Võ karate góp phần quan trọng giáo dục thể chất

05.05.20221262 đã xem

    Tại Đại hội Thể dục thể thao ngành Giáo dục tỉnh Lâm Đồng năm 2022 vừa diễn ra tháng 4/2022, trong số 12 bộ môn thi, môn karate có số lượng vận động viên (VĐV) là học sinh và lực lượng trọng tài là giáo viên đông nhất; gồm trên 200 học sinh tiểu học, THCS, THPT (chiếm khoảng 20% trong tổng vận động viên) và giáo viên chiếm khoảng 50%. “Điều này cho thấy, nhiều đơn vị đã chú trọng công tác giáo dục thể chất (GDTC), thể thao trường học, từng bước củng cố đẩy mạnh công tác này ngày một chuyên nghiệp và hiệu quả hơn” -  ông  Nguyễn Quốc Túy, thành viên Ban Tổ chức Đại hội, Trưởng Phòng Giáo dục Trung học phát biểu tại lễ bế mạc.

 

Hơn 200 VĐV là học sinh tham gia môn karate tại Đại hội TDTT ngành Giáo dục Lâm Đồng năm 2022

 • SỰ PHÁT TRIỂN BỞI NHU CẦU TỰ THÂN 

      Karate bén duyên với địa phương tỉnh Lâm Đồng khởi nguồn từ lớp võ karate đầu tiên tại Đà Lạt, do huấn luyện viên Nguyễn Quốc Túy mở năm 1986 tại Trường cấp 2-3 Xuân Trường. Võ sinh chủ yếu là những học sinh phổ thông trên địa bàn. Những võ sinh của lứa đầu tiên ấy sau này nhiều người đã trở thành những VĐV xuất sắc và những HLV kỳ cựu của làng võ karate trong và ngoài tỉnh. Trong đó, có VĐV Trần Anh Minh giành huy chương Vàng karate đầu tiên của Lâm Đồng tại Giải vô địch quốc gia môn karate năm 1991 tại Hà Nội.

      Năm 1990, Hiệp Hội Karate Lâm Đồng được thành lập (năm 2012, thành lập Liên đoàn Karate Lâm Đồng). Từ đó, bộ môn này phát triển rộng khắp, trở thành một trong những trung tâm karate của cả nước, tham gia nhiều giải quốc gia và mang về nhiều huy chương cho tỉnh. Nổi bật là VĐV Nguyễn Thị Kim Lan đã giành huy chương Vàng vô địch tuyệt đối ở Cúp các câu lạc bộ mạnh toàn quốc năm 2001 và được phong Kiện tướng. Đến nay, karate Lâm Đồng đã có bề dày trên 35 năm phát triển, 12 huyện, thành phố trong tỉnh đều có phong trào tập luyện karate với khoảng 30 câu lạc bộ karate, gần 2.000 võ sinh tham gia tập luyện. Trong đó, riêng nôi karate Đà Lạt có 5 câu lạc bộ với hơn 300 võ sinh đang theo học. Đội ngũ HLV và hướng dẫn viên karate toàn tỉnh hiện có hơn 30 người, trong đó, có 16 HLV từ tam đẳng đến lục đẳng. Trong số đó, phải kể đến những gương mặt tiêu biểu đang công tác trong ngành Giáo dục, đào tạo như: Nguyễn Quốc Túy - lục đẳng, Phó Chủ tịch thường trực Liên đoàn Karate Lâm Đồng, Trưởng Phòng Giáo dục Trung học (Sở Giáo dục và Đào tạo-GDĐT); Lê Vĩnh Đắc - Lục đẳng, Phó Chủ tịch Liên đoàn, giáo viên Trường THPT Bùi Thị Xuân; Trương Minh Thắng - ngũ đẳng, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Tri Phương, Bảo Lộc;...

 • VÕ ĐƯỜNG - TRƯỜNG HỌC VÀ SỰ BẮT NHỊP VỚI CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC MỚI 

      Với đặc điểm thuận lợi ở chỗ, đa số các HLV tại các huyện và thành phố ở Lâm Đồng xuất thân là nhà giáo từ cấp tiểu học đến cán bộ Sở GDĐT và giảng viên đại học nên hầu hết võ sinh là học sinh, sinh viên. Theo đó, karate phát triển mạnh trong các trường học và các kỳ Hội khỏe Phù Đổng môn võ karate thường có số võ sinh thi đấu đông nhất; giải karate của tỉnh, lực lượng trọng tài chủ yếu cũng là các giáo viên. Ông Nguyễn Quốc Túy cho biết: “Lực lượng HLV karate trong tỉnh chủ yếu là xuất phát từ Võ đường Nghĩa Dũng Việt Nam, có trụ sở tại Huế. Tôn chỉ của Nghĩa Dũng karate là thông qua Karate để giáo dục thế hệ thanh thiếu niên, “võ đường là trường học”. Tập luyện karate để có sức khỏe tốt, đồng thời, rèn luyện tính kỷ luật, tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, lòng thương yêu và ý chí mạnh mẽ nhằm trở thành những công dân có ích cho đất nước. Tôn chỉ này đã được tiếp nối hiệu quả tại các câu lạc bộ Nghĩa Dũng Karate Lâm Đồng, được phụ huynh và học sinh đón nhận và ủng hộ”. Một số nhà trường đưa môn karate là môn tự chọn cho học sinh hoặc đưa vào sinh hoạt câu lạc bộ hiệu quả như: THPT Đức Trọng; THCS-THPT Xuân Trường; THPT Lộc Phát; THPT Chuyên Thăng Long. 

      Những ưu thế nêu trên là điều kiện rất thuận lợi để ngành Giáo dục Lâm Đồng thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới. Theo Thông tư 32/2018 của Bộ GDĐT, ngày 26/12/2018, bộ môn GDTC đóng vai trò quan trọng khi trở thành môn bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 12. Chương trình GDTC chia thành hai giai đoạn, giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12). Cả hai giai đoạn đều có nội dung thể thao tự chọn, gồm các môn thi đấu ở các giải Hội khỏe Phù Đổng, các giải quốc gia và quốc tế. Karate là một trong số các môn này. “Đây là cơ hội thuận lợi để karate tiếp tục phát triển trong trường học, góp phần tạo sân chơi bổ ích cho học sinh, sinh viên rèn luyện kỷ năng sống, sức khỏe, phẩm chất đạo đức cho học sinh, sinh viên; đồng thời, giúp các em tránh xa những tệ nạn xã hội đang len lỏi vào nhà trường”, ông Nguyễn Quốc Túy đánh giá.

      Nhà giáo, Thạc sĩ vật lý, võ sư Nguyễn Quốc Túy cũng chia sẻ với chúng tôi về thầy giáo khả kính của mình - nhà giáo, võ sư Nguyễn Văn Dũng: Thầy luôn tâm đắc với triết lí “văn không võ là văn nhu nhược, võ không văn là võ bạo tàn”. Vì vậy, thầy tôi luôn yêu cầu môn sinh của mình thể hiện sự trung thực, dũng cảm nhưng phải đầy nhân ái, vị tha, không chỉ trên võ đường mà cả trong cuộc sống. Điều này cũng trở thành một phương châm sống và làm việc hiệu quả cho tôi trong 20 năm trực tiếp dạy học và hơn 15 là cán bộ của Sở GDĐT tỉnh Lâm Đồng. Nhà giáo Nguyễn Quốc Túy nói thêm: “Điều quan trọng là kể từ bấy đến nay, tôi đã có thể yên lòng nối dài những tâm huyết của thầy trong việc mang “võ” vào với “văn”; mang những phẩm chất tốt đẹp của võ thuật vào công việc “trồng người”. Giáo dục học sinh đòi hỏi nơi người thầy ngoài tâm hồn nhân văn của một “nhà thơ” như tình yêu thương, vị tha và độ lượng, còn cần sự nghiêm khắc, trung thực, dám đương đầu và chịu trách nhiệm, những phẩm chất của một người “chiến sĩ”. Giáo dục là chuyện của “trăm năm”, nhưng theo tôi dù ở bất cứ giai đoạn nào, những phẩm chất nêu gương của người thầy vẫn đóng vai trò quyết định”.

 MINH ĐẠO

Theo Báo Lâm Đồng. http://baolamdong.vn/xahoi/202205/vo-karate-gop-phan-quan-trong-giao-duc-the-chat-3114640/

Tin tức khác