Sở GDĐT: Hội thảo, chuyên đề Bài học STEM trong trường tiểu học

03.11.20232586 đã xem

   Ngày 03/11/2023, tại Trường Tiểu học Quảng Lập huyện Đơn Dương, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thảo, chuyên đề bài học STEM trong trường tiểu học.

Toàn cảnh Hội thảo

   Mục đích tập Hội thảo, chuyên đề nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý và giáo viên về vai trò và ý nghĩa của giáo dục STEM trong thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học; tháo gỡ các khó khăn, chia sẻ các giải pháp, phương pháp, hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục STEM; bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản lý, tổ chức hoạt động giáo dục STEM cho giáo viên trong các cơ sở giáo dục tiểu học; thực hiện hiệu quả các hoạt động giáo dục STEM nhằm hỗ trợ, tăng cường giáo dục Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán, Tin học và Nghệ thuật; tạo hứng thú, khơi gợi niềm say mê học tập, giúp học sinh khám phá tiềm năng của bản thân, khám phá khoa học, công nghệ, phát huy tính tích cực sáng tạo và vận dụng vào giải quyết vấn đề trong thực tiễn cuộc sống.

Ông Nguyễn Duy Hải Trưởng phòng GDTH và GDMN chủ trì Hội thảo

   Tham gia Hội thảo có 150 đại biểu gồm Phòng GDTH và GDMN Sở GDĐT; lãnh đạo, chuyên viên Phòng GDĐT các huyện, thành phố, đại diện CBQL, tổ trưởng chuyên môn, giáo viên tiểu học.

   Tại chương trình Hội thảo, các đại biểu dự giờ 2 tiết Bài học STEM môn chủ đạo Khoa học lớp 4, môn tích hợp Toán, Công nghệ và Âm nhạc, tiếp theo 2 tiết dạy minh họa; Trường Tiểu học Quảng Lập báo cáo nội dung triển khai, quá trình tổ chức bài học STEM, các đại biểu thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm.  

   Thông qua các hoạt động tiết dạy minh họa, ý kiến, thảo luận của các đại biểu, ông Nguyễn Duy Hải Trưởng phòng GDTH - GDMN Sở GDĐT đã trao đổi, bổ sung, triển khai một sồ nội dung cụ thể thống nhất thực hiện. Đối với giáo dục tiểu học, giáo dục STEM được triển khai qua 3 hình thức chủ yếu gồm: Bài học STEM; Hoạt động trải nghiệm STEM; Làm quen với nghiên cứu khoa học, kỹ thuật.

   Năm học 2023-2024 là năm đầu tiên triển khai kế hoạch hoạt động giáo dục STEM trong giáo dục tiểu học, do đó tập trung triển khai hiệu quả hình thức Bài học STEM và được thể hiện trong kế hoạch giáo dục nhà trường và tổ chuyên môn. Theo kế hoạch đã ban hành, Phòng GDĐT huyện Đức Trọng, Di Linh, Lâm Hà, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc triển khai tại 5 trường tiểu học; các Phòng GDĐT còn lại tùy theo tình hình thực tế lựa chọn 1 đến 2 trường trọng điểm để triển khai thực hiện. Đến năm học 2024-2025 triển khai thực hiện 100% các trường tiểu học đảm bảo chất lượng và yêu cầu theo quy định.

   Dạy học các môn học theo bài học STEM là hình thức tổ chức dạy học thực hiện tích hợp nội môn hoặc liên môn. Đây là hình thức triển khai giáo dục STEM chủ yếu trong nhà trường nhằm thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học. Nội dung và yêu cầu cần đạt của bài học STEM bám sát yêu cầu cần đạt của các môn học/hoạt động giáo dục trong Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học. Thời lượng tổ chức thực hiện bài học STEM được xây dựng dựa trên thời lượng các môn học/hoạt động giáo dục có liên quan đến bài học STEM một cách khoa học, linh hoạt, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi học sinh, không gây quá tải, áp lực đối với học sinh và giáo viên.

   Tiến trình thực hiện Bài học STEM dựa trên quy trình thiết kế kỹ thuật hoặc quy trình khám phá khoa học với các hoạt động học phù hợp với đối tượng học sinh và sử dụng các thiết bị dạy học cấp tiểu học theo quy định của Bộ GDĐT đã ban hành cùng các đồ dùng học tập của học sinh trong các môn học/hoạt động giáo dục; sử dụng các vật tư, vật liệu dễ tìm, sẵn có đối với giáo viên và học sinh. Khuyến khích sử dụng các nguồn tài nguyên số bổ trợ, thí nghiệm ảo, mô phỏng, phần mềm, có thể dễ dàng truy cập sử dụng trong và ngoài lớp học để giúp học sinh chủ động trong học tập.

  Đánh giá học sinh trong bài học STEM được thực hiện như quy định về kiểm tra, đánh giá theo Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học. Căn cứ vào yêu cầu cần đạt của bài học STEM, giáo viên thực hiện đánh giá học sinh dựa trên các phương pháp chủ yếu như quan sát, vấn đáp, đánh giá qua hồ sơ học tập, các sản phẩm, hoạt động của học sinh. Khi đánh giá, cần coi trọng đánh giá quá trình (đánh giá thường xuyên) động viên sự tiến bộ của học sinh, tạo sự tự tin và hứng thú học tập cho học sinh.

 

                           Phòng GDTH và GDMN

 

 

Tin tức khác