Dấu ấn tranh tường “Bản hùng ca đất Việt”

01.11.20186519 đã xem
Dân tộc Việt Nam, trải qua hàng ngàn năm lịch sử, thực sự là một dân tộc anh dũng trong chiến đấu chống kẻ thù xâm lược, cần cù, sáng tạo trong xây dựng đất nước.

Dân tộc Việt Nam, trải qua hàng ngàn năm lịch sử, thực sự là một dân tộc anh dũng trong chiến đấu chống kẻ thù xâm lược, cần cù, sáng tạo trong xây dựng đất nước. Hiểu biết về lịch sử nước nhà không chỉ để tự hào và tôn vinh những giá trị tốt đẹp của dân tộc mà còn là cách thể hiện niềm tri ân sâu sắc với cha ông mình trong quá khứ. Giáo dục truyền thống dân tộc vì thế đóng vai trò quan trọng trong nền giáo dục quốc dân.

      Trong quá trình hội nhập quốc tế, nền văn hóa dân tộc đứng trước những vận hội và thử thách lớn. Hiện tượng xa rời truyền thống trong giới trẻ đã được Đảng thẳng thắn thừa nhận trong nhiều văn kiện, gần đây nhất là Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng, đạo đức cách mạng, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015-2030”. Chương trình Chuyển động 24h trên VTV1 có một phóng sự ngắn phản ánh thực trạng hiểu biết của giới trẻ về lịch sử nước nhà. Trong đó, người dẫn chương trình hỏi một số học sinh, từ Tiểu học đến THPT, đại loại rằng: Quang Trung – Nguyễn Huệ là ai? Câu trả lời làm ngỡ ngàng những người luôn tâm huyết với lịch sử và văn hóa dân tộc. Một anh hùng dân tộc “áo vải cờ đào” nức tiếng cổ kim, mà học trò ngày nay còn nhầm lẫn nghiêm trọng như thế, thực sự là đáng buồn, đáng xót xa, đáng suy ngẫm! Đó cũng là một hồi chuông gióng lên trong dư luận, đặc biệt là giới trẻ về sự thiếu hiểu biết nghiêm trọng đối với lịch sử dân tộc. Đó không chỉ là một thực trạng, đó là một nguy cơ hiển hiện về sự quên lãng dẫn đến vĩnh viễn đánh mất những giá trị!
emoticon 

     Thực trạng trên đặt công tác dạy và học môn Lịch sử trong nhà trường và việc tổ chức các hoạt động nhằm giáo dục truyền thống vào vị trí hạt nhân của chương trình giáo dục, hướng tới xây dựng một thế hệ học sinh mới giàu lý tưởng sống với đạo đức cách mạng.

Nằm trong mục tiêu tổng quát ấy, trường THPT số 1 Bắc Hà đã thiết kế, xây dựng công trình mang tên “Bản hùng ca đất Việt”.

     Về hình thức, công trình này là một bức bích họa (tranh tường) với tổng chiều dài khoảng 30 mét, bao gồm những bức tranh nhỏ, tái hiện quá trình phát triển của lịch sử dân tộc Việt Nam, từ huyền thoại về nguồn gốc “Con Rồng cháu Tiên”, đến những trang sử chống ngoại xâm chói lọi: chiến thắng Bạch Đằng năm 938, ba lần thắng giặc Nguyên - Mông xâm lược, chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”,…

     Bức bích họa còn mô tả những chiến công của thời đại Hồ Chí Minh, từ sự kiện Bác Hồ tìm đường cứu nước, đến Hội nghị thành lập Đảng, sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chiến thắng Điện Biên Phủ, Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975. Những anh hùng dân tộc, người đã góp phần quan trọng làm nên những chiến công oanh liệt xuất hiện tại trung tâm các bức tranh: Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, Hồ Chí Minh,…

     Đặc biệt, bức bích họa còn dành riêng những không gian để mô tả truyền thống văn hóa của người Việt, từ sự tích “Bánh Chưng, bánh Giày” đến truyền thuyết Thánh Gióng, từ áng thơ thần “Nam quốc sơn hà” đến buổi Nguyễn Trãi viết “Đại cáo bình Ngô”,…

Bức tranh trải theo chiều dài lịch sử, kết tinh bề sâu văn hóa. Đó là lịch sử được nhìn dưới góc độ văn hóa. Lịch sử và văn hóa giao hòa, hội tụ, tạo nên vẻ đẹp của tinh hoa truyền thống dân tộc. Kết thúc là hình ảnh chiến sỹ hải quân Việt Nam hiên ngang đứng gác bầu trời biển đảo quê hương với câu đối nhắc nhở mỗi người dân đất Việt về chủ quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm của Tổ quốc:

“Cột đá thề, thề giữ vững núi sông, sông núi ôm dáng hình đất Việt

Lời tâm nguyện, nguyện canh chừng trời biển, biển trời mang khí phách anh hùng”

     Hệ thống những bức tranh trải dài theo dòng lịch sử đã giúp các em học sinh của trường THPT số 1 Bắc Hà tìm hiểu lịch sử một cách tự nhiên. Bởi, về bản chất, những hình ảnh trực quan sinh động là một hoạt động Trải nghiệm sáng tạo mang lại hiệu quả thiết thực. Đây không chỉ là học lịch sử bằng tranh, sinh động và gần gũi, dễ nhớ do tác động trực quan, sản phẩm còn thể hiện tinh thần, kỹ năng làm việc hợp tác, tương trợ của tập thể giáo viên và học sinh nhà trường. Hơn thế nữa, những tác phẩm hội họa đó là thể hiện sự tài hoa của các “họa sỹ” không chuyên. Nơi ghi dấu của môi trường giáo dục thân thiện, nơi mọi tài năng được phát hiện, bồi dưỡng và cống hiến vì lợi ích chung của cộng đồng.

Tin tức khác