​​​​​​​Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20/8/1888 – 20/8/2023)

07.08.2023 08:566782 đã xem

     Chủ tịch Tôn Đức Thắng (tên thường gọi Hai Thắng; bí danh Thoại Sơn), người con ưu tú của dân tộc, được nhân dân kính trọng gọi là “Bác Tôn”. Ông sinh ngày 20/8/1888 trong một gia đình có truyền thống yêu nước ở Cù lao ông Hổ, xã Mỹ Hòa Hưng, tổng Định Thành, tỉnh Long Xuyên (nay thuộc thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang); một miền quê giàu truyền thống cách mạng. Thân phụ là cụ Tôn Văn Đề và thân mẫu là cụ Nguyễn Thị Dị, đều là những nông dân cần cù, hiền lành, chất phác. Tôn Đức Thắng là con trai đầu lòng cùng một em trai và hai em gái.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chúc mừng đồng chí Tôn Đức Thắng được Quốc hội bầu giữ chức Phó Chủ tịch nước, năm 1960.

     Bác Tôn là một trong những người chiến sĩ cách mạng xuất sắc thuộc lớp đầu tiên của phong trào công nhân và phong trào giải phóng dân tộc ở nước ta và là người bạn chiến đấu thân thiết, lâu năm của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, dù ở bất cứ đâu, cương vị nào, đồng chí cũng thể hiện nhân cách của người Cộng sản chân chính, luôn khiêm tốn, giản dị, gần gũi, đoàn kết với mọi tầng lớp nhân dân, nhưng vẫn toát lên tinh thần bất khuất, kiên cường của người chiến sĩ cộng sản, một tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời.

Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghe thuyết minh cách đánh B52 trên bầu trời Hà Nội năm 1972.

     Thời niên thiếu Tôn Đức Thắng được học chữ Nho từ người thầy giáo yêu nước là ông Nguyễn Thượng Khách. Thời gian sau đó, đồng chí tiếp tục theo học ở trường tỉnh Long Xuyên và học xong bậc Sơ học vào năm 18 tuổi. Vốn là người có tư chất thông minh, thành thạo tiếng Pháp, giỏi về kỹ thuật cơ khí, lại có tính tự lập cao nên đồng chí bắt đầu cuộc sống làm thợ, hòa mình vào phong trào công nhân từ năm 1907,  khi làm công nhân Nhà máy Ba Son của Hải quân Pháp ở Sài Gòn. Sau đó bị điều động sang Pháp từ 1914 đến 1918, đồng chí tham gia hoạt động cách mạng từ chiến tranh thế giới, làm công nhân quân giới ở Quân cảng Toulon (miền Nam nước Pháp) và làm thợ máy trên chiến hạm France. Ngày 20/4/1919, dưới sự lãnh đạo của Công hội Pháp, đồng chí đã tham gia phản chiến và treo cờ đỏ trên chiến hạm để ủng hộ Cách mạng tháng Mười Nga, tham gia cuộc binh biến của binh sĩ Pháp ở biển Hắc Hải, sau đó bị trục xuất khỏi nước Pháp về lại Việt Nam.

      Năm 1920, lập Công hội bí mật ở Sài Gòn, đây là tổ chức Công hội đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam. Năm 1927, đồng chí tham gia Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội và trực tiếp lãnh đạo phong trào công nhân Sài Gòn - Chợ Lớn. Tháng 12/1928 bị địch bắt ở Sài Gòn. Ngày 26/7/1929, đồng chí bị kết án 20 năm khổ sai. Đêm ngày 2 rạng sáng ngày 3/7/1930, con tàu Armand Roussean của thực dân Pháp lặng lẽ rời Sài gòn đưa Tôn Đức Thắng và một số cán bộ, quần chúng yêu nước đày ra Côn Đảo. Kể từ đó cho đến ngày 18/8/1945, khi Côn Đảo được giải phóng, người tù mang số tù 5289-TF cùng với lời ghi chú trong phiếu quản lý “Phần tử nguy hiểm” đã chứng tỏ nghị lực phi thường, ý chí kiên cường và lòng trung thành vô hạn với cách mạng. 15 năm ở “Địa ngục trần gian” Côn Đảo là quãng thời gian thử thách lớn nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Tôn Đức Thắng nhưng đó cũng là quãng đời đầy vinh quang khi Bác thực sự biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng.

    Khi chuẩn bị được đón về đất liền, Bác Tôn đã lấy một chiếc xuồng cứu sinh trên chiếc tàu Nhật bị đắm trôi dạt vào đảo, hỏng máy để sửa chữa. Bàn tay thợ máy lành nghề của Bác Tôn, dù khi ấy đã 57 tuổi, khôi phục chiếc xuồng - canô này sau một tuần mày mò trong điều kiện thiếu thốn dụng cụ, thiết bị trên đảo. Tiếng máy nổ giòn đánh thức niềm tự hào thủy thủ. Không ngần ngại biển khơi mùa gió, Bác Tôn xuống canô, tự tin cầm lái. Những người đồng đội thân thiết cùng xuống canô với Bác, có 13 đồng chí như: Phạm Hùng, Phan Trọng Tuệ, Lê Văn Lương, Nguyễn Văn Vịnh, Lã Vĩnh Lợi, Trần Diệp, Nguyễn Hùng Minh, Nguyễn Hùng Phước… Do sóng to, gió lớn canô không bám được theo đoàn với 23 chiếc ghe bầu ra đón hơn 1.800 cựu tù chính trị Côn Đảo. Ca nô đã đi vào cửa Mỹ Thanh, cập bến cồn Nóc và sau đó được nhân dân đón tiếp, đưa về tỉnh lỵ Sóc Trăng ngay trong đêm, hội cùng đoàn tại trường Lasan Taberd vào ngày 23/9/1945.

Chủ tịch Tôn Đức Thắng đến thăm công nhân nhà máy Ba Son sau ngày đất nước thống nhất (tháng 11-1975)

    Cuối năm 1945, được sự tín nhiệm cao của Đảng, Bác được Xứ ủy bầu giữ nhiệm vụ Bí thư Xứ ủy, rồi giao phụ trách Ủy ban Kháng chiến Nam bộ và chỉ đạo lực lượng vũ trang, rồi Chủ nhiệm hậu cần của Ủy ban Kháng chiến miền Nam. Bác Tôn cùng tập thể Xứ ủy gấp rút củng cố bộ máy tổ chức và tăng cường đội ngũ cán bộ cho các lực lượng quân, dân, chính đảng nhằm kịp thời đáp ứng cho nhu cầu tác chiến ở thành phố Sài Gòn và các địa phương trên chiến trường Nam bộ trong những ngày đầu kháng Pháp.

    Đặc biệt, ngày 23/12/1945, nhân dân Sài Gòn đã giành được thắng lợi lớn trong việc tiến hành cuộc Tổng tuyển cử. Với sự tín nhiệm cao và lòng quý mến sâu sắc, Bác Tôn đã được đồng bào ta ở Sài Gòn đồng lòng nhất trí bầu làm người đại biểu xứng đáng của mình tại Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam mới. Tháng 2/1946, thay mặt Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng đồng bào Nam bộ danh hiệu vẻ vang “Thành đồng Tổ quốc”. Trong thời điểm lịch sử đó, Bác Tôn được điều động ra Thủ đô Hà Nội để cùng với Bác Hồ và Trung ương Đảng chỉ đạo công cuộc kháng chiến, kiến quốc.

   Từ năm 1946 khi ra miền Bắc Bác Tôn đã lần lượt đảm nhận những trọng trách của Đảng, Nhà nước, Quốc hội: Trưởng ban Vận động thi đua ái quốc Trung ương (1948), Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng (1951), Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Liên Việt (1951), Trưởng ban Thường trực Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1955), Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1960), Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1969) và Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1976). Ngoài ra, Bác còn là Chủ tịch danh dự Ủy ban bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam và là Ủy viên Hội đồng hòa bình thế giới.

    Trong những ngày Bắc đêm Nam, Bác Tôn luôn luôn hướng về mảnh đất “Thành đồng Tổ quốc” và thành phố Sài Gòn với nỗi niềm thương nhớ khôn nguôi. Là người con Nam bộ, thường trực trong Bác luôn dành tình cảm sâu nặng với quê hương, Bác viết: “Trong từng giờ, từng phút, tôi luôn luôn nghĩ đến miền Nam, nơi chôn nhau cắt rốn, đang bị bọn đế quốc và bọn tay sai tàn phá... Tôi muốn được sát cánh với đồng bào trong cuộc đấu tranh, cùng đồng bào chia sẻ những gian khổ hy sinh để giải phóng quê hương yêu dấu” và “nhiều lần đề nghị với Bác Hồ, với Trung ương cho trở về chiến trường để cùng với đồng chí, đồng bào Nam bộ tham gia kháng chiến”(1).…

    Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Tôn Đức Thắng là một tấm gương sáng về lòng trung thành, tận tụy; về tinh thần anh dũng, bất khuất; về đức tính khiêm tốn, giản dị. Trên 70 năm cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc Việt Nam, cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, đồng chí Tôn Đức Thắng vinh dự là người đầu tiên được Quốc hội và Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất của Nhà nước ta, được Đảng, Nhà nước ta trao tặng Huân chương Đại đoàn kết; được Quốc hội nước Cộng hòa nhân dân Mông Cổ trao tặng Huân chương cao quý nhất của Nhà nước Mông Cổ, Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa Cu Ba trao tặng Huân chương Hữu nghị Cu Ba, Đoàn Chủ tịch Xô Viết Tối cao Liên Xô trao tặng Huân chương Lênin - Huân chương cao nhất của Liên Xô,… cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.

    Ngày 30/3/1980, khi Chủ tịch Tôn Ðức Thắng từ trần tại Hà Nội sau một cơn suy tim nặng, thọ 92 tuổi, Thông cáo đặc biệt của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng Cộng sản Việt Nam báo tin cho quốc dân đồng bào, có đoạn đánh giá về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch như sau: “Ðồng chí Tôn Ðức Thắng là nhà yêu nước vĩ đại, người cộng sản kiên cường mẫu mực, người lãnh đạo kính mến của giai cấp công nhân và nhân dân các dân tộc nước ta, người bạn chiến đấu thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người chiến sĩ hết sức trung thành của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế”(2).

    Cảm phục, trân trọng tấm gương của nhà lãnh đạo đầy trách nhiệm trước dân, trước Đảng, một tấm gương thực hành đạo đức cách mạng, tấm gương của sự khiêm tốn, giản dị, liêm khiết, trung thực, chân thành, luôn chí công vô tư, luôn đặt lợi ích của Đảng, của dân lên trên hết, trước hết. Bác Tôn, một con người giản dị bình thường nhưng vĩ đại, Bác vĩ đại là do tấm lòng vĩ đại, do nhân cách vĩ đại và do việc làm suốt đời phục vụ nhân dân, lấy hạnh phúc nhân dân làm hạnh phúc của chính mình. Tư cách đạo đức của Bác Tôn sáng ngời, người con của Cù lao ông Hổ, người thợ của Ba Son, người chiến sĩ ở Hắc Hải và người Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có đạo đức và lối sống vĩ đại. Đúng như đánh giá của nhà sử học Christoph Giebel, tại Khoa Sử Đại học Washington, Hoa Kỳ, một chuyên gia nghiên cứu về Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã nói: “Chủ tịch Tôn Đức Thắng là người khiêm tốn giản dị, sống thật với bản chất và lý tưởng của mình, ông ấy được mô tả là một nhà cách mạng kiểu mẫu. Thật là một người bình thường vĩ đại”(3). Dù ở bất cứ cương vị nào, từ người công nhân bình thường đến Chủ tịch nước, Bác đều có một phong cách sống giản dị, khiêm tốn và đó được xem như là đức tính suốt đời của Bác Tôn. Đồng chí Tôn Đức Thắng luôn nêu cao tấm gương sáng về lòng trung thành, sự tận tụy, mẫu mực, cần, kiệm, liêm, chính, khiêm tốn, giản dị, phấn đấu quên mình để hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó.

    Dù ở những cương vị nào, đồng chí vẫn hết lòng, hết sức tận tụy phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân; vẫn giữ vững những đức tính vốn có của mình, làm nhiều nói ít, ghét sự sang trọng xa hoa. Người yêu lao động trí óc và lao động chân tay, lao động trở thành nhu cầu. Người tổ chức, sắp xếp công việc khoa học, hợp lý, luôn tuân thủ kỷ luật lao động và chế độ công tác. Chủ tịch Tôn Đức Thắng thực sự là một tấm gương tiết kiệm mẫu mực, tiết kiệm trong tiêu dùng hằng ngày, sinh hoạt gia đình,  tiết kiệm của cải đất nước. Người sống liêm khiết, trong sạch, ngay thẳng, chân thành, không tham quyền, cố vị, luôn đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân lên trên hết.

    Thủ tướng Phạm Văn Đồng, trong bài “Bác Tôn - Nhà cách mạng bất tử”, đã viết: “Di sản quý nhất mà đồng chí Tôn Đức Thắng để lại cho nhân dân là chất người Tôn Đức Thắng, sản phẩm tổng hợp của chất hào hiệp Nam bộ, chất kiên cường và tài năng sáng tạo Việt Nam, chất tiên phong của giai cấp công nhân, chất cách mạng của người yêu nước, người cộng sản, chất nhân đạo của con người. Tinh tuý của chất ấy là lòng thương nước, yêu dân, niềm ưu ái với đồng bào, đồng chí; niềm tin sắt đá vào thắng lợi của cách mạng mặc dù mọi khó khăn, gian khổ, tinh thần một lòng, một dạ phục vụ nhân dân, đức chí công vô tư quên mình, sự khiêm tốn, giản dị hồn nhiên, trong sáng”(4).

    Đối với gia đình, Bác Tôn là một người chồng, người cha mẫu mực, vẹn nghĩa thủy chung. Cả cuộc đời hoạt động cách mạng, Bác Tôn cũng chỉ gặp vợ và hai cô con gái một đôi lần. Vợ Bác một mình chu toàn mọi việc, làm hậu phương vững chắc cho chồng yên tâm công tác. Năm 1954, sau 25 năm xa cách, hai Bác mới được hàng ngày sống bên nhau, lúc gặp nhau cả hai Bác đã lớn tuổi, đỡ đần nhau khi đau yếu, bác gái vẫn tự lao động, từ giặt quần áo đến cơm nước, làm được việc gì thì làm không hề sai ai cả… Bác gái Đoàn Thị Giàu qua đời lúc 4 giờ sáng ngày 25/5/1974 tại Quân y viện 108. Từ đó, cứ đúng ngày 25 hằng tháng, bao giờ Bác Tôn cũng đi viếng người vợ yêu quý của mình. Tình nghĩa vợ chồng son sắt, thủy chung của vợ chồng Bác Tôn là một mẫu mực về hạnh phúc gia đình, là tấm gương nhân nghĩa vợ chồng cho chúng ta noi theo.

    Tất cả những điều đó đã tạo ra một nhân cách người cộng sản Tôn Đức Thắng. Năm 1958, phát biểu chúc mừng đồng chí Tôn Đức Thắng sinh nhật lần thứ 70 và vinh dự được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Ðồng chí Tôn Ðức Thắng là một gương mẫu đạo đức cách mạng; suốt đời cần, kiệm, liêm, chính, suốt đời hết lòng hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”.

Chi bộ GDTH-GDMN

Tin tức khác