Mở rộng hợp tác đào tạo với nước ngoài

01.11.20182337 đã xem
Với trên 2.300 HSSV đang theo học trong năm học 2018-2019 này tại 6 khoa chuyên môn (gồm Công nghệ thông tin, Điện - điện tử, Cơ khí động học, Du lịch , Kinh tế, Nông nghiệp và sinh học ứng dụng) và 2 khoa cơ bản (Khoa Khoa học cơ bản và Khoa Dạy nghề), CĐN Đà Lạt hiện có tất cả các bậc đào tạo từ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng đến liên kết đào tạo liên thông bậc đại học với rất nhiều trường đại học trong nước.

Với trên 2.300 HSSV đang theo học trong năm học 2018-2019 này tại 6 khoa chuyên môn (gồm Công nghệ thông tin, Điện - điện tử, Cơ khí động học, Du lịch , Kinh tế, Nông nghiệp và sinh học ứng dụng) và 2 khoa cơ bản (Khoa Khoa học cơ bản và Khoa Dạy nghề), CĐN Đà Lạt hiện có tất cả các bậc đào tạo từ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng đến liên kết đào tạo liên thông bậc đại học với rất nhiều trường đại học trong nước. 

Tất cả những khoa này, theo ông Nguyễn Văn Hải, Phó Hiệu trưởng CĐN Đà Lạt, trong nhiều năm nay đều hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thực hiện đào tạo nghề tại trường và mối quan hệ hợp tác này ngày càng sâu rộng, chặt chẽ. 

Cụ thể, theo ông Hải, trường đã có mối quan hệ với gần 300 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để đào tạo nghề cho HSSV trong tất cả các khâu từ xây dựng chương trình đào tạo, tham gia đào tạo, tạo môi trường cho HSSV thực tập, kiểm tra, đánh giá lẫn tiếp nhận làm việc.

Trong xây dựng chương trình đào tạo, đến nay việc tham gia của các doanh nghiệp với trường được xem như bắt buộc tại các khoa. 

Trên định hướng đó, nhà trường mời các doanh nghiệp tham gia trong công tác đào tạo thông qua việc mời người đến dạy thỉnh giảng. Giáo viên thỉnh giảng cũng chính là các thành viên quan trọng trong hội đồng giám khảo chấm thi trong các kỳ thi, đặc biệt trong các kỹ năng thực hành. Chẳng hạn như với kỹ năng bếp, nhà trường cho biết lâu nay đã mời các bếp trưởng của những cơ sở, đơn vị doanh nghiệp lớn, có trình độ, có bằng cấp đến cùng tham gia đánh giá với trường trong các kỳ thi tốt nghiệp nghề của HSSV. 

Và cũng căn cứ vào cam kết giữa trường với các doanh nghiệp, những đơn vị này sẽ nhận và tạo điều kiện cho HSSV của trường đến thực tập, rèn luyện tay nghề tại đơn vị mình. Hằng năm, số lượng thực tập sinh của trường này, theo ông Hải là rất lớn, nhất là đến thực tập tại các cơ sở sửa chữa ô tô, nhà máy điện, các khách sạn lớn, các nông trại...

Chính nhờ kinh nghiệm thực tập tại các doanh nghiệp nên HSSV trường có mối quan hệ với doanh nghiệp, biết cách làm việc trong thực tiễn và đồng thời qua thực tập, doanh nghiệp cũng đánh giá được tay nghề của từng HSSV. Theo Phó Hiệu trưởng Nguyễn Văn Hải, 95% HSSV của trường trong nhiều năm nay khi tốt nghiệp đã tìm được việc làm đúng chuyên môn, đúng với ngành học của mình.

Và cũng chính nhờ vào sự hợp tác với doanh nghiệp, chú trọng đến nhu cầu lao động thực tiễn trong xã hội nên theo ông Hải, chất lượng đào tạo nghề của trường đã không ngừng được nâng lên trong những năm gần đây. Tại cuộc thi tay nghề HSSV cấp quốc gia năm 2018 vừa qua, CĐN Đà Lạt trong sự cạnh tranh quyết liệt của các trường nghề toàn quốc, đã giành được 3 Huy chương Đồng trong kỹ thuật chế biến món ăn, công nghệ ô tô và phát triển phần mềm. Trường sau đó đã có 2 HSSV được tập trung huấn luyện để thi tay nghề Đông Nam Á.

Mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế 

Trong vài năm nay, CĐN Đà Lạt đã liên kết với Học viện Chisholm của Úc để đào tạo công nghệ sinh học tại trường. Theo chương trình liên kết này, SV của CĐN Đà Lạt khi tốt nghiệp có thể sang Úc để học liên thông chương trình đào tạo này tại Học viện. 

Không dừng ở đây, theo ông Hải, nhà trường gần đây đã liên kết thêm với một số trường nghề ở Úc để hợp tác đào tạo trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn và sắp đến sẽ đào tạo thêm một số ngành nghề khác nữa.

Trường cũng đã làm việc với nhiều trường nghề lẫn các trường đại học tại 3 quốc gia gồm Nhật, Hàn Quốc và Singapore để liên kết đào tạo, nghiên cứu khoa học, các trường này đến nay đã công nhận chương trình đào tạo của CĐN Đà Lạt. Điều này có nghĩa, HSSV của trường, theo ông Hải, khi tốt nghiệp nếu muốn có thể tiếp tục liên thông tại các trường của các quốc gia này theo chương trình liên kết hay cũng có thể tham gia thị trường lao động tại các nước này nếu đáp ứng được điều kiện về ngoại ngữ. 

Riêng với Nhật, trường vừa qua đã liên kết để mở Trung tâm Nhật ngữ Sanko ngay tại trường với giáo viên Nhật đứng lớp, HSSV nhà trường có thể tham gia các khóa học tiếng Nhật tại đây để khi tốt nghiệp và đạt chuẩn về ngôn ngữ có thể tiếp tục học tại Nhật hoặc đi làm việc tại quốc gia này.

Trước mắt, trong năm học này, theo ông Hải, Ban Giám hiệu trường đã làm việc với tỉnh để tiếp nhận du học sinh Lào sang học tại đây, đặc biệt là với 2 tỉnh có quan hệ với Lâm Đồng lâu nay là Chămpasak và Bolykhămsay. Theo chương trình hợp tác này, ngay đầu năm học 2018-2019 sẽ có 4 du học sinh từ 2 tỉnh này sang học công nghệ sinh học và du lịch.

VIẾT TRỌNG

Tin tức khác