Đổi mới hoạt động thanh tra giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo
Nhằm đổi mới nâng cao chất lượng GD&ĐT, năm học 2014-2015, hoạt động thanh tra của Sở GD&ĐT đã có nhiều đổi mới tích cực góp phần thiết thực giúp công tác giáo dục trên địa bàn tỉnh Hưng Yên thực hiện có hiệu quả các mục tiêu nhiệm vụ công tác giáo dục đặt ra.
Một trong những nội dung được chú trọng là tăng cường tính chuyên nghiệp trong hoạt động thanh tra theo Luật Thanh tra để đạt mục đích. Cùng với việc củng cố, kiện toàn đội ngũ, ngay từ đầu năm học mới, 100% cán bộ đã được tập huấn, bồi dưỡng về nghiệp vụ thanh tra; thường xuyên tổ chức nghiên cứu, trao đổi chuyên môn, cập nhật những văn bản mới liên quan đến hoạt động chuyên môn. Từ đầu năm đến nay đội ngũ cán bộ thanh tra đã đề xuất nhiều sáng kiến nâng cao hiệu quả công tác thanh tra: Xây dựng hoàn thiện quy trình thanh tra cho từng đối tượng, hệ thống văn bản làm việc mẫu giúp hoạt động thanh tra chặt chẽ hơn, tiết kiệm thời gian, chi phí.
Việc đổi mới đã mang lại hiệu quả tích cực trong hoạt động thanh tra giáo dục năm học 2014-2015 đó là: tăng cường tự thanh tra, kiểm tra đi đôi với tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục. Thanh tra Sở GD&ĐT và các cơ quan thanh tra nhà nước có thẩm quyền tập trung thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục. Năm học 2014-2015 đã tiến hành thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành tại 40 cơ sở giáo dục (THPT: 09; TCCN: 01; Phòng GD&ĐT: 05; THCS: 08; TH: 11; MN: 06). Qua thanh tra, đã yêu cầu kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm người đứng đầu, cá nhân để xảy ra thiếu sót, sai phạm; thu hồi nộp ngân sách nhà nước số tiền gần 60 triệu đồng và yêu cầu một số trường học trả lại số tiền đã thu không đúng quy định.
Năm học 2014-2015, thanh tra Sở đã tăng cường phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thanh tra theo phân cấp quản lý nhà nước về giáo dục. Hướng dẫn phòng GD&ĐT thực hiện việc kiểm tra theo quy định, không thực hiện chức năng thanh tra mà phối hợp với Thanh tra Sở, thanh tra huyện để thực hiện việc thanh tra về giáo dục trên địa bàn, đồng thời tăng cường kiểm tra theo chức năng, nhiệm vụ quy định tại Nghị định số 115/2010/NĐ-CP của Chính phủ.
Với những nỗ lực trên, năm học 2014-2015, công tác thanh tra, kiểm tra có bước chuyển biến rõ nét về chất; hoạt động thanh tra từng bước được đổi mới, hiệu quả theo tinh thần của Nghị định số 42/2013/NĐ-CP của Chính phủ; kết quả, kết luận thanh tra có tác động tích cực đến hệ thống, làm chuyển biến hoạt động của cơ sở giáo dục. Công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo được thực hiện nghiêm túc, đúng pháp luật. Với kết quả đã đạt được, công tác thanh tra của ngành GD&ĐT đã được Bộ GD&ĐT công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Năm học 2015-2016, hoạt động động thanh tra, kiểm tra sẽ tiếp tục được đổi mới mạnh mẽ từ Sở đến Phòng GD&ĐT và tự kiểm tra của các cơ sở giáo dục. Nội dung đổi mới cần được thể hiện như sau:
Một là, hoạt động thanh tra đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng được yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; tăng cường thanh tra công tác quản lý nhà nước về giáo dục và các vấn đề dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, đồng thời chú trọng việc thực hiện hiệu quả các kiến nghị, kết luận xử lý sau thanh tra.
Hai là, chuyển từ thanh tra chuyên môn sang thanh tra quản lý; không thực hiện thanh tra hoạt động sư phạm của nhà giáo một cách độc lập, tránh chồng chéo với việc đánh giá nhà giáo theo chuẩn nghề nghiệp hàng năm. Đoàn thanh tra vẫn có thể dự giờ một số giáo viên, nhưng mục đích chính là để đánh giá đối với công tác quản lý của Hiệu trưởng.
Ba là, các phòng GD&ĐT tích cực, chủ động phối hợp với Thanh tra huyện trong hoạt động thanh tra, đồng thời tăng cường kiểm tra theo chức năng, nhiệm vụ quy định tại Nghị định số 115/2010/NĐ-CP.
Bốn là, tăng cường tự kiểm tra đi đôi với tăng quyền tự chủ tự, chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục