Áp dụng các phương pháp dạy học tích cực là tiền đề thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới đối với cấp tiểu học tại Lâm Đồng

26.08.2019 09:019971 đã xem

           Trong những năm học qua, giáo dục tiểu học Lâm Đồng thường xuyên đổi mới phương pháp dạy học tích cực, đây là yếu tố để Lâm Đồng được Bộ GDĐT lựa chọn thực nghiệm Chương trình GDPT mới và các chương trình dự án khác như Chương trình SEQAP, Chương trình thư viện thân thiện trường tiểu học, là tiền tiền đề thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới đối với cấp tiểu học tại Lâm Đồng.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ và Q. Vụ trưởng Vụ GDTH Bộ GDĐT chủ trì hội nghị

           Năm học 2018-2019 Lâm Đồng có 251 trường tiểu học và 17 trường TH-THCS, với tổng số 126.472 em học sinh và 4.163 lớp, tỉ lệ bình quân 30 em/lớp, số phòng học văn hóa tỉ lệ hình quân đạt 0,9 phòng học/lớp, tỉ lệ giáo viên bình quân đạt tỉ lệ 1,5 gv/lớp, có 192/251 trường đạt chuẩn quốc gia đạt tỉ lệ 76,5%, có 179/251 trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày (9-10 buổi/tuần), tỉ lệ 71.3%. Dạy học tiếng Anh chương trình 4 tiết/tuần có 194/251 trường tỉ lệ 73.3%, môn Tin học được triển khai tại 210/251 trường, tỉ lệ 83.6%. Toàn tỉnh 160/251 trường áp dụng dạy học theo mô hình trường học mới, tỉ lệ 63.7% và duy trì đã 6 năm, số trường dạy học theo tài liệu Tiếng Việt 1 công nghệ giáo dục là 203/251 trường, tỉ lệ 80.1%. Kết quả năm học 2018-2019 giáo dục tiểu học Lâm Đồng được Vụ GDTH Bộ GDĐT đánh giá hoàn thành xuất sắc các tiêu chí và xếp loại cao trong khối thi đua.

           Năm học 2019-2020 là năm học bản lề rất quan trọng để toàn ngành chuẩn bị thực hiện Chương trình GDPT năm 2018, trước mắt chuẩn bị các điều kiện áp dụng triển khai sách giáo khoa mới đối với lớp 1 năm học 2020-2021. Với cấu trúc của chương trình tiểu học mới là dạy học 2 buổi/ngày (9-10 buổi/tuần). Để thực hiện Chương trình GDPT năm 2018 có hiệu quả cần thực hiện các nội dung như sau :

           Thứ nhất là công tác tham mưu, chỉ đạo triển khai chương trình giáo dục phổ thông, Phòng GDĐT các huyện, thành phố chủ động thực hiện tốt công tác tham mưu, đề xuất với Uỷ ban nhân dân cấp huyện thành lập Ban chỉ đạo, ban hành Kế hoạch, xây dựng kế hoạch ngân sách hàng năm, huy động các nguồn lực hợp pháp để hiện CTGDPT 2018 theo lộ trình quy định tại Nghị quyết số 51/2017/QH14 ngày 21/11/2017 của Quốc hội khoá XIV, thực hiện sắp xếp lại các cơ sở giáo dục phổ thông theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Trung ương, thực hiện rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các trường tiểu học theo nguyên tắc đảm bảo quyền lợi học tập của học sinh, tạo thuận lợi cho người dân; phù hợp với quy hoạch đáp ứng được các yêu cầu thực hiện CTGDPT 2018.

           Thứ hai là rà soát, sắp xếp, bổ sung đội ngũ giáo viên tiểu học, xác định nhu cầu giáo viên ở từng môn học, lớp học để đề xuất kế hoạch tuyển dụng, sắp xếp, bổ sung đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông đảm bảo định biên 1,5 gv/lớp, trong đó môn Tin học và Tiếng Anh là 2 môn học bắt buộc từ lớp 3, đội ngũ giáo viên đủ để dạy các môn học và hoạt động giáo dục theo quy định.

           Thứ ba là đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, căn cứ Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 và các hướng dẫn của Bộ GDĐT quy định về điều kiện đảm bảo thực hiện CTGDPT 2018, thực hiện rà soát, đánh giá lại điều kiện CSVC, thiết bị dạy học hiện có; xây dựng kế hoạch, lộ trình sửa chữa, nâng cấp, bổ sung điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đảm bảo điều kiện thực hiện nhiệm vụ năm học 2019-2020. Đặc biệt chú ý điều kiện tổ chức dạy học 2 buổi/ngày đảm bảo tối đa các trường tiểu học đủ điều kiện thực hiện tổ chức dạy học 9-10 buổi/tuần và đảm bảo tỉ lệ phòng học văn hóa đạt tỉ lệ 01 phòng/lớp.

           Thứ tư là tiếp tục thực hiện các giải pháp đổi mới trong việc tổ chức các hoạt động dạy học, tăng cường tập huấn, hướng dẫn giáo viên về hình thức, phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực; xây dựng kế hoạch bài học theo hướng tăng cường, phát huy tính chủ động, tích cực, tự học của học sinh thông qua việc thiết kế tiến trình dạy học thành các hoạt động học để thực hiện ở trên lớp và ngoài lớp học; chú trọng rèn luyện cho học sinh phương pháp tự học, tự nghiên cứu sách giáo khoa để tiếp nhận và vận dụng kiến thức mới thông qua giải quyết nhiệm vụ học tập đặt ra trong bài học; dành nhiều thời gian trên lớp cho học sinh luyện tập, thực hành, trình bày kết quả học tập của mình; giáo viên tổng hợp, nhận xét, đánh giá, kết luận để học sinh tiếp nhận và vận dụng.

           Để chuẩn bị sẵn sàng cho chương tình mới, đội ngũ giáo viên tiểu học phải được bồi dưỡng cả về kiến thức và kĩ năng sư phạm, trong đó các trường tiểu học phải bồi dưỡng để mỗi giáo viên nắm vững cấu trúc chương trình lớp học trước khi thực hiện vì điều này hết sức quan trọng và khác biệt so với chương trình hiện hành. Trong quá trình bồi dưỡng, các trường tiểu học cần bồi dưỡng nâng cao kĩ năng sư phạm, kĩ năng xây dựng lựa chọn nội dung chương trình dạy học, khuyến khích tinh thần sáng tạo của mỗi giáo viên, các trường học thực hiện tốt quản lý hoạt động dạy học, quản lý hoạt động chuyên môn, trong đó phát huy vai trò nòng cốt của các tổ khối chuyên môn để có nhiều đóng góp cho các trường học thực hiện linh hoạt, hiệu quả, chất lượng.

           Chương trình môn học của tiểu học sẽ thiết kế theo định hướng đổi mới dạy học phát huy tính tổ chức hoạt động dạy học theo định hướng vừa hình thành kiến thức vừa phát triển năng lực, phẩm chất học sinh tiểu học. Đổi mới phương pháp dạy học kết hợp đổi mới đánh giá học sinh tiểu học đây là yếu tố của chương trình giáo dục phổ thông mới, dạy học không chỉ truyền thụ kiến thức mà phải phát triển hài hòa cả phẩm chất và năng lực, trong đó chú ý các phẩm chất “chăm học, chăm làm, trách nhiệm, trung thực, kỷ luật”, các năng lực “hợp tác, tự quản, tự học và giải quyết vấn đề”. Trong dạy học chương trình GDPT mới 3 yếu tố kiến thức, phẩm chất, năng lực phải được hình thành và phát triển hài hòa trong một đứa trẻ và vững như ‘kiềng 3 chân”, nếu chỉ thiếu hay coi nhẹ 1 yếu tố thì sẽ không phát triển hài hòa đối với quá trình phát triển nhân cách, tư duy của học sinh tiểu học.

           Thứ năm là tăng cường tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lí giáo dục về thực hiện CTGDPT 2018, đặc biệt đối với lớp 1, xây dựng kế hoạch phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương triển khai kế hoạch tập huấn cho các đối tượng thực hiện CTGDPT 2018, ưu tiên cho giáo viên đảm nhiệm dạy khối lớp 1 vì đây là khối lớp đầu tiên trong cấp học phổ thông thực hiện CTGDPT 2018. Từ đó, hướng dẫn giáo viên tham gia tổ chuyên môn cùng xây dựng kế hoạch cá nhân, kịp thời phát hiện thuận lợi, khó khăn và đề xuất những biện pháp giải quyết khó khăn về chuyên môn, nghiệp vụ khi thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới.

           Thứ sáu là đẩy mạnh công tác truyền thông về giáo dục tiểu học, tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, quán triệt sâu sắc các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và của Bộ GDĐT về đổi mới và phát triển giáo dục. Tuyên truyền những kết quả đạt được để xã hội hiểu và chia sẻ, đồng thuận với các chủ trương đổi mới về giáo dục tiểu học; xây dựng kế hoạch truyền thông, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo, đài địa phương, kịp thời, chủ động cung cấp thông tin để định hướng dư luận, tạo niềm tin của xã hội.

           Tiếp tục thực hiện tốt và hiệu quả công tác truyền thông giáo dục, phối hợp các cấp, các ngành, mọi tầng lớp xã hội, trong đó xác định mỗi giáo viên chủ nhiệm là một cán bộ truyền thông giáo dục bằng nhiều hình thức khác nhau, kết nối giữa giáo viên chủ nhiệm với cha mẹ học sinh, tạo mối liên kết chặt chẽ, đồng thuận cao của cha mẹ học sinh, tăng cường công tác truyền thông đến cộng đồng đặc biệt tạo cho cha mẹ học sinh niềm tin và tin tưởng ở mỗi thầy cô giáo.

           Để chuẩn bị tốt tâm thế cho triển khai Chương trình GDPT mới, trong năm học 2019-2020, mỗi trường tiểu học trên toàn tỉnh từng bước phải tạo ra được diện mạo mới, một bước tiến mới, một dấu ấn mới, mỗi trường tiểu học là một môi trường giáo dục thật sự lành mạnh, dân chủ, an toàn, thân thiện, chất lượng và bình đẳng, tạo ra một “Thương hiệu riêng” của nhà trường để đội ngũ các thầy cô giáo tự hào, tin tưởng, phấn khởi cống hiến cho hoạt động dạy học. Các em học sinh thấy hạnh phúc, tự hào về ngôi trường của mình và luôn cảm nhận được “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” vì luôn được thầy cô bảo vệ.

       Kết quả năm học 2018-2019 là động lực, sự quyết tâm, một bước tiến mới để giáo dục tiểu học Lâm Đồng tiếp tục thực hiện kỷ cương trong dạy học và đánh giá học sinh, việc áp dụng các phương pháp dạy học tích cực là tiền đề để thực hiện chương trình giáo dục tiểu học mới bắt đầu từ lớp 1 năm học 2020-2021 đạt kết quả./.

                                        Nguyễn Duy Hải Trưởng phòng GDTH Sở GDĐT Lâm Đồng

 

Tin tức khác