dọa tràn ngập cả non sông Tổ quốc. Nó đe dọa cuốn trôi cả tính mệnh, tài sản, chìm đắm cả bố mẹ, vợ con của nhân dân ta. Trước cơn nguy hiểm ấy, số đông thanh niên yêu quý của nước ta đã dũng cảm xông ra mặt trận. Họ quyết tâm đem xương máu của họ đắp thành một bức tường đồng, một con đê vững để ngăn cản nạn ngoại xâm tràn ngập Tổ quốc, làm hại đồng bào. Họ quyết hy sinh tính mệnh để giữ tính mệnh đồng bào. Họ quyết hy sinh gia đình và tài sản họ để bảo vệ gia đình và tài sản đồng bào. Họ quyết liều chết chống địch để cho Tổ quốc và đồng bào sống. Họ là những chiến sĩ anh dũng của chúng ta. Trong đó có người đã bỏ lại một phần thân thể ở mặt trận, có người đã bỏ mình ở chiến trường. Đó là thương binh, đó là tử sĩ”.

  Từ đó, đến ngày 27 tháng 7 hàng năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều gửi thư thăm hỏi, động viên các thương binh, gia đình liệt sĩ và nhắc nhở mọi người phải "biết ơn và hết lòng giúp đỡ" thương binh, gia đình liệt sĩ. Từ năm 1947, ngày Thương binh được tổ chức thường kỳ hàng năm. Năm nào vào dịp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng có thư và quà gửi cho các thương binh và các gia đình liệt sĩ. Tháng 7 năm 1954 sau trận Điện Biên Phủ với thắng lợi to lớn kèm theo thương vong nặng nề, Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa đặc biệt quan tâm giải quyết vấn đề binh sĩ, gia đình liệt sĩ và công tác thương binh.

  Từ tháng 7 năm 1955, Đảng và Nhà nước ta quyết định đổi "Ngày Thương binh toàn quốc" thành "Ngày Thương binh, liệt sĩ" để ghi nhận những hy sinh lớn lao của đồng bào, chiến sĩ cả nước cho chiến thắng vẻ vang của toàn dân tộc.

  Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, theo Chỉ thị 223/CT-TW ngày 08/7/1975 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, từ năm 1975, ngày 27 tháng 7 hằng năm chính thức trở thành "Ngày Thương binh, liệt sĩ" của cả nước.

Ý nghĩa chính trị và giá trị nhân văn của ngày thương binh, liệt sỹ 27/7

  Ý nghĩa chính trị: Với truyền thống"hiếu nghĩa bác ái",lòng quý trọng và biết ơn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với những người đã hy sinh, cống hiến vì độc lập, tự do và thống nhất của Tổ quốc. Ngày 27/7 hàng năm phản ánh sự đánh giá của Đảng, Nhà nước, nhân dân với những gia đình đã có người hy sinh vì Tổ quốc. Thông qua đó nhằm phát huy tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, tinh thần cách mạng và niềm tin vào sự nghiệp cách mạng mà Bác Hồ và Đảng ta đã lựa chọn, lãnh đạo. Đây là sự thể hiện tinh thần động viên và phát huy truyền thống cách mạng trong công cuộc đổi mới đất nước. Công tác Thương binh liệt sỹ và chính sách đối với những người có công với cách mạng chính là thể hiện tính ưu việt, là trách nhiệm của của các cấp, các ngành, tổ chức chính trị xã hội và mọi người, của thế hệ hôm nay và mai sau. Thể hiện củng cố niềm tin vào nhân dân, vào sựu lãnh đạo của Đảng cũng như sự quản lý của nhà nước. Góp phần tăng thêm tiềm lực cách mạng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc và là cơ sở vững chắc định hướng xã hội chủ nghĩa.

  Giá trị nhân văn: Đảng, Nhà nước ta và nhân dân trân trọng đánh giá cao những cống hiến, hy sinh to lớn của đồng bào, chiến sĩ đối với tổ quốc; đồng thời cũng luôn chú trọng đến giáo dục ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân và lòng biết ơn sâu sắc, khơi dậy niệm tự hào dân tộc. Phát huy đạo lý "uống nước nhớ nguồn", "Đền ơn đáp nghĩa" trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, làm cho mọi người nhận thức sâu sắc và trân trọng công lao to lớn của các anh hùng - liệt sỹ và những người có công với nước. Biến nhận thức và tình cảm tốt đẹp đó thành hành động thiết thực góp phần thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.

Phòng TCHC (tổng hợp)

Tin tức khác