Áp dụng phương pháp dạy học tích cực

04.09.2019 10:313378 đã xem

Trong những năm học qua, giáo dục tiểu học Lâm Ðồng thường xuyên đổi mới phương pháp dạy học tích cực. Ðây là những kết quả quan trọng được Bộ GDÐT lựa chọn thực nghiệm Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới và các chương trình dự án khác như Chương trình SEQAP, Chương trình Thư viện thân thiện trường tiểu học, là tiền đề thực hiện Chương trình GDPT mới, trước hết là thực hiện sách giáo khoa mới đối với lớp 1 từ năm học 2020 - 2021.

Đổi mới phương pháp dạy học nhằm phát huy tính chủ động, tích cực, tự học của học sinh. Ảnh: T.Hương
Đổi mới phương pháp dạy học nhằm phát huy tính chủ động, tích cực, tự học của học sinh. Ảnh: T.Hương

Năm học 2018 - 2019, Lâm Đồng có 251 trường tiểu học và 17 trường TH-THCS, với hơn 126 ngàn học sinh và 4.163 lớp. Tỉ lệ giáo viên bình quân đạt 1,5 GV/lớp; có 192/251 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỉ lệ 76,5%, có 179/251 trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, tỉ lệ 71,3%. Dạy học tiếng Anh chương trình 4 tiết/tuần có 194/251 trường, tỉ lệ 73,3%; môn Tin học được triển khai tại 210/251 trường, tỉ lệ 83,6%. Toàn tỉnh có 160/251 trường áp dụng dạy học theo mô hình trường học mới, tỉ lệ 63,7% và duy trì đã 6 năm; số trường dạy học theo tài liệu Tiếng Việt 1 công nghệ giáo dục 203/251 trường, tỉ lệ 80.1%. Kết quả năm học 2018 - 2019, giáo dục tiểu học (GDTH) Lâm Đồng được Vụ GDTH - Bộ GDĐT đánh giá hoàn thành xuất sắc các tiêu chí. Có được kết quả trên nhờ mạnh dạn áp dụng các phương pháp dạy học tích cực.

Năm học 2019 - 2020 là năm học bản lề quan trọng để toàn ngành chuẩn bị thực hiện Chương trình GDPT mới, trước mắt chuẩn bị các điều kiện áp dụng triển khai sách giáo khoa mới đối với lớp 1 từ năm học 2020 - 2021. Với cấu trúc của chương trình tiểu học mới dạy học 2 buổi/ngày, để thực hiện Chương trình GDPT mới 2018 đối với GDTH có hiệu quả cần chuẩn bị một số nội dung:

Thứ nhất, về công tác tham mưu, chỉ đạo triển khai Chương trình GDPT. Phòng GDĐT các huyện, thành phố chủ động thực hiện tốt công tác tham mưu, đề xuất với UBND cấp huyện thành lập Ban chỉ đạo, ban hành kế hoạch, xây dựng kế hoạch ngân sách hàng năm, huy động các nguồn lực hợp pháp để thực hiện chương trình GDPT mới theo lộ trình.

Thứ hai, rà soát, sắp xếp, bổ sung đội ngũ giáo viên tiểu học, xác định nhu cầu giáo viên ở từng môn học, lớp học để đề xuất kế hoạch tuyển dụng, sắp xếp, bổ sung đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình GDPT mới.

Thứ ba, đảm bảo cơ sở vật chất (CSVC), trang thiết bị dạy học, thực hiện rà soát, đánh giá lại điều kiện CSVC, thiết bị dạy học hiện có; xây dựng kế hoạch, lộ trình sửa chữa, nâng cấp, bổ sung điều kiện CSVC, thiết bị dạy học đảm bảo điều kiện thực hiện nhiệm vụ năm học 2019 - 2020. 

Thứ tư, tiếp tục thực hiện các giải pháp đổi mới trong việc tổ chức các hoạt động dạy học, tăng cường tập huấn, hướng dẫn giáo viên về hình thức, phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực; xây dựng kế hoạch bài học theo hướng tăng cường, phát huy tính chủ động, tích cực, tự học của học sinh. 

Thứ năm, tăng cường tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lí giáo dục về thực hiện Chương trình GDPT mới, đặc biệt đối với lớp 1. 

Thứ sáu, đẩy mạnh công tác truyền thông về GDTH, quán triệt sâu sắc các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và của Bộ GDĐT về đổi mới và phát triển giáo dục. Tuyên truyền những kết quả đạt được để xã hội hiểu và chia sẻ, đồng thuận với các chủ trương đổi mới về GDTH.

Để chuẩn bị tốt tâm thế cho triển khai Chương trình GDPT mới, trong năm học 2019 - 2020, mỗi trường tiểu học trên toàn tỉnh từng bước phải tạo ra được diện mạo mới, một bước tiến mới, một dấu ấn mới, mỗi trường tiểu học là một môi trường giáo dục thật sự lành mạnh, dân chủ, an toàn, thân thiện, chất lượng và bình đẳng.

PHÒNG GIÁO DỤC TIỂU HỌC, SỞ GIÁO DỤC VÀ ÐÀO TẠO - BÁO LÂM ĐỒNG

,

FacebookTwitterInEmailPinterestThêm...

Tin tức khác