Thiết thực chương trình tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh

03.05.2022682 đã xem

Trong tháng 4/2022, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Tỉnh Đoàn tổ chức các đợt tư vấn thị trường lao động và tư vấn tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp năm 2022 cho các em học sinh tại các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh. Thông qua chương trình, các em đã nắm bắt được thông tin về thị trường lao động; được giải đáp những băn khoăn, thắc mắc về tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp năm 2022, để định hướng chọn trường, chọn nghề phù hợp với sở trường, điều kiện của bản thân.

 NHIỀU CÂU HỎI ĐƯỢC GIẢI ĐÁP

     Chương trình đã được tổ chức tại các huyện, thành phố, gồm: Lâm Hà, Đà Lạt, Bảo Lộc và Đạ Tẻh. Tại các buổi tư vấn đều có sự tham gia của các chuyên gia là đại diện các trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn tỉnh. Tham gia chương trình tư vấn năm nay, các em học sinh có nhiều băn khoăn, thắc mắc cần được giải đáp trước khi đưa ra quyết định quan trọng có tính chất bước ngoặt của cuộc đời. Nhiều câu hỏi đã được đặt ra như: Nên chọn học đại học hay chọn học nghề? Phương thức tuyển sinh của các trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn tỉnh? Phương thức tuyển sinh và cách nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển? Học phí học nghề? Điều kiện học tập, thực hành của các trường như thế nào? Cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp ra sao? Sự khác biệt cơ bản giữa đào tạo trình độ đại học và trình độ cao đẳng? Cơ hội đi thực tập, lao động ở nước ngoài đối với nhóm ngành sức khỏe? Điều kiện xét tuyển chung của các trường? Chính sách ưu đãi, đãi ngộ của các trường? Việc làm sau khi tốt nghiệp các trường trung cấp, cao đẳng? Học sinh dân tộc thiểu số có được hưởng chế độ ưu đãi khi theo học tại các trường cao đẳng, trung cấp và có được đảm bảo sau khi ra trường? Đi xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ những gì?... Tất cả các băn khoăn, thắc mắc của các em đã được các chuyên gia tư vấn giải đáp cặn kẽ, thấu đáo.

      Ngoài ra, tại các buổi tư vấn, các trường cao đẳng, trung cấp còn chuẩn bị các gian hàng giới thiệu sản phẩm của các ngành nghề nhà trường đang đào tạo. Tại đây, các trường phải biểu diễn kỹ năng nghề, để người học hiểu rằng, học nghề là học kỹ năng nghề, đào tạo giáo dục nghề nghiệp là đào tạo kỹ năng nghề. Thông qua các gian hàng, các em học sinh có thêm hiểu biết về đặc điểm lao động, tính chất nghề nghiệp, qua đó, giúp các em có định hướng về nghề nghiệp tương lai. Tham gia buổi tư vấn, em Nguyễn Hoàng Như, học sinh lớp 9, Trường THCS&THPT Lê Quý Đôn, Đạ Tẻh cho biết: Em thấy chương trình rất hữu ích, giúp em hình dung được những ngành nghề đang thiếu hụt để từ đó có sự lựa chọn phù hợp hơn.

     Có thể nói, chương trình tư vấn thị trường lao động và tuyển sinh năm nay đã có nhiều nét mới, đưa được nhiều thông tin đến cho người học về thị trường lao động. Chương trình cũng khuyến khích thanh niên ở các khu vực xã, phường thông qua đoàn thanh niên để tham gia, nhằm nắm bắt cơ hội, vì thị trường lao động đang rất thiếu hụt công nhân từ trình độ cao đẳng trở xuống, đặc biệt là công nhân kỹ thuật qua đào tạo. Riêng tại TP Đà Lạt, Ban Tổ chức còn mời các đơn vị có đào tạo về chủ đề số, công nghệ thông tin, tin học như Công ty TMCP NaMi CG làm về 3D và đang nhắm đến thị trường lao động Đà Lạt.

      Các trường cao đẳng cũng đã tuyên truyền được thế mạnh liên quan đến các ngành nghề trong tỉnh đang sử dụng nhiều lao động và cần nhiều lao động qua đào tạo, như ngành nghề du lịch, dịch vụ du lịch, các ngành nghề về công nghệ sinh học, nông nghiệp công nghệ cao và các ngành nghề mà các trường cao đẳng của tỉnh được đầu tư đạt chuẩn quốc gia và quốc tế. Từ đó, tư vấn, hỗ trợ cho học sinh lớp 9 để nghiên cứu học và phân luồng sang các ngành nghề mới của xã hội như nhóm ngành nghề logistics, nhóm ngành nghề cơ khí, nhóm ngành điện, kế toán trung cấp...

 LAO ĐỘNG QUA ĐÀO TẠO MỚI ĐÁP ỨNG 20%

      Theo đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, thị trường lao động đang đứt gãy, mà người lao động, công nhân lao động được học từ lớp 9 đến lớp 12 chưa có một động thái nào xoay chuyển; đặc biệt là các cấp quản lý chính quyền cũng chưa quan tâm đúng mức, đầy đủ. Chúng tôi rất mong các địa phương, các ngành và các cơ quan quản lý chuyên ngành phải sẵn sàng tích cực tham gia vào để phát triển nhân lực cho ngành và lĩnh vực mình quản lý, để đặt hàng cho cơ quan thực hiện nghiệp vụ đào tạo như ngành Giáo dục - Đào tạo, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội về nhiệm vụ giáo dục nghề nghiệp. Cơ sở đào tạo sẽ lấy cơ sở này để hoạch định, xây dựng kế hoạch tổ chức đào tạo và phát triển chương trình năng lực đào tạo đáp ứng đào tạo lao động hội nhập với thị trường lao động và cạnh tranh lao động. 

      Cũng theo đại diện lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, thị trường lao động cả nước nói chung và tỉnh Lâm Đồng nói riêng đang rất thiếu hụt và cần một lượng lớn lao động có trình độ tay nghề qua đào tạo trên tất cả các lĩnh vực. Lao động qua đào tạo nghề từ trình độ sơ cấp trở lên để cung ứng cho thị trường lao động mới chỉ đáp ứng khoảng 20% so với nhu cầu tuyển dụng hiện nay. Tuy thiếu hụt về lực lượng lao động, song thị trường lao động đang ngày càng khắt khe và đòi hỏi người lao động không ngừng học tập, trau dồi kỹ năng để đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng. Bên cạnh những ngành nghề truyền thống thì nhiều ngành nghề mới được tổ chức đào tạo để đáp ứng sự phát triển của khoa học, công nghệ và nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Riêng tỉnh Lâm Đồng đang cần gần 11.000 lao động có tay nghề ở các lĩnh vực như du lịch, điện tử, điện dân dụng, nông nghiệp, sửa chữa máy móc, công nghệ ô tô, y học, công nghệ thông tin, nghiệp vụ nhà hàng… Năm 2022, tỉnh Lâm Đồng đang thiếu hơn 4.600 lao động có tay nghề thuộc các lĩnh vực. Trong khi đó, 7 trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng với 80 ngành nghề đào tạo và đang thực hiện nhiệm vụ đào tạo hàng năm trên 30.000 lao động cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng, tham gia xuất khẩu đến nhiều quốc gia.

      Có thể thấy, học trung cấp, cao đẳng tại các trường thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp đang có nhiều cơ hội và lợi thế cho thanh niên, học sinh cuối cấp lựa chọn để sẵn sàng vào đời sớm như chính sách hỗ trợ học tập của Nhà nước, học phí thấp, thời gian chương trình đào tạo ngắn, với chủ yếu trên 70% thực hành; người học được thực hành trực tiếp trên thiết bị hiện đại phù hợp với thị trường lao động, tham gia thực tập thực tế tại doanh nghiệp để sớm tiếp cận với nghề đào tạo. Và thực tế cho thấy, cơ hội việc làm đang có nhiều thuận lợi sau khi học trung cấp, cao đẳng, không chỉ tại Lâm Đồng mà là bức tranh chung của thị trường lao động cả nước là thiếu hụt lao động có kỹ năng nghề đáp ứng cho nhu cầu nhà tuyển dụng. Các em có thể học hết lớp 9 là tham gia học trung cấp, chương trình 9+ để sau 3, hoặc 4 năm đạt trình độ cao đẳng và cũng đảm bảo cơ hội để học tiếp lên bậc đại học nếu có nhu cầu.

 

NHẬT MINH

Theo Báo Lâm Đồng. http://baolamdong.vn/xahoi/202205/thiet-thuc-chuong-trinh-tu-van-dinh-huong-nghe-nghiep-cho-hoc-sinh-3114338/

 

Tin tức khác