Thuốc lá điện tử trong học đường

29.11.20236572 đã xem

   Thực trạng hút thuốc lá điện tử (TLĐT) ở Việt Nam, đặc biệt trong giới trẻ đã trở nên báo động. Gánh nặng kép vừa hút thuốc lá điện tử vừa hút thuốc lá truyền thống đã và đang đe dọa sức khỏe của người dân nói chung và giới trẻ nói riêng.

   Tại hội thảo khoa học chia sẻ kết quả nghiên cứu về tình hình sử dụng thuốc lá trong học sinh 13 - 15 tuổi ở Việt Nam năm 2022, do Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 26/12/2022, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết tình hình sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trong giới trẻ đang có xu hướng gia tăng.

   Tỉ lệ hút thuốc lá điện tử trên 15 tuổi tăng từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020, tập trung ở nhóm tuổi 15 - 24, chiếm 7,3%. Ở nhóm tuổi học sinh từ 13 - 15, tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử là 3,5%, trong đó học sinh nam là 4,3% và học sinh nữ là 2,8%.

   Việc sử dụng thuốc lá mới như TLĐT, thuốc lá nung nóng, shisha… ngày càng phổ biến trong giới trẻ, làm gia tăng tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong học sinh, sinh viên. Đặc biệt, tỷ lệ học sinh bị ảnh hưởng hút thuốc lá thụ động trong trường học còn cao do một số nơi chưa thưc hiện nghiêm túc các quy định về cấm hút thuốc lá trong trường học.

   Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, học sinh, sinh viên hút thuốc lá không còn xa lạ. Tại một số cổng trường, các quán cà phê đông người chúng ta sẽ bắt gặp nhóm học sinh còn mặc đồng phục của trường vô tư hút, nhả khói thuốc lá điện tử sành sỏi, có lúc còn chuyền tay nhau sử dụng chung. Hỏi em N.Q.T, sinh viên một trường đại học cho biết “Thuốc lá điện tử rất dễ mua trên mạng, bất cứ ai cũng mua được; còn ở trường hút cũng không ai nhắc nhở, chỉ là ý thức mình hút ở chỗ nào mà thôi, ra quán cà phê thì thoải mái”.

   Bác sĩ Đặng Văn Minh - Trưởng Phòng khám Đa khoa CDC cho biết: Trong các loại thuốc lá chủ yếu là chất Nicotine, nên sử dụng TLĐT rất có hại cho sức khỏe bản thân người hút, ảnh hưởng đến những người xung quanh và cũng là nguyên nhân dẫn đến bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hóa…

   Trong TLĐT có hàm lượng Nicotine thấp hơn thuốc lá thông thường; tuy nhiên, nó lại có chất độc gây co mạch, gây tổn thương cho cơ thể; điều quan trọng là bản chất của Nicotine là chất gây nghiện, người chưa sử dụng thuốc lá bao giờ, nếu sử dụng thuốc lá điện tử sẽ nghiện Nicotine, từ đó dễ chuyển sang nghiện thuốc lào, thuốc lá thông thường.

   Bên cạnh chất gây nghiện Nicotine còn có rất nhiều tạp chất khác như: Chất tạo mùi, hương thơm, mùi… các hóa chất đi vào cơ thể gây tổn thương đường hô hấp, giảm chức năng đường hô hấp, có thể gây hen phế quản, tắc nghẽn mãn tính, nguy cơ dễ bị nhiễm trùng đường hô hấp, giảm chức năng miễn dịch, gây nguy cơ bệnh lý mạch vành, nhồi máu cơ tim, rối loạn vị giác… và khi sử dụng thay đổi các mùi, hương, vị liên tục, mỗi chất sẽ gây nên các bệnh khác nhau mà chúng ta không thể biết được.

   Nguy hiểm hơn, khi sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới còn gây ảnh hưởng lớn đến lối sống của giới trẻ, với hậu quả như: Rối loạn về nhận thức và cảm xúc, giảm khả năng học tập, rối loạn tâm thần… Đặc biệt, những thay đổi do Nicotine gây ra trong hệ thần kinh khiến người dùng ở nhóm tuổi này dễ bị nghiện Nicotine hơn. Vì vậy sức khỏe sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng trong tương lai, bác sĩ Minh cho biết thêm.

   Để hạn chế tối đa vấn nạn TLĐT ở lứa tuổi vị thành niên, gia đình đóng vai trò vô cùng quan trọng, bố mẹ cần dành thời gian quan tâm, lắng nghe tâm tư con và giám sát các hoạt động trong cuộc sống của con trên cơ sở tôn trọng, tránh dẫn đến các hành vi chống đối do bị áp đặt. Gia đình cũng nên phối hợp với nhà trường để tìm hiểu sinh hoạt, mối quan hệ của con để kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường. Khi phát hiện những dấu hiệu bất thường, gia đình cần liên hệ với bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý để con được điều trị sớm.

   Bên cạnh đó, vai trò giáo dục của nhà trường cũng là yếu tố quan trọng để trẻ vị thành niên không bị sa đà vào những thói hư tật xấu, tệ nạn xã hội. Nhà trường cần giáo dục cho học sinh nhận thức được các chất gây nghiện và các tác hại do sử dụng chất gây nghiện; gắn biển phòng, chống hiểm họa của thuốc lá tại cổng trường, hành lang lớp học; tổ chức cho học sinh ký cam đoan không hút thuốc lá; tăng cường các hoạt động ngoại khóa để giải tỏa căng thẳng sau giờ học; chú trọng công tác phối hợp chặt chẽ giữa bố mẹ và nhà trường cùng với sự chung tay của xã hội thì tình trạng hút TLĐT sẽ sớm được loại bỏ khỏi môi trường học đường.

   Phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác kiểm tra, nghiêm cấm việc mua bán, quảng cáo, tiếp thị các thành phẩm có hình ảnh liên quan đến thuốc lá tại trường học. Qua đó, xây dựng một thế hệ trẻ vị thành niên khỏe mạnh và trở thành nhân tố tương lai góp phần cho sự phát triển của xã hội, đất nước.

KIM CÚC – Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Lâm Đồng

 

Tin tức khác